Thứ Bảy, 09/08/2018 - 12:53 — tuankhanh
·
Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức đang bước đến ngày
thứ 30, tròn một tháng tuyệt thực tại trại giam số 6 Nghệ An.
·
Số người ghi danh đồng hành tuyệt thực cùng Trần Huỳnh
Duy Thức đã vượt qua con số 60, và có ý kiến kêu gọi tổ chức tuyệt thực tập thể
để ủng hộ.
·
Theo các báo cáo y khoa, ngưỡng chịu đựng của một người
tuyệt thực từ 30 cho đến 45 ngày
Tham gia tuyệt thực cùng Trần Huỳnh Duy Thức
Gia
đinh của ông Trần Huỳnh Duy Thức cho biết, mỗi ngày đều có người của gia đình gọi
điện thoại vào trại giam số 6 Nghệ An để thăm hỏi tình hình sức khỏe của ông Thức.
Tuy nhiên điều kỳ lạ là số điện thoại chính của trại giam đã luôn có chuông mà
không hề có ai bắt máy. Điều này đã xảy ra kể từ khi ông Thức bắt đầu tuyệt
thực được một tuần.
Vào
ngày thứ 22 tuyệt thực của ông Thức, tổ chức Amnesty International, văn phòng tại
Thái Lan đã phát động chiến dịch ủng hộ cho tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức,
có tên “Tôi Thức để #Free Thức”. Chương trình này kêu gọi các người dùng
facebook quan tâm đến tình trạng của ông Thức hãy đổi hình đại diện (avatar) do
Amnesty International, văn phòng Thái Lan đề nghị.
Văn
bản phát động chiến dịch này ghi rằng:
“Trần Huỳnh Duy Thức
đang tuyệt thực ở trong tù để phản đối sự ngược đãi và việc công an ép ông phải
nhận tội. Chúng tôi đồng hành cùng với gia đình của ông và kêu gọi mọi người ủng
hộ bằng cách share hoặc sử dụng hình ảnh này làm hình đại diện cho trang cá
nhân của mình.
Trần Huỳnh Duy Thức
là một kĩ sư và là một doanh nhân ở thành phố Hồ Chí Minh. Ông sáng lập ra EIS,
một công ty chuyên về cung cấp dịch vụ internet cho điện thoại di động ở Việt
Nam có chi nhánh ở Singapore và Mỹ. Ông sau đó trở thành một nhà hoạt động và tập
trung vào việc viết blog về tình hình chính trị xã hội ở Việt Nam và góp ý cho
chính phủ về các hướng cải cách. Ông cũng thành lập phong trào Con Đường Việt
Nam, một tổ chức nhằm cổ xúy các giá trị của nhân quyền và dân chủ.
Trần Huỳnh Duy Thức bị
bắt và kết án 16 năm tù vào năm 2010 với cáo buộc “âm mưu lật đổ chính quyền”.
Ông là một trong những tù nhân lương tâm có tên trong danh sách mà chúng tôi
công bố hồi tháng Tư năm nay”.
Cùng
với lời vận động này, gia đình của ông Trần Huỳnh Duy Thức cũng phát đi lá thư
ngỏ, kêu gọi mọi giới trong và ngoài nước hãy quan tâm đến tình trạng của ông
Thức. Và đây có lẽ là lá thư ngỏ đầu tiên phát đi không có ý định gửi cho bất kỳ
một cơ quan nào nhà nước hay nhân vật lãnh đạo hiện thời, mà chỉ nhằm gửi đến
người dân Việt Nam. Nói mọi cách nào đó, lá thư ngỏ này thể hiện tuyệt đối tinh
thần kiên cường của ông Trần Huỳnh Duy Thức là “không van nài, không xin xỏ”.
Lời
kêu gọi của thư ngỏ nhấn mạnh rằng:
“Hãy gọi tên Trần Huỳnh
Duy Thức, như một cách gọi tên công lý phải được thực thi, trên mọi trang mạng
xã hội, mọi phương tiện giao tiếp của thế giới phẳng.
Hãy nhắc tên Trần Huỳnh
Duy Thức ở mọi cơ hội trò chuyện trực tiếp và giải thích về quyền con người và
đạo đức của một nhà cầm quyền.
Xin mọi thánh lễ Công
giáo, nhật tụng Phật giáo hay các buổi cầu nguyện của Hòa Hảo, Cao Đài, Tin
Lành… hãy dành chút thời gian đồng hành cùng Trần Huỳnh Duy Thức trong việc đòi
công lý, bày tỏ một chính kiến ôn hoà trước một hiện thực bị che giấu.
Lên tiếng cho Trần Huỳnh
Duy Thức hôm nay, là lên tiếng cho chúng ta và quê hương ngày mai, với niềm tin
mãnh liệt rằng con người Việt Nam không bao giờ từ chối lẽ phải, không bao giờ
né tránh sự thật”.
Ngay
sau khi thư ngỏ này phát đi, danh sách những người quyết đồng hành tuyệt thực
cùng với Trần Huỳnh Duy Thức đã nhanh chóng tăng lên từng ngày, hiện đã vượt
con số 60 người, bao gồm, sinh viên, công nhân, thầy tu, bác sĩ… trong số đó có
những người quen thuộc với giới bất đồng chính kiến như tù nhân lương tâm Lê
Thăng Long, Điều phối viên Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm Phạm Bá Hải, bác sĩ Nguyễn
Đan Quế, nhà văn Phạm Đình Trọng…
Thầy
Thích Ngộ Chánh, một trong những người đầu tiên tuyệt thực đồng hành, từ Lâm Đồng,
nói rằng “Những gì ông Thức đang làm, cho
thấy ông là một người vô ngã, vị tha với tấm lòng cho quê hương đất nước, vì vậy
tôi đồng hành là để kêu gọi thêm sự quan tâm đến trường hợp của ông”.
Vy
Nguyễn, một trong những người tuyệt thực đồng hành cho biết không chỉ riêng cô,
mà cả gia đình đều ủng hộ việc cô lên tiếng đồng hành với ông Trần Huỳnh Duy Thức.
Thậm chí các anh của cô cũng sẳn sàng tuyệt thực đồng hành bên cạnh cô.
Có
tin, có thể một số người tuyệt thực đồng hành cùng ông Trần Huỳnh Duy Thức sẽ tập
hợp tuyệt thực, bất chấp việc có thể bị đàn áp.
Nói
trên đài Á Châu Tự Do, bà Trần Diệu Liên, chị gái TNLT Trần Huỳnh Duy Thức nới
rằng gia đình hết sức cảm động và ấm lòng khi thấy có nhiều người chia sẻ ước
mơ và hoài bão của ông Trần Huỳnh Duy Thức trong lúc này. “Chỉ cần mỗi con người
với một chút sức,thì chính quyền sẽ phải lắng nghe và đối thoại”, bà Trần Diệu
Liên nói.
-------------------------------
Hòa Ái, phóng viên
RFA
2018-09-06
2018-09-06
Tính đến ngày 6/9, tù
nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức đã tuyệt thực được 24 ngày, và ông tuyên bố
vẫn tiếp tục tuyệt thực để phản đối đòi hỏi từ phía công an rằng ông sẽ được đặc
xá nếu như ông nhận tội, cũng như trại giam hạn chế đối với thư tín của ông gửi
ra ngoài.
Giáo
xứ Song Ngọc và Linh mục Nguyễn Đình Thục kêu gọi trả tự do cho tù nhân lương
tâm Trần Huỳnh Duy Thức. Courtesy: Facebook Nguyễn Đình Thục
Đài
RFA có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Diệu Liên, chị gái của tù nhân lương tâm
Trần Huỳnh Duy Thức; cựu tù nhân lương tâm Lê Thăng Long, là người cũng đã bị bắt
và bị tuyên án tù trong cùng vụ án với tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức;
và tù nhân nhân quyền-Blogger Nguyễn Ngọc Già để biết thêm thông tin về sự sống
còn của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, mà không ít người ưu ái gọi ông
là “Nelson Mandela Việt Nam”.
Trước
hết, bà Trần Thị Diệu Liên chia sẻ về chuyến thăm gặp mới nhất vào ngày 31
tháng 8 vừa qua.
Bà
Trần Thị Diệu Liên: Chuyến đi thăm vào ngày 31 tháng 8 là chuyến đi ngoài
tiêu chuẩn của gia đình. Trong tháng 8 thì gia đình đã đi thăm vào ngày 18/8 rồi.
Và tại thời điểm đó, Thức tuyên bố tuyệt thực từ ngày 14/8. Chúng tôi muốn thực
hiện chuyến đi ngoài tiêu chuẩn là vì gia đình rất quan tâm đến tình hình sức
khỏe của Thức. Gia đình đã nhiều lần gọi điện thoại liên tục đến trại giam để hỏi
về tình hình sức khỏe của em mình, nhưng chúng tôi hoàn toàn không có một thông
tin nào từ trại giam, và chúng tôi quyết định đi. Chúng tôi cũng muốn cần có một
gặp giữa gia đình với ban lãnh đạo của trại giam là để tìm hiểu và yêu cầu họ
hãy ngưng đàn áp Thức, để dẫn đến tình trạng Thức phải tuyệt thực.
Trước
khi lên đường thì chúng tôi vẫn trên tinh thần là sẽ động viên Thức để Thức ngừng
tuyệt thực. Thật sự, khi chúng tôi gặp Thức, chúng tôi thấy Thức tuyệt thực là
không phải đòi hỏi tự do cho riêng mình, mà Thức đòi hỏi công lý ở Việt Nam phải
được thực thi. Điều đó, chúng tôi đã biết suốt bao nhiêu năm Thức dấn thân, cho
nên mặc dù là rất xót xa và rất thương em của mình, nhưng mà chúng tôi đành quyết
định và phải đồng hành hỗ trợ cùng với Thức trên con đường đấu tranh này. Từ
hôm đó đến nay thì gia đình không nhận được thông tin gì về Thức hết.
Hòa
Ái: Và
bây giờ, một câu hỏi dành cho Blogger Nguyễn Ngọc Già, ông nhận định như thế
nào về tình trạng các tù nhân lương tâm, trong thời gian gần đây phải tuyệt tực
để phản đối cách hành xử hà khắc của trại giam, qua trường hợp tù nhân lương
tâm Trần Huỳnh Duy Thức, hay Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh?
Blogger
Nguyễn Ngọc Già: Theo ý kiến của tôi thì chúng ta phải thấy nhà tù là nơi
thực thi pháp luật. Nhưng tình trạng hiện nay tại các nhà tù làm người dân hình
dung về một hang ổ dùng để tra tấn, đày đọa, và ghê sợ nhất đó là sự trả thù được
thực hiện tại các nhà tù. Tôi cho đó là tín hiệu SOS mà nhà cầm quyền Việt Nam
phải lưu tâm. Bởi vì, Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm thuộc Liên Hiệp
Quốc, được hàng trăm quốc gia công nhận, không thể để tình trạng vô pháp như vậy
được.
Bên
cạnh đó, còn có Thông tư 27 của Bộ Công An, có hiệu lực từ ngày 06/10/17, tức
là còn rất mới, do ông Tô Lâm ký, quy định về quy tắc ứng xử của Công an Nhân
dân. Trong đó, điều 4 và điều 7 quy định rất rõ, nhưng thực tế thì giới công an
không thi hành; do đó, trại tù Nghệ An đặt ra luật lệ riêng. Với tư cách là người
đã từng ở tù, tôi khẳng định toàn bộ tất cả trại tù trên toàn quốc hiện nay, mỗi
giám thị là một lãnh chúa; họ tự đặt ra luật riêng. Điều đó, chính là họ đang
làm xói mòn lòng tin của dân chúng dành cho nhà cầm quyền, chứ không phải do thế
lực thù địch nào cả.
Còn
riêng về chị Quỳnh và anh Thức thì hình thức tuyệt thực giống nhau, nhưng nội
dung khác nhau. Chị Quỳnh tuyệt thực để phản đối trại tù dùng “tù trị tù” để sỉ
nhục nhân phẩm và đe dọa sinh mạng của mình. Trong khi anh Thức tuyệt thực để
yêu cầu nhà cầm quyền phải thượng tôn pháp luật. Anh Thức nhấn mạnh rằng dù có
đặc xá thì anh ấy cũng không chấp nhận, bởi đơn giản là anh Thức không có tội.
Do đó, đặc xá dù ở gốc độ nào chăng nữa thì vẫn đồng nghĩa là có tội; trong khi
những những cớ trước đây, mà mọi người thấy để kết tội anh Thức, thì đó là những
quan điểm khác biệt không trai lại với lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Trong
tất cả các bộ luật hiện hành, không có một bộ luật nào mà có bất kỳ điều, khoản
nào buộc người tù phải nhận tội thì mới được thả. Do đó, ép anh Thức nhận tội
thì không chỉ vô pháp, vô lý mà còn là tư duy quá lạc hậu.
Tóm
lại, việc anh Thức tuyệt thực là anh ấy đang đòi hỏi chung, chứ không phải cho
cá nhân anh ấy. Vì lẽ đó, tôi nghĩ rằng tuyệt thực là phương pháp cuối cùng của
những người đấu tranh ôn hòa, nhưng nó chỉ có giá trị đối với những xứ sở tồn tại
quyền con người. Rất tiếc, ở Việt Nam thì chúng ta vẫn đang phải đấu tranh cho
điều đó.
Cư
dân mạng đăng tải hình ảnh kêu gọi Việt Nam trả tự do cho tù nhân lương tâm Trần
Huỳnh Duy Thức. Courtesy: Facebook Trần Huỳnh Duy Tân
Hòa
Ái: Xin
được trở lại với bà Trần Thị Diệu Liên. Thưa bà, sau
chuyến thăm của gia đình đến gặp ông Trần Huỳnh Duy Thức vào ngày 31/8 thì gia
đình đã kêu gọi người dân cùng tham gia tiếp sức cho ông Trần Huỳnh Duy Thức để
đấu tranh cho tự do nhân quyền của Việt Nam. Bà cảm nhận thế nào khi có rất nhiều
người ủng hộ việc đấu tranh bằng hình thức tuyệt thực và bà có nghĩ rằng phong
trào đồng hành này sẽ có tác động hiệu quả đến Chính quyền Việt Nam trong việc
trả tự do cho em trai của bà?
Bà Trần Thị Diệu
Liên: Gia đình chúng tôi rất ấm lòng khi biết rằng có rất nhiều người
đang đồng hành cùng đi trên con đường với Thức. Và tôi cũng tin rằng Thức rất
là vui và vững tin khi biết được rằng bên ngoài có những người bạn cũ, những
người bạn mới và có những người chưa từng quen biết và họ đang tiếp sức và tiếp
lửa để cùng đi trên con đường với Thức.
Còn
về việc có nghĩ được rằng động thái của Chính quyền Việt Nam như thế nào, thì
tôi có suy nghĩ như thế này: Về việc Thức được tự do thì tôi nghĩ rằng ai cũng
mong muốn điều đó hết. Việc Thức có tội hay không thì tôi nghĩ cũng đã có câu
trả lời. Việc mà gia đình đang quan tâm lúc này không phải là Thức được thả ra
như thế nào, thả ra làm sao mà việc gia đình chúng tôi quan tâm là về sức khỏe
của Thức, và chúng tôi làm sao để Thức có thể tiếp tục thực hiện được những ước
mơ, hoài bão mà Thức luôn dành cho Việt Nam. Và, tôi cũng rất tin tưởng vào sức
mạnh của người dân, khi chúng ta biết kết hợp cùng nhau lên tiếng đòi hỏi một
điều chính đáng bằng cách thức ôn hòa, thì lúc đó chính quyền phải biết lắng
nghe và đối thoại.
Hòa
Ái: Xin
thưa với ông Lê Thăng Long, theo như phân tích pháp lý của Luật sư Ngô Ngọc
Trai, Luật sư Ngô Ngọc Trai, là luật sư tư vấn cho gia đình của ông Thức, thì
ông Trần Huỳnh Duy Thức phải được trả tự do. Nhưng, có một mấu chốt ở chỗ, như
Luật sư Lê Công Định cho rằng Chính quyền Hà Nội không muốn làm việc này, bởi
vì như thế thì sẽ buộc phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện đối với những
người đang bị bắt giam vì tội “lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ luật
Hình sự năm 1999. Ông dự đoán như thế nào về sự tự do của tù nhân lương tâm Trần
Huỳnh Duy Thức, thưa ông?
Ông
Lê Thăng Long: Thật
sự, mọi người đều mong anh Thức được về sớm nhất, và điều đó chỉ xảy ra khi nhà
cầm quyền nhận thấy được: thứ nhất là người ta cũng hiểu ra, thứ hai là người ta
cảm thấy yên tâm khi anh Thức ra thì anh Thức không gây nguy hại gì cho họ.
Theo
tôi, vụ án của anh Thức và chúng tôi thì có những nhận định sai và dẫn đến kết
án sai. Thứ hai, anh Thức từ khi thụ án đến giờ luôn thể hiện là một người rất
nghiêm túc, không có tội thì không nhận. Thứ ba, theo Bộ luật Hình sự mới thì cần
phải trả tự do cho anh Thức đúng luật, Nhà nước Việt Nam cần phải thực hiện điều
đó. Thứ tư là từ cả một quá trình trước giờ những phản hồi của anh Thức ra bên
ngoài nhà tù; bao gồm thư từ, tất cả mọi thứ đều hết sức ôn hòa và hết sức vì
quyền lợi của đất nước, của dân tộc và của tất cả mọi người; cho nên không có
việc gì phải giữ anh Thức nữa.
Tôi
mong rằng và tôi nghĩ rằng việc trả tự do cho anh Thức sẽ sớm xảy ra. Có thể có
một bước tiến ban đầu, vì giữ thể diện hay gì đó, thì sẽ thả anh Thức ra với
hình thức chẳng hạn như chữa bệnh. Đó cũng là một bước tiến để chúng ta đạt tới
một giải pháp tổng thể hơn, không những cho anh Thức mà cho tất cả mọi tù nhân
lương tâm, cũng như cho đất nước của chúng ta để hướng tới dân chủ, văn minh thật
sự tốt đẹp hơn.
Hòa
Ái: Xin
được chân thành cảm ơn bà Trần Thị Diệu Liên, ông Lê
Thăng Long và Blogger Nguyễn Ngọc Già dành thời gian tham gia buổi hội luận
này.
Tham khảo toàn bộ cuộc
hội luận:
No comments:
Post a Comment