Wednesday, 5 September 2018

"CON ĐƯỜNG TƠ LỤA" : BẪY NỢ RÌNH RẬP "BẠN BÈ" TRUNG QUỐC (Thụy My - RFI)




Thụy My p RFI
Đăng ngày 05-09-2018

Ngập trong những món tín dụng Trung Quốc, các nước có dự án cơ sở hạ tầng thuộc kế hoạch « Con đường tơ lụa mới » của Bắc Kinh nay thấy nợ nần tăng vọt, cho đến nỗi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phải báo động, và một số Nhà nước nghĩ đến việc thối lui.

Mùa hè năm 2013, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lăng-xê sáng kiến đại quy mô, nhằm xây dựng một loạt những hải cảng, xa lộ và đường xe lửa chạy xuyên qua châu Á, châu Phi và châu Âu, với vốn đầu tư vài chục tỉ đô la.

Năm năm sau, « Con đường tơ lụa mới » trở thành trung tâm bị chỉ trích, nghi ngờ. Bắc Kinh bị cáo buộc sử dụng sức mạnh tài chính để mở rộng ảnh hưởng. Tuần trước ông Tập đã trấn an « không phải là một câu lạc bộ Trung Quốc », cho rằng đây là việc « hợp tác đôi bên cùng có lợi ».


Chương trình này trên lý thuyết sẽ được khoảng 70 nước cùng đầu tư, nhưng trên thực tế nhiều dự án là do các định chế Trung Quốc tài trợ. Trong năm năm qua, các khoản đầu tư trực tiếp của người khổng lồ châu Á tại các nước liên quan đã vượt quá 60 tỉ đô la, và giá trị các dự án được các công ty Trung Quốc ký kết đã đạt 500 tỉ đô la, theo Bắc Kinh. Những quốc gia dễ thương tổn về tài chính có nguy cơ mất khả năng chi trả.

Malaysia vừa hủy bỏ ba dự án, trong đó có một tuyến đường xe lửa 20 tỉ đô la ; với lý do với số nợ công hiện nay lên đến 250 tỉ đô la, không thể nào cõng thêm nợ nần. Thủ tướng Mahathir Mohamad tuyên bố : « Chúng tôi không thể trả nổi nợ ».

Đó là số phận của Sri Lanka : sau khi vay 1,4 tỉ đô la từ Bắc Kinh để cải tạo một cảng nước sâu, đảo quốc này đến cuối năm 2017 đã phải nhượng lại toàn bộ quyền kiểm soát hải cảng quan trọng cho Trung Quốc trong…99 năm.

Gánh nặng tài chính

Quỹ Tiền tệ Quốc tế gióng lên tiếng chuông cảnh báo : các hoạt động đối tác này « có thể dẫn đến nợ nần tăng lên một cách đáng lo ngại, khiến phải hạn chế các món chi tiêu khác do các chi phí liên quan đến món nợ tăng lên (…). Đó không phải là một bữa ăn miễn phí » - theo tổng giám đốc Christine Lagarde.

« Nhưng các nước này đã vay mượn nhiều trước đó từ các quốc gia khác » - Ninh Trữ Triết (Ning Jizhe), phó chủ tịch Ủy ban Kế hoạch Trung Quốc (NDRC) đầy quyền lực đáp trả, ca ngợi các tiêu chí đánh giá « nghiêm ngặt » của các dự án.

Tuy nhiên hiện tượng này lan rộng như bệnh dịch : theo cơ quan tư vấn Center for Global Development, « Con đường tơ lụa mới » làm tăng đáng kế nguy cơ phá sản của tám nước đang mắc nợ rất nhiều. Đó là Mông Cổ, Lào, Maldives, Montenegro, Pakistan, Djibouti, Tadjikistan và Kyrzghystan.

Pakistan, nước tiếp nhận một dự án khổng lồ 54 tỉ đô la của Trung Quốc đầu tư vào cảng Gwadar, đang có nguy cơ mất khả năng chi trả, nên rất có thể phải cầu viện đến sự hỗ trợ khẩn cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Tân thủ tướng Pakistan là ông Imran Khan, đòi hỏi sự « minh bạch » trên các hợp đồng tù mù đã ký kết trước đó. Những hợp đồng này thường buộc phải sử dụng nguyên vật liệu và nhân công Trung Quốc, với các điều kiện trả nợ hết sức bất lợi cho Pakistan.

Hệ quả tệ hại hơn nữa là Trung Quốc quy số nợ ra đô la, buộc Pakistan phải tìm kiếm thặng dư thương mại cao hơn để có thể trả nợ, trong khi dự trữ ngoại hối cạn dần.

Nhà nghiên cứu Anne Stevenson-Yang, thuộc J Research Capital giải thích với AFP : « Thường thì Trung Quốc cho vay bằng hiện vật như xe máy cày, than đá, dịch vụ cơ khí…nhưng đòi phải trả nợ bằng đô la ».

Công cụ gây ảnh hưởng

Nợ vay của Trung Quốc là gánh nặng đôi khi không thể chịu đựng nổi. Tại Lào, giá của một tuyến đường sắt 6,7 tỉ đô la tương đương với phân nửa tổng sản phẩm nội địa (GDP) của đất nước Đông Nam Á nhỏ bé.


Ở Djibouti, nợ công tăng vọt từ 50 lên 85% GDP trong vòng hai năm – theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, do số nợ đối với Exim Bank. Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc cũng sở hữu phân nửa số nợ công của Tadjikistan và Kyrzgystan.

Đã hẳn các nước kém phát triển cần rất nhiều đầu tư vào cơ sở hạ tầng, họ mừng rỡ tìm được nguồn vay. Nhưng đối với Bắc Kinh thì rất đáng giá : người khổng lồ châu Á tìm cách tống đi các sản phẩm sản xuất thừa, đồng thời cần đường sá, cảng biển, ống dẫn dầu khí để đưa nguyên liệu về Hoa lục.

Lãnh tụ đối lập Maldives, ông Mohamed Nasheed coi đây là « chủ nghĩa thực dân », làm phương hại đến chủ quyền đảo quốc. Theo ông, có đến 80% nợ nước ngoài của đất nước là do Bắc Kinh kiểm soát.

Áp lực của « đế quốc Trung Hoa » còn mạnh cho đến nỗi thường giành được quyền kiểm soát các cơ sở hạ tầng vừa được xây dựng, thông qua hợp đồng nhượng quyền khai thác 20 hay 30 năm, theo Standard & Poor.

Các dự án khó có khả năng sinh lợi, và những dự án tốn kém sau đó trở thành gánh nặng, ngay trong cơ cấu đã bất ổn…có thể thấy được ở nhiều nơi. Điển hình là một khu nghỉ mát ven biển bị bỏ hoang ở Cam Bốt.

Điều đó chẳng quan trọng gì với Bắc Kinh. Các tập đoàn nhà nước Trung Quốc chẳng hề quan tâm đến các tiêu chí về môi trường, xã hội thậm chí cả về tài chính. Bà Stevenson-Yang ghi nhận, « Con đường tơ lụa mới » là một công cụ gây ảnh hưởng chính trị, từ năm 2017 đã được ghi rõ như thế ngay trong Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc.





No comments:

Post a Comment

View My Stats