BBC Tiếng Việt
19 tháng 9 2018
Tổ
chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức
blogger, nhà hoạt động Ngô Văn Dũng sau khi ông đột ngột bị bắt giữ cách đây
hai tuần.
Ông Ngô Văn Dũng đã mất tích từ hôm 4/9.
NGÔ VĂN DŨNG/FACEBOOK
Theo RSF, một số người đã chứng kiến lúc công an bắt
giữ ông Dũng vào sáng 4/9 và thông báo cho gia đình.
Sau đó, gia đình ông Dũng đã tìm cách liên lạc với
ông qua điện thoại thì nhận được một tin nhắn rằng ông đã bị cảnh sát bắt tại
quận Bến Nghé, TP Hồ Chí Minh, vẫn theo RSF.
Bà Kim Nga, vợ ông Dũng nói với BBC qua điện thoại
hôm 19/9 rằng cả gia đình đã bỏ hết công việc, từ Đắk Lắk lên Sài Gòn tìm ông
đã ba lần mà không thấy.
"Đã 16 ngày rồi chúng tôi không có tin tức gì của ông ấy. Lần duy nhất
là hôm 4/9, sau nhiều lần liên tiếp gọi vào máy của chồng không được thì tôi nhận
được tin nhắn từ số điện thoại của ông ấy rằng "Anh bị bắt rồi". Và
nhắn là ở công an phường Bến Nghé. Nhưng từ đó đến nay thì không còn tin tức gì
nữa."
Bà Nga nói bà và các con đã đi tìm khắp các nơi, từ
công an phường Bến Nghé đến Bến Thành, lội qua công an Quận 1, qua mặt trận tổ
quốc. Nơi nọ chỉ qua nơi kia.
Gia đình bà cũng đã làm đơn kêu cứu lên công an Đắk
Lắk và gửi thủ tướng chính phủ, nhưng chưa nhận được hồi âm từ bất kỳ nơi nào.
Bà Nga nói gia đình rất lo vì 'cứ vô đồn công an là
bị chết nhiều lắm. Mới đây cũng vừa có vụ công an đánh một người dân chết'.
"Ông ấy có tội gì, vì sao bị bắt thì cũng phải báo cho gia đình một
câu chứ. Giờ chúng tôi không biết phải làm sao, phải đi đâu nữa," bà Nga nói với BBC từ Sài Gòn.
Ông Ngô
Văn Dũng là ai?
Ông Dũng là một thành viên của phong trào Chấn hưng
Nước Việt, một phong trào ủng hộ dân chủ đấu tranh cho "tự do báo chí và
quyền tiếp cận thông tin", theo như RSF.
Ông Dũng cũng chia sẻ nhiều video clip quay lại các
cuộc biểu tình chống dự luật đặc khu hồi tháng Sáu, và đăng tải một đoạn video
phân tích bản án 9 năm tù của blogger Trần Thị Nga về cáo buộc tuyên truyền chống
nhà nước vào tháng 7/2017.
Lần cuối ông Dũng đăng trên Facebook cũng là vào tầm
10 giờ sáng ngày 4/9 khi đi trên phố. Facebook của ông trước đó cũng thường
xuyên cập nhật về những người bất đồng chính kiến khác bị bắt giữ.
"Chúng tôi kêu gọi các nhà chức trách Việt Nam làm sáng tỏ tình hình
của ông Ngô Văn Dũng," Daniel Bastard, người đứng đầu
văn phòng châu Á-Thái Bình Dương của RSF nói.
"Việc giam giữ một công dân một cách tùy ý và trái với mọi thủ tục
pháp lý, chính phủ lại một lần nữa cho thấy sự coi thường đối với bất kỳ khái
niệm nào về pháp quyền."
"Các đối tác thương mại của Việt Nam cần phải đưa ra những kết luận.
Đặc biệt, chúng tôi kêu gọi các thành viên của nghị viện châu Âu trì hoãn việc
phê chuẩn hiệp định thương mại tự do với Việt Nam dự kiến sẽ được bỏ phiếu trước
cuối năm nay."
Phong
trào Chấn hưng Nước Việt
Sinh hoạt của phong trào Chấn hưng Nước Việt, tập
trung vào việc đưa những tin tức bị cho là có tính cách 'nhậy cảm, và các
thành viên của phong trào, từ lâu đã bị chính quyền Hà Nội theo dõi.
Trước đó, trong phiên tòa phúc thẩm xử ba thành viên
của phong trào Chấn hưng Nước Việt là Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển và Trần Hoàng Phúc
hôm 10/7/2018 tại Tòa án Nhân dân TP Hà Nội, tòa tuyên y án sơ thẩm với ba bị
cáo, với tội danh tuyên truyền chống phá nhà nước.
Cụ thể Vũ Quang Thuận 8 năm tù, 5 năm quản chế. Nguyễn
Văn Điển 6,5 năm tù, 4 năm quản chế. Trần Hoàng Phúc 6 năm tù, 4 năm quản chế.
Lý do y án là vì Hội Đồng Xét Xử cho rằng cả 3 người
đã 'tàng trữ tài liệu, làm, đăng tải các video có nội dung tuyên truyền chống
nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên mạng Internet'.
Trong thông báo cáo phát đi ngay sau đó, hôm 11/7, Đại
sứ quán Mỹ tại Hà Nội bày tỏ "thất vọng sâu sắc" "trước việc một
tòa án phúc thẩm đã giữ nguyên bản án đối với Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển
và Trần Hoàng Phúc".
No comments:
Post a Comment