Friday, 21 September 2018

VỢ ANH BA SÀM : TÔI MONG CÒN ĐỦ SỨC KHỎE ĐỂ TIẾP TỤC GIÚP ANH "KHAI DÂN TRÍ - PHÁ VONG NÔ LỆ" (Võ Thị Hảo)




Thứ Năm, 09/20/2018 - 17:24 — vothihao

Ngày 2.10,2018, chị Lê Thị Minh Hà – vợ và là người bạn đồng hành, giúp đỡ và bảo vệ nhà báo- người tù nổi tiếng Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh sẽ phải xạ trị theo chỉ định của giáo sư, bác sỹ khoa phẫu thuật thần kinh của một trong những bệnh viện đứng hàng đầu trên thế giới.

Hà không chắc chắn rằng sau đợt xạ trị này chị còn gượng dậy được mà về VN lo cho anh Vinh hay không.

Hà bình tĩnh và thản nhiên trước tính mạng mình- lẽ  vô thường của cuộc sống. Điều mà Hà lo lắng trước khi nằm xuống xạ trị là  khi không có chị, anh Vinh sẽ không có ai hỗ trợ khi cán bộ trại giam vi phạm luật thi hành án. Có những kiến nghị về những văn bản đã và đang có hiệu lực pháp luật còn phải tiếp tục. Rất đáng lo ngại là bệnh của anh có nguy cơ  không được cứu chữa kịp thời trong tình trạng giam giữ rất ngặt nghèo của trại giam Việt Nam và đặc biệt đối với những Tù nhân nhân quyền.

Những đợt khủng bố và bắt giam người biểu tình gần đây. Việc những tù nhân lương tâm khác tố cáo là bị đánh đập, ép buộc trong tù dẫn đến việc họ phải tuyệt thực, cũng như những  bản án quá sức nặng nề đối với những người chỉ lên tiếng bảo vệ môi trường qua vụ Forrmosa xả độc càng khiến chị thêm lo lắng.

5.5.2019 là kết thúc bản án 5 năm giam giữ Bloger Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh. Cũng như hàng trăm tù nhân lương tâm khác từ trước đến nay tại VN, Vinh hoàn toàn vô tội. Nếu VN là nhà nước pháp quyền như họ đã tuyên bố, thì những người đã bắt giam, điều tra truy tố xét xử anh đều phải đền bù danh dự và thiệt hại cho anh. Chính họ mới là những người phải ngồi tù , căn cứ vào HIến pháp và Luật VN.

Trong bản ghi chép vội vàng của chị Hà qua vài chục phút thăm nuôi ngắn ngủi và bị kiểm soát gắt gao, anh Vinh dặn rõ: “ Anh xác định những năm ngồi tù là tiếp tục một cuộc đấu tranh mới, trong một trường học mới, dù có thể bị tổn hại đến tính mạng nhưng không lùi bước, không bi quan và chuẩn bị tinh thần tiếp tục sứ mệnh khai dân trí của một nhà báo độc lập sau khi ra tù”.

Tâm sự của chị Lê Thị Minh Hà trước khi xạ trị là của  người đã vượt qua giới hạn của một cá nhân chỉ nghĩ đến sự sống chết của chính mình. Sự mở rộng trái tim và tâm hồn của chị tỉ lệ thuận cùng thời gian chị đồng hành với Anh Ba Sàm đang gắng gỏi sống và đấu tranh cho sự nghiệp Khai dân trí – Thoát vòng nô lệ:

+ Trước khi sang đây chữa bệnh, công việc mà chị đang dồn sức  giúp anh Vinh là gì, thưa chị?
Còn ở tù ngày nào, anh Vinh cũng nhấn mạnh: xác định rõ : sẽ tận dụng hết thời gian, công sức và bằng mọi cách trong tù để phát hiện những sai phạm, bất hợp lý trong nhà tù cho Bộ CA và các cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa chữa và hoàn thiện hy vọng trả lại cho nhà tù đúng nghĩa: giáo dục cái tạo phạm nhân để trở về hoà nhập với đời sống cộng đồng. Không một lời xin xỏ hoặc tận dụng mối quan hệ thân quen, thậm chí  Ba Sàm còn “gửi lời cảm ơn các bạn học như Thuận “Chéc”(Cục trưởng An ninh mạng), Chí Thành, và các bạn giữ cương vị lãnh  đạo  Tổng cục An ninh và ANĐT đã ra lệnh, chỉ đạo khám  xét, bắt giam buộc tội Nguyễn Hữu Vinh. Việc làm đó đã vô tình phong thánh và nâng giá trị của Nguyễn Hữu Vinh lên dù chưa được vậy ”.

+ Từ khi anh Vinh vào tù, ngoài chị và các con, có ai còn có thể giúp đỡ thay chị khi chị đang chữa bệnh?
Nhiều người trước đây thân thiết nhưng do sợ liên lụy mà tránh xa. Tôi vẫn vững lòng vì những gì Vinh đã viết, đã làm là đúng, là dũng cảm, vì đất nước. Tôi trưởng thành lên, dấn thân vì anh, vì các con và vì quyền lợi chung của đất nước.

Tôi nhớ trong lời cuối cùng trước khi chủ toạ phiên toà phúc thẩm đọc bản tuyên án Vinh nói ” Tôi vô cùng tự hào về 7 năm làm báo và 2 năm trong tù…”. Trong tù, Vinh không sợ hãi, thậm chí còn tham gia đấu tranh cho quyền lợi của những người tù và còn nuôi chí lớn. V đọc sách báo, hành thiền, làm từ thiện, viết kiến nghị lên thủ tướng, chủ tịch nước, bộ trưởng công an…

Tôi yếu vì đã mổ não 12 năm, chỉ còn một mắt và đang điều trị theo chỉ định của bác sỹ, thường xuyên phải bay đi lại giữa Đức- VN- Hà Nội – Trại giam B14 Thanh Hóa. Chưa kể chi phí đi lại, thăm nuôi anh Vinh, theo yêu cầu của anh Vinh muốn giúp đỡ bạn tù vì họ bị kết án rất nặng và hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh than, gia đình tôi có mua thêm văn phòng phẩm thực phẩm, thuốc men, sách báo, gửi thêm tiền lưu ký,  trò chơi giải trí để anh Vinh chia cho các tù nhân khác.  Ngoài ra, còn lo toan chi phí cho gia đình và chi phí tối thiểu mời luật sư, theo dõi hồ sơ, gửi kiến nghị, kêu cứu khẩn cấp… Những nhu cầu tinh thần và vật chất  Những chuyến đi quốc tế, những phiên điều trần trước Nghị viện  Đức,... để vận đông trả tự do cho anh, mỗi chuyến đi và về luôn phải xác định khả năng xấu nhất phải làm  gì ?...Chỉ sợ mình không còn sức khoẻ để chăm sóc các con và thăm nuôi anh Vinh cho đến khi anh được trả tự do.

+ Được biết, trong tù có lần anh Vinh đã bị chảy máu cả tuần, đến kiệt sức nhưng quản lý trại giam vẫn không cho đi bệnh viện, đến mức chị phải chạy đôn đáo để cứu anh bằng hàng chục đơn kêu cứu khẩn cấp gửi đích danh các vị lãnh đạo cao nhất của hệ thống tư pháp, lập pháp và hành pháp thì anh Vinh mới miễn cưỡng được đưa đi khám. Đó là lối hành xử phạm pháp, rất tàn nhẫn, như một sự “ám sát” tù nhân. Phải chăng chị rất lo việc đó sẽ lại xẩy ra, vì bệnh của anh Vinh chưa dứt, trước khi chị buộc phải điều trị theo chỉ định của bác sỹ ?
 Tôi không biết sau đợt xạ trị này, tôi có còn sức để trở về VN giúp cho anh Vinh, hỗ trợ anh cho đến ngày anh ra tù không, cầu mong làm được vậy thì trọn vẹn và sau đó tôi sẽ dành thời gian cho việc chữa trị tiếp và sẽ không làm phiền ai, tôi luôn mong ước như thế vì tôi luôn bị ám ảnh vì những việc xảy ra với anh:

Ngày 25 Tết Âm lịch năm 2016, tôi đến trại theo lịch thăm gặp và mang quà tết cho anh và mọi người, Vinh nói chuyện mà mặt xanh mướt như người sắp chết, dưới chân anh là máu chảy. Tôi  hỏi tại sao thì anh nói rằng bị ra máu đằng hậu môn mấy ngày rồi, xin đi khám thì quản giáo không cho. Máu cứ tiếp tục chảy thế này, không có thuốc cầm máu qua Tết  trạm xá trại nghỉ đến tận mồng 6 mới khám thì chắc chết rồi. Vinh dặn tôi ra tết thăm sớm đừng chờ đến cuối tháng xem anh còn sống không. Với sự thờ ơ của trại trước bệnh tình nguy cấp của anh Vinh, tôi vội hỏi bác sỹ và tìm bằng được thuốc cầm máu gửi lại trại cho anh.

Sau chút choáng váng trên xe nghĩ ngay đến việc làm sao để cứu anh ? Ngay khi vừa đặt chân tới nhà tôi lập tức làm đơn “ Kêu cứu khẩn cấp” và nhờ dịch ra Tiếng Anh chuyển gấp tới các cơ quan quốc tế, kịp gửi bưu điện trước khi nghỉ tết và đem đơn, đập cửa các cơ quan chức năng có thẩm quyền cao nhất trước khi họ nghỉ tết. Suốt tết, chờ một cuộc điện thoại của trại thông báo tin xấu, và ra tết đi thăm ngay, suốt dọc đường luôn nghĩ: Có thể bệnh nặng quá không ra được hoặc sẽ nhận thông báo của trại làm thủ tục nhận xác. Anh kể : Ngày thứ năm ( 9/2/2017 ) cán bộ trại và bác sỹ của trại đưa đi khám bệnh tại khu dành cho phạm nhân tại bệnh viện Ngọc  Lặc.  Đã có hẹn nhưng tới nơi bác sỹ khoa nội soi và siêu âm đi vắng , phải chờ rất lâu nên cán bộ trại giam và bệnh nhân đều rất mệt.

Khi gặp bác sỹ: Chỉ khám qua loa, không hỏi bệnh nhân, không in ra kết quả, loanh quanh cho tới khi bác sĩ trại giam phải nhắc, tìm không thấy kết quả, ghi vào sổ y bạ mới kết luận : Trĩ ngoại độ 2 phải độ 3 mới khám điều trị. .Chỉ được thuốc cầm máu tạm thời, không rõ nguyên nhân có cơ sở khoa học. Sau khi đi khám về, cán bộ Tuyến đội trưởng trinh sát  lại đưa biên bản nhưng ông Vinh không ký vì việc khám qua loa đại khái. Bác sĩ không ký tên và đóng dấu, không ghi đơn thuốc, nguyên nhân chảy máu bất thường chưa có chẩn đoán chính xác và không có người chịu trách nhiệm.

Uống thuốc cầm máu do gia đình kịp gửi vào anh đỡ chút thì ban giám thị trại giam cho người 1 tuần 4 lần gặp và ghi biên bản về việc bệnh tình thuyên giảm do được chữa trị, anh không ký, anh vội mừng báo cho tôi, lúc đó tôi mới cho anh xem bản kiến nghị “ Yêu cầu khẩn cấp” của tôi kịp gửi trước tết đã có kết quả.

+ Những hành vi đối xử vô lương với tù nhân, theo chị là do đâu?
Người ta bố trí giam “ Tù chính trị “ trong khu giam riêng, ở xa trung tâm nên có tai biến bất ngờ hay huyết áp cao, chảy máu ồ ạt..., bệnh tim thì sẽ không kịp cứu. Cái chết vì bệnh của tù chính trị lại là mong muốn đối với nhà cầm quyền.

Có nhiều nguyên nhân. Chỉ đơn cử với những người làm giám thị trại giam. Cái sai hiện nay của họ- người vừa đá bóng vừa thổi cỏi- sai ở đâu? Sai ngay từ văn bản do bộ trưởng công an Lê Hồng Anh ký năm 2011 ( Số 36/2011/TT-BCA – Ngày 26/5/2011- Thông tư Ban hành nội qui trại giam và Số 40/2011/ TT- BCA-Ngày 27/6/2011- Qui định tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù và xếp loại chấp hành án) trong đó có nhiêù quy định trái với Hiến pháp Việt Nam.Toàn bộ vấn đề là phải chuyển việc giam giữ sang Bộ Tư pháp để đảm bảo quyền con người và cải tạo cho các tù nhân tốt lên chứ không phải là tước đoạt quyền con người của họ không có khả năng kiểm soát như hiện nay.

+ Tất cả mọi sai phạm và hành xử phi nhân của những người trong hệ thống, vì sao đã nhiều người lên tiếng những thậm chí còn tệ hơn, thưa chị?
Vì VN không có tự do tư tưởng và tự do báo chí. Đồng hành cùng anh Vinh, qua thực tế và thêm hiểu việc làm của anh, tôi ủng hộ xúc tiến và lồng vào nhận thức con người VN. Muốn Khai dân trí-  Thoát vòng nô lệ- phải có tự do tư tưởng và tự do báo chí. Nếu người VN mà không có tự do báo chí và tự do tư tưởng thì người VN không có gì cả. Tôi muốn cho mọi người hiểu rằng hiện nay VN không có nhà nước pháp quyền. Vụ án anh Vinh là vi phạm luật tố tụng, không có tang chứng vật chứng cụ thể mà vẫn kết tội, bỏ tù, vậy chứng tỏ không có nhà nước pháp quyền. Anh Vinh là một người trong ngànhcông an mà còn bị oan như vậy, những công dân khác còn bị oan đến đâu?

Anh Vinh mặc nhiên là người phá vòng nô lệ. Vụ án Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thuý là vụ án sai phạm điển hình nhất trong hoạt động của các cơ quan tố tụng tại Việt Nam, xác định phải tiếp tục con đường của anh bằng cách đấu tranh với nó, là phải khai trí cho hơn 4 triệu đảng viên và người VN, khai trí cho những người làm việc trong toàn bộ hệ thống tư pháp, các công dân VN. Mọi bước đi và hành động của tôi đều công khai nhằm chỉ ra những sai phạm luật tố tụng và thực hiện nhưng quyền cơ bản của người vợ khi có chồng bị bắt oan.

       Trên con đường đòi công lý cho anh Vinh, tôi đã làm hết sức mình. Tất cả hành trình này,  từ phia người bị bắt và gia đình đã có rất nhiều bài học.

+ Chị dự đoán thế nào về  lực lượng chính để thay đổi VN sang thành một thể chế dân chủ đa nguyên?
Vụ đàn áp vừa rồi về biểu tình dịp 10 /6/2018  thể hiện một thực trạng:  Đảng CS đã đánh mất toàn bộ cơ hội để Đảng  và chính quyền  đàm phán với dân. Lẽ ra phải có một lực lượng thứ 3 để giúp họ đám phán với dân nhằm thay đổi chính mình và đất nước. Khi dùng Luật đặc khu – được nhiều người cho là luật “bán nước”, lẽ ra Đảng đang có một “quả bom nguyên tử” trong tay là sự phẫn nộ của dân để qua đó làm sức mạnh đối trọng cả với TQ và Mỹ. Vậy mà  họ đàn áp dân đến như vậy, là đã đánh mất cơ hội kích hoạt “quả bom” đó để làm sức mạnh giữ quyền lực lâu dài và cải tổ đất nước. Họ đã hợp pháp hoá  viêc xâm phạm quyền con người qua luật ANM và bán nướcqua Luật đặc khu. Ngay cả lực lượng trí thức cũng chưa làm tròn vai trò của mình. Báo chí bị bóp nghẹt hơn, gần đây báo Tuổi trẻ Online bị đình bản…

+ Từ khi ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra kế hoạch và thực hiện “ Chống tham nhũng”,  đặc biệt trong quân đội và công an việc đàn áp ngày càng tàn bạo, chị có nghĩ rằng điều đó có thể bảo vệ chắc chắn quyền lực của nhóm ông Trọng?
Tôi chưa tin điều đó và tin rằng những người làm việc trong 2 nghành đó hiện nay không còn lý tưởng như trước kia, còn lại chỉ vì quyền lợi và công ăn việc làm.Họ sẽ tự diễn biến và đến lúc nào đó nhận ra con cái và tương lai của họ không còn, phải tìm mọi cách ra nước ngoài để học tập , làm việc và sinh sống lâu dài thì mọi chấn động, thay đổi  cũng có thể xảy ra ở VN.

+ Là một người từng làm trong ngành công an, chị nghĩ thế nào về Luật An ninh mạng?
- Nó sẽ biến tất cả hơn 90 triệu dân thành những tù nhân, kể cả các vị lãnh đạo quyền lực hiện nay. Không thể tưởng tượng nổi cái thảm hoạ mà các vị cầm quyền tròng vào cổ dân VN và chúng ta phải cùng thay đổi điều này. Ai cũng có thể bị buộc tội  “ Xâm phạm an ninh quốc gia”, bị bắt, cầm tù oan ức. Vậy mọi người cần đấu tranh đến cùng để phản đối luật này. Nhiều người hiện nay còn chưa ý thức được điều đó.

Trân trọng cảm ơn chị và chúc đợt điều trị bệnh của chị đạt kết quả tốt. Qua chị, xin gửi lời khâm phục và yêu thương của người viết bài này và nhiều bạn đọc tới anh Ba Sàm.

Võ Thị Hảo (thực hiện)





No comments:

Post a Comment

View My Stats