Sunday 29 January 2023

CẢM NHẬN QUÊ NHÀ (PHẦN 3) : CHỦ NGHĨA TƯ BẢN CÔNG NÔNG (Nguyễn Xuân Thọ)

 



Cảm nhận quê nhà (Phần 3): Chủ nghĩa Tư bản Công nông  

Nguyễn Xuân Thọ

29-1-2023  04:07    

https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/pfbid02Wqk6VyHe7ioZNwe5BZuVR3S2gFFXjr8eigMv3kqrmrMsi2CPKbwj29i7ux9Ce1p9l

 

(tiếp theo)

 

Cả 5 năm qua tôi đều hưởng Tết Việt Nam. Tết ta đã đổi hướng theo “bốn chấm không”. Thức ăn đa số được đặt về nhà. Đồ cúng, đồ biếu được bày bán đầy đường thành các xuất to nhỏ như kim tự tháp tý hon bọc giấy bóng kính sặc sỡ. Cá, chim phóng sinh được cung cấp, thu lại, quay vòng như đồ ve chai. Dân chúng đổ đến chùa chiền đang mọc lên như nấm để cầu an, phúng viếng. Tiền mừng, lì xì được đổi ở ngân hàng trước cả tháng, phải mất cả buổi để xếp vào các phong bì in sẵn… Chỉ có lời chúc tết đêm 30 trên TV thì vẫn như cũ.

 

Làn sóng công nghiệp hóa đang thay đổi mọi mặt của xã hội. Sau một thời gian dài chộp giật bằng lừa đảo, cướp đất, buôn cổ phiếu, bán tài nguyên, nhiều nhà tư bản đã bắt đầu đi vào chiều sâu. Thép Hoà Phát, lốp Caosumina, kính Chu Lai, cáp điện Trần Phú, nhựa Long Thành, ống nước Bình Minh… chỉ là một vài đơn cử.

 

Trên đường phố xuất hiện ngày càng nhiều các loại xe hơi, xe máy logo Vinfast, xe khách, xe tải mang hiệu Thaco. Dù cả hai anh cả đỏ này vẫn chủ yếu lắp ráp xe theo công nghệ nước ngoài với tỷ lệ nội hóa thấp, nhưng chúng đang mở đường cho ngành công nghiệp phụ trợ và cơ khí trong nước. Tôi biết một doanh nhân trẻ, chuyên xuất khẩu cao su lưu hóa, anh đang bắt tay sản xuất các loại gioăng (joint) cho ô-tô.

 

Mặc dù Thaco dẫn đầu thị trường Việt Nam với hơn 30% số xe bán ra, nhưng Vinfast chỉ với 12,5% thị phần lại được biết đến nhiều hơn, ca ngợi nhiều hơn. Trước tiên vì Vinfast là một thương hiệu Việt Nam, chứ không phải là Mazda, Toyota hay Honda do Thaco lắp ráp. Nhiều người gắn việc đi xe Vinfast với lòng yêu nước, tự tôn hàng nội. Nhưng lý do chính là chiến lược phát triển và cách truyền thông của hai hãng này.

 

Ông Trần Bá Dương, kỹ sư có khí, bắt đầu xây dựng Thaco từ 1997. Với vốn liếng của một anh quản đốc phân xưởng nhà nước, ông chỉ tập trung tân trang rồi kinh doanh ô-tô cũ. Năm 2003, ông bắt tay với các hãng xe Nhật lắp ráp tại chỗ các loại xe Toyota, Mazda, Honda v.v. Thaco chấp nhận làm sân sau cho công nghiệp ô-tô thế giới để đáp ứng cho thị trường Việt Nam, đồng thời học tập kỹ nghệ, đào tạo dần lực lượng. Với kiến thức tích lũy Thaco tự thiết kế, chế tạo xe tải, xe khách. Từ chỗ tự phát triển công nghiệp phụ trợ, chế tạo các cấu kiện và lốp xe hơi, Thaco tiến tới phát triển ngành cơ khí, đóng tầu, vận tải biển, nông nghiệp… Khi có tiền, Thaco thành tập đoàn Trường Hải, vươn sang cả đầu tư xây dựng, bất động sản và thương mại dịch vụ. Ông Dương đã chọn cách đi chậm nhưng chắc.

 

Ông Vượng thì ngược lại. Với núi tiền ở Ukraine mang về, ông bắt đầu bằng bất động sản, thương mại dịch vụ. Vincom nổi tiếng về các resorts, về các khu đô thị, về hệ thống cửa hàng, trường học, bệnh viện… với những cái tên Vin. Khi đã có tiền, Vincom cũng nhảy sang công nghệ, làm smartphone, làm cả hàng không và chế xe hơi.

 

Chiến lược công nghiệp hóa của Vin là đi tắt, đón đầu, để mau chóng đạt trình độ thế giới. Tham vọng nhiều nên Vượng dễ quá đà. May mà ông biết rút ra khỏi những trò chơi hại tiền như hàng không hay smartphone để tập trung vào xe hơi.

 

Vinfast chấp nhận chế xe xăng trong những năm đầu, khi mà cả thế giới đã làm xe điện. Lý do là muốn tạo ra nền móng kỹ thuât ô-tô cho mình. Làm ô-tô dù xăng hay điện thì những kinh nghiệm về gầm bệ, về truyền lực, phanh, vi sai, về chống rung, chống ồn, về tính tiện dụng của từng cái nút bật… đều phải tích lũy nhiều thế hệ. Điều đó khiến xe Đức, dù chạy xăng, diesel hay điện vẫn luôn nổi bật.

 

Kẻ sinh sau lại muốn đốt cháy giai đoạn nên Vin chỉ học công nghệ xe hơi cơ bản trong hai năm rồi nhảy sang điện-pin. Do đó những bệnh trẻ em của xe Vinfast là điều tất nhiên. Nhiều người dùng cũng thông cảm, dù sao cũng là cây nhà lá vườn. Thaco ít được ca ngợi, cũng bị chê hơn vì ông Dương đã ngậm quả đắng học hỏi hàng chục năm. Ông cũng tiếp thị thầm lặng, trọng khách hàng hơn. Ông không gọi công an hăm khách, không kêu Facebook xóa bài.

 

Giá như Vin chọn con đường chậm chắc, khiêm tốn, lấy thị trường trong nước làm nơi tích lũy kinh nghiệm thì chắc Vinfast sẽ không mất nhiều tiền như hiện nay. Showroom Vinfast ở Cologne, nơi tôi ở, sau mấy ngày đầu tấp nập, nay vắng tanh. Anh bán hàng người Thổ luôn vui vẻ với khách hàng, nhưng tôi e là số người mua không nhiều. Người Đức không mua xe vì lòng tự hào nào cả. Người Mỹ cũng vậy.

 

Mặc dù bỏ tiền khủng, bao ăn uống đi lại cho nhiều nhà báo và chuyên gia ô-tô từ Mỹ về thăm cơ sở Vinfast, nhưng chính họ đánh giá rằng VF8 sẽ khó được thị trường chấp nhận.

Việc 999 chiếc VF8 được chuyển sang Mỹ một cách hoành tráng, như cả nền chính trị Việt Nam từng tiễn anh Tuân lên vũ trụ năm nào, khó bán ở Mỹ, làm tôi lo lắng, chứ không hả hê. Mỗi đồng bạc ông Vượng đổ xuống biển đều là mồ hôi, nước mắt của người Việt, trong đó có rất nhiều dân oan mất đất.

 

Hè 2009 tôi được Vincom mời tư vấn cho kênh truyền hình số AVG và làm việc với Phạm Nhật Vũ vài lần. Trong Vincom, người ta gọi Vượng là V1, Vũ là V2, được ví với hai loại bom bay khét tiếng của Đức trong thế chiến 2. Tôi hơi mừng vì có thể AVG sẽ là kênh truyền hình tư nhân đầu tiên ở Việt Nam. Đến tòa nhà Vincom ở đường Bà Triệu hôm đầu, tôi ngạc nhiên khi thấy các nam thanh nữ tú đứng xếp hàng trước cửa, tưởng là đón mình. Bước vào trong sảnh tôi bật cười khi thấy một băng rôn màu đỏ chăng ngang: “Nhiệt liệt chào mừng đại hội Đảng bộ tập đoàn Vincom“. Mấy bạn Tây đi cùng hỏi: Cái gì vậy?

 

– Chúng ta đang tư vấn cho một tập đoàn tư bản công nông!

 

Duy nhất một bạn xuất thân từ CHDC Đức hiểu và cười theo.

 

Khi làm việc với các cán bộ Vincom lo việc lên kênh AVG, tôi thấy họ là những người có trình độ cao, có phong cách khác hẳn với các đồng nghiệp VTV trước kia của tôi. Họ bắt mạch các tiến bộ kỹ thuật rất nhanh. Trong mọi kế hoạch đều có luật sư của Vincom cùng tư vấn. Vụ hợp tác đó đã thành công rực rỡ. Chỉ 18 tháng sau AVG lên sóng, kỹ thuật hiện đại, hiệu quả.

 

Giỏi vậy nhưng cuối cùng AVG vẫn lỗ. Vũ đi tù, cái tên An-Viên cũng biến mất sau một vụ án tham nhũng rung chuyển chế độ.

 

Tôi kể chuyện Vincom, rồi so sánh với Thaco không phải để chê ai, khen ai. Khi đã đầu tư vào chiều sâu, tất cả họ đều đóng góp cho phát triển của đất nước. Nhưng công nghiệp hóa, tư bản hóa dưới khẩu hiệu công nông là một điều bi ai.

 

Dân tộc nào cũng đều phải trả giá cho quá trình công nghiệp hóa. CNTB hoang dã ở châu Âu ra đời trong “máu và bùn nhơ từ lỗ chân lông” (Marx). Sự cạnh tranh ở đó cũng vô cùng khốc liệt và tàn bạo. Nhưng tư bản hóa trong nền dân chủ tư sản, quản lý bởi tầng lớp trí thức, quý tộc đã đem lại rất nhiều thành tựu cho nhân loại. Ngày nay nhiều nước đã tiến đến CNTB phúc lợi. Chỉ riêng về đô thị hóa, chúng đã tạo các thành phố như London, Paris, Budapest, Praha, Amsterdam v.v… hiện đại nhưng vẫn cổ kính, vẫn bảo tồn không gian văn hóa và môi trường sống cho dân.

 

Tư bản hóa, đô thị hóa bằng cung cách “bần cố nông” (như cháu gái cụ Hiến đã nói ở bài trước) ắt sẽ sinh ra các đô thị, nơi thì như “răng cải mả”, nơi thì thành những rừng bê tông nghẹt thở.

 

(Còn tiếp)

 

                                                               ***

 

Cảm nhận quê nhà (Phần 3): Chuyện cái vỉa hè  

Nguyễn Xuân Thọ

11-1-2023  05:52  

https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/pfbid0368UB6wFGm4x6WFkJXKKWngukcV5mDmya5Sv2aibFL4xyeb8XQNTDzgYRWUPAWVTil

 

(tiếp theo)

 

Hàng ngày tôi đi qua mấy cái khẩu hiệu to lừng lững treo ngang trên những con phố nhỏ với dòng chữ: „Nhân dân khu phố... quyết tâm giữ vững danh hiệu khu phố văn hóa“. Khi phải chịu đựng giọng ca karaoke chấn động lòng người, ngửi mùi khói khét lẹt do đốt vàng mã, phải tránh những xác chuột khô đét trên mặt đường, tôi không thấy được cái quyết tâm được phô rất tốn kém đó. Chỉ thấy đám chuột hoan hỷ quần đảo trong các hộp đựng rác styropor không có nắp bên vệ đường, trong khi công nghiệp nhựa Việt Nam thừa sức cung cấp hàng triệu thùng rác có nắp, với giá thành rẻ hơn tiền thuốc chuột mỗi gia đình bỏ ra cả năm.

 

Hàng năm ngành xuất bản bán 3.000 tỷ đồng ấn phẩm văn hóa. Chia cho gần 100 triệu dân thì mỗi người mua 30.000 đồng sách báo. Trong khi đó trung bình mỗi gia đình trong số 25 triệu hộ đốt 120.000 đồng vàng mã/năm để mong cho gia tiên được mặc quần áo đẹp, đươc cưỡi ô-tô, được chơi iPhone nơi chín suối. (FB Ngô Thái Bình). Đó là chưa kể tiền làm các loại cổng chào để giữ vững danh hiệu văn hóa.

 

Cái vỉa hè tự xây, bị chiếm dụng, những xác chuột trên đường, khói vàng mã quyện trong âm hưởng karaoke… không chỉ nói lên ý thức của người dân, mà là biểu hiện của một chính quyền thờ ơ, buông lỏng, không có kỷ cương. Gã khổng lồ Google Map đã chới với khi vào Việt Nam vì nạn loạn số nhà, loạn tên phố. Riêng vùng tôi ở có đến 3 „Đường 53“. Không biết bao giờ mã vùng (ZIP-Code), vốn đã có từ lâu, mới được sử dụng chính thức để các chị bưu tá, các chú Grab đỡ khổ?

 

Ông Lê Văn Hiến, một trí thức cách mạng lão thành, bộ trưởng Bộ Tài chính từ năm 1946, tác giả cuốn „Ngục Kontum“[1] có cô cháu ngoại từng là hàng xóm của tôi ở Hà Nội. Giờ đây cô đang ở trong tòa biệt thự mà Nhà nước phân cho ông ngoại, cùng nhiều hộ khác. Từ năm 2011 tòa biệt thự này đã lên báo nhiều lần vì cô tố cáo các hành vi xây dựng trái phép làm hỏng ngôi nhà[2]. Cho đến nay những vi phạm đó vẫn không thể chấm dứt được vì luôn có người che đỡ. Hồi trẻ tôi hay sang đây chơi nên vẫn còn nhớ tòa nhà đẹp, có mảnh vườn rộng ở phố Tông Đản. Tháng trước tôi đi xe máy qua và bị sốc vì tòa nhà xuống cấp thảm hại, lại còn bị bao quanh bởi một loạt nhà hàng cơi nới ra. Mảnh vườn đẹp đã biến mất.

 

Cô cháu than thở: Cung cách quản lý bần cố nông là vậy!

 

Vốn quý trọng bác Hiến, tôi thầm hỏi: Bác có biết rằng hy sinh của bác đã để lại nền quản lý bần cố nông đang đè nặng lên thế hệ con cháu?

 

Số phận của ngôi biệt thự nói trên trong hàng ngàn, hàng vạn trường hợp chỉ là một ví dụ cho vấn nạn loạn xây cất, loạn quy hoạch….

 

Trước kia, người ta đổ tội phá nát kiến trúc đô thị cho sự ấu trĩ, cho nhu cầu cấp bách phải đưa nhiều cán bộ từ nông thôn về tiếp quản thành phố trong điều kiện nọ kia. Nhưng ngày nay, khi xã hội đã phát triển hơn, nhiều gia đình đã khá giả mà nếp quản lý vẫn như cũ.

 

Việt Nam có vô vàn ngôi nhà hộp. Chúng chỉ rộng 3-4 mét mặt tiền, sâu khoảng 20-25m, tối hun hút nhưng cao đến 5-6 tầng. Trên những lô đất nhỏ như vậy, chỉ có xây nhà hộp mỏng tanh, xây sát ranh giới thì mới đủ diện tích để ở và cho thuê cửa hàng. Sau lưng cũng là mảnh đất hẹp và nông như vậy, nhìn ra mặt phố song song. Mảnh đất đó cũng được chủ nhà xây nhà hộp sát đến ranh giới, đến nỗi hai nhà đấu lưng vào nhau, không còn chỗ mở cửa sổ sau cho gió lùa vào. Máy lạnh của hai nhà thổi gió nóng và bắn tiếng ồn sang nhau.

 

Tôi hỏi một ông cán bộ: Tại sao khoanh lô đất nhỏ tý như vậy để bán cho người có tiền xây nhà? Tại sao không phân mặt tiền rộng ra 5-6m để khỏi phải nhô cao? Tại sao không chia các mảnh đất sâu 40-50 m để còn có vườn phía sau, để tránh cảnh nhà dựa lưng vào nhau, để còn có chỗ đỗ xe phía trước? Từ 130 năm trước Pháp đã làm như vậy mà.

 

Ông nói vòng vèo một lúc nhưng đại ý là: Để đáp ứng nhu cầu dân số đô thị tăng nhanh, để nhiều người có điều kiện xây nhà, rằng phân lô kiểu Tây chỉ giúp một số giàu hơn (tư sản) được xây nhà riêng.

 

Thì ra mấy ông tư bản mới vẫn quản lý theo kiểu cào bằng như thời bần cố nông. Ngày xưa cào bằng để tất cả cùng nghèo, nay cào bằng để người có tiền cùng được hưởng sự khó chịu của nhau, không ai khá lên được.

 

Chỉ cần đi vài trăm mét từ nhà tôi sang Phú Mỹ Hưng, nơi được „Tây“ quy hoạch, mọi việc lại khác hẳn. Ở đó vỉa hè ra vỉa hè, nhà có vườn, không gian có chỗ thở, cột điện không có giàn cáp leo, mặt đường không có xác chuột…. Trong khung cảnh như vậy chắc chắn không ai dám hát karaoke vào nửa đêm hay đem rác đổ ra đường.

 

Phát triển theo hướng chất lượng cao „Quý hồ tinh bất quý hồ đa“, không cào bằng, không úi xùi ắt tạo ra sự sàng lọc và kiểm soát, tránh được bần cùng hóa giới trung lưu. Ngoài việc nâng cao ý thức công dân, nó còn giúp giảm tốc độ đô thị hóa, không lôi kéo người nông thôn đổ xô ra thành thị. Hàng trăm ngàn người sống sót sau vụ Covid năm ngoái rời bỏ các khu ổ chuột ở thành thị chạy về quê là thất bại của chính sách đô thị hóa nông cạn. Tốc độ đô thị hóa không phải là chỉ số quyết định cho trình độ phát triển!

 

Tuy đô thị chất lượng cao đắt tiền hơn nhưng chắc chắn sống lâu hơn. Con cháu chúng ta, sau khi được mở mang tầm mắt, được khai sáng sẽ không chấp nhận những đường phố không có vỉa hè, sẽ không chịu đi bộ xuống lòng đường. Chúng sẽ không ở trong những ngôi nhà hộp bị bịt cửa sổ phía sau, sẽ không chịu dùng nước máy được hứng vào bể ngầm rồi bơm lên những thùng nhôm trên nóc nhà v.v. Khi đó chỉ có cách đập đi xây lại cả một khu phố. Hàng ngàn tỷ USD của nhiều thế hệ chắt cóp sẽ biến mất. Rẻ hóa đắt.

 

Tâm lý ham rẻ để phát triển nhanh, theo chiều rộng của ông cán bộ nọ không chỉ ngự trị trong quy hoạch đô thị mà trong mọi hoạt động kinh tế.

 

Cơn sốt công nghiệp rẻ tiền từng tàn phá đất nước này, khi các tỉnh đua nhau nhập về theo hàng loạt nhà máy đường, nhà máy xi măng, xưởng đúc thép từ Trung Quốc để rồi tất cả đều nằm đắp chiếu. Cơn sốt đó được nối tiếp bằng cơn sốt thủy điện. Khắp nơi mọc lên các nhà máy thủy điện nhỏ, rẻ tiền, với cái giá vô cùng đắt cho thiên nhiên. Và cho cả mạng sống của người dân ở phía dưới chân đập.

 

Tôi không phủ nhận những bước tiến mà Việt Nam đạt được trong „Xóa đói giảm nghèo“. Đường xá, điện lực và viễn thông vươn đến phần lớn nông thôn khiến đời sống nông dân được cải thiện đáng kể. Nhưng xóa đói dẫn đến tàn phá thiên nhiên là những bước tiến không thể khích lệ.

 

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, trước năm 1945 Việt Nam có 14 triệu ha rừng. Sau 30 năm chiến tranh, diện tích rừng năm 1975 chỉ còn 9,5 triệu ha. 14 năm hòa bình trong chế độ bao cấp đã thiêu hủy thêm 3 triệu ha, năm 1989 chỉ còn 6,5 triệu ha [3].

 

Từ khi đổi mới kinh tế, nhà nước giao đất rừng cho nông dân để xóa đói giảm nghèo và phủ xanh diện tích rừng. Thiếu hiểu biết về phát triển bền vững, ham bóc ngắn cắn dài, chính quyền đã khuyến khích hàng triệu nông dân trồng các loại cây công nghiêp, mà tệ hại nhất là cây keo để làm bột giấy.

 

Cây keo tuy chỉ cho 25-30 triệu đồng/ha/năm, nhưng sau 4-5 năm là nông dân có thu hoạch, sản phẩm được công nghiệp giấy bao tiêu ngay. Nếu mỗi gia đình được phân 4-5 ha để trồng keo, thì năm nào cũng đảm bảo có thu nhập ổn định, tuy chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng, đủ để không chết đói. Vì vậy nông dân đua nhau phá rừng tự nhiên để trồng keo, tăng thu nhập.

 

Hậu quả là vô vàn cánh rừng tự nhiên bị đốt để trồng keo. Rừng keo phủ đến đâu, đa dạng sinh học biến mất đến đó. Chim, ong, bướm, côn trùng bỏ đi, đất bị xói mòn, bị bạc màu. Không có thảm thực vật giữ nước nên lũ lụt, hạn hán đe dọa cuộc sống ở dưới đồng bằng.

 

Trồng rừng đơn canh là cách hủy họa thiên nhiên nguy hiểm nhất. Nó nguy hiểm vì người dân nghĩ rằng mình đang trồng rừng, đang hỗ trợ công nghiệp và đang tự nuôi sống mình. Chính quyền thì có cách đề cao thành tích xóa đói giảm nghèo.

 

Nhiều nông dân hiểu rõ tác hại của „cơn sốt keo“. Nhưng nếu gõ từ „cây keo“ trên Google, sẽ chỉ thấy các bài viết ca ngợi cây leo. Vậy nên trong 3,9 triệu ha trồng rừng mới, có đến 2,2 triệu ha keo lai!

 

Những người quyết vượt khó, trồng vườn rừng tự nhiên, hợp thổ nhưỡng, bảo vệ môi sinh luôn bị cô đơn.

 

Cái vỉa hè bị chiếm dụng, khấp khểnh theo từng mặt tiền không chỉ là chuyện của phố tôi. Nó là hình ảnh ngự trị trong mọi lĩnh vực của xã hội, là hậu quả của nền quản lý lạc hậu.

 

(Còn tiếp)

-----

[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%AA_V%C4%83n_Hi%E1%BA%BFn

[2] https://dantri.com.vn/.../van-phong-chinh-phu-thuc-xu-ly...

[3] https://tongcuclamnghiep.gov.vn/.../tai-nguyen-rung-viet...

 

.

34 BÌNH LUẬN   

 

                                                      ***

 

Cảm nhận quê nhà (Phần 1)  

Nguyễn Xuân Thọ

7-1-2023  09:30   

https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/pfbid02a2RBPSuS9ZYTyxS4k8Zb6wKYGnHeQT3yGEjoTe1c9vRPs1BD3H7u4XULP6rTi1h4l

 

Trong hai năm vừa qua, tôi về Việt Nam nhiều lần và lần nào cũng ở lại khá lâu. Má tôi già, yếu nên tôi phải thường xuyên về Sài Gòn chăm bà. Có ông bạn già hay cùng tập thể dục buổi sáng, khi gặp lại cứ tưởng là tôi mới vắng mặt mấy tuần vì dính Covid.

 

Chỉ nhìn xe cộ chạy trên đường, bất kể giờ cao điểm hay không, nhìn cách người ta mua sắm, cường độ ăn uống, người nước ngoài đến Việt Nam luôn bị ấn tượng bởi một xã hội sống động. Ấn tượng này sẽ còn mạnh nhiều, nếu họ biết về vòng quay chóng mặt của đồng tiền. Từ mờ sáng đến nửa đêm, thành phố luôn chìm trong nền tiếng động gồm tiếng còi xe máy, tiếng búa đập của các công trường, giọng loa karaoke, tiếng rao bán hàng…

 

Cháu gái tôi 7 tuổi từ Đức về thăm quê mẹ, rất thích thú nghe các loại tiếng rao, từ của cô bán rau, đến cái kèn xe kem hay cái loa của ông già mua đồ cũ. Cứ mỗi lần như vậy, nó chạy ra nghe, vẫy chào thân thiện rồi quay vào hỏi mẹ: Họ bán cái gì vậy?

 

Về Việt Nam tôi thường mất ngủ khá lâu, đôi khi sau 20 ngày mới ngủ lại bình thường. Có thể là nhịp sinh học bị rối loạn do múi giờ, nhưng cũng có thể vì những mối lo mang theo mỗi chuyến về nước. Chưa bao giờ tôi được thảnh thơi về chơi, mỗi chuyến đi đều phải lo một chuyện gì đó, cho mẹ già, cho người thân, cho ngôi nhà. Lúc nào cũng một nỗi bất an nào đó ám ảnh tôi.

 

Rất thính ngủ nên đã hai lần tôi tỉnh giấc và nhìn thấy kẻ trộm đứng trước mặt. Có lẽ cả hai lần đều cùng một thủ phạm, vì cả hai tên trộm đều nhỏ bé như nhau, đều trùm kín mặt chỉ hở đôi mắt, đều mặc quần áo màu tối bó sát người và đều có dáng chạy rất nhẹ nhàng. Cả hai lần tôi đều la hét, rượt đuổi sát nút nhưng kẻ trộm kia đều nhảy thoát qua cửa sổ. Sau một lúc lâu, cô giúp việc vẫn sợ rằng còn kẻ nào đó nấp trong nhà.

 

Từ đó mỗi khi về căn nhà ở Quận 7, mặc dù đã đóng mấy lần cửa sổ trước khi đi ngủ, cái cảm giác mở mắt ra thấy một hình nhân mặc bộ quần áo xám đứng trước mặt không thoát khỏi tôi nữa.

 

Giữa năm 2021, tôi bị mấy thứ bệnh hoành hành, nặng nhất là đau dạ dày. Lúc đó má tôi đã tạm phục hồi, bà khuyên tôi về Đức chữa và sẵn tiêm chủng Covid-19 luôn. Việt Nam cho đến lúc này vẫn chủ yếu dựa vào chiến lược Zero-Covid , „tìm, quây và chặn“. Việc chuẩn bị chống dịch bằng vac-xin chưa đi đến đâu. Đại sứ quán Đức khuyên tôi nên về nước tiêm chủng vì Việt Nam thậm chí chưa có đủ vac-xin cho các đối tượng ưu tiên của họ.

 

Tôi về đến Đức giữa lúc dịch đang lên cao ở châu Á và được tiêm chủng ngay. Rồi tôi đi soi dạ dày và lấy dịch xét nghiệm. Trả kết quả là một cô bác sỹ trẻ măng, chắc mới ra trường vài năm. Cô hỏi:

 

- Ông mới ở Đông Nam Á về à?

 

- Vâng tôi mới ở Việt Nam về, sao cô biết?

 

- Ông bị viêm dạ dày do vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori). Đa số dân ở đó có loại vi khuẩn này trong dạ dày và nó lây lan qua đường nước bọt, do ăn đũa.

 

- Vậy sao cả nhà chỉ có tôi bị đau?

 

- Hệ miễn dịch của họ đủ sức khống chế HP. Của ông thì không, nhất là lúc ông yếu vì các vấn đề khác: thiếu ngủ, stress v.v. Giờ uống kháng sinh thì sẽ hết.

 

À, té ra mình thuộc loại „dại gái“ HP.

 

Chắc là chuyện vi trùng HP và ăn đũa đã có trong giáo trình y học nên cô bác sỹ Đức biết rõ, cả phác đồ điều trị. Sau 2 tuần kháng sinh, hết đau. Sau đó tôi về Sài Gòn đến bệnh viện Hòa Hảo khám lại, thổi hơi vào một cái bao để xét nghiệm: Không còn HP nữa.

 

Xưa nay tôi vẫn sợ ăn đũa chấm, mút chung. Nhưng sau lần này tôi kiên quyết nhờ cô giúp việc cho tôi bát nước mắm và các đĩa thức ăn riêng. Đi ăn ở ngoài không đòi hỏi được điều đó khiến tôi mất hẳn tự do. Trước khi ăn, xin chủ quán một cái thìa rồi vội vã múc nước chấm và các món ăn vào bát của mình, trước khi người khác chấm đũa vào đó. Múc quá nhiều hay quá ít thì ráng chịu. Tuy ngồi ăn vui vẻ, râm ram nói chuyện nhưng trước khi lấy thìa múc canh phải chú ý xem cô gái xinh đẹp, môi đỏ chót ngồi bên đã vục đũa vào bát canh chưa. Vừa ăn vừa đánh cờ nên hơi căng thẳng, rón rén . Nhưng càng rón rén thì thằng „dại gái HP“ càng bị thót tim vì lâu lâu cô môi đỏ lấy đũa gắp cho hắn một cái đùi gà hay một miếng giò.

 

Các cuộc vui ở ta thường quay quanh bữa ăn, song những chuyện vặt như vậy làm cho cuộc vui „hơi căng thẳng“. Đa số người Việt lớn tuổi vẫn còn bị ám ảnh bởi cái đói của năm xưa, vẫn coi ăn nhiều thịt là diễm phúc, mời nhau ăn nhiều thịt mới là mến khách. „Bữa cơm rau dưa“ luôn là những bữa ăn rất nặng calo. Điều này không chỉ xảy ra ở miền Bắc, mà cả ở miền Nam xưa nay vốn “rẽ cá mới thấy nước“, lương thực dồi dào. Vào cái thời buổi mà thừa dinh dưỡng đang gây bệnh béo phì ở trẻ em, gây tiểu đường, mỡ gan, huyết áp ở người già... mà quan niệm về ăn nhậu vẫn không thay đổi ở đại bộ phận dân chúng. Vui đón giấy khen, mừng gặp nhau thì phải chén, bàn bạc về áp-phe thì phải nhậu, tằn tiện mua được cái xe mới cũng phải „rửa“ bằng thịt chó…

 

Chừng nào dân ta chưa thoát khỏi „cơn ghiền nhậu“ thì nhu cầu về „thực phẩm fake“ càng cao, tác động xấu đến sức khỏe của toàn dân. Tiêu thụ nhiều khiến giá thực phẩm bị đội lên, khiến người nghèo càng khốn khó. Tệ hại nhất là lối sống và quan hệ con người bị méo mó vì bữa ăn.

 

Tôi thực sự ghen tỵ với sự vô tư của đồng bào mình. Nhìn các loại hoa quả, rau tươi, màu sắc rực rỡ, những con gà vàng ngậy bày bán ở mọi nơi, tôi luôn tỏ ra e ngại. Trong khi tôi chỉ thích ăn cơm nhà thì mọi người quanh tôi rất hay ăn ngoài. Thỉnh thoảng họ xách về mấy túi nylon, nào là bún, canh, thịt quay, rau thơm, nước chấm... Thế là thành bữa liên hoan khỏi mất công nấu. Mọi người đều vui vẻ, riêng thằng "gà công nghiệp" là hoang mang, chỉ nhìn đống túi nylon đã no.

 

Về Sài Gòn tôi hay đi bộ hoặc xe đạp. Khi đi bộ khổ nhất là không có vỉa hè nên hay phải tạt xuống đường. Để tránh bị xe máy quệt phải từ sau lưng, tôi luôn đi bộ ngược chiều xe chạy. Vậy mà đã hơn một lần, tôi bị xe máy tạt phải từ phía sau. May là dân chạy sai chiều không dám phóng nhanh và sau khi va quệt tôi còn được xin lỗi.

 

Tôi mua một chiếc xe đạp có 7 số nên đi lại khá thuận tiện, nhiều khi không kém gì xe máy. Để tránh bị xe máy từ phía sau vọt qua lỡ mắc phải ghi đông hoặc gương chiếu hậu, tôi phải đi sát lề đường. Đối thủ bất ngờ vẫn là các vị xe máy đi ngược chiều hoặc những chiếc nắp cống bê tông nhô lên khỏi mặt đường, trong khi mặt đường thành vỉa hè đi bộ.

 

Vỉa hè ở Việt Nam có lẽ không còn tồn tại nữa. Từ Hà Nội, Sài Gòn, Tuyên Quang, Đồng Hới, Ba Đồn, Trà Vinh…, những nơi tôi đi qua, đều như vậy. Ở những khu phố cũ xây từ thời Pháp hay trước 1975, vỉa hè được xây dựng có quy hoạch, tương đối rộng và bằng phắng. Nhưng chính vì vậy mà chúng bị „tư nhân hóa“ làm chỗ ngồi cho quán ăn, làm nơi để tủ hàng hóa, chỗ rửa xe máy… và phổ biến nhất là chỗ để xe. Tây ba lô thấy fun nhất là khi tắc đường thì xe máy có quyền chạy trên vỉa hè.

 

Thiên đường này của xe máy chấm dứt ở các khu phố mới được cơi nới ra. Ở đây không có vỉa hè bằng phẳng nữa. Mỗi nhà có quyền xây vỉa hè theo kiểu của mình, với các độ cao, độ dốc khác nhau. Trên đó thường là các thùng styropor đựng rác hay các chậu trồng cây, thậm chí cả bồn trồng cây ăn quả bằng bê-tông, rất ngạo nghễ.

 

Nếu kể lể mọi nỗi bất an trong ăn uống, về ô nhiễm nguồn nước, không khí, tiếng ồn, về giao thông...thì đúng là „Biết rồi, khổ lắm, nói mãi“. 40 năm qua, đất nước này vẫn sản sinh thêm 40 triệu dân [1], có sao đâu!

 

(còn tiếp)

 

---

[1] https://www.populationpyramid.net/viet-nam/1982/

 

.

80 BÌNH LUẬN   

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats