Wednesday 29 June 2022

BIDEN TẤN CÔNG TRUNG QUỐC BẰNG BẢN GHI NHỚ CHỐNG ĐÁNH CÁ BẤT HỢP PHÁP (Thụy My / RFI)

 



Biden tấn công Trung Quốc bằng Bản ghi nhớ chống đánh cá bất hợp pháp

Thụy My  -  RFI

Đăng ngày: 28/06/2022 - 15:14

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220628-biden-trung-qu%E1%BB%91c-b%E1%BA%A3n-ghi-nh%E1%BB%9B-ch%E1%BB%91ng-%C4%91%C3%A1nh-c%C3%A1-b%E1%BA%A5t-h%E1%BB%A3p-ph%C3%A1p

 

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 27/06/2022 đã ký Bản ghi nhớ an ninh quốc gia về chống đánh cá trái phép. Đây là một phần của nỗ lực đối phó với những vi phạm của các đoàn tàu đánh cá « phi pháp », đặc biệt của Trung Quốc.

 

https://s.rfi.fr/media/display/34063504-8a65-11eb-a714-005056bff430/w:1024/p:16x9/AP21080199244509.webp

Tàu Trung Quốc neo đậu tại Rạn san hô Whitsun, Biển Đông, ngày 7/3/2021. Ảnh của Cảnh sát biển Philippines. AP

 

Trong một thông cáo, Nhà Trắng cho biết sẽ lập một liên minh với Canada và Anh để « hành động khẩn cấp » nhằm cải thiện việc theo dõi, kiểm soát, giám sát, trong cuộc chiến chống lại « nạn đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định» (IUU - cụm từ viết tắt của Illegal, Unreported và Unregulated fishing).

 

Các viên chức Mỹ muốn đưa vào những quy tắc để có thể đối phó tốt hơn trước nạn đánh cá lậu, nhất là tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong khuôn khổ cam kết chặt chẽ hơn ở khu vực để chống lại ảnh hưởng Trung Quốc. Một số quốc gia trong vùng phẫn nộ trước tình trạng những đội tàu cá hùng hậu của Trung Quốc thường xuyên xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ, càn quét hải sản, gây thiệt hại lớn cho môi trường và kinh tế.

 

Bản Ghi nhớ đòi hỏi có những hành động để « chấm dứt nạn buôn người, cưỡng bức lao động, xúc tiến việc khai thác đại dương một cách an toàn, bền vững ». Bộ Lao Động, bộ Quốc Phòng, lực lượng tuần duyên và các cơ quan thực thi luật pháp có thể làm việc với các đối tác tư nhân và nước ngoài để « điều tra các tàu đánh cá và công ty bị nghi ngờ dùng lao động cưỡng bức để thu hoạch hải sản ».

 

Tuy không nhắm vào một quốc gia cụ thể nào, nhưng phía Mỹ cho biết Trung Quốc là nước vi phạm hàng đầu. Trung Quốc luôn đứng đầu thế giới về các vụ đánh cá bất hợp pháp, và cản trở việc triển khai các biện pháp chống IUU và khai thác hải sản bừa bãi của các tổ chức quốc tế. Viên chức Mỹ nói rằng Bắc Kinh phải có trách nhiệm tôn trọng những cam kết, cần chỉnh đốn hoạt động của các tàu treo cờ Trung Quốc tại vùng biển những nước khác.

 

Ông Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu), phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc tại Washington phản bác, cho rằng cáo buộc của Mỹ « hoàn toàn sai lạc ».

 

Reuters nhắc lại, đầu tháng Sáu, Philippines tố cáo Trung Quốc đánh cá bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.

 

Lực lượng tuần duyên Hoa Kỳ tuyên bố nạn đánh cá lậu đã vượt qua nạn cướp biển, trở thành mối đe dọa lớn nhất cho an ninh hàng hải thế giới, có nguy cơ gây căng thẳng giữa các quốc gia. Điều phối viên về chính sách Ấn Độ-Thái Bình Dương Kurt Campbell hồi tháng Năm nói rằng các nước trong khu vực đang hợp tác để tăng cường tuần tra và huấn luyện, chia sẻ các công nghệ để truy vết các tàu đánh cá lậu đã tắt thiết bị định vị.

 

-----------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

BIỂN HOA ĐÔNG

Biển Hoa Đông: Mỹ cam kết giúp Nhật giám sát tàu Trung Quốc

PHILIPPINES - TRUNG QUỐC - BIỂN ĐÔNG

Manila lại tố cáo gần 300 tàu Trung Quốc hiện diện trong vùng đặc quyền Philippines

ĐIỂM BÁO

Trung Quốc: Kẻ phá hoại đa dạng sinh học và vét cạn tài nguyên các đại dương





No comments:

Post a Comment

View My Stats