Cái bẫy “hậu sự thật”
Saturday, September 8, 2018
Giả sử bạn vướng vào một cuộc tranh luận trên mạng
giữa một bên nói chương trình đào tạo thạc sĩ chống tham nhũng là chuyện tào
lao, không cần thiết, chỉ mang tính phô trương và bên kia cho rằng một chương
trình như thế là không thể thiếu vì sẽ trang bị kiến thức được hệ thống hóa về
tham nhũng, các biểu hiện, các giải pháp mà quản trị nhà nước cần nắm.
Bạn bỏ công tìm tòi và đóng góp một bài dài vào cuộc
tranh luận về các chương trình tương tự mà các nước khác đã tổ chức, kể cả mục
đích của việc đào tạo, việc làm kỳ vọng sau tốt nghiệp... Ý kiến của bạn rơi
vào khoảng không; hai bên tiếp tục tranh cãi, không thèm đếm xỉa đến những số
liệu công phu bạn đưa ra.
Đó là một tình huống có thể dùng để minh họa cho một
khái niệm mới: hậu sự thật, hậu chân lý (post-truth) mà thế giới đang bàn tán
nhất là sau khi tin giả xuất hiện khắp nơi. Chữ “hậu” ở đây mang nghĩa vượt lên
trên, vượt qua, bỏ lại đằng sau… ý nói sự thật là không quan trọng bằng cái đằng
sau sự thật.
Hậu sự thật là một tình huống khi người ta không còn
dựa vào dữ kiện khách quan để minh định đúng sai mà mọi tranh luận đều dựa vào
cảm tính, vào xúc cảm nảy sinh và dẫn dắt luồng suy nghĩ. Một khi dư luận hình
thành do các hô hào đánh vào lòng yêu ghét, giận dữ, thương cảm chứ không phải
từ sự thật, đó là một xã hội hậu chân lý!
Nhân vật được nhắc đến nhiều nhất mỗi khi bàn đến
“post-truth” là Tổng thống Mỹ Donald Trump. Với ông Trump, hậu sự thật đến từ cả
hai phía. Một bên thì báo chí Mỹ săm soi vào tất cả các phát biểu của ông, đếm
ra bao nhiều lời nói sai sự thật hay gây nhiễu thông tin (Washington Post đếm
trong 466 ngày nhậm chức, ông Trump có 3.001 tuyên bố kiểu như thế, trung bình
6,5 phát biểu mỗi ngày!).
Bên kia ông Trump liên tục viết các câu chê bai báo
chí là “fake news” (tin giả); ví dụ sau khi đưa ra những con số chứng tỏ tỷ lệ
thất nghiệp ở Mỹ đang xuống mức thấp kỷ lục, GDP đăng tăng cao nhất… Trump dè bỉu
báo chí cứ chăm chăm vào tin xấu mà không chịu thừa nhận thực tế khách quan
này. Nhìn vào không gian chính trị Mỹ theo cách đó dường như sẽ thấy hai tháp
ngà bọc bởi những bong bóng khổng lồ, bên trong ồn ào tiếng cãi vã nhưng không
lọt nổi ra ngoài chứ chưa nói đến thấm vào tháp ngà bên kia. Đó là những quả
bóng “post-truth”.
Mạng xã hội là nơi hậu sự thật thắng thế, lan tràn.
Trong khi báo chí còn phải qua nhiều tầng nấc kiểm chứng, xác minh thông tin
trước khi đăng, bất kỳ ai cũng có thể dùng mạng xã hội để lôi kéo người khác
tin theo câu chuyện của mình, bất kể sự thật.
Ai trong chúng ta từng dùng mạng xã hội đều đã có lần
phẫn nộ, thương cảm, giận dữ, vò đầu bứt tai vì bức xúc trước một câu chuyện
nào đó mà sau này bị phát hiện là không chính xác. Cũng may là với đa số người
dùng, sự thật vẫn còn khả năng vượt thắng; cảm xúc sẽ bị chế ngự khi biết sự thật.
Nhưng xu hướng bất chấp sự thật để tiếp tục giận dữ, bức bối một cách cảm tính
trong một tình huống hậu sự thật là có thật và ngày càng lan rộng.
Tuy nhiên, hậu sự thật là một khái niệm buông xuôi,
phó mặc cho xúc cảm chi phối đến nhận thức trong khi thực tế vẫn cần các bên thừa
nhận nhiều chân lý làm nền tảng, bộ khung và chất kết dính cho xã hội hiện đại.
Hậu sự thật chỉ có thể xuất hiện trong một số tình huống và để khỏi rơi vào cái
bẫy hậu sự thật, phải làm cho các tình huống này ngày càng hẹp lại.
Trong quá trình này kỹ năng kiểm chứng thông tin để
củng cố sự thật, bác bỏ thông tin cố ý làm cho sai lệch là kỹ năng mới, rất cần
thiết. Và quan trọng nhất là đừng xem hậu sự thật như một điều hấp dẫn, lôi cuốn
đầy ma mị - buông sự thật để cùng tác động vào tình cảm như đối thủ tranh luận
là một chọn lựa dễ theo nhưng sẽ không đi đến đâu vì tách rời chân lý.
Có thể trông chờ báo chí chính thống để ngăn đà tụt
dài vào xã hội hậu sự thật được không? Đó là vai trò của báo chí từ xưa đến nay
với điều kiện chúng ta đừng tạo bộ lọc để chọn nhận tin này và đóng cửa với tin
kia. Con người có xu hướng thích đọc những gì họ muốn nghe và lướt qua hay ngó
lơ những điều không muốn nghe. Ngày xưa thì khó hơn vì dù sao phải đọc cả tờ
báo hay xem trọn chương trình thời sự. Nay thì dễ hơn nhiều khi có những nơi chọn
tin giùm bạn như cái dòng cấp tin trên Facebook sẽ trao cho bạn tin bạn muốn đọc
hay bạn bè bạn muốn chia sẻ.
Người muốn toàn tin xấu sẽ nhận toàn tin xấu; người
trông chờ tin tốt sẽ tràn ngập tin tốt – khỏi cần băn khoăn. Mở rộng cõi lòng để
đón nhận tất cả mới mong trụ lại ở thế giới này, không bị lôi xuống vòng xoáy của
một thế giới hậu sự thật.
No comments:
Post a Comment