Phi Cảnh
Gửi
tới BBC từ Hà Nội
21 tháng 9 2018
Nhiều
người Việt Nam khó chịu khi thấy một số người biểu tình cầm theo cờ Mỹ. Họ cảm
giác những người biểu tình kia thiếu tinh thần dân tộc, muốn rước ngoại bang về
nhà hay cái gì đó đại loại vậy. Có lẽ họ nên nhìn lại chính họ.
Người dân Sài Gòn xuống đường biểu tình phản đối dự luật Đặc khu hôm
10/6. GETTY IMAGES
Cái gì
"của Mỹ" cũng thích
Người Việt Nam không thích cờ Mỹ, nhưng hàng Mỹ thì
không ai chê. Điện thoại Iphone của Mỹ là ước mơ của mọi người dân Việt Nam,
trong khi điện thoại Bphone do Việt Nam sản xuất thì không ai mua mặc cho lời
kêu gọi yêu nước của nhà sản xuất.
Đấy là đồ công nghệ, còn thực phẩm thì "nho
không hạt Mỹ", "táo Mỹ"… đi ăn nhà hàng cũng "thịt ba chỉ
bò Mỹ". Uống nước Aquafina của Mỹ, sữa Ensure của "hãng Abbott Hoa Kỳ"…
Đồ gì "của Mỹ" mà chả làm cho người sở hữu
yên tâm. Ngay cả tàu chiến Mỹ - Biểu tượng của chiến tranh mới chỉ ghé thăm
thôi cũng đã làm cho người Việt Nam cảm thấy an toàn đó sao.
"Dư luận viên" suốt ngày chửi rủa đế quốc
Mỹ mà Facebook cũng để ảnh bìa là "Caption America" - Biểu tượng anh
hùng chiến trận của Mỹ trên màn bạc. Có lẽ trong khi xem phim cũng ăn gà rán
KFC, uống Coca Cola hay Pepsi - tất cả đều là của Mỹ. Facebook - công cụ để
lăng mạ người khác cũng của Mỹ nốt.
Có một thông tin không chính thức rằng 80% băng
thông ra nước ngoài là để phục vụ Facebook và Youtube (cũng của Mỹ) do người Việt
quá nghiện hai trang này - điều này chẳng có gì ngạc nhiên nếu nhìn vào điện
thoại và máy tính của họ.
Một biểu tượng sức mạnh của nước Mỹ, đó là tờ Đô la
- đồng tiền mà người đàn ông Việt Nam nào cũng muốn có ít nhất một tờ "cho
đẹp ví". Có lẽ tìm một người cất một tờ đô la trong ví ở Việt Nam hiện tại
còn khó hơn tìm một người không có nó, đặc biệt là các Đảng viên, kể cả những
người trung thành với lý tưởng Cộng sản nhất. Có nhiều huyền thoại xoay quanh đồng
bạc xanh này, trong đó buồn cười nhất là: "Có một tờ đô la trong ví sẽ
không bao giờ bị hết tiền".
Hàng chục ngàn người tại Hà Nội và Tp HCM chào đón Tổng thống Obama khi
ông tới thăm Việt Nam. GETTY IMAGES
Niềm tự hào của bất cứ gia đình giàu có nào ở Việt
Nam là có con đi du học Mỹ, cả nhà đi du lịch Mỹ, định cư ở Mỹ. Và sau khi trở về
không ai là không ca ngợi cuộc sống trên đất Mỹ, trong đó tiêu biểu là cảm giác
sung sướng khi đi mua sắm: Người mua thật sự được coi như thượng đế, mua gần
như bất cứ loại hàng hóa nào nếu mang về không ưng đều có thể trả lại.
Rõ ràng nó trái ngược với Việt Nam - nơi người tiêu
dùng không được tôn trọng: Người đi mua hàng bị người bán hàng lườm nguýt, mắng
mỏ là chuyện bình thường. Đó là chưa kể mua đồ gì cũng sợ giả.
Chính vì lý do đó, người Việt đi nước ngoài về ai
cũng ních đầy vali hàng hóa để sử dụng cá nhân hoặc buôn bán. Nói chung cứ đồ
ngoại là thích, ngay kể cả những sản phẩm dân dã như mứt vỏ bưởi cũng chuộng của
Thái hơn, hàng của Việt Nam tuy rẻ đến một nửa hoặc thậm chí một phần ba cũng
ít người mua vì mứt Thái "màu sắc đẹp hơn" và quan trọng nhất là
"an tâm hơn khi mua hàng ngoại".
Biểu tình chống dự luật Đặc khu ở Hà Nội hôm 10/6/2018. GETTY IMAGES
"Ngoại"
là tốt hay xấu?
Một đất nước coi trọng người dân có thể nào là một đất
nước xấu? Một xã hội coi trọng người tiêu dùng có thể nào là một xã hội xấu? Một
mặt hàng bền, đẹp, an toàn liệu có thể được tạo ra bởi những con người vô đạo đức,
vô trách nhiệm?
Một sản phẩm tốt tự thân nó đã nói lên đất nước con
người nước đó. Người Việt thích hàng Mỹ, Nhật, Đức, Hàn… Ai có thể nói rằng đây
là những đất nước của những con người vô văn hóa?
Ghét Mỹ mà cái gì của Mỹ cũng thích, yêu Việt Nam mà
cái gì của Việt Nam cũng tránh xa, vậy tình yêu đó để làm gì, nó có đúng hay
không? Ghét kiểu đấy thì các nước tư bản cứ mong người Việt sẽ ghét họ mãi.
Thế cho nên nếu có ai đó cầm cờ Mỹ hay cờ của một quốc
gia tiến bộ, văn minh nào đó đi biểu tình thì cũng là điều bình thường thôi, vì
họ muốn đất nước của mình cũng văn minh, tiến bộ, coi trọng người dân như vậy.
Nói tóm lại, trừ khi tẩy chay, không dùng hàng Mỹ và
tư bản, còn nếu trong tay vẫn còn cầm Iphone thì đừng thắc mắc người khác cầm cờ
Mỹ đi biểu tình!
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm
riêng của tác giả.
No comments:
Post a Comment