Monday, 11 February 2019

CƠN ÁC MỘNG MỸ (Thor Stenhovden - Res Publica)




Thor Stenhovden  -  Res Publica  
Hoàng Thủy Ngữ dịch
10/02/2019

Phần 1:

Trump, however, didn’t cause the chaos. The chaos caused Trump. (Tuy vậy, Trump không phải là người đã tạo ra sự hỗn loạn. Sự hỗn loạn đã tạo ra Trump).
Jonathan Rauch, ”How American Politics went Insane”

*
Tháng Mười năm 2008, ứng cử viên đảng Cộng Hòa John McCain đến thăm thành phố nhỏ Lakeville, cách trường đại học cũ của tôi ở Minnesota khoảng 15’ lái xe. McCain, người hùng chiến tranh và là thượng nghị sĩ của tiểu bang Arizona, đến miền Trung Tây để gặp gỡ và vận động cử tri trong chiến dịch tranh cử của mình. Giữa cuộc họp, một phụ nữ lớn tuổi, đầu đã bạc và mắt đeo kính, giơ tay lên. Bà ngập ngừng và bối rối khi đứng cách ứng cử viên tổng thống nửa mét. Cuối cùng bà cũng nói ra được điều mình thắc mắc: “Tôi cần hỏi ông một câu…. Tôi không thể tin Obama. Tôi đã đọc về anh ta và anh ta là….anh ta là….người Ả Rập”. McCain ngạc nhiên thân mật lắc đầu và nói nhanh trong micro: ”Không, thưa bà. Không phải đâu. Ông ấy là người đàn ông rất tốt trong gia đình, một công dân, người mà tôi không có cùng quan điểm chính trị trong một số lãnh vực. Đó là tất cả những gì mà chiến dịch tranh cử này nhắm tới”.

Cử tri đã vỗ tay một cách dè dặt. Dường như họ không biết sẽ phải phản ứng như thế nào. Có phải thượng nghị sĩ đã bênh vực Obama trong cuộc họp của những người Cộng Hòa? John McCain là thế. Ông muốn có cuộc tranh luận chính trị nghiêm túc. Thượng nghị sĩ đã chọn việc bênh vực sự thật về Obama hơn là tuyên bố sai lệch để gặt hái được những tràng pháo tay.

Chuyện người phụ nữ nghi ngờ Obama là người Ả Rập không phải là trường hợp duy nhất. Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng Chín, nỗi sợ hãi người Hồi giáo đã gia tăng đáng kể ở Hoa Kỳ, đặc biệt là sự hoài nghi của các cử tri Cộng Hòa. Cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, lượng người nhập cư trái phép tăng lên dữ dội ở các cửa khẩu biên giới. Vi vậy cử tri của cả 2 đảng càng lúc càng hoài nghi hơn về chuyện nhập cư. Đa số lưỡng đảng trong quốc hội đã cho phép tổng thống George W. Bush sử dụng tài lực để giảm thiểu số lượng người nhập cư đồng thời xây dựng hàng rào biên giới. McCain rất cứng rắn trong vấn đề di dân nhưng cho rằng vấn đề này phải được giải quyết thông qua những cải cách lớn hơn liên quan đến an ninh biên giới và cấp giấy phép cư trú cho hàng triệu người đang sống không giấy tờ trong nước. Năm 2005 ông đã cộng tác với thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Ted Kennedy. Nhưng đề xuất của họ không được các chính trị gia của cả hai đảng đánh giá cao. Hai năm sau, McCain cũng ủng hộ nỗ lực cải cách tiếp theo của Kennedy mặc dù các cố vấn của ông đã khuyến cáo là việc làm này sẽ làm thành phần nòng cốt của đảng Cộng Hòa khó chịu, trước cuộc bầu cử tổng thống quan trọng sắp tới.

Như chúng ta đã thấy trong chương sách trước, rõ ràng McCain đã thua Obama trong cuộc bầu cử năm 2008. Một liên minh chủ yếu gồm giới trẻ, phái nữ và cử tri sắc dân thiểu số như Megha Agrawal đã đưa ứng cử viên Dân Chủ bước vào Nhà Trắng. Bốn năm sau, trong lần tái tranh cứ, Obama lại giành chiến thắng trước đối thủ Cộng Hòa Mitt Romney. Sau thất bại lần hai vào năm 2012, trong hoảng loạn, đảng Cộng Hòa đã thành lập một ủy ban điều tra để tìm hiểu những sai lầm trong hai cuộc bầu cử vừa qua. Bản báo cáo ủy ban đưa ra quả thật tàn bạo. Đảng Cộng Hòa chỉ giành được hai trong số sáu cuộc bầu cử tổng thống gần đây nhất. Theo ủy ban, chuyện này một phần vì đảng ngày càng bị coi là xa cách với quần chúng. Phụ nữ và nhóm sắc tộc thiểu số được bổ nhiệm quá ít vào vị trí lãnh đạo nên đã gây ra ấn tượng là đảng không quan tâm đến người dân bình thường. Lẽ ra ủy ban không cần phải đề xuất giải pháp cụ thể nhưng họ không thể im lặng: “Chúng ta phải cải cách và quảng bá chính sách nhập cư. Nếu bỏ qua việc này, lời kêu gọi của đảng sẽ mất dần ảnh hưởng và chỉ còn những cử tri trung kiên nghe theo. Ngoài ra chúng tôi còn tin rằng việc cải cách chính sách nhập cư cũng phù hợp với các nguyên tắc kinh tế của đảng Cộng Hòa, nhằm tạo ra công việc làm và cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người”.

Các chính trị gia ở Washington D.C đã nghe theo khuyến nghị đó. Một nhóm gồm 4 người Dân Chủ và 4 người Cộng Hòa, được gọi là The Gang of Eight, đã thảo luận đưa ra một đề xuất cải cách chính sách nhập cư và nhận được sự ủng hộ rộng rãi ở Thượng Viện. Trong Nhà Trắng, tổng thống Obama đã sẵn sàng đặt bút ký nhưng rồi phải chờ vì dự luật chưa được Hạ Viện phê chuẩn. Mọi việc phải dừng lại. Một năm trước cuộc bầu cử giữa kỳ, những người Cộng Hòa ở Hạ Viện không chắc chắn là việc cải cách luật nhập cư có cần thiết cho cuộc bầu cử hay không nên đã bỏ qua và không phê chuẩn dự luật. Có lẽ họ cho rằng bản báo cáo năm 2012 đã đề ra những giải pháp sửa đổi mà nhiều cử tri cộng hòa không thích? Khác với các thượng nghị sĩ vốn chỉ chịu trách nhiệm với tiểu bang, các dân biểu ở Hạ Viện được bầu từ những địa hạt bầu cử nhỏ hơn tại địa phương. Họ thường tiếp xúc trực tiếp với cử tri nên có thể đã nhận thấy những dấu hiệu bất đồng của cử tri đối với chiều hướng ôn hòa. Vì vậy một chính sách di dân thân thiện hơn cũng chẳng giúp được gì nhiều nếu đa số cử tri của họ không bằng lòng. Donald Trump nhìn thấy rõ những thuận lợi rút ra được từ mâu thuẫn này nên đã lợi dụng và khai thác nó triệt để.

Phong trào Birther

Trở lại cuộc họp cử tri của McCain ở Lakeville, năm 2008. Nguyên do lời bình luận Obama là dân Ả Rập của người phụ nữ lớn tuổi xuất phát từ một thuyết âm mưu đã bắt đầu lan rộng từ trước cuộc bầu cử. Lời nói dối phao lên rằng Obama thực sự không sinh ở Hawaii mà là ở Kenya. Nếu điều này đúng thì Obama không thể ra ứng cử tổng thống vì không phải là công dân Hoa Kỳ. Cáo buộc này có lẽ đầu tiên do những người ủng hộ Hillary Clinton đưa ra trong chiến dịch đề cử hồi đầu năm. Mặc dù cuối cùng Obama đã giành chiến thắng, tin đồn này vẫn không mất đi. Trái lại, thuyết âm mưu vẫn âm ỉ và dần có tên là birtherism. Suốt 70 lần, các cơ quan tư pháp khác nhau đã phải bác bỏ những vụ kiện dân sự nhằm trục xuất tổng thống ra khỏi Nhà Trắng. Trong cuốn video thu hình buổi họp của các cử tri Cộng Hòa bị rò rỉ, một chính trị gia trong quốc hội đã nhấn mạnh Obama thực sự là công dân Hoa Kỳ. Cũng giống như trường hợp McCain, ông đã phải đối mặt với sự bất mãn chống đối trong hội trường. Ngoài ra, một số tiểu bang đã đề ra dự luật buộc các ứng cử viên tổng thống phải xuất trình giấy khai sinh trước khi ra ứng cử.

Cuộc tranh cãi vẫn không chấm dứt và cuối cùng tình hình trở nên rất ngớ ngẩn. Mùa hè năm 2010, CNN đã thực hiện một cuộc thăm dò dư luận. Kết quả cho thấy 1 trong 4 người My vẫn nghi ngờ tổng thống của họ có sinh ở Hoa Kỳ hay không. Sự khác biệt rất rõ nét giữa 2 đảng: 40% người Cộng Hòa hoàn toàn không biết chắc Obama thật sự có phải là công dân Hoa Kỳ. Người ta đã chọn lọc tập trung một nhóm người. Mục đích để tìm hiểu ý kiến của cử tri. Một nửa số người Cộng Hòa tin rằng Obama theo đạo Hồi.

Và rồi Trump nhảy vào cuộc chiến.

Mùa xuân năm 2011, nhà tỷ phú bất động sản đã tham gia một số các cuộc phỏng vấn trên nhiều kênh truyền hình trong nước, có lẽ để thử thăm dò mức độ đón nhận nếu ông ra ứng cử tổng thống vào năm 2012 như thế nào. Trong những lần có mặt trong cuộc phỏng vấn, ông liên tục quả quyết Obama không sinh ở Mỹ. Ông trở thành người lãnh đạo không chính thức của phong trào birther. Trong postcast của Laura Ingraham, người phụ trách chương trình của Fox News, ông nói rất rõ ràng về Obama như sau: “Anh ta không có giấy khai sinh và nếu anh ta có, tôi tin rằng trong đó cũng ghi điều rất có hại cho anh ta. Tôi không biết là điều đó có hại cho anh ta hay không, nhưng có người nói với tôi rằng có lẽ chữ “Hồi giáo” được viết trong mục khai báo tôn giáo trên giấy khai sinh. Và bạn biết đấy, nếu bạn là người Hồi giáo, bạn không thể thay đổi tôn giáo của mình”.

Trump không bỏ cuộc và cuối cùng được cựu ứng cử viên phó tổng thống Sarah Palin ủng hộ. Truyền thông bảo thủ yêu thích vở tuồng và châm thêm dầu vào lửa. Những người lãnh đạo đảng Cộng Hòa ở Washington D.C lắc đầu nhưng cứ để mặc cho cuộc tranh cãi tiếp tục sôi động.

Sự việc diễn ra ngoài sự chịu đựng của Obama. Ông công bố giấy khai sinh của mình năm 2008. Ngày 27 tháng Tư năm 2011, tiểu bang Hawaii phát hành một phiên bản giấy khai sinh chi tiết hơn. Trong buổi họp báo chí chật kín người, một Obama cay đắng nhấn mạnh với mọi người là mình sinh ở Mỹ. Obama gần như cầu xin các chính trị gia trong nước chuyển mọi quan tâm của họ sang cuộc khủng hoảng ngân sách sắp tới và mong mọi người đừng bị phân tâm bởi “một tên hề gánh xiếc chỉ toàn bịa chuyện”. Mọi người đều biết ông ám chỉ ai: Donald Trump.

Ít lâu sau cả Trump và Obama tham dự buổi dạ tiệc (galla party) tổ chức hàng năm ở Washington dành cho báo chí và các chính trị gia. Nội dung chủ yếu của bữa tiệc là màn đùa cợt vui vẻ, nơi để tổng thống diễu cợt chính mình, các đối thủ chính trị và giới truyền thông. Điều không ai biết là ngay đêm hôm đó Obama vừa bật đèn xanh cho lực lượng đặc biệt Mỹ tiến hành chiến dịch quân sự dẫn đến cái chết của Obama Bin Laden, thủ lãnh Al Quada vài ngày sau. Rõ ràng đây là đòn trả thù. Obama không chỉ nhắm vào Bin Laden đêm hôm đó. Trong bài phát biểu của mình, Obama đã tấn công Trump một cách tàn nhẫn. Ông diễn kịch, chế diễu Trump là một ngôi sao truyền hình thực tế đầy âm mưu và nhẹ dạ vốn chẳng có gì với chính trị để làm. Các máy ghi hình cho thấy một Trump đùng đùng nổi giận và bỏ về rất sớm trước khi buổi tiệc tàn.

Sau lần bị xúc phạm trong bữa tiệc, Trump tiếp tục chống Obama. Ngôi sao truyền hình thực tế quả quyết giấy khai sinh của Obama là giả, dựa vào một “nguồn tin tuyệt đối đáng tin cậy”. Rồi Trump còn nghi ngờ đến cả kết quả học hành của tổng thống. 5 năm sau, lần đầu tiên, trong chiến dịch vận động bầu cử trước năm 2016, đảng Cộng Hòa mới dứt khoát xác nhận Obama sinh ở Mỹ.

Phong trào birther của Trump đã góp phần vào sự phân cực trong các cuộc tranh luận xã hội. Sự kỳ thị chủng tộc được che đậy một cách vụng về đã tác động mạnh đến các cử tri Dân Chủ và thậm chí còn mồi thêm lửa cho cánh cực hữu trong đảng Cộng Hòa. Doanh nhân NewYork này không thể làm được nếu không có những cơ chế đã đề cập đến trong quyển sách này: truyền thông bảo thủ truyền bá thông điệp, các nhóm lợi ích chia sẻ nó, các chính khách Cộng Hòa không lên tiếng phủ nhận đó là trò xiếc… Trump biết mình là bậc thầy trong việc khai thác triệt để các yếu tố trên, biết cách biến chúng thành độc hại hơn và sử dụng không ngừng nghỉ.

*
Nguyên tác: 
Thor Stenhovden  -  Res Publica  
Chương 3: Donald Trump

Người dịch: Hoàng Thủy Ngữ

--------------------------------------------------

12/02/2019

Phần thứ 2:

Nhiều nhà bình luận quả quyết rằng sự sỉ nhục trong bữa tiệc báo chí năm 2011 đã thúc đẩy Trump ra ứng cử tổng thống trước cuộc bầu cử năm 2016. Tôi không nghĩ đó là lý do chính để Trump quyết tâm tìm cách hạ gục đối thủ kiêu ngạo Obama. Donald Trump đã có ý muốn ứng cử tổng thống suốt gần 30 năm. Trước cuộc bầu cử năm 1988, ông đã thăm dò lần đầu cơ hội ứng cử với tư cách là ứng cử viên đảng Cộng Hòa. Tiếng đồn đã lan rộng nhiều tháng trước khi Trump bay đến New Hamsphire, tiểu bang đang tổ chức đề cử vòng 2 trong cuộc bầu cử sơ bộ, chỉ với mục đích phủ nhận mình là ứng cử viên thực thụ. Sự hưởng ứng ông nhận được ở tiểu bang cũng đủ là niềm vui khi 500 người đổ xô đến nghe ông nói.

Ngay vào thời điểm đó, nhà tỷ phú bất động sản đầy quyền uy này đang gây dựng một thương hiệu nổi tiếng thế giới. Ông đã hoàn thành tòa nhà biểu tượng Trump Tower ở New York, sở hữu nhiều khách sạn, một sòng bài ở Atlantic City và có riêng một đội bóng đá Mỹ. Chiếc du thuyền sang trọng của ông lớn và nổi tiếng đến mức được sử dụng làm bối cảnh cho trụ sở chính của nhân vật phản diện trong một bộ phim James Bond, và nhà tỷ phú bay khắp nơi trong nước bằng máy bay trực thăng mua riêng. Ông cũng đã nhờ người viết và xuất bản một quyển sách có tên Nghệ Thuật Đàm Phán, trình bày bí quyết thành công của mình. Một số lời khuyên của ông: Nghĩ lớn, Tạo hoàn cảnh lớn hơn , Gây sự chú ý và Chống trả lại. Nhìn chung đó là các quan điểm triết lý đã giúp ông trở thành tổng thống sau này.

Trump ở khắp mọi nơi: trên trang nhất các tuần báo, trên các kênh truyền hình, trong các chương trình talkshow. Năm 1989, lần đầu tiên ông xuất hiện trên trang nhất của tạp chí Time với dòng chữ: This may turn your green with envy – or just turn you off. Flaunting it is the game, and Trump is the name. Thông điệp chính của bài viết là một Trump giàu có, can đảm và rất nhiều tham vọng.

Cũng vào khoảng thời gian đó, ông được nữ hoàng talkshow Oprah Winfrey phỏng vấn. Bà muốn biết suy nghĩ của nhà tỷ phú về tham vọng làm tổng thống của ông. Trump tự tin trả lời:” Tôi không có ý định ra ứng cử nhưng rất chán nản vì nhìn thấy các sai lầm ở đất nước này. Nếu mọi sự trở nên thật tồi tệ, tôi sẽ không bỏ qua. Chúng ta có thể tạo điều kiện cho mọi người sống như ông hoàng nhưng lại không chịu thực hiện”. Ngay từ khi đó Trump đã đưa những ý tưởng làm nền tảng cho sự thành công của chiến dịch vận động bầu cử năm 2016. Trump đã bỏ ra những khoản tiền lớn mua quảng cáo đăng tải ý kiến của mình:

Trong nhiều thập niên, Nhật và các quốc gia khác đã lợi dụng chúng ta. Thế giới cười vào mũi các chính trị gia Hoa Kỳ trong khi chúng ta bảo vệ các chuyến tầu thủy chở dầu mà chúng ta không cần. Hãy để Nhật, Ả Rập Saudi và các quốc gia khác trả tiền cho sự bảo vệ của Hoa Kỳ. Hãy chấm dứt khoản nợ khổng lồ của quốc gia, cắt giảm thuế và để nền kinh tế Mỹ phát triển tự do mà không phải mang gánh nặng bảo vệ những người có thể trả tiền cho chúng ta một cách dễ dàng để chúng ta bảo đảm nền tự do cho họ. Đừng để quốc gia tươi đẹp này bị chế nhạo nữa.

Thông điệp này khá giống với những gì ông áp dụng sau này, chỉ thiếu khoản di dân. Nó được tóm tắt trong khẩu hiệu “Make America Great Again” mà Ronald Reagan cũng đã từng đưa ra trong cuộc bầu cử năm 1980.

Sau lần thăm dò vào năm 1988, mười một năm sau, ông thử lại nghiêm túc hơn. Các mũi tên lại đã bắt đầu chỉ hướng lên cho “ The Donald” sau 10 năm xuống dốc và nhiều lần phá sản. Giờ đây, ông tự quảng cáo mình như một “comeback-man” và đánh hơi thấy các tình huống cũng đủ thuận lợi để lao vào cuộc tranh cử tổng thống. Kết quả bầu cử ở Minnesota vốn làm nhiều người nhạc nhiên tạo ra niềm lạc quan. Trước đó vào những năm 1990, một cựu đô vật và diễn viên Jesse “The Body” Ventura đã giành được chiến thắng rất bất ngờ trong cuộc bầu cử thống đốc tiểu bang Minnesota. Ventura đại diện cho đảng Cải Cách (Reform Party) rất ít người biết đến.

Chiến dịch vận động bầu cử vượt ra ngoài truyền thống và chiến thắng bất ngờ của ông đã khiến cho giới tinh hoa chính trị bị sốc nặng. Giờ đây Ventura khuyến khích người bạn Trump của mình ra làm ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử sắp tới. Nhà bất động sản rời bỏ đảng Cộng Hòa để thử nghiệm cách riêng của mình. Vài năm trước, Ross Perot, ứng cử viên tổng thống độc lập, thuộc đảng thứ ba cũng gặt hái khá nhiều thành công trong cuộc bầu cử tổng thống. Liên kết sự kiện này với chiến thắng của Ventura, Trump hy vọng, với tư cách một ứng cử viên ngoài truyền thống như mình, sẽ thắng trong cuộc bầu cử toàn quốc. Trump ném mình vào thế giới talkshow, giả định mình là tổng thống. Thậm chí ông còn thành lập ủy ban vận động bầu cử, phóng ra ý tưởng đề cử Oprah Winfrey làm ứng cử viên phó tổng thống.

Và rồi cũng chỉ để nói. Thống đốc Jesse Ventura rời bỏ đảng Cải Cách. Ít lâu sau, đảng này cũng giải thể. Trump rút lui nhưng nói rằng sẽ thử lại lần nữa vào dịp khác. Nhà tỷ phú khẳng định là ông sẽ không ra ứng cử trừ khi biết mình sẽ thắng. Nhiều người tin rằng” đợt sau” sẽ đến vào năm 2012.

Sau lần thử nghiệm chính trị với đảng Cải Cách thất bại, Trump có được những năm tháng tuyệt vời. Thương hiệu của ông mạnh hơn bao giờ hết, phần lớn nhờ vào vai chính trong loạt phim truyền hình thực tế “The Apprentice”. Đề tài TV này là hai đội cạnh tranh nhau để giành được vị trí lãnh đạo trong tập đoàn Trump.”The Donald” quyết định ai được phép đi tiếp và ai bị sa thải. “You’re fired” trở thành thuật ngữ quen thuộc đối với nhiều người. Trump ăn mặc như ông chủ độc đoán và được yêu thích. Số lượng người xem trong đợt chung kết mùa đầu tiên được so sánh với lần đầu Trump đọc bài diễn văn The State of the Union trước quốc hội năm 2017. 20 triệu người Mỹ xem The Apprentice mỗi tuần. Mặc dù dần dần đề tài này không còn được ưa chuộng, Trump vẫn đóng trọn vai một ông sếp nghiêm khắc suốt sáu mùa. Người Mỹ thậm chí còn có thói quen gắn liền tên của Trump với sự thành công.

Bằng cách kết hợp phong trào birther với sự nổi tiếng của mình, Trump đưa ra thông điệp chính trị. Tuy nhiên, thêm một lần nữa, ông không chọn tham gia vào quá trình đề cử của đảng Cộng Hòa mặc dù ông đã dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận trước đó. Có lẽ ông hiểu rằng trong nội bộ đảng đang có những chuyển biến.

Năm 2007, hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa có tỷ lệ cử tri da trắng ngang nhau. Chiến thắng của Obama đã thay đổi bức tranh đó. Theo một tài liệu nghiên cứu của The Democracy Fund, trong khoảng thời gian 2009 – 2015, một số lượng lớn cử tri da trắng không có trình độ học vấn cao đã từ bỏ đảng Dân Chủ sang gia nhập đảng Cộng Hòa. “Cuộc đào tẩu da trắng” hầu như chỉ gồm những cử tri không có học vấn cao và phần lớn là các cử tri có quan điểm tiêu cực về người Mỹ da đen. Tuần báo The Economic viết:” Nhiều người ủng hộ Trump đã gia nhập đảng Cộng Hòa trước Trump “.

Những cử tri này đã đến với một đảng chính trị có số lượng cử tri tỏ ra e ngại người Mỹ da đen lớn hơn đảng Dân Chủ. Quá nửa số người Cộng Hòa cho rằng người Mỹ da đen nghèo hơn người da trắng vì họ thiếu động lực để cải thiện cuộc sống. Trong một cuộc thăm dò khác, chỉ 14% người Cộng Hòa tin rằng sự phân biệt chủng tộc là lý do chính khiến người da đen không có cuộc sống sung túc như người da trắng. Chỉ một nửa số người Cộng Hòa cũng như Dân Chủ cho rằng nước Mỹ cần phải tiếp tục thay đổi để người Mỹ da đen có được những quyền lợi tốt hơn.

Phải chăng những cử tri này bị phong trào birther của Trump lôi cuốn rồi sau này ủng hộ thông điệp của Trump về vấn đề di dân? Điều chúng ta biết chắc là nhiều cử tri Cộng Hòa không muốn đảng có một chính sách di dân cởi mở. Họ hưởng ứng thông điệp của Trump: người da trắng đang bị người Mỹ da đen và dân nhập cư đàn áp.

Nói khác, những hỗn loạn xảy ra từ trước đã tạo ra Trump – chứ không phải ngược lại. Nhưng điều này không có nghĩa là Trump vô tội, bởi lẽ ông cũng góp phần làm sự phân cực trong các cuộc tranh luận xã hội càng lúc càng trở nên trầm trọng thêm.

*
Nguyên tác: 
Thor Stenhovden  -  Res Publica  
Chương 3: Donald Trump

Người dịch: Hoàng Thủy Ngữ

-----------------------------------------------

16/02/2019

Tiếp theo các phần I và II

Phần thứ 3

Không người nào trong giới lãnh đạo đảng Cộng Hòa, kể cả những người cạnh tranh với Trump trong quá trình đề cử của đảng, đối phó với một gánh xiếc và sự thô tục diễn ra trong khúc dạo đầu của cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2016. Các đối thủ Dân Chủ cũng không bận tâm nhiều về Trump. Tuy nhân vật nổi tiếng đến từ New York đã dẫn đầu trong các cuộc thăm dò trước đây, những người Cộng Hòa vẫn chờ kết quả cuối cùng. Họ đã từng trải qua trường hợp giống như vậy trong hai cuộc bầu cử trước. Năm 2008 cựu thị trưởng New York Rudi Giulian và mục sư Mike Huckabee đã sớm dẫn đầu trong cuộc chạy đua. Năm 2012, Michele Bachmann, dân biểu bang Minnesota, dẫn đầu ngay từ lúc khởi đầu chiến dịch đề cử, sau đó đến lượt Herman Kenn, giám đốc một chuỗi cửa hàng Pizza.

Nhưng không ai trong những người này đeo đuổi được đến cuối cuộc đua. Khi theo dõi các cuộc bầu cử Mỹ, người ta phải kiên nhẫn chờ đợi cho đến lúc các ứng cử viên nổi bật xuất hiện. Khi Trump phát động chiến dịch tranh cử với những lời lẽ xúc phạm đến người Mexico và chỉ trích một số đồng minh của Hoa Kỳ, nhiều người tin rằng chiến dịch đã kết thúc trước khi nó bắt đầu. Nhưng họ đã lầm. Sau nhiều tháng, Trump vẫn giữ vị trí đầu bảng trong các cuộc thăm dò. Càng lúc càng cho thấy một số lớn các cử tri Cộng Hòa hoàn toàn không đồng ý với hướng chiến lược mà đảng đã vạch ra sau cuộc bầu cử năm 2012. Họ không muốn cải cách luật nhập cư. Ngược lại, họ muốn xiết chặt thêm lãnh vực này. Họ thích lối nói thẳng thừng của Trump. Cuối cùng, cũng đã có một người nói ra những gì họ ấm ức trong lòng và “nói cái nó vốn là như vậy”.

Tất nhiên Trump không nói đến cái thực sự phải là như vậy. Ông nói dối và nói dối mọi lúc. Một số lời nói dối nghiêm trọng hơn những lời nói dối khác. Tôi chọn ra đây một số tuyên bố dối gạt điển hình vì chúng dẫn đến phạm trù rộng hơn: tổng thống Mỹ đang cố gắng làm suy yếu các thể chế trung lập trong xã hội khi chúng chống lại cách diễn giải của ông về sự thật.

Ngày 25 tháng Năm 2016: Trump nói một vụ kiện chống ông lẽ ra phải bị hủy bỏ nhưng thẩm phán là người “ghét Trump “ và có cái tên nghe như dân Mỹ La tinh. (Cách diễn giải này đã làm những người ủng hộ ông nghi ngờ sự trung lập của cơ quan tư pháp, một đệ tam nhân đưa ra những quyết định dựa trên cơ sở luật pháp chứ không trên quan điểm chính trị).

Ngày 28 tháng Mười Một 2016: Trong một tweet, Trump quả quyết là cả triệu người không có quyền đầu phiếu đã bỏ phiếu cho Hillery Clinton. ( Cách diễn giải này đã làm suy giảm niềm tin vào hệ thống bầu cử và cho Trump cơ hội không công nhận kết quả bầu cử trong tương lai).

Ngày 17 tháng Hai 2017: Trong một tweet, tổng thống viết rằng “Fake News Media” ( ông nêu tên nhiều hãng truyền thông ) là kẻ thù của dân tộc Mỹ. ( Một quả quyết được ông thường xuyên nhắc lại, đã chôn vùi ý niệm phổ quát về sự thật của người Mỹ).

Ngày 4 tháng Ba 2017: Trump quả quyết nhiều lần là Obama theo dõi và nghe lén điện thoại của người Cộng Hòa trong chiến dịch vận động bầu cử 2016. ( Cáo buộc này liệt Obama vào loại người như Nixon, nhân vật phản diện lớn nhất ở Nhà Trắng và mô tả Hoa Kỳ như là một nước có nền cộng hòa chuối ( banana republic ), nơi tổng thống có thể dùng bộ máy quan liêu để chống lại các đối thủ chính trị).

Ngày 23 tháng Năm 2018: Tổng thống cáo buộc FBI đã âm mưu toa rập với hệ thống quan liêu và tình báo Mỹ gọi là “The deep state”, và cài đặt gián điệp vào chiến dịch tranh cử của ông năm 2016. (Cáo buộc trầm trọng này đã gây tổn thương cho Cục Điều Tra Liên Bang cao nhất và toàn thể guồng máy tình báo Hoa Kỳ).

Ngày 4 tháng Sáu 2018: Tổng thống công bố trên Twitter việc bổ nhiệm Robert Mueller làm công tố viên đặc biệt là trái với hiến pháp. ( Một trong những lời khẳng định nhằm hủy hoại uy tín của nền tư pháp quốc gia. Trump mô tả cuộc điều tra hợp pháp như một cuộc săn lùng phù thủy mang động cơ chính trị mặc dù Mueller đã từng làm FBI sếp dưới thời tổng thống George W. Bush và giờ đây được các viên chức Cộng Hòa bổ nhiệm.

Trump không chỉ không đồng ý với những người khác mà ông còn gán ghép họ có tâm ý ác độc: truyền thông dối trá, tòa án không công bằng, cảnh sát bị những ngưởi Dân Chủ xâm nhập. Theo tổng thống, hệ thống bầu cử đã bị vi phạm, chưa kể đến chuyện gần như toàn bộ thế giới tình báo đang làm việc chống đối lại ông bằng những trò bẩn thỉu như gián điệp và nghe lén.

Tổng quan trên chỉ sơ lược nêu ra một vài lời dối trá của Trump. Theo Politifact, từ lúc ra ứng cử cho đến mùa xuân 2018, Trump đã có 83 lời nói dối hoàn toàn điên rồ. Obama trong suốt 8 năm làm tổng thống chỉ nói tương tự như vậy 9 lần. Nếu người ta dẫn ra những lời nói dối thông thường hay chỉ đúng nửa sự thật, ông đã phạm tội hơn 300 lần.

Đôi lúc những lời dối trá của Trump làm người ta nhớ đến các sự kiện trong cuốn tiểu thuyết 1984 của George Orwell, mô tả một nhà nước khủng bố toàn trị đã thay đổi ý nghĩa của từ ngữ như thế nào. Cũng tương tự, chữ “ hàng rào biên giới” mang một ý nghĩa mới trong thời của Trump. Tháng Tư năm 2018, tờ báo Dallas Morning News loan tin cơ quan chuyên trách về vấn đề di dân đang cho sửa chữa hàng rào biên giới dài ba dặm gần thành phố El Paso Texas. Chính quyền Bush đã xây dựng hàng rào này và chính quyền Obama bảo trì nó. Hàng rào mới thay hàng rào cũ và sẽ “rất giống” hàng rào cũ nhưng cao hơn một chút. Tuy vậy chính quyền Trump gọi tên hàng rào là bức tường. Kirstjent Nielsen, bộ trưởng an ninh nội địa nói với tờ báo rằng: “Đối với chúng tôi, đây là bức tường. Nếu bức tường đã có từ trước phải được thay thề thì bây giờ nó được thay thế bằng một bức tường mới. Đây là bức tường biên giới của Trump”. Theo giải thích của Nielsen, đó không chỉ là hàng rào biên giới cao hơn được biến thành bức tường, nhưng là hàng rào cũ thấp hơn. Tất cả giờ đây là bức tường. Nếu cứ lập lại nhiều lần hai chữ “bức tường”, có thể chính chúng ta cũng tin vào điều đó.

Tôi không nghĩ mục đích chính của Trump là giành độc quyền về sự thật bằng những lời dối trá. Bởi lẽ mặc dù khái niệm chung về sự thật rõ ràng đang bị tấn công, vẫn có nhiều ý kiến phản đối khi tổng thống sai. Tuy nhiên Trump không cần xác định điều gì là đúng. Ông chỉ cần chắc chắn là không ai làm việc đó. Ezra Klein, nhà bình luận theo chủ nghĩa tự do, giải thích như sau: “ Cố vấn báo chí Kellyanne Conway và các đồng nghiệp hiểu rõ là nếu mục đích chỉ để khích động phe cánh thì bạn không cần phải thắng cuộc tranh luận. Bạn chỉ cần đưa ra đề tài thảo luận, để phe cánh của bạn có cái gì để nói và tin vào”. Do đó, dù có thể dễ dàng chứng minh Trump sai cũng chẳng ích lợi gì bởi lẽ vấn đề không ở chỗ phải truy tìm sự thật mà là tạo cơ hội cho những người ủng hộ ông có cái gì để nói khi phe Dân Chủ đưa ra cáo buộc. Cho đến khi nào Trump còn có thể cung cấp cho phe cánh của ông những đề tài tranh luận, dù sai lệch đến mức độ nào, ông vẫn làm. Điều quan trọng đối với Trump là tiếp tục lật đổ truyền thông. Khi những lời dối trá của ông gây ra các cuộc tranh luận, ông đổ tội cho giới truyền thông, giúp những lập luận yếu kém tồn tại. Cách làm này có hiệu quả. Trong một cuộc thăm dò vào mùa hè 2018, chỉ 11% những người tuyên bố ủng hộ Trump tin vào “mainstream media”. Một cuộc thăm dò khác cũng cùng thời gian đó cho thấy một nửa số người Cộng Hòa có cùng quan điểm “truyền thông là kẻ thù của nhân dân”.

Như chúng ta đã thấy trong quyển sách này, Trump không phải là người duy nhất thuộc cánh hữu Mỹ tấn công truyền thông. Trái lại, đây là truyền thống kiêu hãnh của người Cộng Hòa. Khác biệt là vị tổng thống hiện nay giỏi về mặt này hơn các vị tiền nhiệm. Chuyện này cũng chẳng thành vấn đề đối với đảng Cộng Hòa. Mặc dù Trump đang điều hành một chính quyền hỗn loạn nhất trong lịch sử nước Mỹ, sự ủng hộ của các cử tri Cộng Hòa vẫn không giảm dưới 80% kể từ ngày ông nhậm chức vào năm 2017. Điều này cho thấy cái tài của ông trong cách diễn giải riêng về sự thật và phổ biến nó đến các cử tri thông qua phe cánh của mình. Điều trớ trêu là nội các trong chính phủ Trump, phía sau bức tường của Nhà Trắng, lại rất cởi mở với báo chí. Hadas Gold, nhà báo của tờ trực tuyến Politico, chuyên về đề tài Trump trong nhiều năm, nhân chuyến thăm Na Uy vào tháng Năm 2018, đã kể chuyện về một bộ máy hành chính sẵn lòng tham gia các cuộc phỏng vấn dài với những tập đoàn truyền thông mà Trump gọi là “fake news”. Gold gọi chiến lược của Trump là “cuộc chiến giả chống tin tức giả”( The fake war on fake news). Trong một bài báo viết về giai đoạn đầu trong nhiệm kỳ của Trump ở Nhà Trắng, Gold đã thuật lại chuyện các nhà báo được đối xử như thế nào:

Khi không sôi sục trên Twitter hay lên diễn đàn nói chuyện với cử tri, tổng thống tổ chức những buổi họp báo rất thân mật. So với cách đối xử của các nhân viên đối với nhà báo, ông thường đối xử với báo chí tốt hơn nhiều. Khi Steve Bannon, cựu chiến lược gia trưởng, không đi lòng vòng, gọi truyền thông là “đảng đối lập”, ông vui vẻ gửi đến báo chí những tờ giấy khen ngợi vì họ đã viết được những bài hay. Và khi Sean Spencer, cựu phát ngôn viên kiêm thư ký báo chí, không họp báo, ông thường tìm cách duy trì và tạo mối quan hệ tốt với báo chí.

Bài báo của Gold cho thấy rõ việc Trump công kích báo chí thực ra chỉ là màn kịch, một lễ hội hóa trang. Ông công kích một ngành công nghệ mà ông vốn được hưởng lợi do có những mối quan hệ tốt. Ít nhất trong những trường hợp nhất định.

Sylvi Listhaug đã từng ví chính trường Na Uy như một nhà trẻ nhưng, như thường lệ, Hoa Kỳ bỏ xa cái nước Na Uy nhỏ bé một quãng đường dài. Biệt danh Trump đặt cho các đối thủ chính trị là bức minh họa cho thấy nét nhà trẻ đặc trưng trong chính trường Mỹ ở mức độ lớn hơn nhiều. Trong vài năm qua, Trump đã gọi các đối thủ chính trị bằng những cái tên như: Crazy Joe Biden (cựu phó tống thống Mỹ Joe Biden), Pocahontas Warren (thượng nghị sĩ Elizabeth Warren), Fake Tears Schumer(lãnh đạo thiểu số tại Thượng Viện Chuck Schumer), Al Frankenstein( cựu thương nghị sĩ Al Franken) và Leakin’ James Comey (cựu giám đốc FBI James Comey).

Chúng ta có thể chọn một cái tên đặt cho Trump vì nó không ngoài sự tưởng tượng. Một vài cái tên rất hợp với ông. Tuy vậy trò công kích cá nhân trẻ con của tổng thống đã làm dư luận không còn để tâm đến những mặt rất yếu kém của ông, cụ thể là trong cuộc thảo luận chi tiết về chính trị. Khi người ta muốn biết quan điểm của ông về Brexit, ông đã dùng hết 10’ để nói về những bất động sản của mình ở Scotland và chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016. Câu trả lời gần câu hỏi nhất là: “Brexit is Brexit”. Nguyên tắc cơ bản của ông là: câu trả lời hàng hai, những câu chuyện không thích hợp, những tuyên bố sai lệch và khoa trương. Năm 2016, Trump đưa ra đề xuất cụ thể nhằm loại bỏ đường lối chính trị của Obama trong một chiến dịch chính trị được tổ chức gần như hoàn hảo.

Việc Trump công kích đối thủ rất giống những gì ông làm trong chương trình truyền hình thực tế của ông: The Apprentice. Kịch tính làm lu mờ tất cả những thứ khác. Khi ghét ai, người ta dễ bác bỏ lập luận của người đó. Bạn không cần phải nghe Hillary nói vì bà ta là kẻ lừa đảo đáng bị tống vào tù. Trump đã theo chủ trương của Andrew Breibart và Roger Ailes, chủ tịch kênh Fox News: quần chúng không muốn nghe chuyện chính trị. Họ muốn xem kịch. Họ không thấy hào hứng với các kế hoạch chống nạn nghèo đói của trẻ em. Họ muốn xem các trận đấu quyền anh, để hò hét ủng hộ người mình thích và chê bai người họ không thích. Cách tiếp cận này như sợi chỉ đỏ chạy suốt chiến dịch bầu cử và trong thời gian Trump làm tổng thống. Ông luôn có một kẻ thù để châm biếm và công kích chống lại. Trong cuộc tranh cử, kẻ thù là các ứng cử viên cộng hoà trong quá trình đề cử đồng thời là Hillary Clinton và Obama. Trump còn tweet cả phim video (đã được chỉnh sửa) chiếu ông dùng vũ lực tấn công kênh TV-CNN trong một pha đô vật. Với tư cách là tổng thống, ông đấu võ mồm với nhiều “kẻ thù” khác nhau trong một danh sách dài như vô tận:

Các kênh truyền thông như CNN, NBC, Washington Post và The New York Times.

Các nhà báo như Joe Scarboraugh, Mika Brzezinski, Jonah Goldberg, Arianna Huffington, Lawrence O’Donnell, Chuck Todd, Anderson Cooper và nhiều người khác nữa.

Các nhà kinh doanh như Mark Cuban và nhiều thương hiệu như Giải bóng đá bầu dục quốc gia NFL, kênh thể thao ESPN và chuỗi cửa hàng thể thao Nike.

Các nguyên thủ nước ngoài như thủ tướng Canada Justin Trudeau, tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto, nhà độc tài Bắc Hàn Kim Jong-Un( lần trước ) và chủ tịch Liên Minh Châu Âu Jean Claude Juncker.

Các nghệ sĩ và ngôi sao điện ảnh như Cher, Maryl Streep, George Clooney và Arnold Schwarzenegger.

Các cựu lãnh đạo cơ quan tình báo như cựu giám đốc FBI James Comey, phó giám đốc FBI Andrew McCable, cựu giám đốc cơ quan tình báo James Clapper và cựu CIA sếp John Brennan.

Thượng nghị sĩ John McCain, Elizabeth Warren, Chuck Schumer, Jeff Flake va Bob Corker.
Hầu như không ngày nào các tờ báo không đăng tải trên trang nhất các tuyên bố tào lao hay những trò kịch tính hoặc những hành động gây sốc của Trump. Chúng ta bị nhốt trong cái vòng luẩn quẩn do việc truyền thông chạy theo tiền đề của Trump. Người ta hiếm khi nói đến những thay đổi chính trị ông đang thực hiện sau bức màn sân khấu ở Mỹ. Trong bộ phim thực tế toàn cầu, mỗi tập lại có cái mới và cuối cùng chúng ta chìm trong từng sự kiện đơn lẻ và mất đi sự hiểu biết về tổng thể bức tranh. Đồng thời tổng thống khích động những người ủng hộ mình, họ luôn sẵn sàng nổi loạn trong cuộc xung đột sắp tới. Và cứ mỗi tập trong bộ phim, nước Mỹ lại phân cực và chia rẽ hơn.

Tổng thống của tất cả mọi người?

Vào lúc 2 giờ 49’ tại Mỹ, đêm ngày 8 tháng Mười Một 2016, một Donald Trump tự tin bước ra thông báo là Hillary Clinton đã điện thoại và chúc mừng chiến thắng của ông. Vị tổng thống tân cử cảm ơn cuộc tranh cử sôi nổi của bà, ca ngợi bà đã phục vụ lâu dài và trung thành với đất nước. Ông kêu gọi đảng Cộng Hòa, Dân chủ và các cử tri độc lập đến với nhau như một dân tộc thống nhất, đồng thời hứa sẽ trở thành tổng thống của tất cả mọi người Mỹ. Nhưng Donald Trump không có ý định giữ lời hứa này. Ngay sau khi nhậm chức, vài tháng sau, tân tổng thống bắt đầu nỗ lực thực hiện những gì đã hứa trong cuộc bầu cử và chôn vùi các thành quả để lại của Obama – bất kể hậu quả. Chẳng có gì phải ngạc nhiên khi một tổng thống Cộng Hoà muốn thực thi chính sách của người Cộng Hoà. Nhưng trong giai đoạn này, Trump muốn các đề xuất được thông qua càng nhiều càng tốt, không cần ý kiến của các đối thủ chính trị. Đối thoại chính trị đã được thay thế bằng độc thoại chính trị. Ngay trong năm 2017, ông đã đưa ra khẩu hiệu dành cho cuộc bầu cử sắp tới vào năm 2020: “Promises made, promises kept”. Một trong những lời hứa là hủy bỏ cải cách y tế của Obamacare.

Như tôi đã đề cập đến, cải cách y tế trước đây chỉ được đảng Dân Chủ bỏ phiếu thông qua. Nó giúp cho hàng triệu người Mỹ được hưởng bảo hiểm xã hội. Cải cách, nếu có thiếu sót, có thể được cải thiện thông qua thỏa hiệp giữa đôi bên. Trump đã chọn giải pháp bóp nghẹt luật pháp thay vì tìm cách đối thoại với đảng Dân Chủ. Trước tiên, bộ máy hành chính của Trump ngừng quảng bá cải cách y tế của Obama. Sau đó chính quyền ngừng xử phạt những người không trả tiền phạt vì không đóng lệ phí bảo hiểm (lệ phí là một phần tài chính dùng để hỗ trợ chương trình cải tổ). Cuối cùng Trump từ chối trợ cấp cho các công ty bảo hiểm nhận khách hàng có rủi ro cao về sức khoẻ. Hậu quả là không ai biết được thị trường bảo hiểm sẽ diễn tiến như thế nào trong tương lai và hàng chục triệu người đang phải đối mặt với những tháng ngày bấp bênh trước mắt. Về lâu dài, cải cách y tế có khả năng sụp đổ.

Một biện pháp khác là cuộc chiến tranh thương mại. Ông khởi động cuộc chiến để chứng tỏ với các cử tri cốt lõi đang sống trong “Vành Đai Rỉ Sét” ( Rust Belt ) rằng ông quan tâm đến các khu vực công nghiệp đang thoi thóp ở Mỹ. Tổng thống đã đưa ra mức thuế cao hơn, đánh vào nhôm và thép nhập khẩu. Mục tiêu chính là Trung Quốc, nhưng cả Canada và EU cũng nẳm trong tầm nhắm. Cả hai đều là những quốc gia đồng minh, cùng phản ứng trước việc tăng thuế và nói rằng binh lính của họ đã chiến đấu và chết cùng với quân đội Mỹ tại Irak và Afganistan. Một biện pháp mang tính xây dựng cao dành cho “Rust Belt” là tăng cường huấn luyện kỹ năng cho những người lao động trong các khu vực đang hấp hối. Tuy vậy việc đòi hỏi phải có thời gian lâu và nỗ lực lớn. Trump đã sớm có lựa chọn mới để giành chiến thắng. Vấn đề đối với việc sửa đổi thuế quan là người tiêu dùng Mỹ có thể phải trả gíá cho những biện pháp này. Khi các nhà sản xuất lệ thuộc vào thép nhôm nhập khẩu để sản xuất, họ phải tăng giá sản phẩm. Các công ty dựa vào hàng nhập khẩu giá rẻ để sản xuất những mặt hàng khác sẽ mệt mỏi. Trump đã làm vừa lòng các cử tri nòng cốt của mình nhưng trừng phạt các cử tri khác và các công ty. Điều này tốt cho cơ hội tái đắc cử của ông nhưng không tốt cho nước Mỹ.

Đối với những người ủng hộ Trump, ông là người lãnh đạo nổi bật nhất trong cuộc chiến văn hóa đang diễn ra ở Hoa Kỳ. Ông tận hưởng các thuận lợi có được đến từ những cơn thịnh nộ của người da trắng, các cử tri theo đạo Tin Lành. Họ sợ sự thay đổi về nhân khẩu học đang diễn ra trong nước. Trump tuyên bố đó là sự xung đột giữa những “người tốt”, những người đang bảo vệ cảnh sát, truyền thống Mỹ và lá cờ Mỹ với cánh tả, những kẻ không thèm đếm xỉa tới các giá trị đó. Tổng thống tuyên bố mình là người biện hộ chính thức cho tất cả những gì trong mắt ông là văn hóa và giá trị thực sự của nước Mỹ. Các cử tri Cộng Hòa ưa thích lối giải thích vấn đề của ông. Đó là những thứ họ quan tâm nhất và cũng vì vậy ông chỉ là tổng thống của những người Cộng Hòa – không phải là tổng thống của toàn dân.

Trump không là người duy nhất có tội trong sự phân hóa chính trị ở Mỹ. Như quyển sách này đã vạch ra, sự phân cực là hậu quả của các quá trình diễn ra trong nhiều thập niên: việc phân loại cử tri, quyền lực của các nhóm lợi ích, môi trường hợp tác chính trị bị đầu độc, việc quyên góp tiền, sự xuất hiện của mạng truyền thông không chính thức, tổng thống tự tung tự tác và những biến cố lớn. Donald Trump rất giỏi trong việc khai thác các cơ chế này, biến chúng thành lợi thế của mình và nhúng tay đóng góp rất lớn vào việc chia cách. Ông đã làm điều đó bằng cách phá vỡ khái niệm chung về sự thật mà người Mỹ hướng đến. Ông đã tàn bạo hóa chính trị hơn nữa bằng cách liên tục tấn công cá nhân và khẩu chiến với các đối thủ. Từ vai trò chiến binh văn hóa đại diện cho các cử tri Cộng Hòa, ông trở thành tổng thống độc đảng của nước Mỹ.

Vẫn còn sớm để chúng ta thấy được những hậu quả lâu dài do hành vi của Trump để lại. Giữa nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Trump, Hoa Kỳ bị phân cực hơn bao giờ hết và rất ít hy vọng tình trạng này sẽ được cải thiện. Ngược lại, nếu đảng Dân Chủ giành được đa số trong một hay cả hai viện trong cuộc bầu cử Quốc Hội năm 2018, mặt trận sẽ nổ lớn hơn nữa. Tuy vậy lời hùng biện của Trump không phải là điều đáng lo ngại duy nhất về nước Mỹ ngày nay. Tại các trường đại học, đã xảy ra trận chiến định nghĩa ai là người có quyền nói và nói ở vũ đài nào. Đây là triệu chứng cho thấy chính trị bây giờ chủ yếu mang bản sắc cá nhân, khiến người Mỹ căm ghét và xa lánh hơn nữa.

---------
Nguyên tác: 
Thor Stenhovden  -  Res Publica  
Chương 3: Donald Trump

Người dịch: Hoàng Thúy Ngữ








No comments:

Post a Comment

View My Stats