Wednesday 29 June 2022

QUỐC TẾ TIẾP TỤC KÊU GỌI VIỆT NAM PHÓNG THÍCH NHÀ HOẠT ĐỘNG MÔI TRƯỜNG NGỤY THỊ KHANH (RFA)

 



Quốc tế tiếp tục kêu gọi Việt Nam phóng thích nhà hoạt động môi trường Nguỵ Thị Khanh

RFA
2022.06.29

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/international-community-continues-to-voice-nguy-thi-khanh-case-06292022072128.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/international-community-continues-to-voice-nguy-thi-khanh-case-06292022072128.html/@@images/cc86744f-2dcb-4a82-b084-356118c7d3e1.jpeg

Nhà hoạt động môi trường Ngụy Thị Khanh  (goldmanprize.org)

 

Ngày 28/6, tổ chức phi chính phủ Oil Change International (OCI) có trụ sở ở Hoa Kỳ lên tiếng bày tỏ sự đồng hành cùng cộng đồng quốc tế trong việc đòi tự do cho bà Nguỵ Thị Khanh, người Việt đầu tiên giành được giải thưởng danh giá quốc tế về môi trường Goldman. OCI cũng đồng thời kêu gọi Chính phủ Việt Nam trả tự do cho ba nhà hoạt động môi trường khác là Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách, và Bạch Hùng Dương.

 

Cả bốn nhà hoạt động môi trường này hiện đang thụ án tù với cáo buộc trốn thuế. Bà Ngụy Thị Khanh (46 tuổi) - Giám đốc Giám đốc tổ chức xã hội dân sự là Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) - bị Toà án Nhân dân Hà Nội hôm 17/6 tuyên án 24 tháng tù giam. Ba nhà hoạt động môi trường khác bị kết án tù từ hai năm rưỡi đến năm năm.

 

Bốn ngày trước đó, Đài Quan sát Bảo vệ Người Hoạt động Nhân quyền- một liên minh của Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH) và Tổ chức Thế giới Chống Tra tấn (OMCT) cũng ra thông báo kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng về các trường hợp vừa nêu cũng như các nhà hoạt động nhân quyền khác, những người bị bắt và kết án với những cáo buộc nguỵ tạo và bản án nặng nề chỉ vì các hoạt động ôn hoà nhằm bảo vệ quyền con người và môi trường.

 

Trong thông cáo báo chí, OCI nói tổ chức này muốn gửi thông điệp đến Chính phủ Việt Nam rằng, Hà Nội không thể bỏ tù những người hoạt động hàng đầu nhưng lại tự xưng là những người đứng đầu trong đối phó với biến đổi khí hậu.

 

Tổ chức này nói chính quyền Việt Nam không thể bịt miệng hết những tiếng nói có ảnh hưởng trong việc vận động giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch để bảo vệ môi trường, càng đàn áp thì càng làm nhiều người lên tiếng hơn.

 

Bà Susanne Wong, Giám đốc Chương trình Châu Á của OCI, kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 sử dụng ảnh hưởng của họ để “bảo vệ không gian xã hội dân sự đang bị thu hẹp nhanh chóng ở Việt Nam” và “đảm bảo rằng sự hỗ trợ chuyển đổi sử dụng năng lượng cho Chính phủ Việt Nam kèm các điều khoản để bảo vệ sự tham gia của xã hội dân sự trong các cuộc thảo luận về khí hậu và chống lại việc sử dụng luật pháp để bịt miệng các nhà hoạt động.”

 

Đài Quan sát Bảo vệ Người Hoạt động Nhân quyền bày tỏ sự lo ngại về việc chính quyền Việt Nam thường xuyên sử dụng cáo buộc “trốn thuế” như một vũ khí để bịt miệng giới hoạt động. Liên minh này thúc giục cá nhân và tổ chức trên thế giới viết thư yêu cầu chính quyền Việt Nam chấm dứt việc đàn áp người hoạt động nhân quyền và môi trường, trả tự do cho họ và bảo đảm họ hoạt động mà không sợ bị trả thù.

 

Trong tin nhắn gửi Đài Á Châu Tự Do, ông Andrea Giorgetta- Giám đốc Văn phòng Châu Á của FIDH nói:

 

Các nhà hoạt động môi trường như bà Nguỵ Thị Khanh đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo các nguyên tắc và quyền về môi trường như là một phần trong các chính sách của Chính phủ Việt Nam, vốn theo cách tiếp cận từ trên xuống mà không có bất kỳ sự tham vấn thực sự nào của cộng đồng.

Việc bắt giam bà Nguỵ Thị Khanh và các nhà hoạt động môi trường khác cho thấy sự leo thang đáng lo ngại của Hà Nội trong việc đàn áp xã hội dân sự. Bà Khanh và các ông Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách không phải là những người chỉ trích chính phủ gay gắt - các tổ chức của họ trên thực tế đã tìm cách giúp Chính phủ Việt Nam thực thi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU. Việc họ bị bỏ tù cho thấy ở Việt Nam không ai được an toàn trước sự đàn áp của chính phủ.

Việt Nam sử dụng tội danh ‘trốn thuế’ để bỏ tù bốn nhà hoạt động thay vì sử dụng các điều luật mơ hồ của Bộ luật Hình sự nhằm tránh sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, các bản án nặng nề mà 3 nhà hoạt động nêu trên phải gánh chịu cho thấy Hà Nội coi những người hoạt động môi trường là bất đồng chính kiến và họ phải im lặng.”

 

Năm tháng sau khi Việt Nam kết án tù các ông Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách, và Bạch Hùng Dương và gần hai tuần sau phiên toà xử bà Nguỵ Thị Khanh, hiện có ba chính phủ Hoa Kỳ, Anh, và Canada cùng nhiều tổ chức phi chính phủ trong đó có Mạng lưới Hành động Khí hậu (Climate Action Network- CAN) đã lên tiếng phản đối việc kết án họ và kêu gọi Việt Nam trả tự do cho họ ngay lập tức và vô điều kiện. Văn phòng Nhân quyền và Chương trình Môi trường của Liên Hiệp quốc ngày 22/4 cũng ra thông cáo bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng bỏ tù người hoạt động nhân quyền và bảo vệ môi trường theo cáo buộc “trốn thuế” ở Việt Nam.

 

Đặc phái viên về Khí hậu của Tổng thống Hoa Kỳ John Kerry và người đồng cấp của Liên minh Châu Ấu là Frans Timmermans hôm 26/6 cùng lên tiếng cầu trả tự do cho bà Ngụy Thị Khanh và các nhà hoạt động môi trường khác đang bị cầm tù ở Việt Nam.

 

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 23/6 lên tiếng bác bỏ những chỉ trích của cộng đồng quốc tế về trường hợp bà Nguỵ Thị Khanh, khẳng định việc kết án tù nhà hoạt động này là đúng luật.

 

 ----------------------

Tin, bài liên quan

 

·         Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định việc kết án tù bà Nguỵ Thị Khanh đúng luật

·         Anh và Canda bày tỏ quan ngại về bản án đối với bà Ngụy Thị Khanh

·         Mạng lưới Hành động Khí hậu kêu gọi Việt Nam phóng thích bà Ngụy Thị Khanh

·         Mỹ kêu gọi VN trả tự do cho "anh hùng môi trường" Ngụy Thị Khanh

·         Các hỗ trợ quốc tế về môi trường cho Việt Nam phải gắn liền với việc trả tự do cho bà Ngụy Thị Khanh

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats