Tuesday, 7 June 2022

LIÊN HIỆP QUỐC : 'LƯỢNG MA TÚY ĐÁ THU GIỮ TẠI VIỆT NAM NĂM 2021 ĐẠT MỨC KỶ LỤC' (BBC News Tiếng Việt)

 



LHQ: 'Lượng ma túy đá thu giữ tại VN năm 2021 đạt mức kỷ lục' 

BBC News Tiếng Việt

6 tháng 6 2022, 11:34 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-61642390

 

Lượng ma túy đá thu giữ ở Việt Nam đạt mức kỷ lục trong năm 2021 trong bối cảnh sản xuất ma túy đá chủ yếu diễn ra tại các nước thuộc vùng hạ lưu sông Mekong, báo cáo của Liên Hiệp Quốc 2021 cho thấy.

 

Đông Á và Đông Nam Á tiếp tục là một trong những thị trường ma túy lớn nhất thế giới. Gần 172 tấn ma túy đá đã được thu giữ tại Đông và Đông Nam Á trong năm 2021, với hơn 1 tỷ viên ma túy đá (methamphetamine), con số kỷ lục lần đầu tiên được ghi nhận. Số lượng này tăng gấp 7 lần so với 10 năm trước.

 

Báo cáo của Văn phòng Liên Hiệp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) cũng đề cập đến ketamine, một loại ma túy tổng hợp, cũng đang là xu thế đáng lo ngại cho khu vực.

 

'Hạ lưu sông Mekong là điểm nóng'

 

Việc sản xuất ma túy đá tập trung chủ yếu vùng hạ lưu sông Mekong (gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam), điểm nóng là bang Shan ở Myanmar.

 

89% lượng ma túy đá ở Đông Nam Á bị thu giữ là tại khu vực hạ lưu sông Mekong, theo UNODC.

 

Nếu như các cơ sở sản xuất ma túy ở Việt Nam và Indonesia có giảm xuống thì tại Malaysia con số này lại tăng lên trong 2 năm qua.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/91E3/production/_125274373_gettyimages-1222978883.jpg.webp

Cảnh sát Thái Lan thu giữ một lượng lớn ma túy và chuẩn bị tiêu hủy tại thành phố Ayutthaya vào tháng 06/2020

 

Lào hiện là nơi mà phần lớn ma túy đá từ bang Shan (Myanmar) đổ sang quốc gia này. Theo UNODC thì Lào đã trở thành đầu mối vận chuyển ma túy chính đến Thái Lan và các nước khác ở khu vực sông Mekong và Châu Á Thái Bình Dương như Philippines, Nhật Bản, Úc và New Zealand.

 

Về các tuyến đường buôn bán và vận chuyển ma túy thì tại Đông Á và Đông Nam Á không thay đổi đáng kể, chủ yếu dọc từ biển Andaman qua eo biển Malacca hướng đến Malaysia và Indonesia.

 

Ngoài ra, UNODC cho biết số lượng ma túy đá sản xuất tại vùng Tam giác vàng đang mở rộng sang Đông Á. Ma túy tổng hợp dạng tinh thể, loại vốn chỉ được đóng gói bao bì và viên tại Tam giác vàng - khu vực rừng núi hiểm trở nằm giữa biên giới 3 nước Lào, Thái Lan, Myanmar - ngày càng bị phát hiện nhiều hơn tại đông bắc Ấn Độ.

 

Ông Jeremy Douglas, Đại diện vùng Đông Nam Á và Thái Bình Dương của UNODC nói với BBC News Tiếng Việt, "Tình hình buôn ma túy tại khu vực Đông và Đông Nam Á khá tệ vào thời điểm hiện tại. Tại bang Shan, bắc Myanmar thì có các nơi sản xuất ma túy rất lớn. Bang Shan thì nằm gần Lào, quốc gia này là nơi tiếp nhận rất nhiều ma túy từ Myanmar và ngược lại."

 

Ma túy đá bị thu giữ tại VN đạt 'kỷ lục'

 

Số viên ma túy đá bị thu giữ tại Việt Nam năm 2021 đã đạt mức kỷ lục, hơn 2,5 triệu viên, theo báo cáo từ UNODC.

Số lượng ma túy tổng hợp dạng tinh thể bị thu giữ ở Việt Nam cũng lên đến hơn 3,3 tấn, được xem là một mức tăng đáng kể. Ngoài ra số lượng ketamine thu giữ tại Việt Nam cũng ở mức cao, với 304 kg.

Lý giải cho mức tăng kỷ lục này, ông Jeremy Douglas nói: "Việt Nam là một quốc gia hấp dẫn đối với giới buôn ma túy như có đường biển dài, cảng biển lớn, có thể giúp vận chuyển ma túy sang các quốc gia hay vùng khác. Trong nhiều năm qua, tội phạm buôn ma túy đã lợi dụng vị trí địa lý của Việt Nam để thực hiện các phi vụ".

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/43C3/production/_125274371_gettyimages-924295804.jpg.webp

Một đối tượng trùm đường dây buôn bán ma túy bị bắt giữ tại tỉnh Cao Bằng, Việt Nam vào ngày 25/02/2018

 

Liên Hiệp Quốc cho biết thêm đường biên giới chung giữa Việt Nam và Lào trải dài 2.300 km đã khiến tình hình buôn bán ma túy tại Việt Nam trở nên phức tạp.

 

"Chúng ta có thể chứng kiến nguồn ma túy đá đổ từ Myanmar sang các nước. Số lượng viên ma túy đá thu giữ tăng vọt tại các nước thuộc vùng hạ lưu sông Mekong. Việt Nam nằm sát bên Lào và có thể thấy lượng ma túy lớn từ quốc gia này đổ sang Việt Nam", ông Jeremy Douglas nói thêm.

 

Trong khi đó, Báo Chính phủ Việt Nam dẫn thông tin từ cơ quan chức năng của Campuchia và Lào đều "xác nhận đã có hoạt động sản xuất ma túy tổng hợp trên địa bàn khu vực biên giới với Việt Nam. Thực tế tại Việt Nam, các lực lượng chức năng đã bắt giữ một số lượng lớn ma túy tổng hợp được sản xuất ở khu vực biên giới Campuchia, Lào. Hơn nữa, giá chênh lệch rất lớn, lãi cao khiến các đối tượng tìm mọi thủ đoạn, phương thức để buôn bán, vận chuyển."

 

EU: Băng đảng VN tại Đức 'buôn ma túy' và nhận cha giả mạo

Hồi ký của cựu nhà báo trồng cần sa ở Úc

 

Việt Nam cần làm gì?

 

Người đại diện UNODC cho rằng "Để giảm nạn buôn bán ma túy thì cần giải quyết việc vận chuyển nguyên liệu chế tạo ma túy, nạn tội phạm có tổ chức, nhu cầu người dùng và để thực thi điều này cần sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận từ các chính phủ bao gồm Việt Nam."

 

Ông Douglas cho rằng vấn đề là tội phạm có tổ chức cần được giải quyết triệt để và như nạn rửa tiền, cách giới tội phạm che giấu tiền và chuyển lợi nhuận.

 

"Hiện tại thì chính phủ các nước tập trung vào việc bắt giữ các vụ ma túy càng nhiều càng tốt. Thế nhưng mạng lưới buôn ma túy vẫn tiếp tục vận hành."

 

"Tôi đề xuất chính phủ Việt Nam phải tăng cường thực thi luật pháp, luôn nhấn mạnh đến việc giải quyết vấn đề tội phạm có tổ chức, từ những tên đầu xỏ. Việc thu giữ ma túy chỉ là một phần mà thôi, bên cạnh đó phải giải quyết vấn đề vận chuyển nguyên liệu chế tạo ma túy nữa."

 

Ông Jeremy Douglas nhấn mạnh để làm được điều này, Việt Nam phải phối hợp với các quốc gia láng giềng như Lào, Thái Lan, Campuchia, cố gắng phối hợp với Myanmar và cả với Trung Quốc dù điều này không dễ dàng.

"Nếu Việt Nam có thể kết hợp tất cả những biện pháp này trong việc chống tội phạm buôn bán ma túy thì Việt Nam có thể thành công", ông nói.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/13F21/production/_125279618_gettyimages-1237123278.jpg.webp

 

UNODC cho biết đang phối hợp chặt chẽ với các quốc gia ở Đông và Đông Nam Á thông qua chương trình The Global SMART từ năm 2011 và Biên bản ghi nhớ về Kiểm soát ma túy vùng Mekong (Mekong Memorandum of Understanding on Drug Control).

 

Theo chương trình này, UNODC luôn phối hợp chặt chẽ với 11 quốc gia trong khu vực bao gồm Việt Nam trong việc giám sát tình hình buôn bán ma túy, cố vấn, phát hiện, kiểm soát tiền chất sản xuất ma túy (chemical precursor) và các chiến lược y tế công, giúp đỡ các quốc gia phối hợp trong các chiến dịch triệt phá ma túy hợp tác và xuyên biên giới.

 

Hiện nay, Việt Nam có 205.818 người nghiện có hồ sơ quản lý, 66.287 người sử dụng trái phép chất ma tuý, theo chính phủ Việt Nam.

 

Theo Bộ Công an Việt Nam, thì từ năm 1997 đến 2021, Việt Nam đã thu giữ gần 82 tấn heroin.

 

Băng đảng tội phạm ma túy đang muốn tạo dựng tỉnh Hà Tĩnh thành điểm trung chuyển ma túy từ khu vực "Tam giác Vàng" vào Việt Nam và trung chuyển đi nước thứ ba, theo giới chức Việt Nam.

 

Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết "tội phạm ma túy trong và ngoài nước đã câu kết chặt chẽ với nhau, hình thành đường dây, tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, hoạt động với phương thức che giấu nhân thân và ngụy trang tinh vi, thủ đoạn vận chuyển ngày càng manh động, mang tính liều lĩnh".

 

----------------------------

 

TIN LIÊN QUAN

 

Hồi ký của cựu nhà báo trồng cần sa ở Úc

25 tháng 9 năm 2021

 

.

Câu chuyện người Việt và cây cần sa ở Đức

4 tháng 11 năm 2019

 

.

EU: Băng đảng VN tại Đức 'buôn ma túy' và nhận cha giả mạo

18 tháng 9 năm 2021

 

.

Bên trong những cánh đồng cần sa hợp pháp của Morocco 

3 tháng 10 2021

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats