Thursday 30 June 2022

ANH HÙNG và TỘI ĐỒ TRONG THỜI ĐẠI PHÁT TRIỂN (Đoàn Khắc Xuyên)

 



Anh hùng và tội đồ trong thời đại phát triển 

Đoàn Khắc Xuyên

06:50 | Thứ năm, 30/06/2022

https://nguoidothi.net.vn/anh-hung-va-toi-do-trong-thoi-dai-phat-trien-35427.html

 

Họ, những quan chức nhà nước ấy, dù được nuôi bằng tiền thuế của dân và doanh nghiệp, nhưng thay vì là những “anh hùng trong thời đại phát triển”, nghĩ đến dân, đến nước như quan chức nhà nước ở Nhật trong 18 năm làm nên kỳ tích thì họ đã tự biến mình thành những kẻ tham nhũng, “ăn” trên đầu trên cổ nhân dân, trở thành những tội đồ, tội phạm trong thời bình.

 

·         Từ vụ kit Việt Á: “Test phòng, chống tham nhũng” của Việt Nam

·         Tổng Bí thư nói về việc kỷ luật, xử lý hình sự các ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh

·         Bắt giam ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh, Phạm Công Tạc

·         [eMagazine] Toàn cảnh vụ nâng giá kit xét nghiệm Công ty Việt Á

·         Công ty Việt Á nâng khống giá kit khoảng 45%, chi gần 800 tỉ đồng 'hoa hồng' cho đối tác

 

Tôi đang đọc cuốn sách Kinh tế Nhật Bản - giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973 của GS-TS. Trần Văn Thọ, Giáo sư Danh dự Đại học Waseda, nguyên là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của các Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Nguyễn Xuân Phúc. Sách mới ra mắt và phát hành gần đây. 

 

Tác giả bộc bạch trong lời nói đầu: “Tôi viết cuốn sách Kinh tế Nhật Bản - giai đoạn phát triển thần kỳ 1955 - 1973 này để cung cấp một tham khảo cho những bàn luận về mục tiêu năm 2045 của Việt Nam”, bởi vì “gần đây, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước tiên tiến, thu nhập cao vào năm 2045, còn độ 23 năm nữa. Các nhà nghiên cứu, các cơ quan truyền thông đang bàn luận sôi nổi về các điều kiện, các tiền đề để đạt mục tiêu đó”.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/16bafa8b-f4c2-4e56-ab95-d031bb3dde20.jpg

Nhật Bản năm 1945. Ảnh: TL

 

Vậy những tham khảo, hoặc như người ta thường nói là bài học, mà Việt Nam có thể rút ra từ giai đoạn 18 năm phát triển thần kỳ (có người gọi là “phép lạ Nhật Bản”) - 18 năm giúp Nhật Bản chuyển từ một nước thu nhập trung bình thành một nước thu nhập cao, một cường quốc công nghiệp theo kịp các nước tiên tiến phương Tây - mà tác giả muốn lưu ý chúng ta là gì?

 

Hai “từ khóa”, theo tác giả, là: nhà nước kiến tạo phát triển và năng lực xã hội

 

Về nhà nước kiến tạo phát triển, vốn lâu nay đã được lãnh đạo, các quan chức, giới nghiên cứu và giới truyền thông bàn nhiều, nói tới nhiều, thì theo tác giả, có thể nói gọn đó là nhà nước lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm ưu tiên hàng đầu, từ đó đưa ra mục tiêu phát triển làm cho dân giàu nước mạnh, và tạo các cơ chế động viên, thúc đẩy các nguồn lực để đạt mục tiêu. “Lãnh đạo của nhà nước kiến tạo phát triển do đó phải có tinh thần dân tộc, có khí khái, hoài bão, quyết làm cho đất nước giàu mạnh để sánh vai với các nước tiên tiến. Trong một thế giới mà trật tự đã được các nước tiên tiến xác lập và bất lợi đối với các nước chưa phát triển, lãnh đạo của nước đi sau phải đủ trí tuệ và bản lĩnh tìm ra chiến lược phù hợp với lợi ích của đất nước mình”, tác giả nhấn mạnh.

 

Tuy vậy tôi chú ý hơn đến “từ khóa” thứ hai, năng lực xã hội, mà tác giả định nghĩa là “năng lực và tố chất của những nhân tố cấu thành xã hội, cụ thể là chính trị gia, quan chức, lãnh đạo kinh doanh, trí thức và tầng lớp lao động. Mỗi nhân tố cấu thành phải có những tố chất để thúc đẩy kinh tế phát triển”. Trong đó, tôi đặc biệt chú ý đến vai trò của quan chức nhà nước. Bởi, cho dù lãnh đạo cao nhất của đất nước có đề ra được đường lối, chủ trương, chính sách phát triển, cải cách đúng đắn, hợp lòng dân mà đội ngũ quan chức nhà nước - những người có trách nhiệm thực thi đường lối, chủ trương, chính sách ấy - không đủ tố chất, năng lực để thực thi có hiệu quả thì mục đích cuối cùng cũng không đạt được. Hậu quả là đất nước tụt hậu hoặc phát triển chậm, người dân mất niềm tin.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/b5ca5d13-cd43-47e0-ba85-d734f2f3dd9a.jpg

Nhật Bản trỗi dậy từ một nước bại trận thành siêu cường chỉ sau hai thập kỷ. Ảnh: TL

 

Tố chất cần thiết của quan chức nhà nước, theo tác giả cuốn sách, là năng lực quản lý hành chính, tinh thần trách nhiệm, tác phong đạo đức của người công bộc, chí công vô tư. Quan chức nhà nước của Nhật Bản trong giai đoạn phát triển thần kỳ - 6.000 ngày làm thay đổi nước Nhật - được ví như những “anh hùng trong thời đại phát triển” vì vai trò và đóng góp có tính quyết định của họ trong việc làm nên kỳ tích ấy.

 

Tác giả cho rằng, anh hùng trong thời đại phát triển cũng có những tố chất như anh hùng thời chống ngoại xâm dù nội dung cụ thể có thể khác. Chẳng hạn tài trí (có tri thức, có tầm nhìn xa trông rộng, có năng lực lãnh đạo…), dũng cảm (dám nhận trách nhiệm, dám vì lợi ích đất nước mà đương đầu với mọi khó khăn, với các nhóm lợi ích cục bộ), quên mình vì dân vì nước (chí công vô tư, đặt quyền lợi đất nước lên trên hết), biết trọng dụng và thu phục người giỏi để thực hiện sự nghiệp lớn (dùng người giỏi thực sự và lắng nghe trí thức)…

 

Quan chức nhà nước trong giai đoạn phát triển ở ta thì sao? Câu hỏi nảy sinh vì, chẳng là trong khi tôi đang đọc nửa chừng cuốn sách thì tin tức thời sự nóng bỏng trong nước ập đến với việc hàng loạt quan chức cao cấp bị khởi tố, bắt tạm giam vì nhiều tội danh khác nhau liên quan đến vụ án Công ty Việt Á. Tính đến nay, tổng cộng đã có hơn 60 bị can bị Bộ Công an và công an các địa phương khởi tố trong vụ án liên quan đến bộ xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á.

Trong đó, hai bị can từng giữ chức vụ cao nhất là Nguyễn Thanh Long (cựu bộ trưởng Bộ Y tế) và Chu Ngọc Anh (cựu chủ tịch UBND TP. Hà Nội, cựu bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ). Cả hai bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm pháp luật gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/151179e6-141f-4826-94c0-a3acbdb978da.jpg

Liên quan đến vụ án Công ty Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19, hai bị can (từ phải): Nguyễn Thanh Long (cựu bộ trưởng Bộ Y tế) và Chu Ngọc Anh (cựu chủ tịch UBND TP. Hà Nội, cựu bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) đã bị khởi tố, bắt tạm giam ngày 7.6. Ảnh: VGP

 

Cũng tại hai bộ trên, nhiều bị can từng là lãnh đạo cao cấp đã bị khởi tố: Phạm Công Tạc (cựu thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ), Trịnh Thanh Hùng (cựu vụ phó Vụ Khoa học và công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ), Nguyễn Minh Tuấn (cựu vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế), Nguyễn Nam Liên (cựu vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế)…

 

Và trước đó, vào tháng Ba vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận về những vi phạm tại Học viện Quân y liên quan đến vụ án test kit Việt Á: Trung tướng Nguyễn Viết Lượng (Bí thư Đảng ủy, Chính ủy); Trung tướng Đỗ Quyết (Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện); Thiếu tướng Hoàng Văn Lương (Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự); Thượng tá Hồ Anh Sơn (Bí thư Chi bộ, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự, Chủ nhiệm đề tài); Đại tá Nguyễn Văn Hiệu (Phó bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Trang bị, Vật tư) và lãnh đạo, cán bộ một số đơn vị thuộc Học viện cùng phải chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y; chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. 

 

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, gây bức xúc trong xã hội. Thượng tá Hồ Anh Sơn và Đại tá Nguyễn Văn Hiệu sau đó đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

 

Nhắc lại, đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 mới xuất hiện ở nước ta, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ lúc đó là ông Chu Ngọc Anh đã ký quyết định triển khai 4 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia về phòng chống dịch, trong đó có 2 nhiệm vụ liên quan tới kit xét nghiệm Covid-19 và một nhiệm vụ dịch tễ. Bộ giao đề tài nghiên cứu kit xét nghiệm Covid-19 cho Học viện Quân y và Công ty Việt Á phối hợp thực hiện với chi phí từ ngân sách là 18,98 tỷ đồng. Không lâu sau, vào ngày 2.3.2020, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã ban hành quyết định thông qua kết quả đề tài nghiên cứu sản xuất kit xét nghiệm của Việt Á.

 

Cho dù lãnh đạo cao nhất của đất nước có đề ra được đường lối, chủ trương, chính sách phát triển, cải cách đúng đắn, hợp lòng dân mà đội ngũ quan chức nhà nước không đủ tố chất, năng lực để thực thi có hiệu quả thì mục đích cuối cùng cũng không đạt được. 

 

Ngay hôm sau, ngày 3.3.2020, Hội đồng khoa học và công nghệ cấp quốc gia do Bộ trưởng Chu Ngọc Anh thành lập đã họp đánh giá kết quả nghiên cứu chế tạo bộ kit real-time RT-PCR one step với tỷ lệ 100% thành viên đồng ý thông qua và nhất trí kiến nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng bộ kit xét nghiệm do Học viện Quân y và Công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu, sản xuất.

 

Gần như ngay lập tức, ngày 4.3.2020, Bộ Y tế đã có quyết định ban hành danh mục hai sinh phẩm chẩn đoán invitro xét nghiệm virus SARS-CoV-2 của Việt Á. Và ngày 5.3.2020, Bộ Khoa học và Công nghệ nhanh chóng họp báo về việc Việt Nam “sản xuất thành công” kit xét nghiệm Covid-19. Công ty Việt Á tự định giá bộ test kit này 400.000 - 600.000 đồng.

Để thêm thuyết phục, ngày 25.4.2020, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết WHO đã công nhận bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam do Học viện Quân y và Công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất. Thông tin này sau đó được chứng minh là bịa đặt.

 

Điều tra của Bộ Công an cho biết: “Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit”. 

 

Quá trình cấp phép thần tốc cho sản phẩm của Việt Á, một công ty mà thậm chí đến cái trụ sở cũng chỉ là căn nhà thuê để đặt bảng hiệu, cho thấy đã có một màn phối hợp phù phép của lãnh đạo cả hai bộ Y tế và Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2016 - 2021 để Công ty Việt Á, núp dưới cái vỏ phối hợp nghiên cứu với Học viện Quân y, nhập kit xét nghiệm từ Trung Quốc với giá bèo (21.560 đồng/kit) về bán với giá nói trên.

 

Nhờ vậy mà chỉ trong thời gian ngắn Việt Á đã đạt doanh số bán bộ kit xét nghiệm tới 4.000 tỷ đồng và dùng 800 tỷ đồng để “bôi trơn” khắp nơi.

 

Những gì xảy ra tại Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Học viện Quân y cùng Công ty Việt Á liên quan đến kit xét nghiệm, cùng với việc hàng loạt lãnh đạo CDC các tỉnh thành nhận “lại quả” khi mua kit Việt Á bằng tiền ngân sách với giá cao, cho thấy trong thực tế đã hình thành:

 

- Một đường dây lũng đoạn nhà nước bao gồm những cán bộ cao cấp trong bộ máy nhà nước thuộc nhiều ngành cùng câu kết với nhau hòng qua mặt các cơ quan thanh tra, kiểm tra và sự giám sát của công luận để thao túng chủ trương chính sách, làm lợi cho một số người, bất chấp thiệt hại gây ra cho đất nước và người dân trong đại dịch.

 

- Một thế lực tư bản thân hữu gồm quan chức nhà nước và công ty tư nhân sân sau đã hình thành nên nhóm lợi ích, nhóm này giành lấy nguồn lực nhà nước, những hợp đồng với nhà nước để đưa về cho sân sau hòng làm giàu bất chính cho nhóm, bất chấp mọi nỗi khổ đau của người dân. 

 

Họ, những quan chức nhà nước ấy, dù được nuôi bằng tiền thuế của dân và doanh nghiệp, nhưng thay vì là những “anh hùng trong thời đại phát triển”, nghĩ đến dân, đến nước như quan chức Nhật trong 18 năm làm nên kỳ tích thì đã tự biến mình thành những kẻ tham nhũng, “ăn” trên đầu trên cổ nhân dân, trở thành những tội đồ, tội phạm trong thời bình.

Từ đó ai cũng thấy, muốn Việt Nam đạt mục tiêu phát triển 2045, muốn công cuộc cải cách kinh tế và phát triển xã hội thành công, điều cấp thiết là phải có một đội ngũ quan chức nhà nước với những tố chất và cách thức tuyển chọn, thử thách, giáo dưỡng, mà cuốn sách của GS. Trần Văn Thọ đã gợi mở.

 

Làm sao để có một đội ngũ quan chức nhà nước như vậy? Đó là một câu hỏi khó, đòi hỏi ở những nhà lãnh đạo một tầm nhìn, tri thức, ý thức học hỏi, ý chí và quyết tâm vì sự nghiệp chung, mới có thể trả lời. 

 

Đoàn Khắc Xuyên

 

·         Hủy Quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba đối với Công ty Việt Á

·         Vụ Công ty Việt Á: Các quan chức nào đã bị khởi tố?

·         Nhiều địa phương, bộ ngành chi gần 2.200 tỉ đồng mua kit xét nghiệm của Việt Á

·         Quyết liệt chống tham nhũng, tiêu cực nhìn từ vụ Việt Á

·         Nhiều bị can lợi dụng chính sách để trục lợi hàng nghìn tỷ đồng





No comments:

Post a Comment

View My Stats