Lẽ
ra Trần Huỳnh Duy Thức xứng đáng đại diện cho các doanh nghiệp Việt đăng đàn về
4.0 tại những hội nghị quốc tế về chủ đề này.
Hai
hôm nay, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị Diễn đàn Kinh tế 2018 về ASEAN. Nhiều nhà
lãnh đạo ASEAN và một số nước khác đã tham dự diễn đàn này. Nhiều đại diện những
tập đoàn đa quốc gia, khu vực và doanh nghiệp Việt Nam cũng phát biểu tại Hội
nghị này, trong đó chủ đề cách mạng 4.0 được coi là nội dung chính của diễn đàn
này.
Mặc
dù tôn trọng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và nhà đầu tư Việt Nam tham dự hội nghị,
nhưng theo tôi có một người rất xứng đáng đại diện cho giới doanh nghiệp Việt
Nam đăng đàn tại Diễn đàn Kinh tế này với chủ đề cách mạng 4.0. Đó chính là
doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức (THDT), đáng tiếc đang tuyệt thực tại một trại
giam ở Nghệ An do thi hành một bản án 16 năm tù vì “lật đổ chính quyền” (ông bị
bắt từ 2009).
Ông Thức đã tuyệt thực từ ngày
14/8/2018 để yêu cầu chính quyền thả tự do cho ông vô điều kiện, sau khi ông
cho rằng theo Bộ Luật Hình Sự (BLHS) mới 2015/2017 có hiệu lực từ 1/1/2018, trường
hợp của ông phải được cứu xét và áp dụng theo BLHS này, ông được quyền miễn
trách nhiệm thi hành phần án tù trên 7 năm còn lại, dù ông vẫn khẳng định bản
án đối với ông là sai trái!
THDT
sinh năm 1966, tốt nghiệp khoa Công nghệ thông tin Đại học Bách Khoa TPHCM năm
1990. Ông đã sớm kinh doanh lắp rắp máy vi tính và liên quan Internet từ những
năm 90 của thế kỷ trước với công ty TNHH Tin học Duy Việt được lập từ 1994. Năm
2000 ông chuyển đổi Duy Việt thành công ty cổ phần Công nghệ thông tin EIS
(EIS, Inc.) với sứ mệnh: “Tiến công mạnh mẽ vào thị trường CNTT quốc tế,
chuyển tri thức Việt Nam thành những giá trị cao trong nền kinh tế tri thức thế
giới“.
Hai
năm sau, với 3 công ty con gồm One-Connection Singapore, One-Connection USA và
One-Connection Vietnam có mặt ở San Jose (California, Mỹ), Thành phố Hồ Chí
Minh (Việt Nam) và Singapore. Sau khi ra mắt vào tháng 2 năm 2003, One
Connection Singapore nhanh chóng nổi lên thành một nhà cung cấp dịch vụ viễn
thông trên môi trường Internet toàn cầu. Nhờ thành công về thương mại của công
ty, các hãng thông tấn, truyền hình quốc tế và Singapore bắt đầu đưa tin sự kiện
công nghệ Việt Nam xuất hiện cạnh tranh vững chãi trên thị trường toàn cầu. Kể từ
đó Trần Huỳnh Duy Thức thường được mời và đối đãi trọng thị bởi cơ quan phát
triển kinh tế Singapore theo chính sách thu hút nhân tài và đầu tư của họ.
Trong
thời gian One-Connection Singapore đang phát triển mạnh mẽ sang các thị trường
Mỹ, Úc, Canada, cuối năm 2008 Trần Huỳnh Duy Thức đã thuyết phục Hội đồng quản
trị EIS, Inc. thông qua quyết định đưa doanh số ở nước ngoài về Việt Nam để
tăng đóng góp cho ngân sách quốc gia. One-Connection Singapore được chuyển
thành một dạng như tổng đại lý bán hàng cho One-Connection Việt Nam, nộp hết
doanh thu về Việt Nam sau khi đã trừ các chi phí hoạt động cần thiết, trong khi
One-Connection Việt Nam trở thành chủ thể cung cấp dịch vụ cho các khách hàng
trong lẫn ngoài nước.
Thế
nhưng sự nghiệp kinh doanh của ông đã bị chấm dứt vào năm 2009, khi ông bị bắt
cùng với các cộng sự như Lê Thăng Long, Lê Công Định về tội danh “hoạt động lật
đổ chính quyền nhân dân”.
Thật
đáng tiếc cho Việt nam và giới doanh nhân Việt, đã thiếu một người rất xứng
đáng để thuyết trình về cách mạng 4.0 trước một diễn đàn kinh tế quốc tế có tầm
cỡ về chủ đề này tại Hà nội, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế 2018 về ASEAN .
Cá
nhân tôi, một trong những người từng kết nối để gia đình ông Trần Huỳnh Duy Thức
thuyết phục ông Thức ngừng tuyệt thực cách đây hai năm, một lần nữa mong mỏi
ông Thức vì cuộc sống của chính mình, lời kêu gọi của gia đình, bạn bè và những
người mến mộ và chính tương lai Việt nam, hãy ngừng cuộc tuyệt thực đã diễn ra
đúng 1 tháng. Tôi cũng đề nghị chính quyền xem xét nghiêm túc yêu cầu của ông
THDT và luật sư của gia đình ông về việc áp dụng BLHS 2015/2017 để sớm trả tự
do cho ông!
Tôi
hy vọng có một ngày không xa sẽ thấy ông Trần Huỳnh Duy Thức thuyết trình trước
đông đảo các cử toạ là các chính trị gia và doanh nhân hàng đầu châu Á và Việt
nam, về chủ đề Việt nam cần làm gì để phát triền kinh tế và xây dựng một nhà nước
pháp quyền và dân chủ.
No comments:
Post a Comment