Thursday, 21 February 2019

NHỮNG MẢNH ĐỜI LÊ LẾT (Đỗ Cao Cường)





Đi qua nhiều con phố, chứng kiến nhiều thân phận tàn tật, nghèo khổ mưu sinh ven đường, tôi cố gắng đi chậm lại quan sát, có khi bằng một linh cảm nào đó, tôi quay đầu xe, bỏ ra vài phút để trò chuyện cùng họ, đôi khi nhìn thấy các cụ già nghèo khổ, đáng thương quá tôi cũng rút ra dăm chục, một trăm... để biếu các cụ ăn quà.

Thông qua những câu chuyện, tôi mới biết được rằng có quá nhiều thân phận sống không bằng chết, bị oan ức nhưng họ vẫn cam chịu, họ chấp nhận nỗi đau nhưng không phải do họ hèn, mà do hoàn cảnh sống của họ vốn dĩ như vậy, tăm tối, thiệt thòi từ khi họ được sinh ra.

Cũng giống như hôm nọ, trên đường đi gặp dân oan tỉnh Nam Định, tôi đã thấy một người đàn bà trung tuổi với một chân bị thọt, bà ấy đang cố gắng lê lết ven quốc lộ 10 (huyện Vụ Bản, Nam Định). Qua vài câu hỏi, tôi mới biết người đàn bà này đang cố gắng đi bộ, cố gắng đi nhờ xe ai đó để đến chỗ rửa bát thuê, trong một nhà hàng tại thành phố Nam Định.

Tạm thời quên đi điểm đến của mình, tôi chở giúp cô ấy tới thành phố Nam Định, và sau đó là những câu chuyện của người đàn bà bất hạnh được tiết lộ trên suốt quãng đường dài gần mười cây số. Cô giới thiệu mình tên là Mỹ (số điện thoại 0832820128), lấy chồng từ năm 1991 nhưng không có con với nhau, trước khi cưới cô, ông chồng đã có mấy người con trai riêng.

Cho đến một ngày, bố chúng bị tai nạn ở đường tàu, chết, ngành đường sắt bồi thường cho gia đình 2 triệu thì bị ông bí thư gần nhà lấy mất. Còn chúng, chúng đánh đập, cho xã hội đen đe dọa và đẩy cô Mỹ ra đường. Mấy đứa con dâu cũng vào hùa, cầm đất đá ném vào mẹ chúng… Và bây giờ cô Mỹ phải đi ở trọ, sáng đi bộ gần chục cây số rửa bát thuê, chiều đi nhặt rác, ở trọ, không còn nơi nương tựa.

Cô Mỹ cho số điện thoại, nhờ tôi quay lại chỗ cô trọ để xem kỹ sổ sách, giấy tờ, nếu các phóng viên có tâm ở khu Vụ Bản, Nam Định có thể tới, kiểm chứng, giúp người đàn bà xấu số này.

Nhìn vào ánh mắt cô Mỹ, tôi tin cô là người tử tế, câu chuyện của cô là thật, nhưng cũng giống như phần lớn người dân Việt Nam bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, cả cuộc đời chỉ lo làm sao đủ ăn... đủ ăn từng ngày, họ không có kiến thức đấu tranh trên mặt trận pháp lý, và người nào có tâm lắm mới giúp được họ.

Nhưng thật đáng tiếc, số người như vậy trong xã hội vẫn còn quá ít, thường nói hay hơn làm, ngồi một chỗ câu like, một số có tâm thì cũng không còn có đủ sức khỏe, sự an toàn để đi đến cùng sự việc, bởi đất nước này có quá nhiều sự việc buộc họ phải đối mặt.



--------------------------------


Người ta thường nói tới một khu đô thị Thủ Thiêm xa hoa, lộng lẫy, được xây dựng trên những xác người nông dân bị cướp nhà, cướp đất. Nhưng thực ra câu chuyện Thủ Thiêm chỉ thực sự nóng khi người ta cho phép nó nóng.

Cũng không ít người đã biết được số phận Thủ Thiêm từ nhiều năm trước, nhưng cho đến bây giờ (sau khi có chỉ thị) họ mới lên tiếng, họ khóc như để khẳng định mình tử tế lắm.

Trong một xã hội mà sự đểu giả lên ngôi, chỉ có vài người lạc lõng len lỏi vào các ngõ ngách mới có thể cảm nhận hết được nỗi khốn khổ của đồng loại.

Để thấy được rằng dù ở bất cứ nơi đâu trên mảnh đất hình chữ S này, không khó để bắt gặp những thân phận khốn khổ, bi đát hơn những thân phận ở Thủ Thiêm. Để thấy được rằng càng ở vùng sâu, vùng xa, người ta càng dễ tìm kiếm những câu chuyện “cười ra nước mắt”.

Ví dụ ở Cà Mau - được coi là điểm cực Nam trên đất liền của Việt Nam, nhưng khoảng chục năm trở lại đây, mỗi năm Cà Mau mất trên 800 hecta đất do sạt lở. Các nhà khoa học dự báo cuối thế kỷ này, Cà Mau sẽ mất gần 60% diện tích, Viện Địa kỹ thuật Na Uy cũng cảnh báo nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì toàn bộ tỉnh Cà Mau sẽ biến mất hoàn toàn trong vài thập niên tới.

Trong khi đó, Cà Mau vẫn luôn là điểm nóng về phá rừng, không chỉ có bọn cướp biển lộng hành trên vùng biển phía Tây Nam Cà Mau, mà còn có cả cướp cạn.

Ngay tại trung tâm Cà Mau, cũng có không ít người dân oan xấu số nhờ tôi lên tiếng. Có khi, một người nhưng có tới vài câu chuyện khác nhau để kể.

Chuyện nhà bà Ảnh

Năm 1951, cha của bà Lưu Thị Ảnh là ông Lưu Tấn Quang có khai phá phần đất tại số 136, đường Phan Bội Châu, khóm 4, P.7, TP.Cà Mau để ở. Đến năm 1977 được nhà nước cấp giấy chứng nhận. Năm 1987, nhà nước khởi công xây dựng cầu Gành Hào, công trình giao thông 72 mượn ông Quang 2 căn nhà để làm nhà kho, hứa khi hoàn thành sẽ trả.

Năm 1993, sau khi đã trả, công ty 72 mượn lại 1 căn, ra hạn thêm 2 năm để làm trạm bảo hành, tuy nhiên đến hạn, ông Lê Đình Cảnh và ông Nguyễn Tấn Hưng - đại diện Công ty 72 đã lật lọng.

Chủ tịch UBND TP.Cà Mau cũng coi trời bằng vung, bao che cho Công ty 72 bằng việc ban hành một loạt quyết định khẳng định phần đất trên là của nhà nước. Sau nhiều năm ròng rã đi kiện, cha bà Ảnh bị nhồi máu cơ tim lăn ra chết, cho tới ngày 7.6.2017, HĐXX mới khẳng định quyền sử dụng đất tại nhà số 136 vẫn thuộc tài sản của ông Lưu Tấn Quang (cha ruột bà Ảnh).

UBND tỉnh Cà Mau cũng ban hành nhiều công văn giao cho Chủ tịch UBND TP.Cà Mau thực hiện bản án của TAND tỉnh, báo cáo về cấp trên nhưng ông Chủ tịch UBND TP.Cà Mau Hứa Minh Hữu không nghe lời.

Mãi cho tới ngày hôm qua, gia đình bà Ảnh mới cho tôi biết là họ đã nhận được quyết định bồi thường 150 triệu/150 m2, trong khi giá thị trường hiện nay là 30 triệu/1m2







No comments:

Post a Comment

View My Stats