Hòa Ái, phóng viên RFA
2018-09-19
2018-09-19
Hệ thống sông Đồng Nai chảy qua 12 tỉnh, thành phía
Nam là một trong 3 lưu vực sông lớn và quan trọng nhất tại Việt Nam. Thế nhưng,
tình trạng ô nhiễm của sông Đồng Nai được giới chuyên gia gióng lên tiếng
chuông cảnh báo rằng nếu chậm giải cứu là có tội.
Ô nhiễm
và sạt lở nghiêm trọng
Hệ thống sông Đồng Nai, có tên gọi khác là Phước
Long Giang với chiều dài 600 km, được xem là dài nhất trong hệ thống sông ngòi
tại Việt Nam, chảy qua 12 tỉnh/thành bao gồm Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước,
Bà Rịa-Vũng Tàu, Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đắc Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh,
Long An và thành phố Hồ Chí Minh. Sông Đồng Nai đóng vai trò quan trọng trong sự
phát triển kinh tế-xã hội không chỉ ở các tỉnh/thành từ thượng nguồn đến hạ lưu
của dòng sông mà còn cho cả quốc gia.
Thế nhưng, trong những ngày cuối tháng 8 năm 2018,
Báo Người Lao Động Online đăng tải một loạt bài phóng sự với tiêu đề “Tiếng kêu
tuyệt vọng từ sông Đồng Nai” do dòng sông này đang trong tình trạng bị ô nhiễm
và sạt lở nghiêm trọng bởi nạn xả thải chưa qua xử lý và nạn khai thác cát tràn
lan hàng năm dài.
Sông Đồng Nai bị ô nhiễm được dư luận đặc biệt chú ý
kể từ khi nhà máy của Công ty Vedan, đóng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai xả
một lượng nước thải lớn không qua xử lý ra sông Thị Vải bị phát hiện hồi giữa
năm 2008. Thảm trạng sông Đồng Nai bị ô nhiễm do nước thải công nghiệp có chiều
hướng lan rộng trong một thập niên qua.
Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát môi trường,
toàn bộ hệ thống lưu vực sông Đồng Nai tiếp nhận hơn 4500 điểm xả từ nguồn nước
thải công nghiệp, khai thác khóang sản, làng nghề, nước sinh hoạt, nông nghiệp,
y tế, chăn nuôi…Trong đó, khoảng 80 doanh nghiệp hoạt động tại Khu công nghiệp
Biên Hòa 1 xả hơn 9000 m3 nước thải ra sông Đồng Nai nhưng chỉ có hơn 1000 m3
được xử lý qua hệ thống xử lý nước thải mà tỉnh Đồng Nai kiểm soát được. Cục Cảnh
sát môi trường cho biết phát hiện các doanh nghiệp không xây hệ thống xử lý nước
thải hoặc có xây nhưng không vận hành, thậm chí còn xây hệ thống xả thải ngầm để
xả thải chưa qua xử lý ra kênh rạch và sông Đồng Nai.
Đài RFA ghi nhận các hộ dân sinh sống trên lưu vực
sông Đồng Nai bằng nghề nuôi cá lồng bè là những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi
nguồn nước sông bị ô nhiễm. Chúng tôi được dịp gặp gỡ với hai người nuôi cá lồng
bè trên sông Đồng Nai và được cho biết:
“Ảnh hưởng cũng nhiều lắm. Tại vì mỗi lần nước thải
xả ra thì cá và hàu chết nhiều lắm. Nhìn cá chết như vậy thì tiếc lắm! Tôi cũng
mong sao các công ty đỡ xả nước thải ra, chứ cá chết như vậy thì dân khổ quá.
Làm ăn khó khăn quá!”
“Mưa thì nước bị ô nhiễm nhiều. Cá bị bệnh ghẻ. Cá gặp
phải nước độc là nổi lên hết. Mưa xuống hòa với nước xả thải thì cá ngộp, nổi
lên chết hết.”
Đời sống của dân chúng ở lưu vực sông Đồng Nai bị ảnh
hưởng như thế nào? Một người dân tại khu vực Hồ Trị An lên tiếng:
“Rác thải của mấy công ty rình đem về chỗ cầu Đồng
Nai trong khu vực gần đập thủy điện Trị An đổ, cho nên bị ô nhiễm. Vì bị ô nhiễm
nên muỗi vằn nhiều khiến dịch sốt xuất huyết tràn lan. Tình trạng sông ô nhiễm
gây ảnh hưởng cá chết, người bệnh, súc vật cũng bị lây nhiễm.”
Bên cạnh đó, nạn khai thác cát gây ra hậu quả sạt lở
nghiêm trọng trên sông Đồng Nai. Những địa phương mà đoạn sông Đồng Nai chảy
qua như xã Tân Uyên, tỉnh Bình Phước hay xã Tân Hạnh, phường Bửu Hòa, phường
Tân Vạn, thuộc thành phố Biên Hòa thì đôi bờ con sông bị đào bới vô tội vạ do
khai thác cát hợp pháp lẫn cát tặc. Người dân ở dọc dòng sông Đồng Nai đầy lời
kêu than nhà cửa, ruộng vườn bị sạt lở. Hàng trăm người dân ở huyện Nhơn Trạch
và thành phố Biên Hòa gửi đơn khiếu nại đến chính quyền phản ánh những bất cập
liên quan nạo vét và tận thu khoáng sản. Mặc dù vậy, những người dân mà Đài RFA
tiếp xúc và truyền thông trong nước ghi nhận thì hầu như các cấp chính quyền địa
phương tỏ ra “vô can”.
Trách
nhiệm của chính quyền
Nguồn nước sông Đồng Nai do nhiều ngành khác nhau quản
lý.Courtesy: Ảnh chụp màn hình thiennhien.net
Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng
Nai, gọi tắt là Ủy ban sông Đồng Nai, được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định
thành lập hồi tháng 12 năm 2008 để thực hiện đề án bảo vệ môi trường sông Đồng
Nai đến năm 2020 trong bối cảnh dòng sông này ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng,
đe dọa nguồn nước sinh hoạt của hơn 15 triệu dân.
Tuy nhiên, sau gần 10 năm hoạt động, tại phiên họp lần
thứ 11 của Ủy ban sông Đồng Nai, giới chức chính quyền của tỉnh Tây Ninh đề nghị
cần đánh giá lại vai trò của ủy ban này trong công việc thực hiện đề án.
Qua loạt bài phóng sự “Tiếng kêu tuyệt vọng từ sông Đồng Nai”, Báo Người Lao Động
Online ghi nhận thực tế quản lý còn nhiều hạn chế, buông lỏng và không hiệu quả
do sự phối hợp giữa chính quyền các địa phương của 12 tỉnh/thành trên lưu vực
sông Đồng Nai và các bộ, ngành không chặt chẽ và yếu kém. Phóng viên của Báo
Người Lao Động Online chia sẻ rằng họ cố gắng liên lạc với giới chức chính quyền
các địa phương để tìm hiểu thêm về những biện pháp khắc phục hậu quả trên sông
Đồng Nai, nhưng hầu hết đều không nhận được sự hồi đáp nào và các số liệu thống
kê mà họ thu thập được cho thấy mục tiêu kiểm soát nguồn thải trên sông Đồng
Nai được Chính phủ đưa ra gần như thất bại.
Đài Á Châu Tự Do nêu vấn đề với Tiến sĩ Lê Anh Tuấn,
thuộc trường Đại Học Cần Thơ và được nghe ông nhận định 12 tỉnh/thành quản lý
nguồn nước trên sông Đồng Nai chưa được rõ ràng mặc dù có Ủy ban sông Đồng Nai
để phối hợp quản lý. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn nói:
“Các ủy ban đó chỉ họp theo định kỳ và những người đứng
đầu của các ủy ban thường không có chuyên ngành về quản lý sông ngòi. Do đó, những
bất cập do sự phát triển quá nhiều so với khả năng của tự nhiên thì làm cho
dòng sông này bị mất cân đối về nguồn nước sử dụng và nguồn nước thải ra cần phải
xử lý. Như vậy, nếu chúng ta không có một giải pháp nào để quản lý sông tốt
hơn, mà mỗi tỉnh/thành quản lý dòng sông chảy qua trrên địa phương của mình thì
sẽ không đủ để cả một hệ thống sông hoạt động điều hòa và bền vững được.”
Trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng chỉ còn 2 năm nữa
để Ủy ban sông Đồng Nai thực hiện mục tiêu của đề án đến năm 2020 thì việc quan
trọng mà ủy ban này cần làm là gì, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn nhấn mạnh:
“Tôi nghĩ rằng ủy ban này cần tổ chức cuộc họp mà
trong đó sẽ mời các chuyên gia khoa học hoạt động độc lập, để họ đánh giá khách
quan những mặt được cũng như chưa được của ủy ban này và họ sẽ đưa ra kiến nghị
những thay đổi cần thiết về mặt chính sách và các phương tiện hoạt động, hoặc
liên quan về nhân sự để cho ủy ban hoạt động hiệu quả hơn.”
Báo Người Lao Động Online, vào ngày 30 tháng 8, dẫn
lời của Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện Sinh thái học
Miền Nam đưa ra một biện pháp cần làm ngay để bảo vệ sông Đồng Nai là thành lập
những nhóm cộng đồng tự quản để cùng tham gia giám sát tình trạng khúc sông chảy
qua địa phận sinh sống của họ. Tuy nhiên, một vài chuyên gia mà Đài RFA trao đổi
cho rằng biện pháp vừa nêu sẽ gặp nhiều bất cập như chưa có chính sách nào hỗ
trợ cho người dân để họ được trang bị các kiến thức cơ bản về dòng chảy, đặc điểm,
chất lượng nước của sông hoặc họ nhận biết được những nguy cơ bị sạt lở được
đánh giá như thế nào để họ thông báo cho chính quyền, cũng như cần có cơ chế hỗ
trợ về kinh phí nào đó để người dân có thể làm những việc liên quan giám sát
dòng sông.
No comments:
Post a Comment