Sunday 26 June 2022

AI PHÁT THẢI SẼ PHẢI TRẢ TIỀN : NGHỊ VIỆN CHÂU ÂU RA QUYẾT ĐỊNH LỊCH SỬ (Trọng Thành / RFI)

 



 

Ai phát thải sẽ phải trả tiền: Nghị Viện Châu Âu ra quyết định ‘‘lịch sử’’

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 25/06/2022 - 15:08

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-%C4%91%E1%BA%B7c-bi%E1%BB%87t/20220625-ai-phat-thai-se-phai-tra-tien-nghi-vien-chau-au-ra-quyet-dinh-lich-su

Nghị Viện Châu Âu đạt đồng thuận về thuế cac-bon ở biên giới và chấm dứt cấp hạn mức khí thải miễn phí cho doanh nghiệp trong khối. Với sắc thuế này, Liên Âu có thể trở thành thực thể kinh tế đầu tiên trên thế giới triển khai thuế cac-bon ở biên giới. Dự án chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh của Liên Âu (‘‘European Green Deal’’ / “Pacte vert pour l'Europe”), hướng đến trung hòa về khí thải năm 2050, có nhiều khả năng trở thành hiện thực.

 

https://s.rfi.fr/media/display/79339260-f47d-11ec-a314-005056bf30b7/w:1024/p:16x9/Changement-Climatique.webp

Ảnh minh hoạ : Trái đất bị hâm nóng nhanh chóng do khí thải là nguồn gốc của nhiều thảm hoạ. Con người có kịp hành động để hãm lại đà tăng khí thải ? © copy d'écran CNRS

 

Hơn 100 quốc gia họp tại Vienna bàn về việc thúc đẩy một thế giới phi hạt nhân, sự vắng mặt của 5 thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An bị lên án. Tòa án Trung Quốc xử kín nhà tranh đấu nhân quyền, sáng lập viên phong trào Công Dân Mới, người kêu gọi Tập Cận Bình từ chức. Sri Lanka chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế - xã hội, chính quyền hạ tuổi tối thiểu được phép ra nước ngoài lao động. Cựu phóng viên truyền thông Nhà nước Nga ‘‘dũng cảm’’ phản đối chiến tranh xâm lược Ukraina, nhưng bị người Ukraina nghi ngờ. Trên đây là các chủ đề chính của Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.

 

                                                                       ***

 

Nghị Viện Châu Âu đã có một nỗ lực được đánh giá là lịch sử ngày 22/06/2022 vừa qua. Chủ tịch Ủy Ban Môi Trường của Nghị Viện Châu Âu, ông Pascal Canfin, ca ngợi đây là ‘‘chiến thắng chính trị lớn’’, ‘‘một điều chưa từng có’’. Hai tuần sau khi các văn bản trụ cột của Kế hoạch Khí hậu bị bác bỏ, các đảng phái trong Nghị Viện Châu Âu đã đạt được đồng thuận về việc xác lập thuế cac-bon với hàng nhập khẩu song song với việc xoá bỏ dần việc cấp hạn mức phát thải CO2 miễn phí trong nội khối (quá trình diễn ra trong vòng 5 năm 2027 - 2032). Về nguyên tắc, thời điểm thuế cac-bon được xác lập ở biên giới cũng là lúc hạn ngạch CO2 miễn phí cũng được xoá bỏ. Có nghĩa là cho phép xác lập một cuộc chơi bình đẳng : Ai phát thải sẽ phải nộp tiền.

 

Một mấu chốt của thỏa hiệp - đạt được giữa ba liên đảng (đảng cánh hữu Nhân Dân Châu Âu PPE, đảng Xã hội Dân chủ S&D và đảng cánh trung Renew) là việc đảng PPE chấp nhận mốc thuế cac-bon biên giới 2032 (sớm hơn 2 năm so với chỉ tiêu trước đó), đổi lại việc các doanh nghiệp sẽ nhận được tài trợ nhiều hơn (cũng như tiếp tục nhận được hạn ngạch phát thải miễn phí cho hàng hóa xuất sang các thị trường không có mức đánh thuế cac-bon tương tự).

 

Về phía giới bảo vệ môi trường, thất vọng là khá lớn sau quyết định của Nghị Viện Châu Âu. Theo Quỹ Thiên nhiên Hoang dã WWF Châu Âu, ‘‘các ngành công nghiệp gây ô nhiễm sẽ còn tiếp tục được thưởng tiền trong nhiều năm nữa !’’. Nhà hoạt động môi trường, nghị sĩ châu Âu đảng Xanh Karima Delli - bỏ phiếu thông qua các kế hoạch nói trên - cũng chia sẻ quan điểm này, và khẳng định ‘‘cần phải tiếp tục có các cải tiến’’ trong định hướng hành động vì một châu Âu trung hòa về khí thải.

 

Thông tín viên Pierre Benazet tại Bruxelles tường trình:

 

Các văn bản mới được Nghị Viện Châu Âu thông qua nói trên cho thấy sự thỏa hiệp về thời hạn chót, rốt cuộc thời hạn này đã được ấn định trong 10 năm tới. Mọi thứ tập trung vào vấn đề bãi bỏ dần quota khí thải CO2 miễn phí (tức hạn ngạch khí thải miễn phí được cấp). Giấy phép phát thải miễn phí sẽ không còn kể từ năm 2032. Từ sau đó, các nhà sản xuất sẽ phải trả tiền cho mỗi tấn CO2 thải ra. Các nghị sĩ Liên Âu cũng đã mở rộng số lượng các lĩnh vực sẽ liên quan đến việc mua hạn ngạch khí thải. Ví dụ như giao thông đường bộ và xây dựng.

 

Thỏa thuận về cơ chế buôn bán quyền phát thải bắt đầu có hiệu lực cùng với thời điểm thu thuế carbon tại các vùng biên giới, dự kiến cũng sẽ được xác lập vào năm 2032. “Cơ chế điều chỉnh tại biên giới” này nhằm đánh thuế nhập khẩu vào châu Âu đối với các mặt hàng được sản xuất ở các nước có tiêu chí ít tham vọng hơn về khí hậu. Điều này có mục tiêu là không gây khó khăn cho các nhà sản xuất châu Âu khi phải đối mặt với cạnh tranh toàn cầu, và tất nhiên không khuyến khích họ chuyển cơ sở sản xuất sang nơi khác, để được hưởng những điều kiện ít khắt khe hơn. Chính sách này cũng đồng thời gây áp lực để các nước ngoài châu Âu áp dụng các phương pháp sản xuất ít ô nhiễm hơn, với hy vọng có thể bán được sản phẩm của họ sang châu Âu.

 

Văn bản thứ ba được thông qua là “Quỹ Xã hội vì Khí hậu”, nhằm hỗ trợ cho các bên bị ảnh hưởng nhiều, khi các biện pháp này bắt đầu có hiệu lực. Các văn bản được Nghị viện thông qua hiện còn phải được 27 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Châu Âu duyệt xét. Khâu này dự kiến sẽ được thực hiện trong vòng một tuần’’.

 

Các văn bản nói trên, một khi được các quốc thành viên của Hội Đồng Châu Âu chấp thuận, sẽ còn phải được thỏa thuận thuận lại giữa ba định chế của châu Âu (Nghị Viện Châu Âu, Hội Đồng Châu Âu và Uỷ Ban Châu Âu) từ đây đến cuối năm. Mục tiêu mà Nghị Viện Châu Âu đặt ra là năm 2032, tức sớm hơn 3 năm so với chủ trương trước đó của Uỷ Ban Châu Âu.

 

Từ chỗ ‘‘tặng tiền’’, hay cấp hạn mức cho những doanh nghiệp phát thải, đến chỗ thực thi triệt để nguyên tắc ‘‘ai phát thải sẽ phải trả tiền’’, Liên Hiệp Châu Âu đang bước đúng hướng trên con đường chuyển sang nền kinh tế Xanh. Đúng hướng khi đặt cái mốc 2032. Đi đúng hướng nhưng vẫn bị đánh giá là quá chậm, bởi chỉ từ đây đến cuối thập niên 2030, nếu đà khí thải cứ tiếp tục như hiện nay, thì nhiệt độ Trái đất sẽ tăng quá 1,5°C so với thời tiền công nghiệp. Khí hậu nóng lên ở mức này sẽ gây ra hàng loạt biến đổi, trong đó có nhiều hệ quả sẽ vượt quá khả năng xử lý của con người. Hơn bao giờ hết, cộng đồng nhân loại đang phải chạy đua với thời gian.  

 

Hơn 100 nước họp về giải trừ hạt nhân, 5 thành viên Hội Đồng Bảo An vắng mặt

 

Lần đầu tiên kể từ khi Hiệp ước quốc tế cấm vũ khí hạt nhân (TIAN) có hiệu lực vào đầu năm 2021, các quốc gia ký kết nhóm họp trong ba ngày tại Áo, từ 21 đến 23/06/2022. 62 quốc gia đã phê chuẩn Hiệp ước TIAN. Nhưng điểm yếu của Hiệp ước này là không có quốc gia nào trong số 9 quốc gia nắm giữ vũ khí hạt nhân (bao gồm 5 thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Ấn Độ, Pakistan, Israel cùng Bắc Triều Tiên) ký kết, hoặc đơn giản chỉ là tham gia hội nghị với tư cách quan sát viên.

 

Nhân dịp hội nghị quốc tế đầu tiên của Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, ông Jean-Marie Collin, phát ngôn viên của Chiến dịch Quốc tế Bãi bỏ Vũ khí Hạt nhân (ICAN) tại Pháp báo động :  “Tất cả các cường quốc hạt nhân đều tiến hành các chính sách hiện đại hóa và đổi mới kho vũ khí của mình. Họ đi ngược lại luật pháp quốc tế, chống lại Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, vốn là nền tảng của toàn bộ khuôn khổ pháp lý quốc tế về vũ khí hạt nhân”.

 

https://s.rfi.fr/media/display/ce237d6c-1622-11ea-83fc-005056a99247/294436b898341e6c89e043c511f32b4bf7e68746.webp

Một cuộc họp của ICAN năm 2019. Việc trao giải Nobel Hòa bình cho Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ Vũ khí Hạt nhân (ICAN) được xem như một thông điệp gửi tới tổng thống Mỹ Donald Trump vào thời điểm đó, người có nhiều động thái cổ vũ cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân. AFP

 

Chi tiêu của các cường quốc hạt nhân để hiện đại hóa kho vũ khí nguyên tử đã tăng gần 9% vào năm 2021, đạt 82,4 tỷ USD, theo một báo cáo của ICAN, công bố vào ngày 14/6. Riêng Hoa Kỳ đã chi 44,2 tỷ USD cho chương trình hạt nhân trong năm ngoái, tăng 12,7%. Trung Quốc đã dành 11,7 tỷ USD (tăng 10,4% trong một năm). Ngân sách của Nga (8,6 tỷ), Pháp (5,9 tỷ) và Anh (6,8 tỷ) tăng nhưng ít hơn.

 

Trả lời đài RFI, phát ngôn viên của Chiến dịch ICAN nhấn mạnh đến đòi hỏi cấp thiết của việc ‘‘giải trừ hạt nhân đa phương’’. Việc nước Nga đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân trong xung đột với Ukraina, Putin đe doạ tấn công các thủ đô châu Âu bằng hạt nhân, khiến sự tham gia của các cường quốc hạt nhân vào nỗ lực giải trừ vũ khí này ngày càng trở nên cấp bách. Không thể dùng ‘‘im lặng’’ để phản ứng lại mối hiểm nguy này.

 

Tòa Trung Quốc xử kín người kêu gọi Tập Cận Bình từ chức

 

Trong tuần lễ vừa qua, một toà án Trung Quốc đã tổ chức xử kín hai nhà tranh đấu nhân quyền hàng đầu tại Trung Quốc, hai luật sư Hứa Chí Vĩnh và Đinh Gia Hỷ.  Hai ông bị cáo buộc tội ‘‘lật đổ chính quyền’’, tội danh mà chính quyền Trung Quốc thường dùng để quy kết cho các nhà tranh đấu bị coi là đe dọa uy quyền của chế độ.

 

Thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :  

 

‘‘Ông Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong) đã không được gặp luật sư của mình trong cả ba tháng trước phiên toà sơ thẩm, bốn tháng đối với ông Đinh Gia Hỷ (Ding Jiaxi) thì là bốn tháng. Điều đó nghĩa là các nhóm nhân quyền lo ngại điều tồi tệ nhất trong các phiên tòa được mô tả là "bất công" tại một tòa án quận Linshu, ở tỉnh Sơn Đông miền đông Trung Quốc.

Cũng chính trên bờ biển phía đông này của Trung Quốc, tháng 12/2019, đã diễn ra “cuộc biểu tình Hạ Môn”. Hàng chục luật sư và nhà hoạt động đã đến đây để phát biểu về chủ đề sự trỗi dậy của xã hội dân sự và cuộc chiến chống tham nhũng, những chủ đề thiết thân đối với "Phong trào Công dân Mới ". Phong trào không chính thức này, do ông Hứa Chí Vĩnh phát động cách đây một thập niên, đã nhanh chóng trở thành kẻ thù của chế độ cần phải đánh bại.

 

https://s.rfi.fr/media/display/028596a2-1241-11ea-9948-005056a99247/Huachivinh-Chine.webp

Luật sư Hứa Chí Vĩnh trong một cuộc thảo luận tại Bắc Kinh ( Ảnh chụp ngày 30/3/2013). REUTERS/Xiao Guozhen

 

Luật sư Hứa Chí Vĩnh bị bắt lại vào tháng 2/2020, sau khi chỉ trích cách thức chính quyền xử lý cuộc khủng hoảng Covid-19, ủng hộ những người biểu tình ở Hồng Kông và kêu gọi chủ tịch Trung Quốc từ chức. Sau khi bị bắt, ông đã bị giam giữ tại một nơi bí mật.

 

Theo tuyên bố từ nhóm Luật sư Nhân quyền Trung Quốc, hai ông Đinh Gia Hỷ và Hứa Chí Vĩnh đã bị tước đoạn giấc ngủ và bị bỏ đói trong thời gian bị giam giữ. Họ cũng đồng thời bị tra tấn với chiếc ‘‘ghế hổ’’, chiếc ghế thẩm vấn nổi tiếng bằng kim loại buộc nghi phạm bất động trong nhiều giờ cho đến khi chân sưng tấy. Trước phiên tòa này, các nhà ngoại giao nước ngoài, bao gồm cả dại sứ quán Pháp tại Trung Quốc, đã kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho hai luật sư’’.

 

Phóng viên Nga chống chiến tranh Ukraina: Giữa hai làn đạn?

 

Cuộc xâm lăng của Nga tại Ukraina khiến tình cảm hoài nghi, thù địch dâng lên cao độ trong xã hội Ukraina. Bất cứ người nào từng tham gia đắc lực vào cỗ máy tuyên truyền cho chế độ Putin cũng bị coi là khả nghi, kể cả sau này đã thay đổi quan điểm.

 

Cách nay hơn 3 tháng, ngày 14/03, nữ phóng viên Marina Ovsiannikova, của kênh truyền hình Nga Channel One, đã giương cao biểu ngữ phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Nga chống Ukraina. Hình ảnh của người phụ nữ ‘‘dũng cảm’’ đã được truyền khắp thế giới. Tuy nhiên, ba tháng sau, nữ phóng viên Nga đã đi hết từ thất vọng này đến thất vọng khác. Nữ phóng viên Nga trút bầu tâm sự tại một diễn đàn phụ nữ tổ chức trước thềm hội nghị G7.

 

https://s.rfi.fr/media/display/392bb484-a3e4-11ec-b381-005056a90284/Capture%2Bd%E2%80%99%C3%A9cran%2B%2813%29-7VhinGKX.webp

Phóng viên Nga Marina Ovsiannikova cắt ngang bản tin truyền hình của kênh Pervi Kanal với tấm biển tố cáo cuộc chiến tranh Nga tiến hành tại Ukraina, ngày 14/03/2022. © Capture d'écran

 

Thông tín viên Pascal Thibault tường trình từ Berlin:

 

“Cô Marina Ovsiannikova không thể hình dung được điều gì sẽ xảy ra với mình trong ba tháng vừa qua. Người ban đầu được coi là một anh hùng sau hành động bất ngờ của cô giờ đã bị nhiều người ngoảnh mặt. Marina Ovsiannikova bị chế độ Nga và những người ủng hộ chính quyền coi là kẻ phản bội, nhưng cô cũng bị cả những người phản đối tổng thống Nga Vladimir Putin, và người Ukraine lên án.

 

Cô nói : ‘‘Tình huống này thật là phi lý. Ở đất nước tôi, họ muốn tước bỏ quyền công dân của tôi và tống tôi vào tù. Còn chính quyền Ukraina cấm tôi vào lãnh thổ của họ, và còn đe dọa bỏ tù tôi, vì đối với họ, tôi nguyên là một nhà tuyên truyền cho Nga’’.

 

Một hoàn cảnh thật đau đớn cho nhà báo sinh ra ở thành phố Odessa, Ukraina, có cha là người Ukraina và mẹ là người Nga. Sau khi rời khỏi đất nước của mình, bị đe dọa với một bản án nặng nề cho những người dùng từ "chiến tranh" để mô tả cuộc xâm lược Ukraina, nữ phóng viên Marina Ovsiannikova đã phải để lại những đứa con của mình ở lại Nga. Chồng cô cũng đã đâm đơn kiện cô.

 

Tại Berlin, Marina Ovsiannikova thoạt tiên đã được tập đoàn truyền thông Springer tuyển mộ. Nhưng chuyến đi gần đây của nữ phóng viên Nga đến Ukraina đã thất bại, vì sự thù địch của người dân địa phương đối cô là rất lớn.

 

Trong khi đó, tại Đức, tập đoàn truyền thông Springer đã không nhận cô. Một giải thưởng đáng lẽ sẽ được trao cho Marina Ovsiannikova rút cục cũng đã bị rút lại.

 

Rút cục, Diễn đàn Phụ nữ về Kinh tế và Xã hội đã mời Marina Ovsiannikova vào ngày thứ Ba tuần này để biểu dương lòng dũng cảm của người phóng viên Nga. Kể từ khi thành lập vào năm 2005, diễn đàn này là nơi cho phép biến sức mạnh của tiếng nói phụ nữ thành các sáng kiến ​​kinh tế và chính trị mang tính tiên phong, giúp thay đổi xã hội’’.

 

Sri Lanka giảm tuổi lao động ở nước ngoài: Lo thêm nhiều thanh nữ bị lạm dụng

 

Thanh niên Sri Lanka giờ đây sẽ có thể làm việc ở nước ngoài từ 21 tuổi. Việc chính phủ thông báo giảm độ tuổi tối thiểu được đưa ra trong bối cảnh quốc gia này đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử. Để nhiều thanh niên ra nước ngoài lao động, đất nước sẽ có thêm ngoại tệ, tuy nhiên nhiều người lên án là quyết định này có thể khiến thêm nhiều phụ nữ trẻ bị lạm dụng.

 

Thông tín viên Sébastien Farcis từ khu vực tường trình :

 

“Chúng ta cần phải tăng cơ hội việc làm ở nước ngoài’’. Đây là cách mà chính phủ Sri Lanka biện minh cho quyết định nhằm giảm độ tuổi tối thiểu ra nước ngoài làm việc đối với giới trẻ Sri Lanka. Hầu hết họ đều đến các nước vùng Trung Đông. Giới hạn 21 tuổi vốn đã được đưa ra vào năm 2013, sau vụ chặt đầu một vú em người Sri Lanka 17 tuổi ở Ả Rập Xê Út, nạn nhân bị cáo buộc bất cẩn.

 

Theo quy định cũ, độ tuổi tối thiểu từng là 23 và thậm chí là 25 đối với Ả Rập Xê Út, giờ đã giảm xuống chỉ còn 21. Đây là một quyết định đáng tiếc, theo thẩm phán Mareena Thaha Rehai, điều phối viên của hiệp hội vì phụ nữ Hồi giáo Almuslimaath.

 

https://s.rfi.fr/media/display/686c4700-f16d-11ec-bb8b-005056bfb2b6/AP21001297117133.webp

Phụ nữ Sri Lanka trên đường phố ở Colombo, đầu năm 2021 AP - Eranga Jayawardena

 

Bà nói: Ở tuổi 21, họ không đủ chín chắn để đưa ra quyết định, và họ sẽ để cho mình bị hành hung hoặc mang thai. Người dân ở Trung Đông không phải là thánh và các đại sứ quán không thể bảo vệ họ. Các em gái cũng sẽ phải dừng việc học tập lại để ra đi, trong khi ở Sri Lanka; phụ nữ thường có trình độ học vấn cao hơn nam giới. Chính phủ muốn đưa tất cả mọi người ra nước ngoài. Và như vậy sẽ không có ai ở trong nước để phản đối họ nữa’’.

 

Kiều hối do người lao động gửi về là nguồn thu ngoại tệ quan trọng đối với Sri Lanka, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng hiện nay. Từ hai năm nay, lượng kiều hối gửi về giảm mạnh do đại dịch.





No comments:

Post a Comment

View My Stats