Saturday, 16 February 2019

TRUNG QUỐC LẦM LŨI TRỖI DẬY, PHƯƠNG TÂY BẤT LỰC ĐỨNG NHÌN (RFI / ĐIỂM BÁO)




Minh Anh – RFI / ĐIỂM BÁO
Đăng ngày 16-02-2019

Trung Quốc trên đà chinh phục thế giới ; Làm thế nào Donald Trump tái định hình thế giới ; Venezuela – Giờ của sự thật và Đồng tính – Chuyện thâm cung bí sử tại Vatican. Trên đây là những hồ sơ chính trên trang nhất các tuần báo Pháp số ra từ ngày 14/02 đến 20/02/2019.

Trung Quốc chinh phục thế giới bằng cách nào là hồ sơ lớn trên tạp chí L'Obs tuần này. Đã qua rồi cái thời phương Tây « làm mưa làm gió ». Thế kỷ XXI này là thời của « Giấc mộng Trung Hoa ». Giai đoạn « ẩn mình chờ thời » đã hết, Trung Quốc giờ không muốn là công xưởng của thế giới mà phải là bá chủ toàn cầu. Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 là cơ hội vàng. Phương Tây gần như sụp quỵ, Trung Quốc tự tin cho rằng giờ là lúc để có thể và phải lấy lại vị trí trung tâm mà nước này cho rằng đó là chính chỗ đứng của họ.

Việc ông Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo Trung Quốc còn thúc đẩy nhanh hơn nữa sự thay đổi chiến lược đó, đồng thời gióng hồi chuông cảnh báo « đại hồi sinh một nước Trung Hoa ». Chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc không còn giới hạn ở vùng Biển Đông mà bao trùm khắp các châu lục, trên mọi lĩnh vực, từ thương mại, kinh tế, quân sự, chính trị và cả trong các lĩnh vực khoa học công nghệ.

Tham vọng này của Bắc Kinh được thể hiện rõ từ việc đi chiếm và quân sự hóa nhiều đảo của các nước láng giềng ở Biển Đông ; tung tiền mua các cảng biển chiến lược trên thế giới ; hiện đại hóa quân đội với các loại vũ khí tối tân nhất ; đưa tầu thăm dò thám hiểm không gian hay như tìm cách áp đặt luật chơi trên trường quốc tế (gây áp lực tại các định chế quốc tế hay thành lập các định chế riêng của mình...)


Ván cờ vây Trung Quốc : Phương Tây trong thế bí
Trung Quốc như chiếc xe ủi đất lầm lũi tiến từng bước. Điều làm cho tuần báo Pháp này lo sợ chính là cách thức Trung Quốc tiến hành. Không ầm ĩ, không gây chiến tranh và chiến lược tiến từng quân tốt giúp cho nước này tránh được mọi cuộc đối đầu trực diện. L'Obs trích dẫn một số phân tích của hai chuyên gia Pháp, Sophie Boisseau du Rocher và Emmanuel Dubois de Prisque.

Theo hai tác giả của tập sách « La Chine e(s)t le monde » (Trung Quốc là/và thế giới), lấy cảm hứng từ thuật cờ vây, Trung Quốc đẩy các con tốt « đi từng bước một sao cho không mang lại cảm giác bị tấn công », không làm dấy lên một sự phản đối, « cho đến cái ngày mà người ta phát hiện ra, thì lực bất tòng tâm, những con tốt đó đã dệt thành một mạng lưới ».

Cứ như một ván cờ vây, đi quân bài nhưng không cho thấy rõ ý đồ để rồi sau đó dồn đối thủ vào thế bí. Chiến lược này đã được Trung Quốc áp dụng khôn khéo, làm lóa mắt đối tác bằng những đề xuất hấp dẫn « đôi bên cùng có lợi », để rồi đi đến « một sự hợp tác đôi khi bị ép buộc, được mở rộng đến mức tạo ra sự lệ thuộc ». Đến lúc này, đối tác bất hạnh đó buộc phải tuân theo những đòi hỏi từ phía Trung Quốc, bằng không sẽ bị mất hết những quyền lợi từ « người anh em bằng hữu » khổng lồ này.

Khác với Putin, một đối thủ đáng gờm về cờ vua, luôn tìm cách phá tan các định chế Liên Hiệp Châu Âu, vô địch cờ vây Trung Quốc chỉ muốn làm suy yếu ý chí chung bằng tỉa dần từng chiếc cánh, tấn công vào các nước ở ngoại vi của Liên Âu.

Mục tiêu hàng đầu của chiến lược này là làm thế nào làm chủ nhanh nhất các công nghệ tiên tiến của phương Tây để trở thành cường quốc khoa học công nghệ 2025, mừng 100 năm ngày thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc và nhất là trở thành « trung tâm của thế giới » về chính trị và văn hóa vào năm 2050 nhân dịp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tròn 100 tuổi.

Và để có được điều này, Trung Quốc muốn được nhìn nhận như là một siêu cường tử tế, được trang bị một cơ chế còn cao hơn cả của các nền dân chủ và có khả năng mang lại tăng trưởng và ổn định : Cơ chế đãi ngộ nhân tài. Nhưng để có thể thực hiện điều này, Trung Quốc đã không ngần ngại mở rộng hầu bao, huy động đến một đội ngũ cộng tác viên quốc tế có tiếng nói quan trọng, chiêu dụ từ các lãnh đạo chính trị, giới trí thức, giới doanh nhân, giới nhà báo trên thế giới.

Mỉa mai thay trong đội ngũ « siêu sao » này có các cựu lãnh đạo từ Đông cho đến Tây Âu như cựu thủ tướng Anh Cameron, cựu phó thủ tướng Đức Philipp Rosler, các cựu thủ tướng Pháp Dominique Villepin và Jean Pierre Raffarin hay như cựu thủ tướng Ý, cựu chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Romano Prodi... Những người này lần lượt được Trung Quốc mời về chủ trì các quỹ đầu tư, các định chế tài chính do Bắc Kinh lập nên.

Cuối cùng, L'Obs chua chát nhận định sau nhiều thập niên bị lóa mắt trước các lợi ích kinh tế và nuôi ảo tưởng Trung Quốc chuyển đổi mô hình, trước hiểm họa bành trướng Trung Quốc, phương Tây trong đó có Hoa Kỳ và Châu Âu mới giật mình tỉnh ngộ, lao vào đề phòng mà vụ Hoa Vi là một ví dụ điển hình. Câu hỏi đặt ra : Phải chăng là đã quá trễ ?

Venezuela : Ván cờ bại của Trung Quốc ?
Thế nhưng, không phải ván cờ nào, Trung Quốc cũng đều ghi điểm. Tại Châu Mỹ Latinh, Bắc Kinh giờ đang « vò đầu bứt tóc » với người bạn đồng minh vướng víu Maduro.

Trong số loạt bài viết về Venezuela mà tuần báo Courrier International lược dịch lại từ các báo nước ngoài, đáng chú ý nhất là bài viết trên tờ South China Morning Post với tựa đề « Bắc Kinh đặt cược nhầm vào con ngựa tồi ». Một cuộc cược tồi trên cả hai phương diện kinh tế và chính trị.

Ngựa tồi là vì từ lâu nay, bất chấp việc Trung Quốc liên tục bơm dưỡng khí, 62 tỷ đô la trong vòng 10 năm (2007-2017), chiếm đến 53% tổng vốn đầu tư của Trung Quốc trong toàn khu vực châu Mỹ Latinh, nhưng « đối tác phát triển chiến lược » (2001), rồi « đối tác chiến lược toàn diện » (2014) Venezuela này vẫn không tài nào vực dậy được nền kinh tế đất nước.

Tiền đổ vào nhiều nhưng thu lợi chẳng được bao nhiêu. Rất nhiều dự án trong tổng số 790 chương trình đầu tư đã gặp thất bại. Caracas vật vã hoàn nợ một phần cho Bắc Kinh bất chấp các thỏa thuận cho phép trả nợ bằng dầu.

Cuộc cược tồi vì Bắc Kinh đã kỳ vọng nhiều vào Venezuela khi nghĩ rằng đất nước Nam Mỹ có một vị trí địa lý thuận lợi và mang tư tưởng chống đế quốc Mỹ, và như vậy Bắc Kinh có thể dùng để làm đối trọng cũng như là mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trong vùng sân sau của Hoa Kỳ. Chỉ có điều Trung Quốc đã đặt nhầm cược vào chế độ nổi tiếng tham nhũng và bất tài, khiến hàng triệu người dân phải bỏ xứ ra đi.

Sự ủng hộ đó đang khiến Bắc Kinh trả giá đắt trên bình diện ngoại giao. Hầu hết các nước trong nhóm Lima – 14 nước châu Mỹ Latinh đều nhìn nhận lãnh đạo đối lập Juan Guaido là tổng thống lâm thời. Trong bối cảnh này, nếu cứ tiếp tục ủng hộ Maduro, Bắc Kinh có nguy cơ mất nhiều hơn là được. Đây cũng chính là lý do giải thích vì sao Trung Quốc có vẻ giữ khoảng cách và cố gắng tỏ ra trung lập.

Cuộc khủng hoảng Venezuela làm lộ rõ những hạn chế về ưu thế và khả năng quản lý các rủi ro chính trị trong các chiến lược đầu tư của Trung Quốc ở châu Mỹ Latinh và nhiều nước đang phát triển khác. South China Morning Post cho rằng đây quả là một cái tát dành cho Trung Quốc trước những tham vọng mở rộng sự hiện diện và tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế.

Tóm lại, như câu nói của tỷ phú người Mỹ Jean Paul Getty, « nếu bạn nợ 100 đô la ở ngân hàng, đó là chuyện của bạn. Nhưng nếu bạn nợ ngân hàng đến 100 triệu đô la, thì đấy lại là vấn đề của ngân hàng ». Bài xã luận của Courrier International khẳng định Venezuela kể từ giờ là một bài toán hóc búa dành cho Trung Quốc với câu hỏi : Làm thế nào lấy lại 62 tỷ đô la ?

Donald Trump : Lật đổ trật tự cũ
Cũng liên quan đến địa chính trị, L’Express có câu hỏi lớn « Trump tái tạo lại thế giới như thế nào ? ». Tuần báo Pháp cố gắng giải mã hiện tượng Trump và nhận định : nếu như ban đầu người ta chế giễu những phát biểu thóa mạ, khiêu khích, chỉ trích những hiểu biết kém cỏi về quan hệ quốc tế của vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, giờ đây, mọi người lại tỏ ra lo ngại ông ta.

Chủ trương, cách hành xử của nguyên thủ Mỹ đã làm chao đảo, lung lay trật tự quốc tế hiện tại, nhưng ông lại không giúp tạo dựng được một sự cân bằng mới trên phạm vi toàn cầu.

Để giải thích « hiện tượng Trump », người ta hay mỉa mai rằng Trump mang tư duy kinh doanh, làm ăn áp dụng vào quan hệ quốc tế, coi quan hệ giữa các nước là một dạng hợp đồng… Thế nhưng, thực ra, tất cả những yếu tố này vẽ lên một bức tranh khá phức tạp, phản ánh được suy nghĩ phổ biến trong công luận Mỹ. Tổng thống Trump chỉ nêu ra câu hỏi thay cho người dân Mỹ : Tại sao Hoa Kỳ lại tiếp tục đóng vai trò bá quyền trên toàn thế giới nếu như điều này chỉ gây tốn kém và không mang lại nhiều lợi lộc gì ?

Nói một cách khác, việc có được sức mạnh quân sự số một thế giới, với ngân sách quốc phòng hàng năm bằng một phần ba tổng chi cho quốc phòng của toàn thế giới, thì nuớc Mỹ phải có được nhiều lợi thế quan trọng hơn. Như vậy, đối với Trump, cần phải tái lập một sự cân bằng mới giữa sức mạnh quân sự và những mối lợi mà nước Mỹ được hưởng.

Đối với L’Express, để làm việc này, Trump là người có tài, là « nghệ nhân » : hoán đổi vị trí, từ người khổng lồ trở thành một nạn nhân nhỏ bé. Ví dụ, ngày 17/01/2019, khi phát biểu tại bộ Quốc Phòng Mỹ về chiến lược phòng thủ chống tên lửa mới của Hoa Kỳ, nguyên thủ Mỹ lại một lần nữa kêu gọi các đồng minh tăng đóng góp cho Liên Minh Bắc Đại Tây Dương với một lập luận chưa từng thấy. Ông nói : các vị phải thay đổi nhịp độ và phải chi thêm. Chúng tôi không thể trở thành những kẻ đần độn trong con mắt người khác . Không thể như thế được. Chúng tôi không muốn bị đối xử như vậy.

Về phương pháp, Trump chủ trương đả phá đa phương, đẩy mạnh quan hệ song phương, và thông qua kênh này để « toàn cầu hóa » các lợi ích của Hoa Kỳ. Một nhà ngoại giao kỳ cựu của Pháp thừa nhận: không thể thuyết phục được Trump thông qua các phương pháp ngoại giao truyền thống. Nói tóm lại, theo L’Express, thay vì tái tạo thế giới mới, Trump lại đóng góp « mạnh mẽ » vào việc phá hủy thế giới hiện tại.

Tòa Thánh Vatican sắp đón bão dữ « Đồng tính »
Trong lĩnh vực xã hội, tuần báo Le Point dự báo một cơn bão lớn sắp diễn ra trong lòng tòa thánh Vatican. Tai tiếng « ấu dâm » vẫn còn chưa tạm lắng, giáo hoàng Phanxico tới đây phải đương đầu với cơn bão « đồng tính ». Với việc ra mắt tập sách « Sodoma », nhà báo điều tra Frédéric Martel mô tả một « mạng lưới chức sắc đồng tính » thật sự trên thượng tầng Giáo Hội.

« Sodoma » do nhà xuất bản Robert Laffont phát hành, được dịch đồng thời ra tám thứ tiếng. Đây là kết quả của một cuộc điều tra trong vòng 4 năm. Tập sách này tường thuật cặn kẽ, kể cả những gì được cho là « dâm dục » nhất, làm thế nào Vatican trở thành thành trì « đồng tính » và làm thế nào « những người của giáo xứ », theo như cách nói một cách cay nghiệt của tác giả, lại trên tuyến đầu của điều mà Frédéric Martel gọi là « cuộc thập tự chinh chống người đồng tính » của Giáo Hội. Le Point lưu ý tập sách này sẽ là một cú sốc mạnh cho tòa thánh.

Việt Nam : Già trước khi được hưởng thụ
Cũng trong lĩnh vực xã hội, tuần báo Courrier lược dịch bài viết trên tờ Asia Times cho rằng « Việt Nam : Một đất nước già trước khi trở nên giầu có ».

Tờ báo Hồng Kông này chỉ trích sự yếu kém của hệ thống y tế Việt Nam. Bất chấp các nỗ lực của nhà nước nhằm mở rộng hệ thống an sinh xã hội, nhưng đến cuối năm 2018, vẫn còn có đến 13% dân số (những người lao động không chính thức) tức khoảng hơn 10 triệu người vẫn không được hưởng chế độ bảo hiểm y tế.

Song song đó, Việt Nam có nhịp độ lão hóa nhanh nhất châu Á. Năm 2018, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF đã gióng chuông báo động trong một báo cáo cho rằng « Việt Nam có nguy cơ già trước khi trở nên giầu có ». Bởi vì, chi phí dành cho chăm sóc người già là một bài toán nan giải. Theo như một báo cáo mới đây, chỉ có 30% số người trên 60 tuổi là được hưởng lương hưu của nhà nước và chưa tới 10% số người trên 60 tuổi đó là có một sổ tiết kiệm.

Nếu như tiền tiết kiệm có thể giúp cải thiện thu nhập của người già, việc tăng lương hưu sẽ là một khoản chi rất lớn, nhiều tỷ đô la đối với chính phủ. Vẫn theo IMF, nếu cứ tiếp tục đà tăng như hiện nay, quỹ cho lương hưu có thể sẽ làm tăng mức chi tiêu công của tổng sản phẩm nội địa thêm 8 điểm từ đây đến năm 2050. Một mức tăng quá nhanh so với bất kỳ nước nào trong số 12 quốc gia châu Á được khảo cứu.





No comments:

Post a Comment

View My Stats