Monday, 6 June 2022

THẬP NIÊN CHỨ KHÔNG PHẢI THẬP KỶ, CÁC ÔNG BÀ Ợ (Nguyễn Thông)

 



Thập niên chứ không phải thập kỷ, các ông bà ợ   

Nguyễn Thông (Nguyễn Thông Cào)

5/6/2022  22:14    

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid09vHbpd1RNpwuMcQDCjD35gDeLb9WBKdnFnJZv7NDGrUysCvdwK872PKXBp6ybKkHl&id=100024722048900

 

Nhà cháu không quan tâm đến những thứ như vụ thủng mái tôn ở xứ chè Thái, hoặc bà gì đó đi chùa Đồng ngã xuống vực sâu suốt 7 ngày mà chả sao... Để đầu óc, còn tí ti nơ ron thần kinh chứ bao nhiêu, nghĩ đến cái khác có lợi cho nhân gian.

 

Một trong số ít điều nhà cháu quan tâm nhất, là tiếng Việt, nói toẹt ra là sự suy hỏng của nó, mà thủ phạm đông nhất chả phải ai khác, chính các ông bà... nhà báo, và cán bộ.

 

Ta thường thấy/nghe trên báo chí và tivi, không ít người dùng từ "thập kỷ", với ý để chỉ khoảng thời gian 10 năm. Có người còn diễn giải, thập là 10, kỷ là thế kỷ, thập kỷ tức là 10 năm của thế kỷ. Mà chẳng riêng nhà báo (phóng viên, biên tập viên), ngay cả một số cán bộ to, trí thức lớn cũng vẫn dùng “thập kỷ” theo nghĩa ấy. Có lần tôi nghe ông Dương Trung Quốc sử cũng nói "thập kỷ". Tuy nhiên dùng thế là sai. Vì sao?

 

“Kỷ” là từ Hán Việt, có nhiều nghĩa: Để chỉ thời gian địa chất từ ngàn năm trở lên, ví dụ kỷ phấn trắng, kỷ Jura, kỷ băng hà...; là khoảng thời gian gồm 12 năm theo quy định tính của người xưa, cứ 12 năm gọi là một kỷ; kết hợp với một từ nào đó, chỉ thời gian nhất định, ví dụ: thế + kỷ = thế kỷ (100 năm), kỷ nhà Lê, kỷ nhà Nguyễn... Từ điển Hán Việt của học giả Đào Duy Anh cũng giải nghĩa rất rõ: kỷ là 12 năm. Từ điển tiếng Việt (dù không phải cuốn từ điển tiếng Việt nào cũng đáng tin cây) của nhóm Hoàng Phê cũng biên kỷ là "khoảng thời gian 12 năm". Một kỷ tương đương với một giáp (địa chi). Con số 12 được dùng tương đối phổ biến, chẳng hạn trong tiếng Anh số đếm từ 1 tới 12 hoàn toàn khác nhau, sau đó mới quay vòng trở lại dựa vào số cũ. Vùng Nam Bộ những năm trước 1975 rất phổ biến cách tính chục 12, chẳng hạn mua trứng (hột gà hột vịt), mua cam, xoài... thì chục gồm 12 quả, v.v..

 

Như vậy, muốn chỉ 10 năm thì phải viết thập niên (niên là năm) chứ không phải thập kỷ, bởi thập kỷ tính ra những 120 năm. Sau đây là một ví dụ về cách viết chính xác của người xưa (tôi trích nguyên đoạn không sai một chữ nào):

 

"Hoàng tử thứ sáu là Nhật Duật. Trước có đạo sĩ ở cung Thái Thanh tên là Thậm làm lễ cầu tự cho vua. Khi đọc sớ xong, Thậm tâu với vua rằng: Thượng đế đã y lời sớ tâu, sẽ sai Chiêu Văn đồng tử giáng sinh, ở trần thế này 4 kỷ. Rồi thì hậu cung có mang, quả nhiên sinh con trai, trên cánh tay có chữ "Chiêu Văn đồng tử", nét chữ rõ ràng, vì thế đặt hiệu là Chiêu Văn (tức Trần Nhật Duật). Đến khi lớn lên chữ mới mất đi. Năm Chiêu Văn vương Nhật Duật 48 tuổi, ốm nặng hơn 1 tháng, các con Duật làm chay, xin giảm bớt tuổi của chúng để cha được sống lâu. Đạo sĩ đọc sớ xong, đứng dậy nói: Thượng đế xem sớ, cười và bảo rằng: "Sao lại quyến luyến trần tục ở lại lâu thế. Song các con thực là có hiếu, vậy cho Duật được sống thêm hơn 2 kỷ nữa". Rồi khỏi bệnh. Đến khi Duật mất, tuổi 77, được đủ 6 kỷ lẻ 5 năm" (Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 5, kỷ nhà Trần).

 

Hôm trước nhà cháu có bạn đồng nghiệp cũ tới chơi. Thầy Châu Hoàng Tiểng, giáo viên toán. Thầy Tiểng là học trò của những đấng bậc danh sư toán như Nguyễn Đình Ngọc, Đặng Đình Áng, Nguyễn Chung Tú ở Sài Gòn. Một dân toán chuyên nghiệp, nhưng thầy phàn nàn đám viết lách bây giờ làm hỏng hết tiếng Việt, chúng nó ngu dốt không hiểu gì khi dùng từ 'liên hoàn", "cứu cánh", "thập kỷ", "chắp bút"...

 

Tôi biên cái tút này để ghi lại sự bức xúc ấy.

 

Thông cào

 

83 BÌNH LUẬN   

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats