Saturday, 28 January 2023

THAM NHŨNG, THÁCH THỨC LỚN NHẤT CỦA UKRAINE CHO VIỆN TRỢ QUỐC TẾ (Lê Tây Sơn / Saigon Nhỏ)

 



Tham nhũng, thách thức lớn nhất của Ukraine cho viện trợ quốc tế

Lê Tây Sơn  -  Saigon Nhỏ
27 tháng 1, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/tham-nhung-thach-thuc-lon-nhat-cua-ukraine-cho-vien-tro-quoc-te/

 

Các nhà báo Ukraine đã phát hiện nhiều vụ tham nhũng cấp cao ở đất nước đang khốn khổ vì nội chiến phải sống bằng đồng tiền viện trợ nước ngoài này.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/01/GettyImages-1229363211.jpg

Trước chiến tranh, Ukraine đã tai tiếng thế giới về vấn nạn tham nhũng trầm kha. Ảnh: Một cuộc biểu tình chống tham nhũng tại Kyiv năm 2020 (Pavlo Conchar/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

 

Như Nga, Ukraine cũng là bậc thầy tham nhũng

 

Các quan chức hàng đầu của Ukraine bị suy đồi đạo đức thường có chung một điểm yếu chết người: Ám ảnh không kiềm chế được đối với những chiếc xe hơi sang trọng. Vào Tháng Mười 2022, trang tin Bihus.info của Ukraine đã chia sẻ những bức ảnh Kyrylo Tymoshenko, Phó Chánh văn phòng của Tổng thống Volodymyr Zelensky, lái chiếc SUV Chevrolet Tahoe mới toanh được tặng trong gói viện trợ nhân đạo.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/01/GettyImages-1246325240.jpg

Trước áp lực dư luận và cả trong chính trường, Kyrylo Tymoshenko, Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, phải từ chức vào cuối Tháng Một 2023 (ảnh: Evgen Kotenko / Ukrinform/Future Publishing via Getty Images)

 

Hai tháng sau, trang tin Ukrainska Pravda lại đưa tin Tymoshenko nhiều lần bị quay phim lái chiếc Porsche Taycan 2021 trị giá khoảng $100,000 đi đi về về thủ đô Kiev. Tymoshenko bác bỏ những chỉ trích, biện bạch rằng chiếc Chevrolet được sử dụng cho công việc kinh doanh chính thức còn chiếc Porsche là đồ… mượn!

 

Nhưng trong khi rất nhiều quốc gia đang chịu sự suy sụp kinh tế vẫn phải cố gắng  giúp đỡ Ukraine, kiểu đi lại phô trương của một cố vấn cấp cao tổng thống là không thể chấp nhận được. Hệ quả là những bức ảnh “biết nói” đã tạo ra làn sóng chống đối mạnh mẽ, cả trong lẫn ngoài nước. “Trong khi một phần tư lãnh thổ Ukraine đã tan hoang hay lọt vào tay quân Nga thì những kẻ được giao quyền lực có thể sống xa hoa thế này không?” – Mykhailo Tkach, phóng viên của tờ Ukrainska Pravda, tác giả câu chuyện về chiếc Porsche, đặt câu hỏi.

 

Để xoa dịu dư luận, cuối Tháng Một 2023, loạt quan chức Ukraine đã từ chức hoặc bị sa thải và tất cả đều liên quan cáo buộc nhận hối lộ hay tham ô tài sản công cũng như hàng viện trợ. Tymoshenko là một trong những người đầu tiên bị buộc rời nhiệm sở. Chung số phận là Thứ trưởng Quốc phòng Vyacheslav Shapovalov; Phó Tổng Công tố Oleksiy Symonenko; năm thống đốc các tỉnh tiền tuyến và sắp tới còn nhiều nữa.

 

Các vụ tham nhũng cộm cán này đã gây bối rối cho chính phủ Volodymyr Zelensky khi ông luôn miệng kêu gọi viện trợ nước ngoài để có thể tiếp tục cuộc chiến. Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào Tháng Hai 2022, Zelensky đã trở thành một biểu tượng quốc tế, được ca ngợi vì sự kiên cường và khôn ngoan trước quân thù có nguồn lực gấp nhiều lần.

 

Nhưng các báo cáo tham nhũng đang khiến chính phủ các nước đồng minh phương Tây lo lắng, đặc biệt những nước đã gửi những khoản tiền khổng lồ cho Ukraine để giúp tránh thảm họa kinh tế do chiến tranh, đặc biệt Mỹ. Điều quan trọng là không phải cơ quan chống tham nhũng của Ukraine phát hiện tham nhũng mà là các nhà báo và các nhà vận động chống tham nhũng. Họ đã tiến hành cuộc truy quét tham nhũng tình nguyện.

 

Việc Ukraine bị tham nhũng hoành hành không phải là điều mới. Đất nước này từng được gọi là “Quốc gia tham nhũng nhất ở châu Âu”. Trong Chỉ số Nhận thức Tham nhũng (Corruption Perceptions Index-CPI) gần đây nhất của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International), Ukraine xếp hạng 122 trong 180 nước. Năm ngoái, Nga còn tệ hơn, đứng thứ 136 về CPI!

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/01/GettyImages-1231422919.jpg

Một cuộc biểu tình chống tham nhũng tại Kyiv ngày 27 Tháng Hai 2021 (ảnh: Sergei Chuzavkov/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

 

.

Nếu không có các nhà báo can đảm

 

Trong khi danh tiếng ăn hối lộ và thụt két của Ukraine đã “lừng danh” trên toàn thế giới, có lẽ điều ít ai chú ý là lực lượng bài trừ tham nhũng của Ukraine hầu như… không đáng kể! Đối với các nhà báo can đảm lao vào mặt trận điều tra tham nhũng, Ukraine là một “hang ổ” tham nhũng với kho “hồ sơ đen” khổng lồ.

 

The Washington Post cho biết, trang tin Bihus.info được thành lập bởi Denis Bigus, một nhà báo điều tra kiêm dẫn chương trình truyền hình “Our Money”. Bigus lần đầu tiên được quốc tế biết đến khi ông giúp thành lập trang web YanukovychLeaks chuyên bóc mẽ những khuất tất tài chính của cựu Tổng thống Viktor Yanukovych, một “bù nhìn” của Moscow bị lật đổ năm 2014, và khi trốn sang Nga đã để lại một biệt thự với vườn thú riêng và bộ sưu tập xe hơi sang trọng. Bihus cũng từng làm việc tại Ukrainska Pravda, trang truyền thông trực tuyến được thành lập năm 2000 và thu hút được sự chú ý rộng rãi của công chúng nhờ những vụ điều tra chấn động của mình.

 

Cũng chính tờ báo này đã đăng bài viết dẫn đến việc Phó Tổng Công tố Oleksiy Symonenko phải từ chức. Đương sự bị mất chức khi đầu tháng này, nhà báo Mykhailo Tkach đưa tin ông ta đã tới Marbella, Tây Ban Nha đúng dịp năm mới và lái chiếc Mercedes của một doanh nhân đang có vấn đề về tố tụng. Yuriy Nikolov, một nhà báo nổi tiếng khác của tờ Mirror of the Week, là người công bố những ăn chia mờ ám khiến Thứ trưởng Quốc phòng Shapovalov phải từ chức. Bài báo của ông bóc mẽ một hợp đồng mua sắm trị giá $350 triệu gồm các mặt hàng thực phẩm thiết yếu được đẩy giá lên quá cao.

 

Nhưng các vụ việc mới phanh phui chỉ là “phần nổi của tảng băng”. Năm ngoái, các nhà báo Ukraine làm việc trong chương trình điều tra “Skhemy” (schemes trong tiếng Anh) của kênh Radio Free Europe/Radio Liberty, đã phát hiện nhiều vụ tham nhũng của các quan chức Ukraine khiến một thẩm phán Tối cao Pháp viện Ukraine phải từ chức.

 

Không chỉ có các nhà báo phát hiện tham nhũng mà các tổ chức phi lợi nhuận như Trung tâm Hành động Chống Tham nhũng (Anti-Corruption Action Center) nổi tiếng cũng có cuộc điều tra của riêng họ và kêu gọi cải cách. Trong khi đó, sau vụ lật đổ Yanukovych năm 2014 và mở ra cuộc điều tra tham nhũng lớn, Kiev đã thành lập Cơ quan Chống tham nhũng Quốc gia (National Anti-Corruption Bureau) có nhiệm vụ điều tra và thu thập hồ sơ chống lại những kẻ tình nghi tham nhũng. Cách nay vài ngày, cuộc điều tra của cơ quan này đã khiến Thứ trưởng Cơ sở hạ tầng Vasily Lozinskiy bị bắt vì tội nhận hối lộ $400,000 liên quan một hợp đồng nâng giá mua thiết bị.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/01/GettyImages-1234510396.jpg

Giám đốc Cơ quan chống tham nhũng Ukraine Artem Sytnyk (giữa) trong một cuộc họp (ảnh: Yuliia Ovsiannikova/Ukrinform/Future Publishing via Getty Images)

 

.

Một công việc nguy hiểm chết người

 

Cũng như ở Nga, tại Ukraine, chống tham nhũng là công việc vô cùng nguy hiểm. Georgiy Gongadze, 31 tuổi, một trong những biên tập viên sáng lập của Ukrainska Pravda đã bị sát hại khi đang điều tra một vụ tham nhũng trong chính phủ. Thi thể của anh được tìm thấy trong một khu rừng, bị chặt đầu và đẫm axit. “Gongadze chỉ muốn là phóng viên bình thường và không có ý trở thành anh hùng – Serhiy Leshchenko, một nhà báo Ukraine (sau này làm biên tập cho Ukrainska Pravda), nói với BBC vào năm 2004.

 

Serhiy Leshchenko hiện làm việc tại văn phòng của Tổng thống Zelensky, nhưng ông cảnh báo “những mối nguy hiểm vẫn còn đó”. Năm ngoái, Mykhailo Tkach than phiền, những bài báo chống tham nhũng luôn dẫn đến hành vi quấy rối sau đó. Các biên tập viên của Bihus.info cho biết có một số kẻ mạo danh phóng viên trang tin tìm cách tống tiền người khác. Các nhà báo than phiền trong thời chiến, việc đưa tin về tham nhũng không hề dễ dàng.

 

Đối với chính phủ Ukraine, rủi ro lớn nhất là uy tín bị mất nếu để tham nhũng tràn lan. Các cuộc điều tra về tham nhũng có thể làm hoen ố danh tiếng quốc tế của đất nước này khi Ukraine đang cần sự giúp đỡ của thế giới. Những khoản tiền khổng lồ đổ vào sẽ làm cho tình trạng tham nhũng tồi tệ hơn, dẫn đến một số câu hỏi “khó nuốt” cho chính phủ Zelensky (bản thân ông cũng có tên trong Hồ sơ Panama liên quan tham nhũng).

 

Nhìn dưới góc độ nào đó, cuộc chiến chống tham nhũng ở Ukraine được gắn liền với chiến tranh. Chống tham nhũng là một điều kiện cần có để Ukraine trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU), vì vậy Ukraine buộc phải chế ngự “ung nhọt quốc gia” này, để chứng minh họ đã thay đổi thực sự. Có một điều rõ ràng rằng, dù thế nào, sự tự do trong báo chí cũng giúp cuộc chiến chống tham nhũng ở Ukraine rất khác với Nga.





No comments:

Post a Comment

View My Stats