Chính
sách ngoại giao của Paris : « Mê Nga, Pháp vỡ mộng »
Thanh Hà - RFI
Đăng ngày: 30/01/2023 - 15:14
Một mắt xích trong chính sách đối ngoại của Pháp sụp
đổ khi Matxcơva đem quân xâm chiếm một quốc gia có chủ quyền sát cạnh là
Ukraina. Paris trả giá đắt vì đã bị nước Nga làm mê hoặc từ nhiều thế kỷ. Nương
nhẹ điện Kremlin để giữ một « thế cân bằng » về ngoại giao và chiến
lược đẩy Pháp vào thế kẹt trên bàn cờ địa chính trị.
https://s.rfi.fr/media/display/e0126312-883a-11ec-bb4c-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/000_9YM6VE.webp
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) bất lực trong việc thuyết phục tổng
thống Nga về Ukraina. Ảnh tư liệu cuộc gặp ngày 07/02/2022 tại điện
Kremlin. © SPUTNIK / AFP
Yêu
Nga và bị quốc gia rộng lớn này làm mê hoặc là một chuyện, Pháp có thực sự hiểu
biết sâu xa về bản chất của Nga hay không lại là một chuyện khác. Một phần thất bại của Pháp trong quan hệ riêng với Nga xuất phát từ một
sự hiểu biết hời hợt của một tầng lớp trong giới trí thức, chính trị gia Pháp về
nước Nga của Yekaterina Đại Đế xưa kia và của Vladimir Putin ngày hôm
nay ?
« Khi giấc mơ về nước Nga của
Pháp trở thành một mối bận tâm về mặt chiến lược ». Trong bài viết
trên báo Le Figaro số ra ngày 27/01/2023, Laure Mandeville trở lại mối quan hệ
rất đặc biệt giữa Pháp và Nga từ thời nữ hoàng Yekaterina II cho đến tận thời tổng
thống Vladimir Putin bây giờ. Trong quan hệ đó, theo quan điểm của bà
Mandeville, phần thắng không mấy khi thuộc về Pháp. Laure Mandeville là một nhà
báo kỳ cựu của Le Figaro, từng điều hành văn phòng của tờ báo này tại cả
Matxcơva (1997-2000) lẫn Washington (2008-2016).
Trong bài viết, tác giả nhắc lại, từ văn hóa
nghệ thuật của Nga cho đến chính sách ngoại giao của quốc gia này, dưới mọi thời
đại luôn có sức quyến rũ rất lớn đối với chính giới ở Pháp, với các nhà trí thức
Pháp ngay cả trong những năm tháng dưới chế độ cộng sản Liên Xô.
Văn học hay âm nhạc của Nga cũng như nghệ thuật
múa ballet truyền thống của quốc gia này luôn có sức thu hút lạ thường đối với
công luận Pháp. Về chính trị, tướng de Gaulle, người giải phóng nước Pháp khỏi
ánh Đức Quốc Xã, ngay từ thập niên 1960 đã ấp ủ giấc mơ xây dựng một khối châu
Âu trải dài từ « Đại Tây Dương đến dãy núi Oural ». Giấc mơ ấy đã
chóng tan vỡ khi Paris nhận thấy rằng Liên Xô là một chế độ chuyên chế.
Hãy trở lại với quá khứ một chút để hiểu được
hiện tại : Bà hoàng Yekaterina gốc Đức (trị vì từ 1762 đến 1796) chinh phục
không ít các học giả hàng đầu của Pháp thời đại Thế Kỷ Ánh Sáng từ Diderot đến
Voltaire. Chính nhă văn Voltaire từng khẳng định nước Nga của bà là « thiên
đường nơi hạ giới ».
Mãi đến thế kỷ 19, khi nổ ra chiến tranh
Crimée (1853-1856) quân đội Pháp là một bên tham chiến và đụng độ với lực lượng
của Nga hoàng, ngành ngoại giao Pháp mới vỡ lẽ ra rằng, Paris nói riêng, châu
Âu nói chung đã « mù quáng ». Điều đó không cấm cản nước Pháp dưới thời
hoàng đế Napoléon Đệ Tam, sau khi thất bại ê chề trước sức mạnh quân sự của Đế
Chế Phổ đã lại trông cậy vào sức mạnh của Nga trong tay hoàng đế Alexandre Đệ
Tam. Chính phủ Pháp đã khuyến khích dân chúng đầu tư vào Nga, cho Nga vay nợ …
để rồi tất cả những người nhẹ dạ cả tin này trắng tay với cuộc Cách Mạng năm
1917. Pháp mất một đồng minh khi chính quyền ở Matxcơva đổi chủ.
Paris không nản lòng. Một số trí thức Pháp nửa
đầu thế kỷ 20 đã xem Liên Xô là một ngọn hải đăng bởi « Mặt trời mọc ở
phương Đông ». Trong Thế Chiến Thứ Hai cả cánh Cộng Sản Pháp và phe của tướng
de Gaulle đều đã « quên » hẳn hiệp ước Moltotov-Ribbentrop : Liên Xô
của Staline và chính quyền Đức quốc xã Hitler cam kết bất tương xâm … Pháp chỉ muốn
trông thấy những đóng góp của hồng quân Liên Xô trong nỗ lực đánh bại phát xít
Đức.
.
Chiến lược « Thế cân bằng »
.
Tác giả bài viết trên báo Le Figaro, Laure
Mandeville, nhắc lại : năm 1944 đặt chân đến Liên Xô tướng de Gaulle đã nảy
sinh ý tưởng, Pháp không về hùa với Mỹ mà phải tìm một thế cân bằng, để làm đối
trọng với Hoa Kỳ. Matxcơva là một công cụ để đạt được mục tiêu đó. Điểm khởi đầu
cho thuyết ngoại giao mà Paris gọi là « Puissance d’Equilibre ». Dù vậy,
mặc dù ra khỏi khối NATO nhưng Pháp vẫn đoàn kết với Liên Minh Quân Sự này đặc
biệt là trong giai đoạn nổ ra « khủng hoảng tên lửa Cuba » đầu thập
niên 1960.
Sau tướng de Gaulle, các đời tổng thống Pháp
tiếp theo, từ Valéry Giscard d’Estaing đến Francçois Mitterrand vẫn duy trì đường
lối « giữ thế cân bằng » đó giữa Washington và Matxcơva. Điều này giải
thích cho thái độ và chính sách của Mitterrand cuối thập niên 1980-đầu thập
niên 1990 khi Liên Xô tan rã và các nước từng thuộc về Liên Xô đòi độc lập. Nhà
triết học Ukraina, Constantin Sigorov được Laure Mandeville trích dẫn còn nhớ rằng
cho đến tận 1991, Paris vẫn nhìn Ukraina dưới lăng kính của Matxcơva.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa là Pháp đã thực
sự am hiểu về nước Nga. Về điểm này tác giả bài báo trên Le Figaro không khoan
nhượng : Paris « luôn luôn bị muộn mất một chuyến tàu. Đánh cược vào
Gorbatchev, khi quyền lực đã thuộc về Eltsine, rồi trông đợi vào Boris Eltsine
khi mà giới doanh nhân cấu kết với chính giới » để thâu tóm quyền lực. Năm
1996 khi Matxcơva đã đưa quân sang Tchetchenia thì Paris vẫn chủ trương
« tránh làm nhục nước Nga ». Khi Vladimir Putin bất ngờ được chỉ định
thay thế Eltsine với lý do đằng sau ông ta là cái bóng của FSB- hậu thân của
KGB, và việc này góp phân tái lập ổn định, an ninh tại Liên bang Nga, thì Pháp
cũng chẳng hề nao núng.
Tổng thống Jacques Chirac mùa hè 2001 khởi động
lại quan hệ Pháp -Nga. Ngoại trưởng de Villepin năm 2008 nhìn nhận Nga là một
« nền dân chủ chuyên chế » vào lúc mà chiến xa của Nga trực chỉ
Gruzia. Nước Pháp dưới thời tổng thống Nicolas Sarkozy tin tưởng vào một Dmitri
Medvedev được chỉ định vào điện Kremlin để giữ hộ Vladimir Putin chiếc ghế tổng
thống. Paris ký hợp đồng bán chiến hạm Mistral cho quân đội Nga. Điện Elysée đổi
chủ và các cố vấn của tổng thống François Hollande đã có những cuộc tranh cãi bất
tận trước khi Pháp hủy hợp đồng với Nga.
.
Emmanuel Macron và hồ sơ nóng Putin
Tổng thống Macron thì sao ? Laure Mandeville
trả lời đương kim tổng thống Pháp tiếp tục đi theo con đường của hai vị tổng thống
lớn của nước Pháp là de Gaulle và Mitterrand. Trong những tuần lễ trước chiến
tranh Ukraina, ông Macron đã gọi điện cho đồng cấp Nga « ít nhất là 100 lần »
như chinh điện Elysée đã xác nhận. Thế rồi sau những thảm cảnh ở Bakhmut hay
Mariupol …nguyên thủ Pháp vẫn lập đi lập lại là cần « tránh làm nhục nước
Nga », cần đưa ra một số « bảo đảm về an ninh cho nước Nga ». Một
nhà ngoại giao Estonia phẫn nộ cho rằng « đây chỉ là một sự vụng về »
của Pháp hay « vấn đề còn nghiêm trọng hơn thế nữa ? »
Chủ trương giữ « thế cân bằng » bắt
đầu khiến nhiều người mệt mỏi. Một nhà ngoại giao Pháp được tác giả bài báo
trích dẫn cho rằng trong chính sách đối với nước Nga, Paris thực sự « cận
thị » đến nỗi Pháp để « tình hình hoàn toàn vượt ngoài tầm tay » và
đó một phần do Emmanuel Macron « non tay ».
.
Lo ngại Nga sử dụng vũ khí hạt nhân
Vậy còn lập luận cho rằng, bị dồn đến chân tường,
tổng thống Nga sử dụng vũ khí hạt nhân thì sao ? Laure Mandeville trích lời một
chuyên gia Pháp trong ngành tình báo theo đó Matxcơva thừa biết rằng về khả
năng quân sự, Nga « thua kém NATO rất nhiều » - và đây cũng là lý do
vì sao, Mỹ đến nay vẫn quả quyết bom nguyên tử vẫn là « vũ khí răn
đe » và gạt bỏ kịch bản Nga « leo thang quân sự ».
Có điều, lo sợ về khả năng Kremlin sử dụng lá
bài hạt nhân và « leo thang quân sự » khiến Pháp, một lần nữa lại chậm trễ :
chiến tranh Ukraina khai tử cặp bài trùng Pháp Đức ; dẹp bỏ ý tưởng xây dựng một
khối châu Âu độc lập với Mỹ về an ninh, quốc phòng ; và đã để lộ rõ ảnh hưởng
càng lúc càng lớn cảu các nước Đông Âu. Vậy, như cựu đại sứ Pháp tại Matxcơva
Jean-Maurice Ripert, đã đến lúc Paris cần từ bỏ « con đường cũ » để
đánh giá lại về tầm mức của Ukraina và mức độ quan trọng của các nước Đông Âu
».
No comments:
Post a Comment