Monday, 30 January 2023

VIỆT NAM : HỆP ĐỊNH PARIS 1973 CHỈ LÀ MỘT CUỘC HƯU CHIẾN TẠM THỜI (Đức Tâm / RFI)

 



Việt Nam : Hiệp định Paris 1973 chỉ là một cuộc hưu chiến tạm thời

Đức Tâm  -  RFI

Đăng ngày: 30/01/2023 - 16:04Sửa đổi ngày: 30/01/2023 - 16:11

https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20230130-vi%E1%BB%87t-nam-hi%E1%BB%87p-%C4%91%E1%BB%8Bnh-paris-1973....BA%A1m-th%E1%BB%9Di

 

Ngày 27/01/1973, tại Paris, Pháp, Hoa Kỳ, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Việt Nam Cộng Hòa và Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam đã ký hiệp định ngừng bắn, tái lập hòa bình tại Việt Nam – Hiệp định Paris. Đây là động thái ngoại giao cuối cùng kết thúc bốn năm đàm phán và các hàng chục cuộc gặp bí mật, được tiến hành từ ngày 13/05/1968, giữa cố vấn đặc biệt của chính quyền Bắc Việt Nam Lê Đức Thọ và cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Henri Kissinger.

 

https://s.rfi.fr/media/display/5e2ec90c-a0ae-11ed-be3b-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/AP7301230186_Kleber.webp

Sau khi ký kết Hiệp định Paris giữa Mỹ và Bắc Việt tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Tế, đại lộ Kleber, Paris, Pháp, ngày 23/01/2973. Từ trái qua: Bộ trưởng Xuân Thủy, cố vấn Lê Đức Thọ, cố vấn Henry Kissinger, thứ trưởng Ngoại Giao Nguyễn Cơ Thạch. AP - Anonymous

 

Chấm dứt chiến tranh về mặt « lý thuyết »

 

Thế nhưng, con đường tái lập hòa bình tại Việt Nam còn đầy chông gai. Sau khi ký Hiệp định Paris, chiến sự vẫn nổ ra gần như hàng ngày giữa lực lượng Cộng Sản và quân đội Sài Gòn (Việt Nam Cộng Hòa).  

 

Và hai bên tham chiến chủ chốt trong cuộc chiến tranh kéo dài nhiều năm trời này – Hoa Kỳ và Bắc Việt Nam -  cũng biết điều đó.

 

Thực vậy, Hiệp định Paris bao gồm những vấn đề chính như thỏa thuận ngừng bắn, giải pháp chính trị ôn hòa cho phép tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu tiếp tục nắm quyền, thừa nhận tính chính đáng của Chính Phủ Cách Mạng (Việt Cộng), quân đội Mỹ rút ra khỏi miền Nam Việt Nam, trao trả tù binh, thế nhưng không có một câu chữ, một điều khoản nào liên quan đến việc rút các lực lượng quân sự của Bắc Việt ra khỏi miền Nam Việt Nam.

 

Thế nhưng, Washington và Bắc Việt Nam cần bản Hiệp định này. Phe cộng sản Việt Nam muốn chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Việt Nam và tiến hành thống nhất đất nước, vốn bị chia cắt từ năm 1954 sau Hiệp định Geneve. Còn phía Mỹ thì muốn rút quân, đón nhận các tù binh. Theo một số nhà phân tích, khi ký Hiệp định Paris, Mỹ hy vọng có được một « thời gian hợp lý » kể từ khi lính Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam và sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn.

 

.

Đàm phán sau các chiến dịch quân sự

 

Hoa Kỳ và Bắc Việt bắt đầu đàm phán trong bối cảnh lực lượng Cộng Sản Việt Nam đạt được một thắng lợi ngoại giao to lớn với chiến dịch tấn công Tết Mậu Thân 1968, cho dù bị thiệt hại nặng về nhân mạng.

 

Theo số liệu của Bắc Việt, khoảng 80 ngàn chiến binh hầu như đồng thời phát động tấn công, nổi dậy ở hơn 100 thành phố, địa phương ở miền Nam Việt Nam, thậm chí tấn công cả vào đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn.

 

Chính quyền của tổng thống Richard Nixon không thể giảm nhẹ sức kháng cự của lực lượng Cộng Sản. Tại Mỹ, có nhiều tiếng nói đòi rút binh sĩ về nước.

 

Các cuộc đàm phán tại Paris bao gồm hai loại cuộc họp khác nhau : Một bên là các cuộc gặp chính thức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, đại lộ Kleber, Paris, Pháp và bên kia các cuộc đàm phán bí mật giữa Lê Đức Thọ và Henry Kissinger tại nhiều nơi ở ngoại ô Paris, như Choisy-le-Roi, Gif-sur-Yvette, Saint-Nom-la-Bretèche…

 

Có hai giai đoạn đàm phán. Giai đoạn đầu, từ tháng 05 đến tháng 10/1968, chỉ có các cuộc gặp song phương giữa Lê Đức Thọ và Henry Kissinger, chủ yếu đề cập đến việc Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam.  Giai đoạn hai, từ 01/1969 đến 27/01/1973, bao gồm bốn bên, ngoài đại diện Hoa Kỳ, Bắc Việt Nam, còn có đại diện chính quyền Sài Gòn và Chính Phủ Cách Mạng (Việt Cộng), tập trung đàm phán về việc Mỹ rút quân và tình hình chính trị miền Nam Việt Nam.

 

Tổng thống Mỹ Nixon và cố vấn Kissinger trong một thời gian dài đã nghĩ rằng với sức mạnh ưu thế về quân sự, họ có thể gây sức ép với Bắc Việt để đạt được một hiệp định hòa bình theo ý muốn. Hầu như cứ mỗi lần đàm phán rơi vào bế tắc, Kissinger lại chủ trương leo thang vũ lực : tháng 04/1970, lực lượng Mỹ và binh sĩ Sài Gòn tấn công vào Cam Bốt với mục đích ngăn chặn đường mòn Hồ Chí Minh, con đường tiếp viện chủ chốt của Bắc Việt Nam cho Việt Cộng ở miền Nam, đồng thời, phá hủy các cứ địa của Việt Cộng đặt trên đất Cam Bốt.

 

Chiến dịch thất bại. Tháng 10/1970, Nixon đưa ra hai đề xuất, ngừng bắn và Mỹ chấm dứt ném bom trên toàn Đông Dương, và coi đây là cơ sở cho một Hội nghị hòa bình cho phép Mỹ rút quân ra khỏi Đông Dương. Thế nhưng, Bắc Việt Nam bác bỏ đề xuất này và đòi tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu phải ra đi.

 

Cuối năm 1970, vào lúc chính quyền Nixon muốn tiến hành chính sách Việt Nam hóa chiến tranh, Kissinger đề nghị mở một cuộc tấn công mới vào Lào, chiến dịch « Lam Sơn 719 ».

Sau hai năm liên tiếp ném bom, chiến sự ác liệt và đàm phán không kết quả, Hoa Kỳ buộc phải xem xét lại mục tiêu đề ra nếu họ muốn giải quyết cuộc xung đột thông qua đàm phán : đó là cần phải đạt được một hiệp định cho phép chính quyền Sài Gòn tồn tại một thời gian đủ dài sau khi Mỹ rút quân, trong bối cảnh nguy cơ chính quyền này sụp đổ ngày càng gia tăng.

 

.

Giai đoạn cuối cùng

 

Cuối tháng 03/1972, lực lượng cộng sản Việt Nam mở chiến dịch thu-hè. Thất bại của chiến dịch này cùng với việc tổng thống Mỹ Nixon gần như chắc chắn tái đắc cử, đã tác động đến quyết địch của Bắc Việt Nam nối lại các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ.

 

Ngày 12/10/1972, Hoa Kỳ và Bắc Việt đã đạt được thỏa thuận với các nội dung không khác gì nhiều so với bản Hiệp định Paris mà các bên sẽ ký vào ngày 27/01/1973. Thế nhưng, tổng thống Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu không chấp nhận nội dung này mà ông coi là một vụ « tự sát » : quân đội Bắc Việt được phép ở lại miền Nam Việt Nam (vì hiệp định không hề nhắc tới lực lượng này) trong khi binh sĩ Mỹ phải ra đi.

 

Cuộc đàm phán giữa Lê Đức Thọ và Henry Kissinger được nối lại vào ngày 20/11/1972, nhưng bế tắc. Phía Mỹ đưa ra những đề nghị sửa đổi văn bản ngày 12/10. Bắc Việt cũng làm tương. Hai bên ngừng đàm phán ngày 13/12.

 

Ngày 18/12/1972, Hoa Kỳ huy động hàng chục máy bay ném bom chiến lược B52, tiến hành chiến dịch ném bom ồ ạt xuống nhiều thành phố Bắc Việt Nam, kể cả thủ đô Hà Nội trong vòng 11 ngày. Theo giới phân tích, mục tiêu của chiến dịch không chỉ nhằm buộc Bắc Việt quay lại bàn đàm phán, mà còn muốn gửi tới tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu thông điệp : Ông ta không thể hy vọng có được một hiệp định tốt hơn văn bản hồi tháng 10/1972.

 

Ngày 26/12, Bắc Việt Nam bắn tín hiệu sẵn sàng quay lại bàn đàm phán nếu Mỹ ngừng ném bom. Các cuộc thương lượng được nối lại ngày 03/01/1973 tại Pháp. Và 10 ngày sau, 13/01, Mỹ và Bắc Việt đạt được một thỏa thuận với nội dung chính giống như văn bản hồi tháng 10/1972.

 

Ngày 23/01/1973, Lê Đức Thọ và Henry Kissinger ký thỏa thuận và bốn ngày sau, 27/01 lễ ký kết chính thức diễn ra tại đại lộ Kleber, Paris.

 

Ngay từ lúc đó, tất cả các bên ký kết đều biết là chiến tranh sẽ tiếp tục. Theo các tài liệu vừa được công bố, vào năm 1973, khi quyết định tặng giải Nobel Hòa Bình cho Henry Kissinger và Lê Đức Thọ (nhưng ông Thọ đã từ chối), Ủy ban Nobel Hòa bình đã biết là Hiệp định Paris sẽ không mang lại hòa bình cho Việt Nam.

 

Hai năm sau, 30/04/1975, lực lượng Cộng Sản tiến vào Sài Gòn, chế độ Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ và nước Việt Nam thống nhất.

 

-------------

Tham khảo

1/ https://www.lefigaro.fr/histoire/archives/2018/01/26/26010-20180126ARTFIG00294-les-accords-de-paris-signe-en-1973-n-apporte-pas-encore-la-paix-au-vietnam.php 

2/ https://blog.mondediplo.net/2015-04-13-Vietnam-au-coeur-des-negociations-secretes 

3/ https://www.cairn.info/revue-relations-internationales-2008-3-page-53.htm 

 

 

======================================================

.

.

Chiến tranh Việt Nam : Vai trò của Pháp trong Hiệp định Paris 1973

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 30/01/2023 - 16:00

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-vi%E1%BB%87t-nam/20230130-50-nam-ky-hiep-dinh-paris

 

Ngày 27/01/1973, cách đây đúng 50 năm, Hiệp định về Việt Nam được ký ở Paris sau gần 5 năm đàm phán, bắt đầu từ ngày 13/05/1968. Dân tộc Việt Nam đã khiến đế quốc Mỹ phải khuất phục, theo nhật báo Cộng sản của Pháp L’Humanité, trong số kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris, nhưng thực tế, phải chờ hai năm sau, chiến tranh mới chính thức chấm dứt, do Washington tiếp tục hậu thuẫn, vũ trang cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

 

https://s.rfi.fr/media/display/68de5076-9c0c-11ed-a08b-005056a90321/w:980/p:16x9/000_ARP1957347_Vietnam_Accords_Paris_1973.webp

Đại diện của phái đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (miền bắc Việt Nam) Nguyễn Duy Trinh (G) trong lễ ký Hiệp định Paris ngày 27/01/1973, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế trên đại lộ Kleber, Paris, Pháp. © AFP

 

Trong suốt thời gian đàm phán tại Paris, chính phủ Pháp đã đóng vai trò quan trọng, từ công tác hậu cần đến những ý tưởng được đưa vào Hiệp định Paris. Giáo sư lịch sử đương đại Pierre Journoud, Đại học Paul Valéry - Montpellier III phân tích vai trò của Pháp trong buổi phỏng vấn với RFI Tiếng Việt nhân 50 năm ký Hiệp định Paris.

 


RFI : Xin ông cho biết lý do và bối cảnh diễn ra Hội nghị 1973 tại Paris ! 

 

Giáo sư Pierre Journoud : Hội nghị năm 1973 diễn ra tại Paris sau gần 5 năm đàm phán công khai bí mật và riêng tư. Nếu Paris được các bên trong cuộc xung đột - Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng với đồng minh của mỗi bên - lựa chọn là bởi vì Pháp theo đuổi một chính sách ngoại giao mà sau này được đánh giá là "tạo điều kiện thuận lợi" với sự pha trộn giữa ngoại giao công khai, ngoại giao bí mật để đẩy nhanh việc kết thúc chiến tranh. 

 

Chính sách này đã được tướng De Gaulle triển khai rõ ràng ngay năm 1965-1966, với những lá thư trao đổi với chủ tịch Hồ Chí Minh, với bài diễn văn Phnom Penh năm 1966, cũng như những trao đổi rất sâu sắc về kế hoạch ngoại giao không chỉ với các quốc gia tham chiến mà cả các cường quốc khu vực và trên quốc tế, như Trung Quốc, Liên Xô… những nước ủng hộ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tất cả những tương tác giữa ngoại giao công chúng và ngoại giao bí mật đã dẫn đến việc các bên tham chiến chọn Paris để ngồi vào bàn đàm phán. Ngoài ra, hình dạng của chiếc bàn đàm phán cũng là chủ đề của nhiều cuộc trao đổi trong hơn một tháng, cũng như việc xem xét tiếp đón ở đâu, như thế nào các phái đoàn đồng minh, trong đó một bên có Việt Nam Cộng hòa, bên kia có Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. 

 

Có thể thấy điểm quan trọng đầu tiên là Pháp có chính sách tạo thuận lợi, tiếp đến là các phương tiện liên lạc ở Paris đều được tất cả các đối tác khen ngợi. Và phải kể đến các cơ sở ngoại giao, có nghĩa là tất cả các bên trong cuộc xung đột đều có đại diện, không chỉ Hoa Kỳ, một đồng minh lâu đời của Pháp, thông qua đại sứ quán, mà cả Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với một phái đoàn, hoặc Việt Nam Cộng hòa cũng có một phái đoàn, rồi Mặt trận Dân tộc Giải phóng sau này trở thành Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam - GRP - được công nhận thông qua một văn phòng đại diện từ năm 1969. Đây là một yếu tố quan trọng đối với Hà Nội. 

 

Lý do có thể được cho là cuối cùng, đó là sự hiện diện quan trọng của cộng đồng người Việt tại Pháp, đặc biệt là ở Paris. Đó là một cộng đồng tương đối ủng hộ chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nói chung. 

 

Đây là những lý do giải thích cho việc chọn Paris để tổ chức hội nghị năm 1973, cho dù một số tổng thống Mỹ tỏ ra rất miễn cưỡng, nhất là tổng thống Johnson năm 1968, nhưng sau đó đã được xóa bỏ nhờ một số lập luận của các cố vấn dân sự. Còn tổng thống Nixon, khi lên nắm quyền thì hội nghị đã mở ra ở Paris từ năm 1969, đã có cái nhìn tích cực hơn nhiều về tướng De Gaulle và người kế nhiệm là Georges Pompidou, về nước Pháp nói chung và đóng góp của Pháp. Vì vậy, tổng thống Nixon không bao giờ thắc mắc về việc lựa chọn Paris. Phía miền Nam và miền Bắc Việt Nam cũng tương tự. 

 

.

RFI : Pháp đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức hội nghị, cũng như thành công của Hội nghị Paris năm 1973. Vai trò cụ thể của Pháp là gì ? 

 

GS. Pierre Journoud : Đúng, vai trò của Pháp được Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công nhận một cách khá kín đáo trong các trao đổi, thư từ mà tôi tìm thấy trong tài liệu lưu trữ, đặc biệt là của Pháp và Mỹ. Trước tiên, Pháp cung cấp cơ sở vật chất, cụ thể là nơi ăn ở, theo lời một giám đốc phụ trách châu Á của bộ Ngoại Giao Pháp, như nơi ở cho các phái đoàn, phòng họp, bắt đầu với phòng hội nghị quốc tế trên đại lộ Kleber. 

 

Nhưng tôi cho rằng, ngoài mặt vật chất, Pháp đã góp phần nuôi dưỡng đối thoại liên tục. Sau khi nghiên cứu rất nhiều tài liệu, tôi thấy là ngành ngoại giao Pháp rất năng động trong việc bao quát, nỗ lực nắm bắt tình hình chính trị, quân sự trên chiến trường, cố gắng tìm kiếm những thỏa hiệp cần thiết cho thành công cuối cùng của cuộc đàm phán. Một số ý tưởng của Pháp xuất hiện trong quá trình soạn thảo văn bản Hiệp định Paris. Ví dụ một ý tưởng đã được tướng De Gaulle đưa ra từ rất sớm trong bài diễn văn đọc tại Phnom Penh năm 1966 là người Mỹ không thể có một chiến thắng quân sự và họ phải đàm phán. Vì vậy, ông đã sớm nêu lên giải pháp đàm phán trên bình diện ngoại giao và việc Mỹ phải rút quân trong một khung thời gian phù hợp, ấn định. 

 

Ngành ngoại giao Pháp còn đưa ra ý tưởng đàm phán cùng lúc các mặt chính trị và quân sự - điều được thực hiện sau này trong quá trình đàm phán, cũng như ý tưởng trả tự do cho tù binh song song với các cuộc đàm phán. Ngoài ra còn có nhiều ý tưởng khác, như về tính trung lập của bán đảo Đông Dương, đặc biệt là Lào và Cam Bốt. 

 

Có thể thấy quy mô cấp vùng của cuộc đàm phán, kết quả đám phán mà theo tôi, nhờ nỗ lực của một số nhà ngoại giao. Ví dụ trước tiên là Etienne Manac'h, giám đốc phụ trách châu Á của bộ Ngoại Giao Pháp, người đã dành nhiều thời gian nói chuyện trong hậu trường với tất cả các bên Việt Nam và Hoa Kỳ, tiếp theo là người kế nhiệm Henri Froment-Meurice. Ngoài ra, phải kể đến một số nhà trung gian, không phải là những nhà ngoại giao chuyên nghiệp, mà là những nhân vật chính trị hoặc xã hội dân sự ở Pháp. Tôi đặc biệt nghĩ đến Jean Sainteny hay Raymond Aubrac, một người bạn thân của chủ tịch Hồ Chí Minh và đóng vai trò bí mật trong các cuộc đàm phán này cho đến lúc ký Hiệp định Paris năm 1973. 

 

Toàn bộ ngành ngoại giao Pháp không ngừng kêu gọi “Việt Nam hóa hòa bình, chứ không phải chiến tranh”, theo cách gọi của ngoại trưởng Pháp Maurice Schumann. Đây thực sự là kim chỉ nam của ông, cho dù tôi nghĩ đôi lúc là đầy ảo tưởng. Nhưng dù sao, khẩu hiệu đó đã được sử dụng để cụ thể hóa đến cùng mục tiêu đó. 

 

.

RFI : Hiệp định Paris được ký ngày 27/01/1973, nhưng chiến tranh không kết thúc ngay. Tại sao Hiệp định lại không được tuân thủ ?  

 

GS. Pierre Journoud : Đúng thế, các cuộc giao tranh nhanh chóng tái diễn trên chiến trường. Thỏa thuận đình chiến đã bị vi phạm nhiều lần. Rất khó để biết là ai, khi nào, như thế nào... Nhưng các bên đổ trách nhiệm cho nhau đến mức vào tháng 06/1973, bộ Chính trị quyết định tiếp tục đấu tranh vũ trang, bởi vì đã có quá nhiều vụ vi phạm ngừng bắn.

 

Một lý do khác, có lẽ các điều khoản chính trị của Hiệp định lại khá viển vông vì một trong những điều khoản chính là tập hợp một chính quyền lâm thời gồm 3 thành phần, gồm phía Cộng sản, chống Cộng sản và trung lập. Khi biết lịch sử chiến tranh Việt Nam, chúng ta thấy rằng những người theo Cộng sản và những người chống Cộng đã trải qua nhiều năm chiến tranh chống lại nhau nên có thể nghi ngờ rằng ngồi cùng bàn và suy tính cách cùng nhau quản lý là việc vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là hoàn toàn viển vông.

 

Tôi nghĩ điều mà các nhà đàm phán tìm kiếm có phần nào ảo tưởng, ví dụ ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger với ý tưởng là sẽ có một "khoảng cách hợp lý" (decent interval) theo cách ông gọi với tổng thống Nixon. Có nghĩa là có thể duy trì một miền Nam Việt Nam vẫn độc lập, không theo Cộng sản trong vài năm để giữ thể diện cho Hoa Kỳ. Còn phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng mong tạm dừng giao tranh để củng cố lực lượng, tiếp tục cuộc chiến, lần này là giữa người Việt với nhau. 

 

Vì thế, những điều khoản chính trị của Hiệp định Paris chưa bao giờ được áp dụng, điều này giải thích cho việc giao tranh nhanh chóng tái diễn. Nhưng tôi nghĩ rằng trách nhiệm đầu tiên là từ phía miền Nam Việt Nam, bên vẫn tìm cách đàm phán lại thỏa thuận tháng 10/1972.

 

Khi biết được những điều khoản chính của Hiệp định này từ ngoại trưởng Henry Kissinger, tổng thống Thiệu của Việt Nam Cộng Hòa lúc đó đã bác bỏ ít nhất 70 yếu tố trong Hiệp định và tìm cách đàm phán lại nhưng Hà Nội từ chối. Đây là lý do dẫn đến chiến dịch ném bom Linebacker II, còn được gọi là Giáng sinh chết chóc 1972 và nối lại các cuộc đàm phán vào cuối năm 1972 - đầu 1973 cho đến khi đúc kết vào tháng 01/1973.

 

Nhưng bộ Chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam thấy là đã giành được một thành công chiến lược với Hiệp định Paris và biết rằng việc thống nhất sớm muộn cũng nghiêng về phía họ, trong khi chờ đợi thời cơ thuận lợi để tiếp tục chiến tranh. Trong buổi hội thảo được đại sứ quán Việt Nam tổ chức ngày 18/01/2023 tại Paris, người lái xe của bà Nguyễn Thị Bình cho biết là bà đã nói với ông khi rời khỏi cuộc họp quan trọng hồi tháng 01/1973 rằng "từ giờ chuyện sẽ được giải quyết trong gia đình". Bà biết rõ rằng Hiệp định Paris đã mở ra một giai đoạn mới cho cuộc chiến. Và tôi nghĩ là bà cũng biết rằng Hiệp định sẽ không được tôn trọng lâu. Chuyện đó đã xảy ra. Các vụ vi phạm ngừng bắn liên tục gia tăng, chiến tranh tái diễn cho đến năm 1975.

 

.

RFI : Như ông vừa nói, cho dù có nhiều nỗ lực nhưng phải chờ đến năm 1975 chiến tranh mới chấm dứt ở Việt Nam. Vậy cụ thể, vai trò của Pháp như thế nào trong hai năm đó ? 

 

GS. Pierre Journoud : Đúng, đây là một câu hỏi ít được nghiên cứu cho đến hiện nay. Trên thực tế, Pháp rất năng động cho đến năm 1973 khi Hiệp định Paris được ký kết, thậm chí là sau đó vì còn có một hội nghị quốc tế được tổ chức ở thành phố La Celle-Saint-Cloud, ngoại ô Paris, để góp phần huy động các Nhà nước, các cường quốc về hòa bình ở Việt Nam. Pháp cam kết hỗ trợ đến 100 triệu franc lúc đó cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cho chính phủ lầm thời ở miền Nam. Có thể thấy Pháp cam kết rất mạnh mẽ và là một trong những nước châu Âu lúc đó đóng góp nhiều nhất cho việc tái thiết Việt Nam, về tài chính, hoạt động công nghiệp, kinh tế... Đó là cam kết trước tiên về mặt kinh tế.

 

Tiếp theo, Pháp luôn theo dõi sát sao tình hình chính trị và quân sự trên thực địa, nhưng có thể nói là một bước thụt lùi so với chính sách của tướng De Gaulle. Trong thâm tâm, tướng De Gaulle đã chấp nhận rằng việc thống nhất Việt Nam diễn ra dưới quyền của đảng Cộng sản bởi vì theo ông, đó là lực lượng quyết tâm nhất, có tổ chức nhất, thông minh nhất. Và lịch sử đã cho thấy ông có lý.

 

Nhưng vấn đề là tháng 06/1969, Georges Pompidou lên nắm quyền thay tướng De Gaulle. Tổng thống Pompidou lại có đường lối khác hơn một chút, ủng hộ duy trì một chế độ ở miền nam Việt Nam. Và đường lối chính trị này dẫn đến một tuyên bố chính thức của ông vào năm 1970 : công nhận 4 Nhà nước ở Đông Dương, theo cách phân khu vực trước đó của Pháp, gồm 2 Nhà nước Việt Nam, Lào và Cam Bốt. Ngành ngoại giao Pháp vẫn cố bám phần nào vào ý tưởng rằng miền Nam Việt Nam không theo Cộng sản vẫn có thể tồn tại.

 

Nhưng tổng thống Pompidou qua đời vì bệnh vào năm 1974, thay thế là Valéry Giscard d'Estaing, người không quan tâm nhiều lắm đến chủ đề này ngay từ đầu. Sau đó, theo diễn biến của cuộc chiến và những chiến thắng liên tiếp của Quân đội Bắc Việt cũng như lực lượng ở miền Nam Việt Nam, ông ngày càng theo hướng ủng hộ một lực lượng trung lập và cố đưa ra một lực lượng thứ 3 không Cộng sản cũng không chống Cộng sản. 

 

Tổng thống Valéry Giscard d'Estaing đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ lực lượng này và cố đưa lên nắm quyền. Lúc đó là tháng 03/1975, cuộc chiến bước vào giai đoạn cuối, quân đội Việt Nam bắt đầu tiếp cận Sài Gòn vào tháng 4. Ngành ngoại giao Pháp hoạt động tích cực trong hậu trường để đưa tướng Dương Văn Minh, còn gọi là "Big Minh", người có lợi thế là trung lập, theo Phật giáo, không phải là Cộng sản và cũng không chống Cộng. Nhưng hoạt động ngoại giao này của Pháp lại quá muộn, nhưng trên hết là tương đối hão huyền, trước sự năng động không thể ngăn cản, không thể lay chuyển của Quân đội Nhân dân Việt Nam và các đơn vị vũ trang của họ ở miền Nam Việt Nam và ở thủ đô của miền Nam lúc đó.

 

Nỗ lực đó đã chấm dứt khi Quân đội Nhân dân Việt Nam toàn thắng thắng ở Sài Gòn ngày 30/04/1975. Cho dù ngành ngoại giao Pháp ủng hộ kế hoạch được tiến hành gần như vào phút chót, đối với tôi, đó là một bước thụt lùi so với những gì được tướng De Gaulle đề ra năm 1965, tức là 10 năm trước đó.

.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giáo sư Pierre Journoud, Đại học Paul Valéry - Montpellier III

 

-------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

ÔN LẠI LỊCH SỬ

Chiến tranh Việt Nam : Mùa đông năm 1972, lần đầu tiên B 52 Mỹ rải bom vào thủ đô Hà Nội

VIỆT NAM - HOA KỲ - LỊCH SỬ

Truyền hình Pháp-Đức chiếu phim tài liệu « Vietnam War »

VIỆT NAM - LỊCH SỬ

Vì sao Việt Nam ít đề cập đến Tết Mậu Thân 1968





No comments:

Post a Comment

View My Stats