Nguyễn Khắc Mai
02/09/2018
Anh Trương ở đây, không phải chàng Trương ở quê của
chị Doan, nổi tiếng trong bài thơ của Lê Thánh Tông, mà là Trương Tấn Sang. Anh
Sang này thì ai cũng biết, tôi khỏi giới thiệu. Nguyên do là hôm nay Chủ nhật
2-9, trời thì mưa lất phất, u ám, đường làng ngõ xóm vắng vẻ. Nguyễn Du bảo
“Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ”.
Quả có thế thật, lòng mình đang sầu muộn, thành ra
trời đất cũng buồn theo. Đang ngồi gặm nhấm nỗi buồn mênh mang mà không hề vô lối
của mình, chợt người đưa báo quen, đem đến cho một tập, có Hà nội Mới, do Thành
uỷ lấy ngân sách mua tặng, có Tuổi trẻ… Giở ra xem thấy có bài của anh Trương,
bèn chăm chú đọc.
Bài báo có cái tít do Toà soạn đặt: “Thời gian và cơ
hội không chờ chúng ta”. Bài báo chủ yếu nêu vấn đề: quyền lực trách nhiêm người
lãnh đạo và niềm tin của nhân dân. Trước hết, anh đưa ra bốn người lãnh đạo ở bốn
quốc gia Đông Nam Á: Lý Quang Diệu – Singapore; Suharto – Indonesia; Kim Chung
Hy – Hàn quốc và Ferdinand Marcos – Philippines. Hai Ông Quang Diệu và Chung Hy
là hai anh hùng của đất nước họ. Còn Suharto và Marcos là hai kẻ gian hùng,
chung quanh mình lúc nhúc một bầy sâu.
Bài của cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đăng trên
báo giấy Tuổi Trẻ. Ảnh chụp màn hình
Có điều anh Sang không nói, khi nhân dân Philippines
và Indonesia đã mất niềm tin vào những tên lãnh đạo, thể chế đã cho phép họ đứng
lên lật đổ “triều đình của hai tên phản dân hại nước ấy”! (Bây giờ, mấy người bạn
của tôi vừa đi Indonesia về, ca ngợi hết lời đất nước của ba nghìn đảo).
Tôi hiểu ý anh Sang là muốn nói đến hai nhân tố quan
trọng của giới cầm quyền: Có được niềm tin của nhân dân và nhân cách trong sạch
quyết chống tham nhũng. Bởi bàn về sự thành công của những quốc gia này, phải
tính đến những nhân tố tổng hợp: đường lối chính xác, triết lý cầm quyền đúng đắn
phù hợp thời đại, thể chế và thiết chế dân chủ đủ để cho phép ngăn ngừa tham
nhũng và độc quyền, mở rộng tài trí của xã hội, đội ngũ quản trị quốc gia và xã
hội tài năng, trong sáng được giám sát bởi luật pháp và xã hội.
Về niềm tin của nhân dân, anh Sang dẫn lời Lý Quang
Diệu: “Tài sản lớn nhất của chúng tôi là sự tín nhiệm và lòng tin của nhân
dân. Chúng tôi cẩn thận không để lãng phí niềm tin vừa mới giành được này do
cai trị tồi và tham nhũng”.
Về nhân cách người lãnh đạo, anh Sang hạ một câu về
Chung Hy, mà cũng là nói về Quang Diệu, sau khi họ chết: “người ta không tìm thấy
một tài sản có giá trị nào được cất giấu, ngoại trừ một Hàn quốc đứng trong
hàng ngũ những quốc gia phát triển”. Về hai điều này, anh Sang nói đúng, niềm
tin và tín nhiệm của nhân dân với người cầm quyền chỉ có được khi người cầm quyền
có chính sách đúng và nhân cách trong sáng. Chứ như bộ máy lãnh đạo và cầm quyền
ở nước ta là “một bầy sâu”, “cái gì cũng ăn” “hèn với giặc, ác với dân”, “hành
dân là chính”, phe nhóm, cánh hẩu, đồng lõa chứ không đồng chí, lãnh đạo kêu gọi
mà không dám làm gương, có gương nào bể gương ấy… thử hỏi làm sao xây dựng được
niềm tin và tín nhiệm của nhân dân.
Ngay cả anh Tư kêu gọi thế, viết bài hay thế, mà có
dám nêu gương minh bạch tài sản của mình không, nói chung chung thì được mà có
dám lên tiếng tố cáo công an tàn ác với dân, chính quyền hùa với phe nhóm lợi
ích cướp đất cuớp tài sản của dân? Tôi cho đó là “nhân cách vị” tựa như kim bản
vị làm nền cho giá trị đồng tiền vậy.
Tuy nhiên, tôi nhắc lại, chỉ với một thể chế đúng, tốt
và lành mạnh, văn minh, may ra mới phát huy được nhân tố con người, nhất là con
người gắn với quyền lực. Thể chế xấu chọn con người xấu để thi hành. Con người
xấu càng làm thể chế ngày càng sa đoạ, xấu thêm.
Anh định đưa những gương sáng của mấy nước cận kề để
kêu gọi đạo đức. Tôi cho là không nhầm. Những kẻ trí tuệ thì lú lẫn, nhân cách
thì tham lam, quyền lực thì độc ác, họ làm sao có cơ sở tâm thế để nghe anh được.
Tôi thấy khi đề cập đến chúng ta, anh đã nêu lên được
ba điều cay đắng và bi kịch.
Một là, “cũng phải nhìn nhận rằng có những lúc chúng
ta đã phung phí thời gian và cơ hội, tai hại hơn là đã phung phí niềm tin”.
Hai là, “Việt Nam sẽ bứt phá đi lên, đứng vào hàng
ngũ các quốc gia phát triển, hay an bài, tự thoả mãn để rốt cuộc chỉ thấy nợ nần
và lệ thuộc”.
Ba là, “phải đặt sang một bên những do dự và ngại ngần,
quyết liệt và không chậm trễ trong việc loại trừ những nhân tố gây phương hại đến
niềm tin của nhân dân, cản trở sự phát triển của đất nước”.
Không chỉ phung phí, mà sự thật là đảng mà anh Tư từng
lãnh đạo, đã vò xé, chà đạp niềm của nhân dân. Cay đắng và bi kịch!
Điều thứ ba mà anh nêu ra, thì cần huỵch toẹt rằng,
đám lãnh đạo già nua lú lẫn, bạc nhược, tham lam, độc đoán chính là nhân tố
phương hại đến niềm tin của nhân dân, cản trở sự phát triển của đất nước. Ai sẽ
loại trừ những nhân tố tai hại ấy đây? Anh Tư không làm được, đám già như tôi
cũng không làm được. Chỉ phải trông cậy vào nhân dân trong đó có giới trẻ có
tâm huyết, có tầm nhìn xa rộng, có khí phách, có ý chí và một nhân cách dân chủ
mới làm được.
Cũng không loại trừ nhân tố của những người trẻ
trung, có tâm, có tầm trong nội bộ đảng, trong nhà nước cả trong quân đội. Cả
anh cả tôi nữa, chúng ta sẽ thúc đẩy cho sự hình thành và xuất hiện cái xung lực
mới phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Mong thay.
Tôi hoan nghênh anh nhân ngày 2-9 nói lên vài khía cạnh
đắng lòng và bi kịch của cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền tháng Tám nhưng đã
không tạo ra được một chính quyền tử tế thực sự vì dân vì nước như mấy người ở
mấy nước mà anh nhắc đến. Càng biết họ càng thấy mình xấu hổ, nhục nhã.
Tự nhiên tôi nhớ lại ông Mác nói về xấu hổ khi nghĩ
đến sự lạc hậu của nước Đức hồi thế kỷ 19: “Xấu hổ là một tình cảm cách mạng. Một
dân tộc biết xấu hổ sẽ như con sư tử đang co mình lại để chồm lên”.
Hãy co mình lại để chồm lên!
*
1
comment
Tổng thống đầu tiên của Đại Hàn Dân Quốc (South
Korea) là Lý Thừa Vãn, tổng thống thứ hai là Pak Chung Hy không phải là Kim
Chung Hy, nhà báo đã đưa không đúng tên.
---------------------------
CÁC
TIN KHÁC
02/09/2018
02/09/2018
02/09/2018
02/09/2018
02/09/2018
02/09/2018
02/09/2018
02/09/2018
02/09/2018
02/09/2018
02/09/2018
02/09/2018
02/09/2018
02/09/2018
02/09/2018
01/09/2018
No comments:
Post a Comment