Sunday 1 January 2023

MỘT NĂM 2022 TỒI TỆ CHO NHỮNG KẺ CHUYÊN QUYỀN và ĐỘC TÀI (Việt Linh / Cali Today News)

 



 

 

 

Một năm 2022 tồi tệ cho những kẻ chuyên quyền và độc tài

Việt Linh  /  Cali Today News

December 30, 2022

https://www.baocalitoday.com/binh-luan/mot-nam-2022-toi-te-cho-nhung-ke-chuyen-quyen-va-doc-tai.html

 

Tại một số các quốc gia quan trọng trên thế giới, năm 2022 là năm mà nền dân chủ đúng đắn đã chứng minh rằng nó có thể tồn tại và mạnh mẽ chống lại những kẻ chuyên quyền và độc tài.

 

Sự khác biệt của chính trị cơ bản là giữa “bạn và thù”, chúng ta phải chọn một, dân chủ và chuyên quyền, độc tài không thể hoà hợp trong cùng một quốc gia.

 

                                   Mời xem video bài bình luận qua Youtube

 

Năm 2022, có thể nói cuộc xâm lược Ukraine của Nga, tôi gọi là cuôc xâm lược bởi vì đó là một cuộc xâm lược bởi một trong những cường quốc quân sự lớn nhất thế giới muốn nuốt chửng một nước láng giềng nhỏ hơn và yếu hơn. Tôi không hề dùng thuật ngữ “chiếc dịch đặc biệt quân sự” như một số báo chí trong nước và hải ngoại hay dùng vì nhiều lý do khác nhau.

 

Cuộc chiến này là điểm khởi đầu cho những điều tồi tệ nhất đã xảy ra trong năm 2022 và là thảm họa lớn nhất đối với thế giới dân chủ.

 

Tại Brazil, nền dân chủ lớn thứ tư thế giới, một cuộc bầu cử tổng thống cũng gần như tái diễn một cuộc khủng hoảng dân chủ như ngày 6 tháng 1 của Hoa Kỳ.

 

Và trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Hoa Kỳ, đa số nghĩ rằng, gần như chắc chắn những người ủng hộ lời nói dối gian lận bầu cử của Trump sẽ nắm được các vị trí điều hành bầu cử quan trọng, làm tăng khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp khác trong năm 2024.

 

Nhưng khi một năm 2022 sắp kết thúc, kết cuộc của những diễn biến lại xảy ra theo một hướng hoàn toàn khác. Thay vì thể hiện sự yếu kém, các hệ thống dân chủ thể hiện khả năng phục hồi. Thay vì thể hiện sức mạnh, các hệ thống chuyên quyền, độc đoán lại thể hiện sự dễ bị tổn thương.

 

Tóm lại, vào đầu năm 2022, ai cũng thấy một tương lai u ám cho các thể chế dân chủ của thế giới nhưng vào cuối năm, thì phải gọi đây là “tiền hung hậu kiết”, hóa ra năm 2022 không tệ như bao người nghĩ, ngược lại năm 2022 còn được đánh giá là một năm tốt đẹp đáng ngạc nhiên đối với nền dân chủ thế giới.

 

Tại Ukraine, cuộc tấn công chớp nhoáng ban đầu của Nga đã bị đẩy lùi một cách dứt khoát. Một Ukraine yếu và nhỏ hơn đã bất chấp những tổn thất nặng nề, đã kiên cường chiến đấu để đẩy lùi cuộc tấn công của Nga và thậm chí chiếm lại một lượng lớn lãnh thổ – với sự hỗ trợ lớn từ các nền dân chủ ở Châu Âu và Bắc Mỹ.

 

Tại Brazil, Tổng thống dân túy cánh hữu Jair Bolsonaro đã thua trong cuộc tái tranh cử và đồng ý rời nhiệm sở. Nỗ lực tích cực nhất của ông nhằm đảo ngược kết quả, một vụ kiện cáo buộc gian lận theo sách vở từ Donald Trump, đã kết thúc bằng một khoản tiền phạt nặng cho đảng của ông vì đã tham gia vào điều mà chánh án của Tòa án bầu cử tối cao gọi là “vụ kiện tụng thiếu thiện chí”.

 

Tại Hoa Kỳ, những người phủ nhận bầu cử đã thua hàng loạt trong nhiều cuộc đua tranh chức thống đốc hoặc Tổng thư ký hành chính ờ các tiểu bang chiến trường, qua những thất bại nặng nề này đã góp phần làm suy yếu vị thế của cựu tổng thống Donald Trump trong Đảng Cộng hòa.

 

Tại Trung Quốc, các cuộc biểu tình ở Trung Quốc dường như đã chậm lại, nhưng chiến lược chống Covid tồi của chính phủ Trung Quốc hiện nay với sự cố tình che giấu thảm họa, khiến người dân lo lắng, bất an, nổi giận là những thách thức phổ biến lớn nhất đối với chính phủ kể từ vụ Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

 

Tại Iran, một quốc gia độc tài có ảnh hưởng khác vẫn đang phải đối mặt với các cuộc biểu tình, các phong trào đòi quyền tư do dân chủ và bầu cử tự do vẫn đang diễn ra mạnh mẽ, gây ra mối đe dọa ghê gớm đối với nước Cộng hòa Hồi giáo nơi vẫn còn đầy rẫy những luật lệ hà khắc này.

 

Các hệ thống chuyên quyền, độc tài có xu hướng phát triển và lợi dụng ảnh hưởng của nhau theo từng nhóm khác nhau ít nhiều về ý thức hệ nhưng có cùng mục tiêu cuối cùng là giành được quyền lực.

Trong khi đó, nền dân chủ có xu hướng được ủng hộ rộng rãi bởi những người đang được thừa hưởng một xã hội cởi mở và tôn trọng lẫn nhau trong những nhà nước có hệ thống pháp quyền ổn định.

 

Nhưng điều này không có nghĩa là nền dân chủ chắc chắn sẽ chiến thắng ở bất kỳ quốc gia cụ thể nào, chứ chưa nói đến trên toàn cầu. Các nền dân chủ có những điểm yếu mà các thế lực có khuynh hướng độc đoán bên trong các quốc gia dân chủ đã nhiều lần chứng minh là họ có khả năng khai thác.

 

Vào năm 2022, các cuộc bầu cử ở Hungary, Israel và Philippines đều cho thấy thách thức về chế độ độc tài vẫn tồn tại lâu dài và mạnh mẽ.

 

Nhưng khi chúng ta xem xét các sự kiện trong năm ở các quốc gia lớn nhất và có ảnh hưởng nhất trên thế giới, thì câu chuyện cân bằng lại là một câu chuyện tích cực. Các chính phủ độc tài được cho là đã gặp những khó khăn, trở ngại khi muốn đạp đổ các nền dân chủ như Hungary, Italy, trong khi một số nền dân chủ lớn nhất đã ngăn chặn được những thách thức nội bộ lớn trong nước, điển hình như Hoa Kỳ, Pháp, Brazil.

 

Vào năm 2022, trở lại với cuộc chiến ở Ukraine phơi bày một tình trạng không giống bất cứ nơi nào khác.

 

Khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, nhiều nhà quan sát cho rằng chiến thắng của Nga gần như chắc chắn sẽ xảy ra rất sớm. Và những chiến lược gia trong chính phủ của Putin lại chính là những người đưa ra những lời tiên tri sai bét và tự chuốc lấy thất bại.

 

Cuộc xâm lược của Nga được thiết kế như một cuộc tấn công chớp nhoáng vào Kyiv, thủ đô của Ukraine. Chiến lược của các tay chân Putin là, các lực lượng cơ giới của Nga có thể bất ngờ đánh chiếm Ukraine, nhanh chóng chiếm thủ đô và buộc các lực lượng vũ trang của Ukraine phải hạ vũ khí đầu hàng trong vòng 3 đến 5 ngày. Nhưng đó không phải là những gì đã xảy ra: Người Ukraine đã khai thác các điểm yếu do cuộc tấn công của Nga tạo ra – đó là hỗ trợ không đầy đủ cho mặt trận, các tuyến tiếp tế được bảo vệ kém.

 

Đến cuối tháng 3, cuộc chiến thay đổi chế độ ở Ukraine của Putin đã thất bại, buộc Nga cuối cùng phải từ bỏ tham vọng của mình.

 

Vào mùa thu, Ukraine đã bắt đầu đẩy lùi những đợt tấn công của Nga , chiếm lại khoảng 55% lãnh thổ bị Nga chiếm giữ trong những ngày đầu của cuộc xâm lược.

 

Vì sao kế hoạch của Nga thất bại? Một phần lỗi thuộc về cơ quan tình báo FSB của Nga, cơ quan này đã báo cáo sai sự thật rằng chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelenskyy có rất ít sự ủng hộ của công chúng và có khả năng bị rạn nứt dưới áp lực chiến tranh. Nhưng vấn đề lớn nhất dường như là chính Putin.

 

Trong những ngày đầu của cuộc chiến, Michael Kofman, giám đốc nghiên cứu về Nga tại CAN, các quan chức tình báo phương Tây và các chuyên gia độc lập đã nhanh chóng kết luận rằng chính niềm tin mù quáng của tổng thống Nga và chủ nghĩa dân tộc cùng với sức mạnh của quân đội Nga và hàng trăm ngàn binh sĩ, vũ khí hiện đại sẽ nuốt chửng Ukraine trong một tuần đổ lại.

 

Trong một phân tích đăng trên tạp chí Foreign Affairs, các nhà khoa học chính trị Seva Gunitsky và Adam Casey đồng quan điểm cho rằng: “Putin đã tính toán sai và phát động một cuộc xâm lược từ đặc điểm cá nhân chủ nghĩa của chế độ ông ta”.

 

 

Qua đến Iran, thì làm thế nào Iran có thể phạm sai lầm dẫn đến những cuộc nổi dậy?

 

Một chế độ độc tài khác gặp rắc rối trong năm nay: Iran, quốc gia đã bị rung chuyển bởi làn sóng lớn các cuộc biểu tình chống chế độ trên toàn quốc. Và cũng như ở Nga, vấn đề thông tin độc đoán là một phần quan trọng trong câu chuyện về việc điều này đã xảy ra như thế nào.

 

Vào ngày 13 tháng 9, một phụ nữ 22 tuổi tên là Mahsa Amini đã bị cảnh sát đạo đức của Iran bắt giữ vì bị cáo buộc không che tóc đúng cách. Theo các nhân chứng, Amini đã bị đánh đập dã man khi cô bị cảnh sát giam giữ. Cô ấy chết ba ngày sau khi bị bắt.

 

Khi tin tức về cái chết của Amini lan rộng, phụ nữ và trẻ em gái Iran bắt đầu cởi bỏ khăn trùm đầu ở nơi công cộng và xuống đường biểu tình. Những thiếu nữ và phụ nữ trẻ này đã truyền cảm hứng cho các cuộc biểu tình trên khắp đất nước, thu hút những người biểu tình chống chế độ từ mọi thành phần xã hội Iran. Cho đến nay, cuộc đàn áp tàn bạo của chính phủ – bao gồm các vụ hành quyết công khai và sử dụng đạn thật bừa bãi chống lại đám đông người biểu tình – vẫn chưa thể xoa dịu các cuộc biểu tình.

 

Chúng ta chưa thể nói rằng chế độ đang trên bờ vực sụp đổ dù đã xảy ra nhiều làn sóng phản đối đáng kể từ năm 2018 đến năm 2020 trong khi chính thể Cộng hòa Hồi giáo vẫn còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, thực tế là các cuộc biểu tình lớn lặp đi lặp lại đã nói lên sự bất mãn sâu sắc và lâu dài của người dân Iran.

 

Các cuộc biểu tình ở Iran minh họa một khía cạnh khác của các xã hội lớn và phức tạp; tìm ra những gì đang xảy ra và làm thế nào để giải quyết nó là những nhiệm vụ cực kỳ khó khăn cho bất kỳ chính thể chuyên quyền hay Hồi giáo nào.

 

Các thể chế cốt lõi của nền dân chủ, bao gồm tự do báo chí và các cuộc bầu cử hợp pháp, tự do nhưng với Iran thì ngược lại, chính phủ Hồi giáo Iran đàn áp những ý kiến ​​bất đồng và những ai chỉ trích chính sách của họ — khiến họ rơi vào khủng hoảng mà không hề hay biết, hoặc kiêu ngạo cho rằng họ có thể áp đặt các chính sách không được lòng công chúng.

 

 

Trung Quốc thì lại càng khác, đây là một nhà nước cộng sản độc tài.

 

Với đại dịch Covid-19 hiện nay, đã chứng tỏ một điều, phản ứng của Tập cận Bình đã chứng minh rằng ông ấy đã sai. Cuối năm 2022, chính sách Zéro-Covid của Trung Quốc đã trở thành thảm họa.

 

Tập cận Bình đã quá kiêu căng, tự cao cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã hành động nhanh chóng và quyết liệt để ngăn chặn sự lây lan trong nước, làm tốt hơn việc giữ tỷ lệ tử vong thấp hơn so với các nền dân chủ giàu có ở Châu Âu và Bắc Mỹ.

 

Nhưng chính sách “Zéro-Covid” của Trung Quốc luôn có những vấn đề nghiêm trọng. Bản chất khắc nghiệt của việc phong tỏa, mọi người bị giam trong nhà, văn phòng, hàng quán đóng cửa, khiến người dân tức giận và gây thiệt hại cho nền kinh tế Trung Quốc. Sự khăng khăng giáo điều của Trung Quốc về sự thành công của mô hình của chính họ ở thời điểm đầu đã khiến nước này hạn chế các chiến dịch tiêm chủng và từ chối vaccine hiệu quả của phương Tây, loại vaccine đã được chứng minh là vượt trội so với SinoVac trong nước của Trung Quốc.

 

Vụ hỏa hoạn ở Urumqi có tác động kích động tương tự như cái chết của Mahsa Amini ở Iran. Khi tin tức lan truyền, một làn sóng phản đối đã quét qua đất nước. Và những người biểu tình đã thực hiện một bước không thể tưởng tượng được là liên kết sự thất vọng của họ với chính sách Covid với chính chế độ, họ đổ lỗi cho Tập cận Bình về thảm kịch ở Urumqi và kêu gọi bầu cử tự do.

 

Các cuộc biểu tình ở Trung Quốc chưa đủ lớn để đe dọa đến chế độ. Nhưng đó là một chiến thắng lớn cho những người biểu tình, nhưng cũng là một chiến thắng khiến Trung Quốc bùng phát dịch lớn vào mùa đông này.

 

Và ngày càng có nhiều công dân Trung Quốc nhận ra rằng chế độ này hoàn toàn có thể đổ lỗi cho những thất bại trong chính sách.

 

Những người biểu tình hô vang tại một cuộc biểu tình ở Thượng Hải rằng: “Chúng tôi không muốn một chế độ độc tài. Chúng tôi muốn dân chủ. Chúng tôi không muốn một nhà lãnh đạo. Chúng tôi muốn bỏ phiếu phổ thông.”

 

 

Hoa Kỳ và Brazil chứng minh khả năng phục hồi của nền dân chủ

 

Không có nền dân chủ nào hoàn hảo. Nhưng các chính phủ dân chủ có một tính năng tích hợp để giải quyết hậu quả của những sai lầm này, đó là: Mọi người có quyền bỏ phiếu để cất lên tiếng nói ủng hộ hay chống đối.

 

Khi một nhà lãnh đạo phạm sai lầm, cử tri có thể bầu một người mới. Do đó, các thảm họa riêng lẻ thường ít đe dọa hệ thống đối với các nền dân chủ hơn là đối với các chế độ chuyên quyền.

 

Trên khắp thế giới dân chủ, các cử tri đã bắt đầu bày tỏ sự bất bình đáng kể với hiện trạng, họ bầu ra những nhà lãnh đạo đe dọa lật đổ nền dân chủ từ bên trong.

 

Vào năm 2022, Hoa Kỳ và Brazil là hai trong số các nền dân chủ lớn nhất thế giới đã tổ chức các cuộc bầu cử quan trọng, và hai hệ thống này vẫn tiếp tục đứng vững.

 

Năm 2022, không phải là một năm hoàn hảo, nhưng là một năm đáng khích lệ cho các thể chế dân chủ trên thế giới.

 

 

Lời kết:

 

Bất chấp những diễn biến tích cực trong năm 2022, cuộc khủng hoảng dân chủ toàn cầu vẫn chưa kết thúc.

 

Tại Hungary, một nền dân chủ có nguy cơ trở thành phi dân chủ bởi một cuộc bầu cử được tổ chức trong những điều kiện cực kỳ bất công, thiên vị.

 

Tại Philippines, Liên minh Duterte-Marcos đã chiến thắng một phần nhờ khai thác được nỗi hoài niệm ngày càng lớn về quá khứ chuyên chế của Philippines : cảm giác rằng nền dân chủ đang hỗn loạn và gây bất ổn, và sự cai trị của kẻ mạnh có thể lập lại trật tự.

 

Tại Israel, cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử với sự ủng hộ của các đảng cực đoan, Do Thái tân phát xít. Ông Netanyahu sẽ sớm có đủ phiếu bầu trong quốc hội để thông qua luật trao quyền cho cơ quan lập pháp có quyền bác bỏ các phán quyết của tòa án bằng một cuộc bỏ phiếu đa số đơn giản. Dự luật này chắc chắn sẽ tước bỏ quyền lực của Tòa án Tối cao, một trong những cơ quan quan trọng của Israel bảo vệ các quyền của người thiểu số và các nguyên tắc dân chủ cơ bản.

 

Nói chung các sự kiện tích cực của năm 2022 không có nghĩa là mọi thứ đang thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Mối đe dọa lâu dài đối với các nền dân chủ vẫn còn rất thực tế.

 

Việt Linh 30.12.2022





No comments:

Post a Comment

View My Stats