Wednesday, 5 September 2018

NHẤT ĐỚI NHẤT LỘ hay THOÁT TRUNG (Nguyễn Quang Dy)




Nguyễn Quang Dy  -  Viet-Studies  
4/9/2018

Trí khôn của con người rất mạnh, nhưng chúng ta không nên coi thường sự ngu xuẩn của con người” (“Human wisdom is very powerful, but we should never underestimate human stupidity” - Yuval Noah Harari, “It takes just one fool to start a war”).

*
Ba cơn địa chấn

Ngày 9/5/2018 đi vào lịch sử đương đại Malaysia, như một “cơn địa chấn chính trị” (New York Times, May 17, 2018). Sự kiện ông Mahathir Mohamad (93 tuổi) thắng cử còn là một “bước ngoặt chiến lược” trong quan hệ giữa Malaysia với Trung Quốc và sáng kiến “Nhất đới Nhất lộ”, với những hệ quả “không định trước” (unintended consequences).

Trước đây, sáng kiến “Nhất đới Nhất Lộ” của Trung Quốc được triển khai thuận lợi tại Malaysia dưới thời ông Najib Razak, nay bỗng nhiên bị đảo lộn bởi ông Mahathir Mohamad. Hãy hình dung cái cầu khổng lồ “Nhất đới Nhất Nhất lộ” bắc ngang qua vùng Đông Nam Á, thì nay “nhịp cầu Malaysia” đang bị cơn địa chấn làm rung chuyển (tuy chưa sụp đổ).  

Ông Mahathir trở lại chính trường ở tuổi “xưa nay hiếm”, liên minh với Anwar Brahim (là đối thủ chính trị) đánh bại Najib Razak để lên làm thủ tướng. Nhưng ông không chỉ điều tra để luận tội tham nhũng của Najib Razak, mà còn đang xoay trục để “thoát Trung”, đảo ngược nhiều chính sách của chính phủ cũ, trong đó có các dự án “Nhất đới Nhất lộ”.

Bước ngoặt này đang làm Bắc Kinh giật mình, đối phó lúng túng (vì bị bất ngờ). Tuy Bắc Kinh buộc phải xem xét lại để điều chỉnh chính sách, nhưng điều chỉnh như thế nào, và có kịp hay không lại là chuyện khác vì “thiệt hại đã xảy ra rồi” (damage is done). Làn sóng “thoát Trung” trước đây còn âm ỷ thì nay đang lan rộng nhanh sau cơn địa chấn Mahathir.

Thực ra, trong năm 2018, Bắc Kinh đã giật mình và bị động đối phó với ba cơn địa chấn.
Thứ nhất, Kim Jung-un tìm cách xoay trục để “thoát Trung”, thông qua hòa hoãn Liên Triều và Mỹ-Triều nhằm “phi hạt nhân hóa” bán đảo Triều Tiên. Cuộc gặp cấp cao đầy kịch tính Moon-Kim (Panmunjion, 27/4) và Trump-Kim (Singapore, 12/6/2018) làm Bắc Kinh đau đầu vì để mất vai trò chủ đạo khi bị Mỹ và hai bên Triều Tiên gạt ra khỏi cuộc chơi mới.

Cơn địa chấn thứ hai là Mahathir lên cầm quyền tại Kuala Lumpur (9/5/2018), đang xoay trục để “thoát Trung”, và từng bước rút khỏi cuộc chơi “Nhất đới Nhất lộ”. Cơn địa chấn thứ ba là Trump bất ngờ quyết định (6/7/2018) đánh thuế 25% hàng hóa Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD, mở màn cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, sau khi phó thủ tướng Lưu Hạc sang Mỹ đàm phán nhưng thất bại. Đó là ba bước ngoặt lớn có ý nghĩa chiến lược.

Có thể nói, ba cơn địa chấn nói trên không chỉ làm Bắc Kinh đau đầu đối phó, mà còn làm nhiều nước khác (trong đó có Việt Nam) cũng giật mình, phải suy nghĩ lại để điều chỉnh chiến lược, (trước khi quá muộn). Tuy Malaysia và Bắc Triều Tiên khác nhau, nhưng ý định “thoát Trung” không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên, mà là một xu hướng tất yếu. Trong một bài gần đây tôi có viết: “nếu một số nước ngả theo Trung Quốc là nhất thời do hoàn cảnh hay vì thực dụng nên có thể đảo ngược, thì xu hướng thoát Trung không thể đảo ngược”.  

Xu hướng thoát Trung 

Sau nhiều năm ngả theo Trung Quốc, nên bị mắc kẹt vào cái “bẫy nợ” (debt trap) của kế hoạch  “Nhất đới Nhất lộ”, ông Najib Razak đã đưa Malaysia đến bờ vực phá sản. Nay ông Mahathir Mohamad lên cầm quyền, phải dọn dẹp cái đống tham nhũng và nợ công (250 tỷ USD) do chính phủ cũ để lại. Malaysia là một nước ASEAN có quá trình phát triển đầy ấn tượng (trong thập niên 1980 và 1990), nhưng Malaysia nay đang suy thoái và có nguy cơ trở thành nạn nhân của “chủ nghĩa thực dân mới” (neo-colonialism) mang bản sắc Trung Quốc.  

Trong chuyến thăm Trung Quốc (17-21/8/2018), Mahathir đã tuyên bố hủy bỏ hai dự án lớn “bất công” mà chính phủ cũ đã ký với Trung Quốc (trị giá hơn 22 tỷ USD), trong đó dự án đường sắt cao tốc phía Đông ECRL (trị giá 20 tỷ USD) và dự án đường dẫn khí đốt (trị giá 2,3 tỷ USD). Ngoài ra, Mahathir còn đang cân nhắc một số dự án lớn khác như khu đô thị Forest City (trị giá 100 tỷ USD) và dự án cảng Melaka (trị giá 10,5 tỷ USD). Forest City là một khu đô thị mới được xây trên 4 hòn đảo nhân tạo, có đủ diện tích cho 700,000 người (chủ yếu nhắm vào người Trung Quốc di cư) làm người ta lo ngại về sự đảo lộn cân bằng sắc tộc.  

Tại cuộc họp báo cùng Thủ tướng Lý Khắc Cường tại Băc Kinh (20/8/2018), Mahathir đã phát biểu thẳng thừng: “Chúng ta phải luôn nhớ rằng trình độ phát triển của các nước không giống nhau. Chúng tôi không muốn rơi vào tình huống có một loại chủ nghĩa thực dân kiểu mới diễn ra vì các nước nghèo không thể cạnh tranh với các nước giàu, do đó chúng ta cần thương mại công bằng”.  Tuy đã 93 tuổi, nhưng ông Mahathir làm người ta phải kính nể. 

Thật là trớ trêu khi Mahathir chỉ trích Trung Quốc là chủ nghĩa thực dân mới, vì trước đây khi còn đang cầm quyền (trong thập niên 1980 và 1990) ông thường chỉ trích phương Tây đúng như vậy. Lúc đó, chính Trung Quốc cũng hay dùng lá bài “chống chủ nghĩa thực dân mới” để chỉ trích phương Tây, nhưng nay chính họ lại trở thành “thực dân mới”. “Nhất đới Nhất lộ” chẳng khác gì các hiệp ước bất bình đẳng mà trước đây các nước phương Tây áp đặt cho Trung Quốc. Nó còn nhằm răn đe không cho ai chống đối hay chỉ trích Trung Quốc.
Tuy Mahathir không sợ Trung Quốc, nhưng ông vẫn đủ khôn ngoan để không làm mất mặt Bắc Kinh, bằng cách đổ mọi chuyện tồi tệ tại Malaysia cho Najib Razack. Chắc Bắc Kinh không hài lòng với Mahathir, nhưng lúc này phải nhịn để cứu vãn tình thế, và điều chỉnh lại chính sách “Nhất đới Nhất lộ” cho phù hợp hơn với các đối tượng khác nhau.   

Sau hội nghị Bắc Đới Hà, Tập Cận Bình đã dự môt cuộc họp tại Bắc Kinh (cuối 8/2018) để xem lại chính sách. Tập nói, “Nhất đới Nhất lộ” là sáng kiến hợp tác kinh tế, chứ không phải một liên minh quân sự hay địa chính trị. Đó là một quá trình cởi mở và quy nạp, chứ không phải lập hội kín hay câu lạc bộ…”. Việc đầu tư sẽ dựa trên “tham khảo rộng rãi, cùng nhau đóng góp, và chia sẻ lợi ích” (extensive consultation, joint contributions, and shared benefits). (Mahathir, China and neo-colonialism, Richard McGregor, Nikkei, August 30, 2018).

Tuy nhiên, có nhiều khả năng Mahathir sẽ chơi lá bài Nhật để tránh dựa quá nhiều vào Trung Quốc. Mahathir tin rằng trong khu vực chỉ có Nhật là thực sự có khả năng đối trọng với Trung Quốc về đầu tư và xây dựng hạ tầng. Trước đây, Mahathir đã nổi tiếng bài ngoại và chống phương Tây, trong khi ngưỡng mộ và muốn hợp tác với Nhật. Nay chắc Mahathir sẽ trở lại chính sách “Hướng Đông” (Look East) như trước, và có thể tăng cương quan hệ với nhóm “tứ Cường” (Quad) gồm Mỹ-Nhật-Ấn-Úc (theo tầm nhìn Indo-Pacific).  

Nhất đới nhất lộ và bẫy nợ

Theo các nhà quan sát, sáng kiến “Nhất đới Nhất lộ” của Trung Quốc đang bị thụt lùi (setbacks), vì các nước Đông Nam Á bắt đầu chống lại kế hoạch đó (do Trung Quốc dẫn dắt) nhằm thay đổi trật tự khu vực. Bài học Sri Lanka làm nhiều nước tỉnh ngộ khi nước này nợ Trung Quốc quá nhiều, nên buộc phải cho thuê cảng Hambantota tới 99 năm. (Backlash builds against China as Belt and Road ties fray, Hiroyuki Akita, Nikkei, September 2, 2008).
Ngoài trường hợp Malaysia, các nước khác trong khu vực ngả theo Trung Quốc nay đều đứng trước vấn đề tương tự về “bẫy nợ”, chủ quyền quốc gia, và phản ứng của người dân, nên sớm muộn cũng sẽ đảo chiều. Philippines là một ví dụ. Gần đây Tổng thống Duterte đã thay đổi thái độ đối với Trung Quốc. Trong vòng 10 ngày tháng 8/2018, Duterte đã ba lần phát biểu khác trước về Biển Đông, chứng tỏ có sự rạn nứt giữa Manila và Bắc Kinh.  

Người Philippine ngày càng thất vọng vì Manila đã thỏa hiệp nhiều với Trung quốc về Biển Đông, nhưng không được đáp lại tương ứng. Vì bầu cử giữa kỳ sắp tới (5/2018) nên Duterte không thể bỏ qua dư luận. Điều chỉnh của Manila phản ánh hai thực tế: Một là Bắc Kinh dùng lợi ích kinh tế của các dự án “Nhất đới Nhất lộ” để lôi kéo các nước khu vực theo họ không hề dễ dàng. Hai là Trung Quốc tuy không có vấn đề lớn về huy động vốn để hỗ trợ các dự án này, nhưng triển khai kém, thiếu minh bạch, và làm nước chủ nhà bất bình.  
  
Điều này làm cho các nước vay tiền Trung Quốc sẽ phản ứng lại mỗi khi bị lôi cuốn vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc. Trong khu vực có một số nước láng giềng có vẻ thân Trung Quốc như Thailand, Myanmar, Lào và Campuchea. Lúc đầu, Bắc Kinh muốn dự án “đường sắt cao tốc” Thái-Trung (trị giá 5,5 tỷ USD) chia cho các nhà đầu tư, nhưng sau đó Bangkok quyết định làm chủ tất, vì không muốn Bắc Kinh nắm quyền kiểm soát. Chính phủ quân sự Thái còn đề nghị lập “ngân hàng phát triển khu vực Đông Nam Á” (Southeast Asian regional development bank) làm đối trọng với sáng kiến “Nhất đới Nhất lộ” của Bắc Kinh.

Myanmar cũng đòi Trung Quốc giảm quy mô dự án cảng nước sâu Kyauk Pyu (trị giá 7,3 tỷ USD) vì giá quá cao và sợ sa vào bẫy nợ Trung Quốc, và chưa nhất trí triển khai dự án đường sắt cao tốc nối liền hai nước, vì lo ngại Bắc Kinh có thể sử dụng nó vào mục đích quân sự. Tại Lào, đặc khu kinh tế Boten và tuyến đường sắt Boten-Vientiane (trị giá 6 tỷ USD), và tại Campuchia, cảng Shihanoukville và Koh Kong, cũng đang gây tranh cãi. Theo ông Gareth Evans (cựu ngoại trưởng Úc) “Lào và campuchia, mỗi nước đã vay hơn 5 tỷ USD, nên hiện nay là “chi nhánh của Trung Quốc” (wholely owned subsidiaries of China).

Theo Joshua Kurlantzick (Council on Foreign Relations) kế hoạch “Nhất đới Nhất lộ” của Trung Quốc tuy làm các quan chức Mỹ ngạc nhiên và lo ngại, nhưng nó chứa đựng những mầm mống bất ổn, có thể làm cho các nước trong cuộc sẽ đảo chiều chống lại Bắc Kinh chứ không giúp họ có ảnh hưởng và uy tín như người ta vẫn tưởng. (Chinas Risky Play for Global Power, Joshua Kurlantzick, Washington Monthly, September/October 2018). 

Theo New York Times, kế hoạch “Nhất đới Nhất lộ” của Trung Quốc còn lớn hơn cả Kế hoạch Marshall. Nhưng Kế hoạch Marshall viện trợ chủ yếu là không hoàn lại (grants) trong khi Trung Quốc chủ yếu cho vay làm hạ tầng với lãi suất cao hơn các nhà tài trợ chính (như Nhật). Theo ADB, các nền kinh tế mới nổi tại châu Á cần khoảng 1.700 tỷ USD/năm để duy trì tăng trưởng, xóa đói giảm nghèo và đối phó với biến đổi khí hậu, nhưng Mỹ không thể đáp ứng nhu cầu của các nước đó như Trung Quốc với kế hoạch “Nhất đới Nhất lộ”..   

Cuộc chiến thương mại giai đoạn hai

Theo các chuyên gia, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có ba vấn đề chính: Thứ nhất là công nghệ, vì Trung Quốc vẫn lệ thuộc vào công nghệ Mỹ (ví dụ ZTE); Thứ hai là tài chính (ví dụ Broadcom muốn mua Qualcomm); Thứ ba là chiến lược, vì Bắc Kinh có thể dùng “bẫy nợ” để kiểm soát các cơ sở hạ tầng quan trọng, thậm chí kiểm soát cả một nước. Trong khi chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang, thì kế hoạch “Nhất đới Nhất lộ” đang làm cho một số nước phải nghĩ lại (second thought) và dẫn tới một làn sóng đảo ngược (backlash). 

Về lâu dài, “bẫy nợ” có thể xô đẩy các nước khu vực chống lại làm Bắc Kinh khó đạt được các mục tiêu kinh tế và chiến lược tại Châu Á như muốn đẩy Mỹ ra khỏi khu vực này. Tuy Mỹ không có khả năng đáp ứng nhu cầu của các nước như Trung Quốc với “Nhất đới Nhất lộ”, nhưng sáng kiến này ẩn chứa nhiều bất ổn lâu dài đối với Trung Quốc cũng như các nước vay vốn. Malaysia là một ví dụ về tâm lý dân chúng có thể gây bất ngờ, vì thái độ nghi ngại Trung Quốc có thể biến thành tâm lý bài ngoại và phân biệt sắc tộc nguy hiểm.

Theo Bloomberg (30/8/2018), Trump đã nói với các trợ lý rằng ông sẵn sàng áp thuế 25% lên thêm 200 tỷ USD hàng Trung Quốc từ ngày 6/9 (sau khi lấy ý kiến dân chúng). Như vậy, giai đoạn hai sẽ chính thức bắt đầu vào tuần tới, và chắc sẽ không dừng lại cho đến bầu cử giữa kỳ (tháng 11/2018). Vừa qua, đàm phán (cấp thứ trưởng) không có kết quả. Tuần trước, khi trả lời Reuters , Ông Trump đã nói rằng việc giải quyết chiến tranh thương mại với Trung Quốc sẽ “mất thời gian” và “chưa có khung thời gian” để kết thúc cuộc chiến này.

Tuy dự trữ ngoại hối của Bắc Kinh lên đến 3.200 tỉ USD, nhưng nợ công đã vượt 250% GDP. Nay cuộc chiến thương mại đã làm thị trường chứng khoán Shanghai sụt 20%, làm vốn đầu tư đang chạy ra khỏi Trung Quốc, tăng trưởng không thể vượt mức 6%. Mới đấu hiệp một (trị giá 50 tỷ USD), Trung Quốc đã mất hơn 2.000 tỉ USD dự trữ ngoại hối. Nếu đấu hiệp hai (trị giá 200 tỉ USD) thì Trung Quốc sẽ mất bao nhiêu? Sẽ đến lúc Bắc Kinh không còn tiền để đầu tư vào các dự án “Nhất đới Nhất lộ” tại khu vực (trong đó có “ba đặc khu”).

Trong khi chờ các chuyên gia kinh tế và chuyên gia luật pháp phân tích mổ xẻ kỹ hơn về hai quả bom “Đặc khu Kinh tế” và “Nhân dân Tệ”, tôi xin chia sẻ vài suy nghĩ trong bối cảnh quốc tế hiện nay để cùng tham khảo. Thực ra, quyết định cho đồng NDT được chính thức lưu thông trên toàn tuyến biên giới, hay dự luật “ba đặc khu kinh tế”, hay ý tưởng lập các “khu hợp tác kinh tế qua biên giới” theo mô hình “hai nước một khu” là một chuỗi sự kiện có chung nguyên nhân và hệ quả như phương trình của một bài toán đã được cài đặt từ trước.   

Đặc khu kinh tế và nhân dân tệ

Gần hai tháng qua, dự luật ba đặc khu kinh tế bị dư luận phản đối dữ dội nên đã hoãn lại (đến hết năm nay), như một quả bom nổ chậm được hẹn giờ lùi lại, nhưng chưa tháo ngòi nên vẫn còn nguy hiểm, trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Đúng lúc đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lại đổ thêm dầu vào lửa bằng thông tư 19/2018/TT-NHNN (28/8/2018) hướng dẫn thực hiện điều 8 của Hiệp định Thương mại Biên giới do Bộ trưởng Công thương ký (12/9/2016). Thông tư 19 cho phép đồng Nhân dân Tệ (Yuan) được lưu thông và thanh toán tại 7 tỉnh biên giới từ ngày 12/10/2018. Một tháng nữa quả bom này sẽ phát nổ.   
     
Thứ nhất, theo hiến pháp Việt Nam, trên toàn quốc chỉ được lưu hành một đồng tiền duy nhất (là VND). Chủ quyền tiền tệ là chủ quyền quốc gia, được hiến pháp quy định. Thông tư 19 của NHNN cho phép đồng NDT được lưu hành (cùng với VNĐ) là vi hiến và lạm quyền, cần phải thu hồi. Trên thế giới không có nước nào làm như vậy (trừ Zimbabwe).   
   
Thứ hai, trong khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra (và sẽ kéo theo chiến tranh tiền tệ), việc NHNN cho phép đồng NDT được lưu hành hợp pháp, trong khi vẫn cấm đồng USD không được lưu hành, thì rõ ràng đó là một hành động ủng hộ bên này (Trung Quốc) chống lại bên kia (Mỹ), vi phạm nguyên tắc “ba không” của Đảng và Nhà nước.

Thứ ba, trong khi Mỹ đang leo thang trừng phạt Trung Quốc (giai đoạn hai), thì NHNN lại công khai hậu thuẫn Trung Quốc bằng cách mở toang cửa ngõ cho đồng NDT được lưu thông hợp pháp như để “quốc tế hóa” NDT, và thay thế đồng USD. Hành động này chẳng khác gì cung cấp cho Mỹ lý do chính đáng để trừng phạt Việt Nam và không hợp tác với Việt Nam nữa. Đó chính là điều mà Trung Quốc mong muốn, để Việt Nam mãi phu thuộc vào họ.  

Thứ tư, khi NNHN cho đồng NDT được chính thức lưu hành và thanh toán (song song với VNĐ) trên 7 tỉnh biên giới thì cũng đồng nghĩa cho đồng NDT được tự do lưu hành trên khắp lãnh thổ Việt Nam, vì tiền tệ hầu như không có biên giới. Trong khi đồng NDT mạnh hơn thì đương nhiên VND sẽ bị NDT bóp chết ngay trên sân nhà, không còn an ninh tiền tệ. Đây là quá trình “Nhân dân Tệ hóa” kinh tế Việt Nam, mà NHNN lẽ ra phải chống. 

Thứ năm, Sau khi Việt Nam đã mở toang cửa biên giới cho người Trung Quốc tự do ra vào Việt Nam mà không cần thủ tục XNC, nay NHNN lại mở toang cửa biên giới cho tiền và hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam như sân sau của họ. Để tránh thuế của Mỹ (đợt hai), chắc hàng hóa Trung Quốc sẽ được tuồn sang Việt Nam nhiều hơn, và chủ trương cho phép thanh toán bằng đồng NDT tại Việt Nam sẽ giúp Trung Quốc thúc đẩy quá trình này.

Thứ sáu, đáng chú ý là thông tư 19 được NHNN ban hành một tuần sau khi ông Trần Quốc Vượng (Thường trực Ban Bí thư) sang thăm Bắc Kinh và gặp Tập Cận Bình (20/8/2018), và ngay trước khi chính quyền Trump công bố sẽ đánh thuế 25% lên hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, bắt đầu từ 6/9/2018 (giai đoạn hai). Đây là thời điểm rất nhạy cảm vì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trun

Lời cuối

Trong khi các nước khác trong khu vực (như Malaysia) đang tỉnh ngộ để tìm cách thoát Trung và tránh cái bẫy nợ của “Nhất đới Nhất lộ”, thì Việt Nam vẫn đang làm ngược lại bằng dự luật “Ba Đặc khu Kinh tế” và “Thông tư 19” cho phép đồng NDT được lưu hành hợp pháp tại Việt Nam. Đây là hai quả bom nổ chậm đang đe dọa an ninh kinh tế, an ninh tiền tệ, và an ninh quốc gia mà hệ quả trước mắt cũng như lâu dài chưa thể lường hết được.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang đặt ra những vấn đề mới, với những thách thức và cơ hội mới về đối nội và đối ngoại chưa từng có. Đây là một bước ngoặt Việt Nam phải lựa chọn lợi ích dân tộc trên hết (Việt Nam First), bằng tái cân bằng quan hệ quốc tế và điều chỉnh chiến lược, nhằm thoát khỏi cái vòng kim cô về ý thức hệ đã kìm hãm Việt Nam quá lâu. Nếu không cải cách thể chế toàn diện (cả kinh tế và chính trị) thì sẽ quá muộn.

------------------------

Tham khảo

1. China’s debt traps around the world are a trademark of its imperialist ambitions, John Pomfret, Washington Post, August 27, 2018

2. Xi Jinping’s aggressive pursuit of global power triggers a praiseworthy backlash, Editorial Board, Washington Post, August 30, 2018

3. Mahathir, China and neo-colonialism, Richard McGregor, Nikkei Asian Review, August 30, 2018

4. Backlash builds against China as Belt and Road ties fray, Hiroyuki Akita, Nikkei Asian Review, September 2, 2008

5. Chinas Risky Play for Global Power, Joshua Kurlantzick, Washington Monthly, September/October 2018

NQD. 4/9/2018







No comments:

Post a Comment

View My Stats