Saturday, 8 July 2023

CHUYỆN DẠY VĂN HỌC VĂN / KỲ 5 (Nguyễn Thông)

 



Chuyện dạy văn học văn (kỳ 5)   

Nguyễn Thông

7-7-2023  04:28   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0yHoLDaP7wNpng6yncatyfU2tEgLL8F6cDkGcJdccA4EnsHHnSdMgX1tUDJboiKyBl&id=100024722048900

 

Vẫn chuyện dạy văn học văn của ròng rã mấy chục năm, từ thập niên 50 đến thập niên 90 thế kỷ trước.

 

Như nhà cháu đã kể, môn văn trong nhà trường xã hội chủ nghĩa chả khác gì môn chính trị. Giá trị văn học bị xem nhẹ, thậm chí tước bỏ, để thay vào đó những nội dung, chủ đề, đề tài mang màu sắc chính trị, phục vụ chính trị. Ai đời, tác phẩm văn chương được đưa vào sách giáo khoa lại là thứ chả văn chương chút nào, kiểu như “Nay ở trong thơ nên có thép/Nhà thơ cũng phải biết xung phong”, “Đau khổ chi bằng mất tự do/Đến buồn đi ỉa cũng không cho”, “Em ơi ra mà xem kìa mây bay/Lớp lớp trên nền trời đuổi giặc/Tốp đi đầu in hình quân xâm lược…/Chiến tranh nhân dân là vô địch/Sẽ đi vào quần chúng học thuyết ta”, “Dọn tí phân rơi, nhặt từng ngọn lá/Mỗi hòn than mẩu sắt cân ngô”, “Ngói mới trăm nơi cùng cửa sổ/Xây lên không khí những tòa gương”, v.v..

 

Ta cứ thử so những câu chễm chệ trong sách giáo khoa ấy, với một câu bất chợt chẳng hạn “Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá/Sư cụ nằm chung với khói mây” (Nguyễn Khuyến), hoặc “Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò” (Tú Xương) thì thấy khác nhau một trời một vực.

 

Dạy cái gì, ra đề thế ấy. Bị nhồi nhét món “vỏ văn ruột chính trị” suốt mười mấy năm phổ thông và đại học nên tôi biết rõ kiểu cách ra đề của nhà trường xã hội chủ nghĩa. Quanh đi quẩn lại vẫn chuyện bắt học trò bình luận, bình giảng, phân tích, giải thích, chứng minh mấy câu: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, “Nay ở trong thơ nên có thép/Nhà thơ cũng phải biết xung phong”, “Hạnh phúc là đấu tranh”, “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”, “Không có con người mới thì không có chủ nghĩa xã hội”…, gần như chả bao giờ người ta ra cái đề thuần văn chương và nhân văn kiểu “vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ qua hình tượng Thúy Kiều”.

 

Đọc những đề bài kiểm tra, thi, thi tốt nghiệp, thi học sinh giỏi ở miền Bắc những năm chưa xa, có cảm giác đó là đề thi của trường đảng, trường chính trị, trường Nguyễn Ái Quốc, chứ không phải cho nhà trường phổ thông. Trường học và môn văn ở miền Bắc đã biến lũ học trò thành đảng viên khi chúng bắt mũi chưa sạch. Nhưng như thế thì người ta mới tạo ra được “lớp cha trước, lớp con sau/đã thành đồng chí chung câu quân hành” để kéo nhau vào “giải phóng” miền Nam.

 

Văn chính trị là thứ dễ chấm nhất bởi nó chỉ cần đúng đường lối, hợp tư tưởng của đảng, nhà nước, không đặt nặng những yếu tố cảm xúc, nghệ thuật, cách khai thác tìm tòi, sự độc đáo… của người viết. Trong tích cũ có kể lại một ông mù chấm văn khéo lắm. Bài nào do người tử tế viết, ổng ngửi bảo văn này được, thơm thơm. Bài do kẻ nịnh nọt, xấu xa, nham hiểm viết, ổng ngửi qua rồi xua tay thối thối, thối không chịu được. Chấm ngửi nhưng chính xác tuyệt đối, chả sai bao giờ.

 

Chuyện thi cử môn văn ở xứ này đầy điều lạ. Học tủ, học vẹt, tầm chương trích cú, tư duy robot nên không khó hiểu khi chỉ 3 tiếng đồng hồ mà viết gần 22 trang hoặc 16 - 17 trang. Các cụ xưa từng đúc kết “dài, dãi, dại”. Rồi người ta khen tụng bài thi này điểm 10, bài thi kia nếu có điểm 11 cũng xứng đáng. Thực ra, người ta cố tình không hiểu, muốn 2 thì có 2, muốn 100 cũng sẽ có 100, đã bảo là chấm văn cơ mà. Còn để biết bài ấy có hay hay không, cứ cho đăng công khai lên mạng lên báo thì biết ngay (tất nhiên phải đăng bản gốc, đừng có qua tay biên tập).

 

Thời chúng tôi, sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp lớp 10 (tốt nghiệp phổ thông) hằng năm, hoặc kỳ thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc, những bài hay nhất, điểm cao nhất, được giải… đều được công bố lập tức, in thành sách. Những tên tuổi Nguyễn An Định, Đỗ Tương Như, Nguyễn Văn Thạc, Trần Nho Thìn, Bùi Việt Thắng, Cao Vũ Trân, Đoàn Đức Phương… là thứ kỷ niệm thật đáng nhớ của thời học văn những năm xa ấy. Dĩ nhiên, hay của thời văn định hướng thôi, chứ theo “chuẩn” bây giờ chưa chắc đã hay. (còn tiếp)

 

Nguyễn Thông

 

Ảnh chống trôi: https://www.facebook.com/photo/?fbid=1470332137134174&set=a.133382914162443

Một bài học trong sách môn văn của phe cách mạng, năm 1953 (nguồn: Internet)

 

.

29 BÌNH LUẬN  

 

 

                                                                ***

 

Chuyện dạy văn học văn (kỳ 4)   

Nguyễn Thông  (Nguyễn Thông Cào)

5-7-2023  03:37    

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0313oMRB8FvbZEhfNGivsKwot6ak1pB6cPW4zL9yMcLiURnwKmCjtqpwbYbZyNJrY4l&id=100024722048900

 

Cuộc sống luôn vận động và biến đổi, tại sao môn văn trong nhà trường xã hội chủ nghĩa lại ì ra, giống như nửa thế kỷ trước? Không nhất thiết cứ phải thay đổi hết, có những tác phẩm hay vẫn cần giữ lại, những bài thơ Các vị la hán chùa Tây Phương, Tre Việt Nam, truyện ngắn Một lần tới thủ đô, Lặng lẽ Sa Pa... chẳng hạn; nhưng những thứ quá cũ kỹ, nhất thời như Vợ nhặt, Tắt đèn, Thư nhà, Hòn đất, Sống như anh, Bất khuất, Nhật ký trong tù, thơ Tố Hữu, Xuân Diệu... thì nên đưa vào bảo tàng được rồi. Cũng như bài “Lê nin trong hiệu cắt tóc” vậy, chỉ hợp với lứa tuổi sinh ra trước 1975, chứ bắt bọn trẻ bây giờ học, chúng nuốt làm sao trôi.

 

Chương trình lạc hậu, nội dung cũ kỹ, cách dạy dở, mục đích nhồi nhét, và nhất là thói chính trị hóa văn học, hỏi làm sao môn văn hay được, làm sao thu hút được học trò.

 

Nói tới văn, phải bàn đến cả tiếng Việt. Chưa khi nào nhà trường, trong đó môn văn đóng vai trò quan trọng nhất về tiếng Việt, lại thải ra xã hội, ra đời sống thứ “sản phẩm con người” kém dở tiếng Việt như bây giờ. Nhiều ông to bà lớn không đủ khả năng diễn đạt một ý bình thường, nói năng lủng cà lủng củng, ề à, dây cà dây muống. Rất nhiều văn bản của nhà nước, chính phủ, quốc hội không chuẩn về ngữ pháp tiếng Việt, không biết đặt câu, câu què câu cụt, tối nghĩa, sai trầm trọng. Không ít giáo sư tiến sĩ, học hàm học vị đầy mình, danh kêu như mõ nhưng tiếng Việt chỉ trình độ i tờ, vỡ lòng, tập chép. Còn đám nhà báo nhà văn thì thôi rồi, câu cú sai be bét, dùng từ, đặt câu như kẻ ngủ mê, không hiểu gì về thành phần của câu, đặt cái tít có vài ba chữ cũng thành trò cười cho thiên hạ. Chương trình văn trong nhà trường nặng mùi chính trị và xem nhẹ tất cả chuẩn mực đã tạo ra thứ sản phẩm lỗi ấy.

 

Thời thuộc Pháp, mà người cộng sản gọi là chế độ thực dân Pháp và lên án nó đủ mọi điều, xứ này từng có một nền giáo dục ưu việt, đỉnh cao. Người Pháp đã đào tạo nên một đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo thuộc hàng đấng bậc, tên tuổi lẫy lừng. Ở góc nhìn rất bình thường, ta có thể nhận thấy dù chỉ một đứa trẻ con học bậc tiểu học, hay nhà bác học, nhà văn, nhà khoa học, không người nào dùng sai tiếng Việt. Chữ viết thì tuyệt đẹp, trăm người như một, dù học ở Cao Bằng Lạng Sơn hay Bạc Liêu Cà Mau (chỉ trừ một trường hợp cá biệt chữ quá xấu, tôi không tiện nói). Ở họ, câu cú đâu ra đấy, từ ngữ chuẩn xác, diễn đạt dễ hiểu, rõ ràng và giàu cảm xúc. Không tin, các ông bà cứ đọc hết những tác phẩm của Trần Trọng Kim, Phan Khôi, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nhất Linh, Thạch Lam, Khái Hưng… mà xem, khó bắt bẻ, nhặt lỗi. Đúng là vang bóng một thời, vàng son như thế có nhẽ không bao giờ trở lại. Còn nguyên nhân là gì, vì sao, do ai, không cần nói bởi hầu như ai cũng biết. (còn tiếp)

 

Nguyễn Thông

 

Ảnh chống trôi: https://scontent-iad3-1.xx.fbcdn.net/v/t39.30808-6/358390830_1469048767262511_4915274735209941916_n.jpg?_nc_cat=102&cb=99be929b-59f725be&ccb=1-7&_nc_sid=730e14&_nc_ohc=0ur1VA6x-AIAX_HSH7M&_nc_ht=scontent-iad3-1.xx&oh=00_AfAwG9NTH3EcE8V_TCK4A-loF_sXlKet9f_kgfKjoJPcPw&oe=64ACCF91

Một trang sách Tập đọc lớp 2 thời kháng chiến chống Pháp sặc mùi thù hận. (nguồn: Internet)

 

.

90 BÌNH LUẬN

 

                                                             ***

 

Chuyện dạy văn học văn (Kỳ 3)   

Nguyễn Thông  (Nguyễn Thông Cào)

3-7-2023  04:11   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02zmxoAr8XxEX1gg5qt21grsp77fZB1hBzbBoRZfUYJhV8YutByAmymuioRoY39rCAl&id=100024722048900

 

Thời tôi đi học, kể từ cấp 1 đã nghe người nhớn nói với nhau “văn dĩ tải đạo”, còn bé nên chả hiểu, tới lúc nhớn thì lờ mờ rằng đó là thứ quan điểm về văn chương của người xưa. Đại loại văn để chở đạo, còn đạo là gì thì rộng lắm. Thày tôi bảo lớn rồi hiểu. Lên cấp 2, học lớp 7, hỏi thầy Phất, thầy nói đạo không phải chỉ những lời dạy của Khổng tử, Mạnh tử đâu, mà bất cứ cái gì vì con người, bênh vực con người đều đạo cả. Văn chứa những thứ ấy mới là văn. Tôi về hỏi lại thày, thày gật.

 

Nhưng trong nhà trường xã hội chủ nghĩa lại khác. Suốt mấy chục năm (còn bây giờ thế nào thì tôi không rõ lắm) người ta chỉ nhét vào môn văn (cả ở trường học lẫn xã hội) thứ đạo chính trị, đạo cộng sản. Những tác phẩm nào phù hợp với đạo này thì được đưa vào sách giáo khoa để dạy cho học trò. Đối với văn học cổ, văn học dân gian, người ta cũng chỉ chọn lọc chỗ nào, nội dung nào có tác dụng chính trị, phù hợp với đường lối, tư tưởng cộng sản. Ví dụ, truyện Kiều họ chỉ chọn những phần chống phong kiến, lên án chế độ phong kiến, theo quan điểm phản đế phản phong. Truyện Kiều lừng danh như vậy nhưng học trò chỉ học “Thúy Kiều mắc lừa Hồ Tôn Hiến”, “Mã Giám Sinh mua Kiều”, “Trước lầu Ngưng Bích”, còn bao nhiêu cái hay cái đẹp khác (mới là chính) của tác phẩm lừng danh này bị lược bỏ. Ngay GS Lê Đình Kỵ nghiên cứu rất sâu về truyện Kiều cũng chỉ đặt vấn đề “Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du” dưới góc độ… cách mạng.

.

Hôm rồi, dư luận xôn xao về đề thi văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Mà chê là phải, tới thời này còn lôi “Vợ nhặt” ra thi, lại chọn đúng đoạn dở nhất. Nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện nhắc đến cái công thức dạy, học và ra đề của môn văn xứ này bao nhiêu năm không thay đổi là “Yêu, căm, chiến, lạc, Dậu, Phèo, Pha”. Luôn khuyên học trò đừng học tủ nhưng dạy và ra đề thường chỉ có bấy nhiêu. Sau này họ có thêm bớt, thay đổi chút chút nhưng dường như vẫn quẩn quanh trong cái vòng kim cô do đảng cột ấy.

 

Thời tôi học cấp 2, cấp 3, môn văn-chính trị chỉ xoáy vào 2 vấn đề chính: chiến tranh cách mạng và chủ nghĩa xã hội. Trải qua 2 cuộc chiến tranh thì nội dung về chiến tranh là đương nhiên, nào chủ nghĩa anh hùng cách mạng, yêu nước, căm thù giặc, chiến đấu hy sinh, tinh thần lạc quan, ta thắng địch thua, vẻ đẹp người chiến sĩ. Tác phẩm quanh đi quẩn lại chỉ Bất khuất, Sống như anh, Người mẹ cầm súng, Hòn đất, Dấu chân người lính, Trận phố Ràng, Một lần tới thủ đô, Vợ chồng A Phủ, thơ Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi… Nội dung chủ nghĩa xã hội thì tập trung vào vẻ đẹp cuộc sống mới, con người mới, ai thắng ai, làm chủ tập thể, ca ngợi hợp tác xã, phê phán cái tôi cá nhân chủ nghĩa, thể hiện tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình, với Cái sân gạch, Mùa lạc, Quê hương, Lặng lẽ Sa Pa, Anh Keng, Cỏ non, thơ Huy Cận, Hoàng Trung Thông, Xuân Diệu, và tất nhiên lại Tố Hữu bởi chỗ nào Tố Hữu cũng chiếm chỗ.

 

Lâu nay, thiên hạ thường nghĩ chỉ bộ máy tuyên truyền, tuyên huấn tuyên giáo, báo chí mậu dịch làm cái việc “đem bục công an đặt giữa trái tim người/bắt mọi người phải ngược xuôi/theo đúng luật đi đường nhà nước” (Lê Đạt), chính trị hóa bộ não và trái tim con người ta, nhưng thực ra chưa phải, chưa đủ. Chính đám sách giáo khoa môn văn môn sử của cộng sản mới là thứ thuốc nhuộm não, thuốc phiện ghê gớm nhất, làm cằn cỗi tư duy và tâm hồn con người ngay từ ghế nhà trường. Vào đời, mang thứ kiến thức lú lẫn ấy nên phần đông chỉ u u mê mê. (còn tiếp)

 

Nguyễn Thông

 

.

12 BÌNH LUẬN 

 

                                                           ***

 

Chuyện học văn làm văn (kỳ 2)   

Nguyễn Thông  (Nguyễn Thông Cào)

30-6-2023  10:51   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0k34sUpc1wvZFTdzjs1N7Nb7j6iyMo4UvuMTf6TY3ZMb7LFhpD2myszcxRTzNtUXzl&id=100024722048900

 

Tôi gắn bó với môn văn của chế độ này đã lẩu lầu lâu nên quá rành về nó. Kể từ khi học cấp 2 rồi cấp 3 (hệ 10 năm), tiếp đó mài đũng quần ở khoa văn 4 năm rưỡi, rồi dính ngay nghề dạy học gần 2 chục năm nữa, còn gì mà chẳng “ở trong chăn mới biết chăn có rận”.

 

Những ai ở miền Bắc trước năm 1975 trải qua các cấp học phổ thông (hồi ấy, từ cấp 1 tới cấp 3, tức từ lớp 1 đến hết lớp 10, gọi chung là hệ phổ thông, để phân biệt với hệ bổ túc văn hóa; cũng như đại học có hệ chính quy, khác với hệ tại chức, chuyên tu) đều hiểu môn văn trong nhà trường nó là thứ văn gì. Sau nhiều năm thời thế thay đổi, cho tới nay, về cơ bản môn văn vẫn vậy. Nói ngắn gọn thì, không có văn học văn chương đúng nghĩa trong nhà trường xã hội chủ nghĩa, mà chỉ có văn học cách mạng, văn học chính trị. Một thứ văn học què quặt, thiển cận, phiến diện, méo mó, phi nghệ thuật, bị chính trị chi phối đến mức thảm hại. Một thứ văn học sống sượng phục vụ tuyên truyền, giết chết nghệ thuật.

 

Từ hồi học cấp 1, cũng đã lâu quá rồi nên tôi không nhớ cụ thể lớp mấy nữa, ngoài một số bài khá hay, rất văn chương, kiểu “Trung thu độc lập”, “Cây tre” của Thép Mới, vài bài thơ của Huy Cận, Định Hải, thì người ta nhét vào sách tập đọc (bây giờ gọi là sách giáo khoa tiếng Việt) những tác phẩm tuyên truyền sống sượng cho chế độ, cho đảng, bắt trẻ con phải ê a học thuộc. Tới giờ tôi vẫn thuộc, nào là “Nông dân đã nói thì làm/Đã đi phải đến đã bàn phải thông/Đã quyết là quyết một lòng/Đã phát là động đã vùng là lên/Đã lật lật dưới lên trên/Đã chuyển là chuyển bốn bên chân trời”, hoặc bài “Đón tin hòa bình”, trong đó có “Cầm vàng còn nghĩ ai cho/Tin này tạc dạ bác Hồ tóc sương/Gian lao mấy chục năm trường/Gian lao tranh đấu dẫn đường cho dân/Tin này là nghĩa tương thân/Liên Xô, Trung Quốc ân cần giúp ta”, hoặc bài “Tôi lớn trong lòng chế độ ta/Đời như bừng nở vạn nhành hoa/Lòng trai hăm hở dồn tay búa/Tôi góp mồ hôi dựng nước nhà/Rưng rưng lệ đọng dưới hàng mi/Mẹ nắm tay tôi giọng thầm thì/Thày mày sống đến ngày nay nhỉ/Tôi biết mẹ tôi muốn nói gì”. Cứ như vậy, loại thơ văn sặc mùi chính trị, biết ơn đảng bác ấy đã ám vào bao thế hệ tuổi thơ, biến bọn trẻ thành những cụ non.

 

Học lên cấp 2, cấp 3, định hướng chính trị trong môn văn ngày càng khủng khiếp, nặng nề. Bao nhiêu tác phẩm lớn của gần nghìn năm văn học dân tộc chỉ được lướt qua như cưỡi ngựa xem hoa. Đám học trò gần như chỉ biết hơi ky kỹ về truyện Kiều, Hịch tướng sĩ, Nam quốc sơn hà, chứ những đỉnh cao Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, thơ Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến… lướt thôi. Mà người ta có gán các đấng bậc ấy vào sách giáo khoa cũng cốt phê phán tư tưởng phong kiến lạc hậu, hạn chế này nọ. Thơ mới, rồi văn chương Tự lực văn đoàn giai đoạn 1930 - 1945 với Nhất Linh, Khái Hưng bị xóa sổ. Ngay cả văn học hiện thực mà họ đặt tên là văn học hiện thực phê phán cũng chỉ mấy tên tuổi Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng. Họ rút phép thông công Vũ Trọng Phụng, coi như rác rưởi; những Thạch Lam, Lê Văn Trương họ không cho bén mảng. Mà nói đâu xa, họ đã ghét ai thì tác phẩm của người ấy dù hay đến mấy cũng không có chỗ trong nền văn học nói chung, sách giáo khoa nói riêng. Những Hoàng Cầm, Trần Dần, Hữu Loan, Quang Dũng là nhân chứng của một thời đối xử tệ hại với văn chương. Cộng sản không thích khen ai ngoài khen họ. Ai không đi chung ý nghĩ với họ thì họ coi là kẻ thù, ghét đào đất đổ đi. Mười năm học hệ phổ thông, đứa học trò rút cục cũng chỉ quanh quẩn biết về thơ Hồ Chí Minh, Tố Hữu, sau nữa là Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Giang Nam, Thanh Hải…, văn thì cũng lòng vòng trong mấy tác phẩm Người mẹ cầm súng, Sống như anh, Bất khuất, Hòn đất, Đất nước đứng lên, Dấu chân người lính…

 

Người ta dạy văn nhưng chỉ cốt làm tuyên giáo trong nhà trường, thông qua công cụ sách giáo khoa. Nói như ông Hoàng Ngọc Hiến, đó là thứ văn học phải đạo, còn nhà văn Nguyễn Minh Châu gọi là thứ văn học minh họa. Văn học trong nhà trường ở miền Bắc, nói cho cùng, đã giết chết biết bao nhiêu giá trị văn học, làm nghèo và hủy hoại biết bao nhiêu tâm hồn thơ trẻ. (còn tiếp)

 

Nguyễn Thông

 

Hình : https://www.facebook.com/photo/?fbid=1466030530897668&set=a.133382914162443

 

.

108 BÌNH LUẬN 

 

Nguyen Huong

Hèn chi hỏi bất cứ ai ngoài bắc về Tự lực văn đoàn họ đều không biết. Trong khi đó hs miền nam chỉ mới lớp 6 đã quá rành. Hs miền nam học môn kim văn.cổ văn .lịch sử suốt 12 năm cắp sách đã tích lũy được biết bao kiến thức khi tiếp xúc với những tác phẩm hay.những nhà văn.nhà nghiên cứu lịch sử kiệt xuất. Hoàn toàn không có kiểu văn chương thù hận.tuyên truyền. Nghĩ lại thấy hs miền nam chúng tôi vô cùng may mắn đã được sống và học hành dưới thời hoàng kim của nền giáo dục VNCH. Tôi thuộc lứa tuổi...xui xẻo. Đoạn đời cắp sách bị vắt ngang 2 chế độ. Đang học ngon trớn bỗng rơi tõm xuống cái lỗ hổng kiến thức. Nhất là môn văn. Kiểu gì học cũng không vô với cái món văn chương cách mạng. Đây là lý cho tôi hay bị điểm gậy môn văn.đội sổ môn sử. Đi học bị đội sổ nhiều khi cũng vui.

.

Thi Trinh

Tôi kém bác Thông đúng 1 giáp, là "nạn nhân trọn vẹn" của "nền" văn học đó. Tôi tốt nghiêp PTTH năm 1984. May mà nhà có nhiều sách để đọc, tự thoát ra khỏi :"yêu, căm, chiến, lạc, Dậu, Phèo, Pha". Giờ nghĩ lại thấy "công cuộc" nhồi sọ ,tẩy não ghê thật!

 

                                                         ***

 

Chuyện học văn làm văn   

Nguyễn Thông  (Nguyễn Thông Cào)

28-6-2023  04:23    

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid08iWEGQvfRzWH8oJDunYfRhXzbUvaArZ65uLpV3BsAUh2xLydtrrpPrATsay1R5qgl&id=100024722048900

 

Nhân chuyện thiên hạ đang lời ra tiếng vào về đề thi môn văn, về bài văn dài 22 trang... nhà cháu ngẩn ngơ nhớ lại chuyện dạy văn, học văn, làm văn, thi văn những năm chưa xa.

 

Trong các môn học ở nhà trường, văn luôn được coi là môn chính, cùng với toán. Thậm chí ngày xưa, xưa xửa xừa xưa, chỉ học mỗn môn văn, bắt đầu từ “nhất là một, nhị là hai” rồi tam tự kinh, rồi đến tứ thư ngũ kinh, cứ thuộc kinh sách như cháo, sôi kinh nấu sử thật nhừ là có thể đi thi, giành lấy cái bảng vàng trạng nguyên bảng nhỡn. Chả cần toán lý hóa sinh siếc gì cho mệt.

 

Văn mặc nhiên được coi là thứ tiêu chuẩn để đánh giá con người, cả về tri thức và đạo đức. Hồi xưa khen nhau, ai đó được xếp vào hạng “văn hay chữ tốt” không khác gì bây giờ được phong giáo sư tiến sĩ, anh hùng, huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu nhân dân này nọ.

 

Hồi tôi bắt đầu đi học (thực ra chả muốn học, chỉ muốn chơi hoặc đi đánh dậm, nhưng thày bu cứ ép, bảo “nhân bất học bất tri lý, ấu bất học lão hà vi” – người mà không học không biết được lẽ đời, lúc còn trẻ con mà không đi học, rồi khi già làm được trò gì). Bu còn đèo thêm, nó không đi học, sắm cho nó cái cặp tre và cái giỏ để đi nhặt cứt, sau này nhớn lên cũng chỉ ra Phòng đạp xích lô như cậu Đại là cùng. Chả là trong làng có ông Đại, nhà nghèo, mấy anh em không học hành gì, ông có hai anh là ông Bình, ông Vọng đều ra Phòng đạp xích lô, 3 anh em xích lô chuyên nghiệp. Tôi không sợ theo ông Đại, còn muốn ra Phòng tung tẩy là khác, nhưng hãi phải đi nhặt cứt.

 

Từ cấp 1 tới đại học (hê hê, loại cứng cổ rắn đầu biếng học như tôi mà cũng đại học) thập niên 1960 - 1970, tôi chỉ học văn. Thực ra không học văn cũng chả biết học gì bởi nhà cháu đây rất dốt toán lý hóa sinh ngoại ngữ. Cả đời không làm được bài toán số học khó nào (chỉ cộng tiền là giỏi), toán quỹ tích, hình học không gian, tính hóa trị, toán gien sinh học lại càng không. Chỉ thạo nghề chép lại quay cóp bài của bạn. Có 7 cái hằng đẳng thức đáng nhớ, học suốt 3 tháng không thuộc, không ứng dụng được vào làm toán. Bảng tuần hoàn của Mendeleev dán đầy tường nhà chỉ để trang trí, không biết chất nào ở vị trí nào, số mấy, ký hiệu ra sao. Vậy nhưng có nhẽ ăn ở hiền lành, đập con cá rô để rán cũng ngại nó chết đau đớn, được trời phật độ nên thoát hết các kỳ thi, hết cấp 1 thì vào cấp 2, hết cấp 2 lên cấp 3, xong cấp 3 vào đại học, tốt nghiệp đại học thì đi làm và... nghèo cho tới giờ. Nguyên do, chỉ thạo mỗi môn văn. Giờ vẫn không hiểu tại sao mình lại tốt nghiệp phổ thông (cấp 3, hết lớp 10) khi chưa hề làm được nửa bài toán quỹ tích.

 

Các cụ bảo “một nghề cho chín, hơn chín mười nghề”, nói thế thôi, chín nghề văn chỉ có từ toi đến toi. Kiếp sau, nếu thày bu lại ép đi học, hoặc trốn hẳn, hoặc sẽ chuyển sang môn toán, quyết không chép bài quay cóp nữa. Cả đời theo đòi học văn, có lẽ điều may mắn duy nhất là được làm trò của các đấng bậc tài giỏi, như thầy Ngô Minh Phất (Trường cấp 2 Thụy Hương), thầy Tòng, cô Diệp, cô Nga (Trường cấp 3 Núi Đối, Kiến Thụy, Hải Phòng), và đặc biệt các thầy cô Đinh Gia Khánh, Đỗ Đức Hiểu, Trần Đình Hượu, Nguyễn Tài Cẩn, Bùi Duy Tân, Đỗ Hồng Chung, Lê Hồng Sâm, Hoàng Như Mai, Hà Minh Đức, Nguyễn Kim Đính… Học các thầy giỏi, nhưng ra đời cho tới giờ vẫn chỉ là kẻ tầm thường và nghèo, đó tại lỗi của bản thân chứ không phải của các thầy. (còn tiếp)

 

Nguyễn Thông

 

.

61 BÌNH LUẬN  

 

 

Tom Nguyen

Nguyễn Thông,

Khó tin anh chỉ khá/giỏi Văn và dốt tất cả môn học khác mà vẫn thi đậu Phổ thông.

Ở miền Nam thì trung học thi tú tài 1(lớp 11) và tú tài 2(lớp 12)

Chia ra ban A(Sinh hay Vạn Vật), B(Toán Lý Hoá) và C(Văn và Ngoại ngữ)

Ví dụ thi tú tài 1 hay 2 cho ban B: Toán hệ số 5; Lý-Hoá hệ số 4; Triết Học, Lịch Sử & Địa Lý và Sinh Ngữ 1 đều hệ số 2; các môn khác như Vạn Vật, Công Dân Giáo Dục có hệ số 1.

Ban C thì đương nhiên Văn là hệ số 5, Sinh Ngữ 1 hệ số 4; …. Toán&Lý Hoá, Vạn Vật, Công Dân Giáo Dục hệ số1.

Các học sinh siêng học lắm vì không lên lớp 11 thì bị bắt đi lính làm binh nhì, rớt tú tài 1 thì đi lính làm trung sĩ, đậu tú tài 1 nếu rớt tú tài 2 thì đi sĩ quan chuẩn úy, đậu tú tài 2 mới lên đại học hay được học sĩ quan Đà Lạt tốt nghiệp Cử nhân và mang lon Thiếu Uý.

Hàng năm kết quả tú tài 1 và 2 ít khi đạt 50% đậu. Năm 1972, mùa hè đỏ lửa cần lính nên đề thi năm đó chỉ 30-35% đậu, số rớt đi lính.

Ba mẹ tôi chỉ cần nói: Rán học để đậu tú tài không thì đi lính. Vậy là lo học.

 

.

Hoàng Nguyễn

Tom Nguyen Hồi xưa tui đc nghe câu "Rớt tú tài anh đi trung sĩ

Em ở nhà lấy Mỹ (mà) sanh con

Bao giờ yên chuyện nước non

Anh về anh có... Mỹ con anh bồng". Không biết câu đó của ai, và ở đâu nhỉ?!

 

.

Tom Nguyen

Hoàng Nguyễn ,Nguyễn Thông

Bài vè này được lưu truyền trong khoảng 1967-1972 lúc chiến tranh đang ở giai đoạn ác liệt với hàng triệu quân miền bắc đánh vào miền nam. Dân chúng ở các miền quê phải vào thành phố tỵ nạn. Xã hội nháo nhào. 500 ngàn quân Mỹ tham chiến. Thanh niên miền nam, trừ một số ít vào đại học, phải ra chiến trường. Một số nhỏ phụ nữ miền nam làm mãi dâm, một số rất ít lấy Mỹ thật sự và rời VN khi người Mỹ rút ra khỏi Việt Nam. Đó là bi kịch tạo ra bởi các lãnh tụ cộng sản đặt quyền lợi của ý thức hệ và đảng cộng sản lên trên quyền lợi dân tộc.

 

Hoàng Nguyễn,

Mỹ đã rút ra khỏi VN năm 1972. VN đã có hoà bình 48 năm rồi mà nay bi kịch cho VN càng lớn hơn và dai dẳng hơn. Hàng trăm ngàn phụ nữ VN bị bắt cóc, bị bán sang TQ làm mãi dâm hay lấy chồng TQ. Hàng trăm ngàn phụ nữ VN đã đi ở đợ ở khắp nơi trên thế giới và bị đày đoạ tình dục. Hàng trăm ngàn phụ nữ VN lấy Tây Mỹ và khắp nơi trên thế giới.

 

Câu vè hiện nay là:

Xong đại học anh làm tài Grab

Em ở nhà làm đĩ khắp nơi

Bao giờ có dịp về thăm quê

Em về anh có Tàu(Hàn, Mỹ, Tây…) con anh bồng.

 


.

.

.

No comments:

Post a Comment

View My Stats