Monday 6 June 2022

XÂY DỰNG KHU DU LỊCH TÂM LINH : KHI DOANH NGHIỆP ĐIỀU KHIỂN CHÍNH QUYỀN (Văn Tâm - Luật Khoa)

 



Xây dựng khu du lịch tâm linh: Khi doanh nghiệp điều khiển chính quyền

Văn Tâm  -  Luật Khoa

06/06/2022

https://www.luatkhoa.org/2022/06/xay-dung-khu-du-lich-tam-linh-khi-doanh-nghiep-dieu-khien-chinh-quyen/

 

Đất rừng thành đất biệt thự như thế nào khi qua tay các dự án du lịch tâm linh.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/06/image-1536x818.png

Minh họa: Luật Khoa

 

Chiều ngày 13/4/2022, bảy người đàn ông đã bị TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên án từ 2,5 năm đến 5,5 năm tù giam do vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Thời điểm 10 năm trước, khi còn là các quan chức của tỉnh Khánh Hòa, bảy người này đã đưa ra hàng loạt các quyết định giao đất rừng cho doanh nghiệp làm khu du lịch tâm linh rồi phân thành đất biệt thự. [1]

 

Khu du lịch tâm linh Cửu Long Sơn Tự trong vụ án trên chỉ là một trong 18 khu du lịch tâm linh đã tạm dừng thi công hoặc đang được đề xuất xây dựng trên khắp cả nước. [2]

 

Pháp luật về đất đai và đầu tư vốn đã có nhiều kẽ hở để doanh nghiệp trục lợi. Tuy nhiên, quy định về việc xây dựng các khu du lịch tâm linh còn có nhiều kẽ hở hơn nữa.

 

Năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết pháp luật chưa có quy định rõ ràng trong việc xây dựng các khu du lịch tâm linh, dẫn đến việc không thể tính tiền thuê đất đối với doanh nghiệp. [3]

 

Giới lãnh đạo các tỉnh, thành và doanh nghiệp đều đồng lòng rằng các khu du lịch tâm linh giúp địa phương phát triển kinh tế, dù chưa có đánh giá toàn diện nào về lợi ích của mô hình mới nổi này.

 

Tháng 4/2022, Chính phủ đã xin lùi thời hạn sửa đổi Luật Đất đai lần thứ tư, trong bối cảnh các dự án tâm linh đang trồi lên như nấm hiện nay dễ dẫn đến các sai phạm về đất đai. [4]

 

Cửu Long Sơn Tự: Doanh nghiệp xin là cho

 

Khi kết thúc phiên tòa xét xử bảy cựu lãnh đạo của tỉnh Khánh Hòa, người ta vẫn không biết động lực nào khiến những cán bộ này ký hàng loạt các quyết định phạm pháp để giao đất cho doanh nghiệp.

 

Hai cựu chủ tịch cùng các lãnh đạo cấp sở đã trả lời một cách lòng vòng về lý do sai phạm. Cựu chủ tịch Nguyễn Chiến Thắng đổ thừa rằng cấp dưới đề nghị thế nào ông ký thế ấy. [5] Các cựu lãnh đạo cấp sở thì cho rằng do UBND tỉnh gây áp lực nên phải cố hợp pháp hóa các thủ tục dù biết rõ là trái pháp luật. [6]

 

Năm 2012, Công ty Khánh Hòa được UBND tỉnh giao 123 ha đất trên núi Chín Khúc, trong đó 1,74 ha đất sản xuất, kinh doanh (SXKD) phi nông nghiệp không có trong quy hoạch của chính phủ. Hai năm sau, công ty này được giao thêm 390 ha đất nữa, trong đó 35.384 m2 đất SXKD phi nông nghiệp cũng không nằm trong quy hoạch. [7]

 

Tháng 4/2015, UBND tỉnh điều chỉnh diện tích SXKD phi nông nghiệp đã giao cho doanh nghiệp này thành 52.368m2. Đến tháng Mười cùng năm, diện tích này lại được chính quyền tách riêng 7.500 m2 làm đất ở tại nông thôn (đất sử dụng lâu dài), trái với quy định pháp luật. Mặt khác, chính quyền tỉnh cũng làm trái luật khi không thu tiền sử dụng 370 ha đất khoanh nuôi tái sinh của doanh nghiệp này. [8]

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/06/image-2.jpeg

Hình ảnh núi Chín Khúc sau khi Công ty Sản xuất và Xây dựng Khánh Hòa trả lại cho chính quyền vì không còn khả năng đầu tư làm khu du lịch tâm linh. Ảnh: Phan Lê.

 

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng giao cho công ty này một khu đất khác trên núi Chín Khúc rộng 19,65 ha để trồng rừng và du lịch sinh thái. Sau đó, khu đất này được chuyển đổi sang đất ở đất có mục đích công cộng để xây dựng biệt thự, du lịch sinh thái. [9]

 

Cả hai dự án trên ban đầu đều đội lốt là trồng rừng, du lịch tâm linh, rồi được chính quyền chuyển đổi thành đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, đất ở. Đây là con đường phổ biến nhất để các quan chức Việt Nam tham nhũng, theo nghiên cứu năm 2011 của Ngân hàng Thế giới. Bằng cách này, các quan chức có cơ hội nhận hối lộ sau khi giúp doanh nghiệp kiếm được một khoản lợi nhuận lớn từ quyết định miễn, giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp, đặc biệt là việc thay đổi quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đề xuất của doanh nghiệp. [10]

 

Cựu chủ tịch Nguyễn Chiến Thắng cho biết các quyết định sai phạm về đất đai của ông là để phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, sau 10 năm được giao đất, công ty Khánh Hòa đã để lại những quả đồi loang lổ trên núi Chín Khúc do không đủ năng lực đầu tư. [11]

 

Cổng trời Đông Giang: Doanh nghiệp được tỉnh ưu ái cùng lúc nhiều dự án

 

Vào dịp lễ 30/4/2022, Khu du lịch tâm linh Cổng trời Đông Giang đã mở cửa đón khách tham quan dù dự án này vẫn chưa hoàn thành giai đoạn 1. Khoảng 22,14 ha đất vẫn chưa được giải quyết xong việc đền bù, giải phóng mặt bằng. [12]

 

Năm 2019, UBND tỉnh Quảng Nam đã cấp phép cho Tập đoàn FVG đầu tư vào dự án này với diện tích 120 ha đất, [13] trong đó bao gồm di tích Dốc Gợp (Hang Gợp, Cổng trời) là di tích lịch sử cấp tỉnh. [14] Trong diện tích này, có khoảng 17 ha là đất rừng tự nhiên. Theo chính quyền tỉnh, doanh nghiệp này được ưu đãi tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế thu nhập doanh nghiệp vì dự án được xây dựng tại vùng “đặc biệt khó khăn”, nhưng cụ thể ra sao thì không rõ, do quyết định cấp phép đầu tư không được công khai.

 

Khi mới được cấp phép đầu tư, bà Nguyễn Thị Phương Nhung, Phó Tổng giám đốc của FVG đã tuyên bố: “Lâu nay, nhiều dự án du lịch đã bê tông hóa, tác động quá nhiều vào tự nhiên. Đối với Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang, mong muốn lớn nhất của chủ đầu tư là làm ra một khu du lịch sinh thái đúng nghĩa.” [15]

 

Tuy nhiên, sau hai năm xây dựng, FVG đã bê tông hóa di tích Hang Gợp bằng việc xây dựng các tòa khách sạn, nhiều dãy nhà “shophouse” (nhà mặt tiền liền kề để buôn bán ở các đô thị).

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/06/image.jpeg

Một số góc ảnh chụp Khu du lịch tâm linh Cổng trời Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh lớn: Pháp luật TP. Hồ Chí Minh. Các ảnh nhỏ từ trái sang: VietTimes, Fohaco, và Người Lao Động.

 

Không chỉ có khu du lịch tâm linh Cổng trời Đông Giang, hai dự án lớn khác của FVG tại tỉnh Quảng Nam cũng đang bị chậm tiến độ. Đó là Khu đô thị sinh thái cao cấp Vịnh An Hòa (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) – cơ bản là phân lô bán đất nền – và Khu đô thị Nam Hội An City Riverside. [16]

 

Khu đô thị Nam Hội An City Riverside là dự án đối ứng của tỉnh Quảng Nam cho việc xây dựng một tuyến đường ở tỉnh này, tức là đổi đất lấy công trình, tên chính thức là hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT, tức “build – transfer”). [17]

 

Năm 2021, hình thức BT đã bị loại bỏ khỏi Luật Đầu tư. [18] Kiểm toán nhà nước cho biết vấn đề chung của mô hình này là chính quyền các tỉnh đã gây ra nhiều bất cập trong việc công bố đầu tư, chỉ định thầu, giám sát lỏng lẻo, chênh lệch giá trị giữa đất đối ứng với công trình. [19]

 

Lạc Thủy: Du lịch tâm linh, sinh thái nhưng “kinh doanh bất động sản”

 

Dự án Khu du lịch tâm linh, sinh thái Lạc Thủy có thể là một kiểu dự án trá hình, đội lốt du lịch tâm linh để kinh doanh bất động sản với sự tiếp tay của chính quyền tỉnh Hòa Bình.

 

Đây là dự án có vốn đầu tư dự kiến hơn ba nghìn tỷ đồng, do Công ty TNHH MTV Pacific – Hòa Bình, doanh nghiệp con của một tập đoàn kinh doanh bất động sản có tiếng, Tập đoàn Thái Bình Dương, làm chủ đầu tư. [20]

 

UBND tỉnh Hòa Bình vào năm 2016 đã ban hành Quyết định chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án này với nội dung “kinh doanh bất động sản”. Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, việc phê duyệt nội dung kinh doanh này là trái pháp luật do khu đất của dự án là đất có mục đích bảo vệ an ninh quốc phòng. [21]

 

Theo VietNamNet, diện tích đầu tư của dự án là 121 ha, chia làm hai phân khu. Các hạng mục chủ yếu là tuyến cáp treo Hương Bình, công viên, viện bảo tàng, và theo phối cảnh dự án thì phần lớn đất được dành cho việc xây dựng các khu biệt thự cao cấp, khu nghỉ dưỡng, khách sạn. [22]

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/06/image-1.jpeg

Phối cảnh Khu du lịch tâm linh Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Tổ Quốc.

 

Hiện nay, dự án này vẫn đang vướng một số thủ tục về đất đai, trong đó có việc UBND tỉnh xin trung ương cấp phép chuyển đổi 47 ha đất trồng lúa để làm dự án. [23]

 

Tuy nhiên, dự án có khả năng sẽ sớm được triển khai. Vào tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt một trong những hạng mục của nó – tuyến cáp treo Hương Bình. Đây là tuyến cáp treo dài gần 3 km, nối chùa Vân Long (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) với chùa Tiên ngay tại khu vực thực hiện dự án. Chủ đầu tư của tuyến cáp treo này là một công ty con khác của Tập đoàn Thái Bình Dương. [24]

 

Lũng Cú, Hà Giang: Mâu thuẫn giữa địa phương và trung ương về thủ tục xây dựng

 

Khu du lịch tâm linh Lũng Cú, Hà Giang là một dự án có nhiều uẩn khúc. Chính quyền địa phương và các cơ quan trung ương có nhiều bất đồng về thủ tục thực hiện dự án có vốn đầu tư lên đến 889 tỷ đồng này.

 

Dự án khởi công vào năm 2016 với sự cấp phép của UBND tỉnh Hà Giang trên diện tích 75 ha, cách di tích quốc gia Cột cờ Lũng Cú khoảng 500 mét. [25] Đến tháng 10/2019, khi dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục, nhiều tờ báo cho biết dự án không thực hiện đúng quy trình xin cấp phép xây dựng. Ngày 29/10/2019, UBND tỉnh Hà Giang đã tạm đình chỉ thi công dự án. [26]

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/06/image-1.png

Khu vực thi công Dự án tâm linh Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang vào năm 2019 (ảnh lớn) và khu vực này trước khi thi công (ảnh nhỏ). Ảnh lớn: Vietnamnet. Ảnh nhỏ: Quang Định/ Tuổi Trẻ.

 

Theo VietNamNet, dự án thi công gần hai năm thì mới được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. [27] Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết dự án chưa thực hiện theo quy hoạch mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chưa thực hiện đúng các ý kiến của bộ về dự án này. [28]

 

Tuy nhiên, Tổng cục Môi trường sau đó khẳng định dự án này được thi công trên mặt bằng của một dự án khác về cơ sở hạ tầng nên không cần thiết phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường để xây dựng. [29] UBND tỉnh Hà Giang cũng quả quyết việc xây dựng của dự án phù hợp với các quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ. [30]

 

Ngoài ra, chủ đầu tư cho biết đây là dự án có hàng trăm người góp vốn, và trong giai đoạn 2 của dự án, họ sẽ xây dựng các khu nghỉ dưỡng tại đây. [31]

 

Hiện nay, Việt Nam chưa có đạo luật nào quy định một cách đầy đủ và thống nhất về quy trình thực hiện dự án đầu tư. Những quy định này nằm rải rác ở các văn bản pháp luật khác nhau. Việc này tạo điều kiện cho chính quyền địa phương tiếp tay cho doanh nghiệp nhằm lách các thủ tục về đất đai, môi trường, đồng thời gây khó khăn cho việc giám sát.

 

Giám sát lỏng lẻo

 

Ngoài việc Quốc hội giữ quyền giám sát tối cao về đất đai, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hội đồng nhân dân các cấp  cũng được trao quyền này. [32]

 

Tuy nhiên, vai trò giám sát của những cơ quan này hoàn toàn vắng bóng trong các sai phạm, điển hình như ở vụ án Cửu Long Sơn Tự. Phải mất 10 năm và đặc biệt là khi dự án này phá sản thì sai phạm của các quan chức mới bị truy cứu trách nhiệm.

 

Ngoài ra, theo quy định pháp luật, người dân cũng được thực hiện quyền giám sát của mình về đất đai. Tuy nhiên, liên quan đến kế hoạch sử dụng đất, theo Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cấp xã, phường, thị trấn năm 2007, việc lấy ý kiến người dân chỉ được thực hiện đối với kế hoạch sử dụng đất cấp xã. [33]

 

Luật Đất đai năm 2013 quy định việc lấy ý kiến người dân được áp dụng đối với kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, do cấp xã không lập kế hoạch sử dụng đất nữa. [34]

 

Nghiên cứu năm 2011 của Ngân hàng thế giới cho biết điều đáng lo nhất là không có văn bản luật nào của Việt Nam yêu cầu phải tham vấn người dân trước khi sửa đổi các kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị. [35]

 

Hiện nay, dự thảo dự án Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn đang được Quốc hội xây dựng.

 

Chỉ định nhà đầu tư dễ xảy ra tham nhũng

 

Một trong những điều mà các nhà đầu tư khu du lịch tâm linh khao khát là việc được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nếu lĩnh vực hoặc địa bàn đầu tư thuộc diện được ưu đãi (theo Điều 110, Luật Đất đai năm 2013). [36]

 

Một khi doanh nghiệp được miễn tiền sử dụng đất thì sẽ không cần phải đấu giá. Do đó, chính quyền địa phương có toàn quyền giao đất cho doanh nghiệp nào mà họ muốn. Còn doanh nghiệp không phải cạnh tranh với doanh nghiệp khác để giành quyền sử dụng đất, thuê đất.

 

Ngân hàng Thế giới cho biết, trước năm 2011, phương thức đấu thầu dự án sử dụng đất chưa từng được áp dụng ở bất cứ tỉnh, thành nào. Phương thức đấu giá đất thì cũng không được đưa vào quy trình phổ biến. [37]

 

Ngân hàng Thế giới khẳng định đấu giá và đấu thầu dự án sử dụng đất sẽ đảm bảo tính công khai, minh bạch hơn và ít nguy cơ tham nhũng. Ngược lại, việc giao đất thông qua chỉ định trực tiếp tạo ra cơ hội đáng kể cho tham nhũng, vì nó cho phép lựa chọn các nhà đầu tư trên quan hệ cá nhân và hối lộ thay vì chất lượng công trình và khả năng chi trả.

 

Các khu du lịch tâm linh hiện nay dù được gọi là “tâm linh”, “sinh thái”, nhưng chỉ là vỏ bọc để giúp doanh nghiệp được hưởng nhiều ưu đãi. Thực chất, đó là kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng, bất động sản, với những nguy cơ nghiêm trọng về việc doanh nghiệp cấu kết với quan chức để trục lợi trên đất công.


 

CHÚ THÍCH

 

1.  Tuổi Trẻ. (2022, April 13). Cựu chủ tịch Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng bị phạt 5 năm 6 tháng tù. https://tuoitre.vn/cuu-chu-tich-khanh-hoa-nguyen-chien-thang-bi-phat-5-nam-6-thang-tu-20220413163327171.htm

2.  Luật Khoa. (2022, May 12). Đằng sau dự thảo về tiền công đức: Khi chính quyền làm “trùm” kinh doanh tâm linh. https://www.luatkhoa.com/2022/05/dang-sau-du-thao-ve-tien-cong-duc-khi-chinh-quyen-lam-trum-kinh-doanh-tam-linh/

3.  VietNamNet. (2020, October 14). Không có khái niệm ‘công trình tâm linh.’ https://vietnamnet.vn/khong-co-khai-niem-cong-trinh-tam-linh-680951.html

4.  Tuổi Trẻ. (2022b, April 16). Sửa Luật đất đai lại “lỡ hẹn” lần thứ tư. https://tuoitre.vn/sua-luat-dat-dai-lai-lo-hen-lan-thu-tu-20220416091452898.htm

5.  Tuổi Trẻ. (2022a, April 4). Cựu chủ tịch Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng: Lúc ký các quyết định không biết mình sai. https://tuoitre.vn/cuu-chu-tich-khanh-hoa-nguyen-chien-thang-luc-ky-cac-quyet-dinh-khong-biet-minh-sai-20220404132419154.htm

6.  Tuổi Trẻ. (2022b, April 5). Xét xử các cựu lãnh đạo Khánh Hòa: Biết sai vẫn tham mưu vì ‘áp lực của tỉnh.’ https://tuoitre.vn/xet-xu-cac-cuu-lanh-dao-khanh-hoa-biet-sai-van-tham-muu-vi-ap-luc-cua-tinh-20220405124457922.htm

7.  Tuổi Trẻ. (2022a, January 7). Cựu lãnh đạo Khánh Hòa sai phạm thế nào trong 2 dự án trên núi Chín Khúc? https://tuoitre.vn/cuu-lanh-dao-khanh-hoa-sai-pham-the-nao-trong-2-du-an-tren-nui-chin-khuc-20220107080610883.htm

8.  Vietnam Plus. (2022, April 6). Những “góc khuất” trong dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự. https://www.vietnamplus.vn/nhung-goc-khuat-trong-du-an-sinh-thai-tam-linh-cuu-long-son-tu/782335.vnp

9.  Xem [7]

10.  The World Bank in Vietnam. (2011). Data Resource Preview – Recognizing and Reducing Corruption Risks in Land Management. Open Development Mekong. https://data.vietnam.opendevelopmentmekong.net/vi/dataset/recognizing-and-reducing-corruption-risks-in-land-management-in-vietnam

11.  Tuổi Trẻ. (2022b, April). Cựu chủ tịch Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng: Sai vì tâm huyết với quê hương?! https://tuoitre.vn/cuu-chu-tich-khanh-hoa-nguyen-chien-thang-sai-vi-tam-huyet-voi-que-huong-20220407194825255.htm

12.  Thương Trường. (2022, May 16). Quảng Nam chỉ đạo giám sát chặt dự án của Tập đoàn FVG. https://thuongtruong.com.vn/news/quang-nam-chi-dao-giam-sat-chat-du-an-cua-tap-doan-fvg-83452.html

13.  Tài nguyên và Môi trường. (2019). Khu du lịch “Cổng Trời Đông Giang”: Phải đảm bảo đúng quy định về quản lý, bảo vệ rừng. https://baotainguyenmoitruong.vn/du-an-khu-du-lich-cong-troi-dong-giang-phai-dam-bao-dung-quy-dinh-ve-quan-ly-bao-ve-rung-276550.html

14.  Pháp Luật Plus. (2022, May 23). Tỉnh Quảng Nam yêu cầu nhiều đơn vị “giám sát chặt chẽ” dự án Cổng trời Đông Giang. https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/tinh-quang-nam-yeu-cau-nhieu-don-vi-giam-sat-chat-che-du-an-cong-troi-dong-giang-d182259.html

15.  Sài Gòn Giải Phóng. (2019, February 23). Đầu tư hơn 400 tỷ đồng vào Dự án Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang. https://web.archive.org/web/20220527033231/https://www.sggp.org.vn/dau-tu-hon-400-ty-dong-vao-du-an-khu-du-lich-sinh-thai-cong-troi-dong-giang-577294.html

16.  Xem [11].

17.  Viet Times. (2020, July 28). Mối hợp tác Đạt Phương – FiviGroup. https://viettimes.vn/moi-hop-tac-dat-phuong-fivigroup-post135154.html

18.  Tin Tức. (2021, December 10). Nhiều bất cập trong thanh toán quỹ đất đối ứng cho dự án BT. https://baotintuc.vn/kinh-te/nhieu-bat-cap-trong-thanh-toan-quy-dat-doi-ung-cho-du-an-bt-20211210202020373.htm

19.  King tế và Đô thị. (2021, June). Dừng triển khai dự án BT: Giải pháp nào để phát triển hạ tầng? https://kinhtedothi.vn/dung-trien-khai-du-an-bt-giai-phap-nao-de-phat-trien-ha-tang.html

20.  VietNamNet. (2019, October 4). Bà chủ 8X làm khu du lịch tâm linh 3.000 tỷ ở Hoà Bình. https://vietnamnet.vn/ba-chu-8x-lam-khu-du-lich-tam-linh-3000-ty-o-hoa-binh-574134.html

21.  Báo Giao Thông. (2021, January 8). Hoà Bình: Phạm luật trong chủ trương đầu tư Khu du lịch tâm linh Lạc Thuỷ. https://www.baogiaothong.vn/hoa-binh-pham-luat-trong-chu-truong-dau-tu-khu-du-lich-tam-linh-lac-thuy-d491813.html

22.  Xem [3].

23.  Xem [19].

24.  Thủ tướng Chính phủ. (2022, March 16). Quyết định số 357/QĐ-TTg Chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án Tuyến cáp treo Hương Bình tại xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình và xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Dau-tu/Quyet-dinh-357-QD-TTg-2022-Du-an-Tuyen-cap-treo-Huong-Binh-tai-xa-Phu-Nghia-Ha-Noi-506947.aspx

25.  Zing. (2019, October 24). Khoét núi xây khu du lịch tâm linh sát cột cờ Lũng Cú. https://zingnews.vn/khoet-nui-xay-khu-du-lich-tam-linh-sat-cot-co-lung-cu-post1005051.html

26.  VOV. (2019, November 1). Dự án du lịch tâm linh Lũng Cú: Không thể tạm đình chỉ rồi cho tồn tại. https://vov.vn/van-hoa-giai-tri/du-an-du-lich-tam-linh-lung-cu-khong-the-tam-dinh-chi-roi-cho-ton-tai-973537.vov

27.  VietNamNet. (2019b, October 26). Hà Giang xẻ núi, dời trăm ngôi mộ để xây chùa sát cột cờ Lũng Cú. https://vietnamnet.vn/ha-giang-xe-nui-doi-tram-ngoi-mo-de-xay-chua-sat-cot-co-lung-cu-581734.html#inner-article

28.  Xem [25].

29.  Dân trí. (2019a, October 31). Tổng cục Môi trường nói gì về dự án sinh thái tâm linh sát Cột cờ Lũng Cú? Báo điện tử Dân Trí. https://dantri.com.vn/xa-hoi/tong-cuc-moi-truong-noi-gi-ve-du-an-sinh-thai-tam-linh-sat-cot-co-lung-cu-20191031103709992.htm

30.  Dân trí. (2019, November 1). Hà Giang khẳng định công trình tâm linh gần Cột cờ Lũng Cú đúng quy hoạch (!). Báo điện tử Dân Trí. https://dantri.com.vn/xa-hoi/ha-giang-khang-dinh-cong-trinh-tam-linh-gan-cot-co-lung-cu-dung-quy-hoach-20191101141956736.htm

31.  Xem [25].

32.  Open Development Mekong. (2016, June 20). Đất đai. https://vietnam.opendevelopmentmekong.net/vi/topics/land/#ref-597415-9

33.  Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Phap-lenh-thuc-hien-dan-chu-o-xa-phuong-thi-tran-2007-34-2007-PL-UBTVQH11-19071.aspx

34.  Mặt trận. (2022, April 29). Vấn đề lấy ý kiến nhân dân và sự tham gia của MTTQ Việt Nam trong Luật Đất đai năm 2013. http://tapchimattran.vn/dan-nguyen/van-de-lay-y-kien-nhan-dan-va-su-tham-gia-cua-mttq-viet-nam-trong-luat-dat-dai-nam-2013-44905.html

35.  Xem [9], trang 29.

36.  Quốc hội. (2013). Luật Đất đai năm 2013. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bat-dong-san/Luat-dat-dai-2013-215836.aspx

37.  Xem [9], trang 38.





No comments:

Post a Comment

View My Stats