Monday 27 June 2022

TẠI SAO TẬP GIÁNG CHỨC THỨ TRƯỞNG NGOẠI GIAO THỨ NHẤT LẠC NGỌC THÀNH? (Katsuji Nakazawa   -   Nikkei Asia)

 



Tại sao Tập giáng chức thứ trưởng ngoại giao thứ nhất Lạc Ngọc Thành?

Katsuji Nakazawa   -   Nikkei Asia 

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

27/06/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/06/27/tai-sao-tap-giang-chuc-thu-truong-ngoai-giao-thu-nhat-lac-ngoc-thanh/

 

Lạc Ngọc Thành là ứng cử viên hàng đầu cho vị trí ngoại trưởng tiếp theo của Trung Quốc.

 

Việc Lạc Ngọc Thành (Le Yucheng), Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất của Trung Quốc, bị giáng chức đã gây ra làn sóng chấn động trong giới chính trị nước này.

 

Ngày 14/06 vừa qua, người ta thông báo rằng Lạc đã được bổ nhiệm làm cục phó Cục Quản lý Phát thanh và Truyền hình Quốc gia, đồng thời “không còn giữ chức vụ thứ trưởng ngoại giao.”

 

Điều đó có nghĩa là nhà ngoại giao thân Nga cũng không còn là người dẫn đầu trong cuộc đua trở thành ngoại trưởng tiếp theo của Trung Quốc.

 

Sau thời gian học tiếng Nga, Lạc được bổ nhiệm vào Vụ Liên Xô và Đông Âu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc và có hai nhiệm kỳ làm việc tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Nga. Ông cũng từng là Đại sứ tại Ấn Độ khi còn trẻ.

 

Dấu ấn của Lạc đã xuất hiện khắp nơi trong hội nghị thượng đỉnh – mà hiện rất nổi tiếng – giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bắc Kinh vào ngày 04/02.

 

“Không có giới hạn nào trong quan hệ Trung-Nga,” Lạc nói trong lúc cười rạng rỡ sau cuộc họp. Ông nói, “Tàu tốc hành Trung-Nga sẽ chạy mãi – không có điểm cuối, chỉ có các trạm tiếp nhiên liệu mà thôi.”

 

Đáng tiếc là lời nhận xét này lại không thành hiện thực.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%253A%252F%252Fs3-ap-northeast-1.amazonaws.com%252Fpsh-ex-ftnikkei-3937bb4%252Fimages%252F_aliases%252Farticleimage%252F9%252F3%252F1%252F2%252F41002139-1-eng-GB%252FPR20220621-0035-01re.jpg?source=nar-cms

Trước khi Nga xâm lược Ukraine, Lạc Ngọc Thành có lẽ đã hồ hởi quá trớn khi nói rằng “Tàu tốc hành Trung-Nga sẽ chạy mãi – không có điểm cuối, chỉ có các trạm tiếp nhiên liệu mà thôi.” © Kyodo

 

Công bằng mà nói, ở thời điểm ngày 04/02, người Trung Quốc cũng khó mà biết được rằng Nga sẽ tấn công Ukraine và thủ đô Kyiv với quy mô khủng khiếp như vậy.

 

Nhưng điều này không có nghĩa là Trung Quốc hoàn toàn không biết gì. Là một chuyên gia về Nga, Lạc chí ít cũng có thể cảm nhận được Putin có ý định xâm lược miền đông Ukraine dù sớm hay muộn.

 

Ông đáng lẽ nên tư vấn cho Chủ tịch Tập về những rủi ro liên quan và khuyến nghị phải cẩn trọng.

 

Thay vào đó, Lạc chọn đi theo hướng ngược lại. Ngay cả nếu Tập chấp thuận làm sâu sắc hơn quan hệ với Moscow, thì với tư cách là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, Lạc đã quá ngây thơ và bất cẩn. Lập trường thân Nga của ông hiện rõ đến mức không có cách nào để ông có thể đóng vai trò quan trọng nếu Bắc Kinh quyết định cố gắng làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine.

 

Những lời nói của Lạc thường được các quan chức chính quyền Biden và Quốc hội Mỹ trích dẫn như một bằng chứng về sự hợp tác ngoại giao, kinh tế, và quân sự bất thường giữa Trung Quốc và Nga.

 

Việc ông bị sa thải cho thấy Trung Quốc có ý định chuyển hướng đường lối ngoại giao của mình.

 

Một nguồn tin từ Trung Quốc chỉ ra rằng: điều đáng nói là Tập đã cho phép hạ bệ một nhân vật nắm giữ chìa khóa quan trọng trong quan hệ với Putin và quan hệ ngoại giao với Nga.

 

“Nhiều khả năng, quyết định này là vì đại cục,” một người khác nói.

 

Đây là một quyết định giáng chức mạnh. Lạc Ngọc Thành là một quan chức cấp bộ. Với tư cách là ủy viên dự khuyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông có đủ điều kiện để tham dự các phiên họp toàn thể nơi các quyết định quan trọng của đảng được đưa ra. Và Lạc cũng là thứ trưởng ngoại giao duy nhất có địa vị cao như vậy.

 

Từng là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Lạc luôn được xem là phụ tá thân tín của Tập, người đồng thời cũng là Tổng Bí thư của đảng.

 

Nhưng giờ đây, ông đã được thuyên chuyển sang lĩnh vực ngoài chuyên môn của mình.

 

Thông báo về việc điều chuyển công tác đối với Lạc được đưa ra chỉ một ngày trước cuộc điện đàm của Tập với Putin, vào ngày 15/06. Người Nga hẳn cũng rất bối rối trước những diễn biến này.

 

Một manh mối giúp lý giải động thái này là, một ngày trước khi quyết định thuyên chuyển được công bố, nhà ngoại giao hàng đầu kiêm ủy viên bộ chính trị của Trung Quốc, Dương Khiết Trì, đã nói chuyện với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan suốt 4 tiếng rưỡi tại Luxembourg.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%253A%252F%252Fs3-ap-northeast-1.amazonaws.com%252Fpsh-ex-ftnikkei-3937bb4%252Fimages%252F_aliases%252Farticleimage%252F8%252F0%252F9%252F1%252F41001908-6-eng-GB%252FCropped-1655869806PR20220622-0013-01.jpg?source=nar-cms

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan và nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì gần đây đã nói chuyện suốt 4 tiếng rưỡi tại Luxembourg, hy vọng có thể dàn xếp thượng đỉnh Biden-Tập. © Tân Hoa Xã / AP

 

Phiên họp dài của Dương và Sullivan diễn ra ngay sau khi các bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Trung Quốc gặp nhau tại Singapore. Nó nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Hôm thứ Bảy, chính Biden tiết lộ rằng ông sẽ có cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập trong tương lai gần.

 

Ở Trung Quốc, “những nhà ngoại giao ôn hòa” nắm giữ quyền lực đáng kể. Những nhân vật này bao gồm những đảng viên lớn tuổi đã nghỉ hưu và những cán bộ lão thành, những người coi trọng việc tạo thế cân bằng giữa Mỹ và Nga.

Chính họ đã hướng mũi dùi chỉ trích về phía Lạc Ngọc Thành. Việc những nhận xét của Lạc đã bị cơ quan lập pháp Mỹ lợi dụng để nhắm vào Tập bị đánh giá là đặc biệt đáng lo ngại.

 

Nhưng tại sao Tập lại cho phép giáng chức Lạc, thay vì dùng quyền lực của mình để ngăn chặn điều đó?

 

Dường như điều này liên quan đến chính sách đối ngoại. Quyết định thuyên chuyển Lạc có lẽ liên quan mật thiết đến cuộc cải tổ lãnh đạo sẽ diễn ra tại đại hội đảng toàn quốc vào mùa thu năm nay. Nó cũng gắn liền với việc thành lập một đội ngũ mới lãnh đạo ngành ngoại giao Trung Quốc tại phiên họp thường niên của đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, tức Quốc hội Trung Quốc, vào mùa xuân năm sau.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%253A%252F%252Fs3-ap-northeast-1.amazonaws.com%252Fpsh-ex-ftnikkei-3937bb4%252Fimages%252F_aliases%252Farticleimage%252F6%252F0%252F8%252F1%252F41001806-1-eng-GB%252F2022-06-17T123854Z_1717189798_RC2OTU9F3AAW_RTRMADP_3_USA-BIDEN.JPG?source=nar-cms

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiết lộ rằng ông sẽ nói chuyện qua điện thoại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người cần duy trì đường dây liên lạc với Mỹ nếu ông muốn trở thành trung gian cho thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine. © Reuters

 

Dương Khiết Trì nay đã 72 tuổi và chắc chắn sẽ nghỉ hưu. Ngoại trưởng Vương Nghị là một ứng cử viên có khả năng sẽ thay thế Dương, dù thực ra ông cũng đã 69 tuổi. Việc thăng chức cho Vương sẽ vi phạm quy định về tuổi nghỉ hưu của đảng nhưng ông chẳng có đối thủ nào nổi bật.

 

Vương từng là Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản. Ông có kinh nghiệm về ngoại giao đối với châu Á, Trung Đông, và châu Phi. Tuy nhiên, ông thiếu thành tích ngoại giao trong quan hệ với Mỹ. Nếu Vương kế vị Dương trở thành nhà ngoại giao số 1 của Trung Quốc, thì Lạc được xem là ứng viên nặng ký để trở thành Ngoại trưởng, nhà ngoại giao số 2.

Lập trường thân Nga của Lạc có vẻ phù hợp với “chính sách ngoại giao chiến lang” gần đây của Trung Quốc, chủ trương không ngại đối đầu với phương Tây.

 

Tuy nhiên, quan hệ ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc vẫn là với Mỹ, dù người Trung Quốc có muốn thế hay không.

 

Nếu đội ngũ ngoại giao mới của Trung Quốc bao gồm Vương, một chuyên gia về các vấn đề châu Á, và Lạc, một chuyên gia về các vấn đề Nga, thì rõ ràng họ sẽ thiếu chuyên môn để đối phó với Washington.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%253A%252F%252Fs3-ap-northeast-1.amazonaws.com%252Fpsh-ex-ftnikkei-3937bb4%252Fimages%252F_aliases%252Farticleimage%252F7%252F5%252F8%252F1%252F41001857-1-eng-GB%252FAP21082286142552re.jpg?source=nar-cms

Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, 69 tuổi, có khả năng sẽ trở thành nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, bất chấp tuổi tác của ông. © Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao Nga / AP

 

Không có nghi ngờ gì về việc Lạc Ngọc Thành là nhân vật trung tâm trong việc chuẩn bị cho các hội nghị thượng đỉnh Trung-Nga. Năm 2019, ông đã đóng góp một bài báo cho một tạp chí lý luận để kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Nó kêu gọi xác lập một kỷ nguyên mới trong quan hệ Trung Quốc-Nga.

 

Nhưng ông đã vắng mặt vào ngày 15/06, khi Tập và Putin nói chuyện qua điện thoại.

 

Đáng chú ý là cuộc điện đàm của Tập và Putin diễn ra vào đúng vào ngày sinh nhật lần thứ 69 của Chủ tịch Trung Quốc. Các báo cáo truyền thông chính thức ở cả hai nước đều không đề cập liệu Putin có chúc mừng sinh nhật Tập hay không. Nhưng một nguồn tin quen thuộc với các cuộc thảo luận trước đó cho biết, “Xét theo lẽ thường thì hẳn phải có lời chúc mừng.”

 

Lời chúc sinh nhật, suy cho cùng, vẫn là nghi thức ngoại giao. Năm 2019, Putin đã tặng Tập món kem của người Nga để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 66 của Chủ tịch Trung Quốc, khi cả hai đang ở quốc gia Trung Á Tajikistan vào thời điểm đó. Họ cũng đã cùng nhau uống champagne. Tập đã tặng lại cho Putin trà Trung Quốc, và một trang web truyền hình nhà nước Trung Quốc đã đăng một bức ảnh chụp hai nhà lãnh đạo cạnh chiếc bánh có chữ số “66”.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%253A%252F%252Fs3-ap-northeast-1.amazonaws.com%252Fpsh-ex-ftnikkei-3937bb4%252Fimages%252F_aliases%252Farticleimage%252F8%252F8%252F0%252F2%252F41002088-1-eng-GB%252Fphoto_SXM2022061900008709re.jpg?source=nar-cms

Tập Cận Bình đã cảnh giác hơn trong việc công khai lời chúc sinh nhật mà ông nhận được từ Vladimir Putin. Năm 2019, Tập đã tổ chức sinh nhật lần thứ 66 tại Tajikistan với Putin và kem Nga. (Ảnh chụp màn hình từ CCTV)

 

Năm 2018, Putin đã khoe trong một cuộc phỏng vấn với Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc rằng ông có lẽ là nhà lãnh đạo thế giới duy nhất tổ chức sinh nhật cùng với Tập. Nhưng đó là câu chuyện của bốn năm trước. Giờ đây, mối quan hệ cá nhân thân thiết của Tập với Putin đang bị quốc tế theo dõi ngày một sát sao, do các hành động của Nga ở Ukraine.

 

Nếu quả thật Putin đã chúc mừng sinh nhật lần thứ 69 của Tập, Trung Quốc cũng không thể công khai thông điệp chúc mừng đó. Làm như vậy sẽ là bất cẩn, bởi thế giới đang dõi theo việc quân đội Nga tàn phá Ukraine.

 

Nếu trong tương lai gần, một cuộc điện đàm Biden-Tập diễn ra, đúng như lời Tổng thống Mỹ đã nói, tình hình Ukraine sẽ trở thành tâm điểm chính. Những nhận xét gần đây của Tập cho thấy ông sẵn lòng trở thành trung gian cho một lệnh ngừng bắn – nếu thời điểm chín muồi. Để đạt được điều đó, Trung Quốc cần có một đường lối cởi mở hơn với Mỹ và Ukraine, cũng như với Nga, để Tập và nhóm của ông có thể có các cuộc thảo luận thẳng thắn với tất cả những bên có liên quan.

 

Trong lúc ông yêu cầu các nhà chức trách ngoại giao Trung Quốc ưu tiên chuẩn bị cho các cuộc thảo luận của ông với Biden – và ngay trước cuộc hội đàm qua điện thoại với Putin – Tập đã bỏ rơi Lạc, nhân vật chủ chốt trong chính sách ngoại giao thân Nga của Trung Quốc. Thực tế, khi làm như vậy, ông đã đưa cuộc đua chọn ra vị ngoại trưởng tiếp theo của Trung Quốc quay trở lại vạch xuất phát.

 

Một kết quả chắn chắn có thể rút ra từ diễn biến này là trước thềm đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản, ưu tiên số 1 trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc là xây dựng lại quan hệ ngoại giao với Mỹ.

 

------------------------------------------

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cao cấp của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

 

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Russia hand’s demotion signals shift in Xi’s strategy,” Nikkei Asia, 23/06/2022





No comments:

Post a Comment

View My Stats