Saturday, 8 September 2018

TRUNG QUỐC : TRÍ TUỆ NHÂN TẠO ĐỂ KIỂM SOÁT TOÀN DÂN (Kai Strittmatter - Süddeutsche Zeitung)




Kai Strittmatter  -  Süddeutsche Zeitung
Nguyễn Văn Vui chuyển ngữ
Dịch giả gửi tới Dân Luận
06/09/2018

Công ty Sensetime ở Bắc Kinh thu vào được cả thảy 600 triệu đô la Mỹ để phát triển công nghệ trí thông minh nhân tạo. Ngành này đóng một vai trò trung tâm trong chiến lược của nhà nước.

Ai là ai? Camera hiện đại nhận diện một cách tự động dân chúng ở Trung Quốc. Cho đến năm 2020 nhà nước dự trù sẽ có 600 triệu camera giám sát trong toàn quốc. (Ảnh: Strittmater)

Trí thông minh nhân tạo, nhận diện khuôn mặt: “Nóng, rất nóng”, đó là lời quảng cáo của nữ phát ngôn viên Yuan Wei của công ty Sensetime về việc kinh doanh của công ty mình khi phóng viên của Süddeutsche Zeitung đến thăm trụ sở công ty ở Bắc Kinh vào cuối năm ngoái. “Nếu so sánh với Facebook và Google, thì công ty chúng tôi còn rất non trẻ, nhưng chúng tôi muốn leo lên đỉnh cao thế giới, đó là điều chắc chắn”.

Một bước quyết định trên con đường này đã được Sensetime thực hiện vừa qua: Trong một vòng đầu tư mới, công ty đã thu hút được 600 triệu USD. Hiện nay Sensetime có trị giá hơn ba tỷ USD. Thông tấn xã Bloomberg loan tin: “Trung Quốc hiện có công ty khởi nghiệp về trí thông minh nhân tạo có trị giá cao nhất thế giới“.

Trước đây ba năm, khi đứng ra sáng lập Công ty Sensetime, ông Tang Xiao’ou đã không giấu giếm mục đích của mình: leo lên đỉnh cao. Tên tiếng Trung của công ty là Thương Thang, tên ông vua sáng lập triều đại nhà Thương trong lịch sử Trung Quốc. Có một lần Tang Xiao’ou giải thích vì sao đã chọn tên này cho công ty mình: “Thời bấy giờ Trung Quốc đã lãnh đạo thế giới và trong tương lai tới đây TQ cũng lại đóng vai trò này một lần nữa qua các công nghệ tiên tiến của nó”


Trên thực tế, sự trỗi dậy của Sensetime – và nhiều công ty khởi nghiệp khác trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo – không thể có được nếu không có những tham vọng của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Lý thuyết gia chính của Bộ chính trị Wang Huning và cũng là một trong những cố vấn quan trọng của Tập Cận Bình đã tuyên bố trước hội nghị quốc tế về Internet mới đây ở Wuzhen (thuộc tỉnh Chiết Giang): “Chúng ta sẽ xây dựng một Trung Quốc mạnh mẽ với Big Data và trí thông minh nhân tạo“. Trong bài nói chuyện truyền hình đầu năm nay, ông Tập ngồi trước một kệ sách, trong đó nổi bật có hai cuốn sách đang được bán chạy nhất về hứa hẹn của trí thông minh nhân tạo.

Cơn sốt khởi nghiệp trong nước cũng được thúc đẩy bởi rất nhiều tiền của nhà nước. Đảng Cộng sản đã xác định công nghệ này là tối quan trọng để họ sinh tồn và để hoàn thiện nền cai trị của họ. Một ngày then chốt là ngày 15 tháng 3 năm 2016. Vào ngày thứ Ba đó, một cuộc đấu cờ Go đáng ghi nhớ đã diễn ra tại Seoul; cờ Go phức tạp hơn nhiều so với cờ vua. Trong cuộc đấu này, máy AlphaGo của hãng trí thông minh nhân tạo-Labors Google Deep Mind ở London đã thắng cao thủ bậc nhất về cờ Go của Hàn Quốc là Lee Sedol. Thế giới chuyên nghiệp đã bị sốc – và ở Bắc Kinh, Đảng Cộng sản đã cuống quýt ra tay.

“Chiến thắng của Alpha Go đã thay đổi một cách cơ bản sự suy nghĩ của chúng tôi“, Zhang Bo, một nhà toán học và chuyên gia trí thông minh nhân tạo của Học viện Khoa học Trung Quốc cho biết. Chỉ chưa tới một năm sau đó, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc liền công bố một kế hoạch phát triển trí thông minh nhân tạo cực kỳ tham vọng.

Kế hoạch: đảo ngược mọi ngành công nghiệp lộn ngược

Theo kế hoạch này của nhà nước thì trí thông minh nhân tạo sẽ đảo ngược mọi ngành công nghiệp; trí thông minh nhân tạo sẽ trở thành động cơ của phát triển kinh tế. Đến năm 2020, Trung Quốc được thiết lập để bắt kịp với quốc gia nghiên cứu trí thông minh nhân tạo hàng đầu – đó là Hoa Kỳ. Đến năm 2025, chính Trung Quốc muốn đạt được “những đột phá lớn” trong nghiên cứu và ứng dụng trí thông minh nhân tạo, theo đó trí thông minh nhân tạo được cho là “động lực chính trong sự đổi mới công nghiệp và thay đổi kinh tế của Trung Quốc”. Cuối cùng, đến năm 2030, Bắc Kinh muốn rằng Trung Quốc sẽ là lãnh đạo hàng đầu và là “trung tâm phát huy về công nghệ trí thông minh nhân tạo quan trọng nhất trên thế giới”.

Nhưng riêng đối với đảng Cộng sản TQ, thì công nghệ trí thông minh nhân tạo có một hứa hẹn vô cùng hấp dẫn: Đó là sự kiểm soát nhân dân một cách toàn diện. Theo kế hoạch của chính phủ, “an ninh công cộng có thể trở nên hoàn chỉnh hơn bao giờ hết nhờ một hệ thống giám sát thông minh, cảnh báo sớm và kiểm soát triệt để“.

Sensetime đang đi hàng đầu trong lãnh vực kinh doanh này. Phần mềm nhận dạng khuôn mặt của công ty đang chạy trên các điện thoại thông minh và trong các ứng dụng dành cho thiết bị di động, nhưng trên hết, chúng đang giúp công an khắp mọi nơi ở Trung Quốc.

Thị trường này là khổng lồ. Năm 2016 Trung Quốc có 176 triệu camera, con số camera sẽ lên 600 triệu vào năm 2020. Ngày nay Sensetime cho hay đã có thể truy cập vào cơ sở dữ liệu trung ương của nhà nước với 500 triệu khuôn mặt. Cho tới cuối năm nay Sensetime muốn tăng số nhân viên lên 2.000 người và theo tin của Bloomberg họ sẽ đầu tư tiền triệu vào năm dàn máy Supercomputer và vào một dịch vụ mang tên là “Viper”, có thể nối mạng với 100.000 camera và có khả năng tự động đánh giá các dữ liệu thu thập được.








No comments:

Post a Comment

View My Stats