Monday, 18 February 2019

TÌNH HÌNH BI ĐÁT CỦA NỀN KINH TẾ TRUNG QUỐC (Xiang Songzuo, Trung Quốc)




Tác giả: Xiang Songzuo (Trung Quốc)
Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Posted on 18/02/2019 by The Observer

Lời giới thiệu: Ngày 16/12/2018, trong cuộc hội thảo tổ chức tại Thượng Hải, giáo sư Xiang Songzuo [Hướng Tùng Tộ], nhà kinh tế nổi tiếng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tiền tệ quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, đọc tham luận đưa ra một số nhận định trái với quan điểm của Chính phủ Trung Quốc (TQ). Bài nói đã gây tiếng vang rất lớn trong dư luận. Vì bản gốc tiếng TQ bài nói bị cấm đưa lên mạng, chúng tôi chỉ tìm được bản tiếng Anh dưới tiêu đề “Tình hình bi đát của kinh tế TQ” do AsiaNews sưu tầm. Bài rất dài, dưới đây chỉ lược dịch. Điểm đáng chú ý là bài này nhận định cuộc chiến tranh thương mại Trung-Mỹ không phải là vấn đề kinh tế, mà là vấn đề hệ giá trị, tức vấn đề chế độ nhà nước.

*
Biến đổi lớn chưa từng thấy trong 40 năm qua
Năm 2018 kinh tế Trung Quốc liên tục đi xuống. Đây là một năm vô cùng đặc biệt, xảy ra quá nhiều chuyện lớn, chủ yếu nhất là kinh tế chậm lại.

Tăng trưởng GDP năm 2018 của TQ theo công bố của Cục Thống kê Quốc gia TQ là 6,5%, nhưng theo báo cáo công bố nội bộ hôm 15/12 của một cơ quan quan trọng khác thì chỉ tiêu này thấp hơn rất nhiều. Do sử dụng hai hệ đo khác nhau nên họ tính được hai kết quả khác nhau về tăng trưởng GDP của TQ trong 2018: một là 1,67% và một là tăng trưởng âm.

Bài này sẽ không bàn về tính chính xác, tính tin cậy của các tính toán trên. Năm nay TQ có mấy vấn đề chúng ta hoặc là chưa nghĩ tới, hoặc là đã đánh giá sai nghiêm trọng.

Thứ nhất, chiến tranh thương mại TQ-Mỹ. Chúng ta đã đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của tình hình. Đầu năm nay ngành truyền thông chính thống nêu khẩu hiệu: “Trong chiến tranh thương mại TQ-Mỹ, người Mỹ đang vác đá ghè vào chân mình, TQ nhất định sẽ thắng.” “Cuộc chiến này dù lớn hay nhỏ, chúng ta chắc chắn sẽ thắng.”

Sở dĩ có kiểu suy nghĩ ấy là do hiểu biết của chúng ta về cuộc chiến thương mại này khác với tình hình thực tế. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải tái suy ngẫm sâu sắc.

Tài sản tư hữu

Thứ hai, nguyên nhân của suy thoái kinh tế là gì? Vì sao các doanh nghiệp tư nhân bị thua thiệt trong năm 2018? Đầu tư của họ đã giảm đáng kể, điều gì đã khiến các chủ doanh nghiệp tư nhân mất niềm tin? Ngày 1/11, Chính phủ sẽ tổ chức một cuộc hội thảo kinh tế cấp cao, có người coi đó là tín hiệu nhà nước muốn lấy lại niềm tin của các doanh nghiệp tư nhân khi nền kinh tế xấu đi.

Từ đầu năm, dư luận xôn xao về sự phục hồi các tuyên bố ý thức hệ trước đây từng bị xếp xó như cần phải “xóa bỏ tài sản tư nhân”, “bãi bỏ quyền tư hữu tài sản”, “đã đến lúc các doanh nghiệp tư nhân cần rút lui và chuyển giao cho công nhân của họ”. Sau đấy còn triển khai học tập chủ nghĩa Marx và Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản – trong đó có câu Tiêu diệt chế độ tư hữu tài sản. Điều đó gửi tín hiệu gì đến các doanh nhân tư nhân?

Đây là lý do ta cần tái suy ngẫm về suy thoái kinh tế, áp lực đối với nền kinh tế TQ và cuộc chiến thương mại TQ-Mỹ đang leo thang từng ngày, về những gì ta đã làm sai, về cách phục hồi và đảm bảo nền kinh tế TQ tăng trưởng ổn định.

Cần nói điều này bởi lẽ chúng ta đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề do chính chúng ta gây ra. Tại một hội nghị chuyên đề về khu vực tư nhân, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã nói 6 vấn đề. Tôi quan tâm nhất vấn đề thứ 6: Bảo vệ an toàn cá nhân và tài sản cá nhân. Hãy suy ngẫm về vấn đề này. Ở một đất nước có luật pháp kiện toàn, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, liệu các quyền cơ bản này có được bảo đảm cho tất cả mọi người, mọi doanh nhân và thường dân không?

Cải cách mở cửa đã tròn 40 năm mà Tổng Bí thư vẫn thấy cần phải đặc biệt đề cao quyền an toàn nhân thân và an toàn tài sản của các doanh nhân. Điều này cho thấy sự quản trị xã hội và nhà nước TQ còn tồn tại nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Cuộc chiến thương mại TQ-Mỹ

Cuộc chiến này trên thực tế là sự đụng độ giữa hai hệ thống giá trị đối lập. Hiện nay mối quan hệ TQ-Mỹ đã đi đến ngã rẽ và đối mặt với những thách thức lịch sử lớn. Ta phải làm gì đây? Quả thật tôi không nghĩ rằng chúng ta đã thực sự tìm thấy nhiều giải pháp.

Bà Meng Wanzhou (Mạnh Vãn Châu), Giám đốc tài chính công ty Huawei, gần đây đã bị bắt giữ tại Vancouver (Canada). Đây không đơn giản là vấn đề thương mại hay kinh tế.

Ta thường nói về thời kỳ TQ có cơ hội chiến lược để tăng trưởng kinh tế. “Thời kỳ cơ hội chiến lược” ấy có nghĩa là trước đây các quy chế quốc tế tương đối thuận lợi cho TQ; suốt 40 năm qua, chúng ta có quyền công khai tiếp cận công nghệ, vốn, nhân lực và thị trường của nước ngoài. Tôi nghĩ rằng thời kỳ này đang nhanh chóng biến mất.

Vấn đề ngắn hạn mà chúng ta đang xem xét là kinh tế suy giảm. Ở đây có nhiều số liệu. Như tháng 10 có sự suy giảm trên hầu hết tất cả các mặt, từ tiêu dùng trong bán lẻ, ô tô, nhà đất. Chỉ nhìn vào xuất khẩu là đủ thấy chẳng thể nói rằng cuộc chiến thương mại đã không ảnh hưởng đến TQ và chúng ta sẽ chiến thắng trong cuộc chiến đó dù nó lớn đến đâu? Những người đã nói điều này hồi tháng 4-5 năm nay, bây giờ biến đi đâu rồi?

Tại sao chúng ta lại mắc sai lầm như vậy trong việc phán đoán tình hình quốc tế?

TQ đang đối mặt với suy thoái kinh tế dài hạn. Tiêu dùng và dịch vụ hiện chiếm tới 78,5% GDP nước ta, có nghĩa là quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tiêu dùng đã thành công. Trước kia ta dựa vào đầu tư và xuất khẩu, bây giờ dựa vào tiêu dùng và dịch vụ. Điều này nghe có vẻ hợp lý, nhưng ở TQ, khi đầu tư chậm lại đáng kể thì sao mà có thể duy trì kinh tế ổn định bằng cách chỉ dựa vào tiêu dùng?

Trong 40 năm cải cách mở cửa, TQ đã trải qua 5 giai đoạn tiêu dùng. Đầu tiên là giải quyết vấn đề ăn mặc, thứ hai là “Ba thứ lớn mới” [New Big Three, gồm tủ lạnh, tivi màu, máy giặt], thứ ba là tiêu dùng thông tin, thứ tư là ô tô và thứ năm là bất động sản.

Nhưng về cơ bản cả 5 làn sóng này đều đã đi đến hồi kết. Doanh số bán xe và chi tiêu nhà đất giảm đáng kể, vì vậy chúng ta đang đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng. Đây là mấu chốt của “6 ổn định” mà Bộ Chính trị Đảng CSTQ kêu gọi [ổn định về việc làm, tài chính, ngoại thương, đầu tư nước ngoài, đầu tư, và kỳ vọng (expectations)].

Hãy để tôi cho bạn thêm 3 cái “ổn” nữa: ổn định về dự trữ [ngoại tệ], về tỷ giá hối đoái và giá nhà đất.

Rõ ràng rất khó đạt được những ổn định này. Xem ra “đầu tư nước ngoài ổn định” và “tỷ giá ngoại tệ ổn định” không có vấn đề gì. Nhưng sao có thể ổn định được đầu tư, xuất khẩu, thị trường bất động sản và việc làm? Chúng ta cần tái suy ngẫm về vấn đề tại sao điều này xảy ra và làm gì để tìm được một giải pháp thích hợp.

Thị trường chứng khoán và các công ty phá sản
Khi nền kinh tế chậm lại, rủi ro tài chính leo thang và ngân hàng ngầm [shadow banking/ tín dụng đen] nhanh chóng co lại. Thống đốc Ngân hàng trung ương TQ đã đưa ra lời xin lỗi: chính sách trước đây của họ chưa được xem xét kỹ, thiếu sự phối hợp và không được thi hành đúng, rằng những điều đó cùng với tác động của các quy định có tính cưỡng chế đã làm cho tín dụng bị thu hẹp. Đây là một lý do quan trọng, nhưng không phải là vấn đề cơ bản.

Thị trường tài chính trực tiếp dù là trái phiếu hay chứng khoán, đã bị giảm một nửa trong năm 2018 và nhiều công ty đã vỡ nợ. Trong ba quý đầu tiên, tổng vỡ nợ đã vượt 100 tỷ nhân dân tệ (NDT), cả năm sẽ là trên 120 tỷ, nhiều doanh nghiệp đã phá sản. Hiện nay hàng nghìn công ty đang sụp đổ, cả các doanh nghiệp nhà nước cũng vậy. Công ty Thép Bột Hải (Bohai Steel), từng có tên trong danh sách Fortune Global 500, đã phá sản với số nợ 192 tỷ NDT; con số thực có thể lên tới 280 tỷ.

Nợ địa phương là một rắc rối lớn trong thị trường tài chính TQ, theo Cơ quan Kiểm toán Nhà nước là vào khoảng 17,8 nghìn tỷ NDT, nhưng He Keng phó Chủ tịch Ủy ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội TQ nói ít nhất bằng 40 nghìn tỷ NDT. Tệ hơn nữa là không một chính quyền địa phương nào có ý định trả lại các khoản nợ của mình.

Chỉ có vụ sụp đổ phố Wall năm 1929 có thể sánh được với sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán TQ trong năm nay. Nhiều cổ phiếu sụt giá 80%, thậm chí 90%.

Có người đổ lỗi cho cơ quan quản lý chứng khoán, nhưng họ đã nhầm. Vấn đề ở chỗ chính sách quản lý không thích hợp, quản lý không chặt. Sự thiếu các quy định chứng khoán toàn diện có thể là một vấn đề quan trọng, nhưng không phải là vấn đề then chốt.

Nhìn vào cấu trúc lợi nhuận sẽ thấy các công ty niêm yết của TQ thực ra không kiếm được tiền. Hai phần ba số lợi nhuận ít ỏi mà hơn 3.000 công ty này kiếm được đã bị ngành ngân hàng và bất động sản lấy mất. Lợi nhuận của 1.444 công ty niêm yết trong Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ TQ kiếm được thậm chí chưa bằng 1,5 lần lợi nhuận của Ngân hàng Công thương TQ.

Nhiều công ty đại chúng ở Mỹ có lợi nhuận hàng chục tỷ đô la. Ở TQ chỉ có một công ty công nghệ làm được như vậy, nhưng nó chưa niêm yết. [ý nói công ty Huawei].

GS Robert Shiller nói: Thị trường chứng khoán không phải là phong vũ biểu của nền kinh tế trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn thì chắc chắn là như vậy.

Thị trường chứng khoán TQ yếu kém cho thấy nền kinh tế TQ đang ở trong tình trạng rối loạn. Rõ ràng, niềm tin của nhà đầu tư vẫn chưa phục hồi.

Trong hai ngày 19 và 20/10, Chính phủ đã đưa ra một loạt chính sách và Phó Thủ tướng Lưu Hạc (Liu He) cam kết sẽ có kết quả. Nhưng bây giờ thì chỉ số chứng khoán tổng hợp Thượng Hải SSE đã giảm xuống 2600 điểm vào Thứ Sáu tuần trước, và chết dí ở đó, khó có thể hồi phục. Thị trường bất động sản cũng không thể lạc quan.

Nguyên Thống đốc ngân hàng trung ương TQ Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiaochuan) từng nói: Sự suy giảm kinh tế TQ cho thấy có những vấn đề lớn trong mô hình và phương thức tăng trưởng trước đây, đã đi chệch hướng cơ bản, chuyển sang đầu cơ. Rủi ro tài chính hiện tại có tính tiềm ẩn, phức tạp, đột phá, nguy hại, dễ lây lan. Nổi bật là sự mất cân bằng cấu trúc và vi phạm pháp luật, quy định. Chúng ta vừa phải đề phòng thiên nga đen [black swan, ý nói sự việc nghiêm trọng không thể lường trước] lại vừa phải ngăn chặn tê giác xám [gray rhino, ý nói rủi ro thường thấy hay bị coi nhẹ, bỏ qua].

Trong hội nghị công tác tài chính quốc gia năm ngoái, Tổng Bí thư và Thủ tướng đã phê bình mạnh mẽ ngành tài chính TQ, nói rằng khu vực tài chính đang hỗn loạn.

Hầu hết các doanh nghiệp đã không đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh chính của mình, mà rót khoảng 40% số tiền của họ vào thị trường chứng khoán, tiến hành đầu cơ và mua cổ phiếu của các công ty tài chính, mua nhà đất. Chính phủ cho biết, các công ty niêm yết đã chi 1-2 nghìn tỷ NDT vào đầu cơ bất động sản. Có thể nói kinh tế TQ được xây dựng trên nền tảng đầu cơ. Từ năm 2009 nước ta đi lên con đường không thể quay trở lại này. Tỷ lệ đòn bẩy tăng vọt, hiện nay lớn gấp 3 lần tỷ lệ của Mỹ và gấp đôi Nhật. Tỷ lệ nợ của các công ty phi tài chính TQ cao nhất thế giới, chưa kể các công ty bất động sản.

Là một nhà kinh tế, tôi phản đối chính phủ cứu thị trường. Qua suy ngẫm, tôi kết luận: Vấn đề của nền kinh tế TQ không còn là tốc độ hay số lượng, mà là chất lượng.

Những vấn đề mà doanh nghiệp tư nhân thực sự phải đối mặt không phải là khó khăn về tài chính. Họ sợ chính sách không ổn định và chính phủ không giữ lời hứa.

Để kinh tế phát triển thực sự ổn định và thoát khỏi khó khăn hiện nay, chúng ta cần phải thực hiện ba cải cách thiết yếu: cải cách hệ thống thuế, cải cách cơ cấu chính trị và cải cách quản trị nhà nước. Để giảm thuế và phí, phải sắp xếp hợp lý cơ cấu chính quyền bằng cách tinh giản biên chế, giảm chi tiêu nhà nước, muốn vậy phải cải cách thể chế.

Giáo sư Zhou Qiren (Chu Kỳ Nhân) của Đại học Bắc Kinh nói: Vấn đề lớn nhất của TQ là chi phí quản trị xã hội quá cao. Sau đó là các vấn đề cải cách chính quyền và cải cách thể chế quản lý nhà nước. Tất nhiên còn có cải cách về học thuật và nghiên cứu.

Ngày kia sẽ có một hội nghị lớn kỷ niệm 40 năm TQ cải cách mở cửa. Tôi chân thành hy vọng sẽ được nghe điều gì đó về vấn đề cải cách sâu sắc hơn. Hãy chờ xem các cải cách ấy có thể đem lại tiến bộ thực sự nào. Nhưng nếu điều đó không xảy ra, hãy để tôi kết luận: Nền kinh tế TQ sẽ lâm vào tình trạng rất khó khăn trong một thời gian khá dài.

-----
Nguyễn Hải Hoành lược dịch và ghi chú.






No comments:

Post a Comment

View My Stats