Thụy My – RFI | ĐIỂM BÁO
Đăng ngày 01-09-2018
Trong
bài « Khi con rồng Trung Quốc lấy lại sức », Le Point nhận định,
cuộc tấn công của Donald Trump đã mang lại kết quả trong trận chiến thương mại
giữa hai cường quốc. Tuy nhiên Bắc Kinh vẫn đang ra sức triển khai kế hoạch
bành trướng của mình.
Hôm 23/08/2018, Hoa Kỳ loan báo tăng thuế hải quan
25% lên 279 mặt hàng Trung Quốc, có tổng giá trị 16 tỉ đô la. Mục tiêu tấn công
là kế hoạch « Made in China 2025 » tập trung vào chất bán dẫn,
lãnh vực công nghệ và phụ tùng thay thế. Bắc Kinh lập tức ăn miếng trả miếng,
nhắm vào các sản phẩm có thể gây tác động chính trị. Tổng cộng 100 tỉ đô la
hàng hóa bị ảnh hưởng, thương mại quốc tế bị sụt giảm 0,5%. Tổng thống Mỹ Donald
Trump đang xem xét tăng thuế 10% lên 200 tỉ đô la hàng xuất khẩu của Trung Quốc
vào mùa thu này.
Le Point nêu ra ba vấn
đề. Thứ nhất là công nghệ : Hoa Kỳ sống lại cú sốc như hồi năm 1957 -
Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik lên vũ trụ - khi phát hiện những tiến bộ của
Trung Quốc trong lãnh vực không gian, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo. Thứ
hai là tài chính, khi Broadcom muốn mua Qualcomm. Vấn đề thứ ba mang
tính chiến lược : kế hoạch bành trướng thông qua việc tài trợ các dự án đầu tư,
giúp Bắc Kinh kiểm soát được nhiều cơ sở hạ tầng và tài sản quan trọng, thậm
chí nắm trong tay được cả một đất nước, nhờ lượng ngoại hối dự trữ lên đến
3.200 tỉ đô la.
Cuộc tiến công của Donald Trump đã đạt hiệu quả.
Tăng trưởng Trung Quốc không thể vượt mức 6%, thị trường chứng khoán Thượng Hải
sụt mất 20%, vốn đầu tư đổ xô chạy ra khỏi Hoa lục. Nhiều dự án trong khuôn khổ «
Con đường tơ lụa mới », nhất là ở Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ethiopia vấp
phải khó khăn tài chính. Trong nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc, nổi lên những
chỉ trích đối với Tập Cận Bình về tham vọng trở thành siêu cường lãnh đạo thế
giới, và bộ mặt đế quốc không che giấu.
Ông Tập không còn có thể theo đuổi mục tiêu cải cách
mô hình kinh tế, giảm bớt công nợ, mà buộc lòng phải nới lỏng chính sách tiền tệ,
mở van tín dụng cho các chính quyền địa phương và doanh nghiệp quốc doanh. Những
món vay mới tăng lên 75% chỉ trong vòng một năm, trong khi nợ công Trung Quốc
đã vượt quá 250% GDP.
Hiện thời Trung Quốc vẫn chưa dùng đến những vũ khí
khác như trả đũa các công ty Mỹ, bán ra trái phiếu Mỹ, không bán đất hiếm…Bắc
Kinh vẫn bị lệ thuộc vào công nghệ Mỹ, mà vụ ZTE là bằng chứng.
Tuy nhiên theo L’Express, chưa hẳn là Bắc
Kinh thua cuộc trong trận chiến thương mại Mỹ-Trung. Nền kinh tế nước này chiếm
19% GDP toàn cầu, sở hữu những tài sản khổng lồ trên thế giới, và đang thống trị
khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Về địa chính trị, Trung Quốc nhảy vào thay chân
ở những nơi bị ông Trump trừng phạt, và xây dựng một trục thù địch với Mỹ,
thông qua liên kết với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran.
Tờ báo kết luận, trong một thế giới tăng trưởng chậm
hơn, bất ổn hơn, chiến lược của ông Donald Trump đi ngược lại với Nixon và
Kissinger trong thập niên 70. Tổng thống Mỹ hiện nay làm phương Tây chia rẽ,
tách rời nước Mỹ khỏi các đồng minh. Bắc Kinh thích ứng ngay, đẩy nhanh tiến
trình trở thành đệ nhất đại cường của thế kỷ 21. Phía sau « One Belt,
One Road » (Một vành đai, một con đường) hơn bao giờ hết là một mưu đồ
đế quốc « One world, one China, China number one » (Một thế giới,
một Trung Quốc, Trung Quốc là số một).
*
Pháp Luân Công : Nỗi lo thường trực của
Trung Quốc
Cũng liên quan đến Trung Quốc, tuần báo The
Economist nhận định « Pháp Luân Công luôn làm Trung Quốc lo sợ,
dù đã nỗ lực đàn áp ».
Một trong những nỗi lo lớn nhất của Bắc Kinh là Pháp
Luân Công được điều khiển bởi một nhân vật sống bên ngoài Hoa lục, không thể kiểm
soát được. Đó là ông Lý Hồng Chí (Li Hongzhi), 67 tuổi, một cựu công chức ở miền
đông bắc. Ông thành lập Pháp Luân Công năm 1992, ban đầu chỉ là một phong trào
khí công mang màu sắc Phật giáo. « Lý giáo chủ » sang Mỹ vài năm trước khi Pháp
Luân Công bị cấm hoạt động. Bắc Kinh ra tay định dẹp bỏ giáo phái này, khiến
Pháp Luân Công mới trở thành chống cộng.
Tháng 4/1999, hàng ngàn học viên Pháp Luân Công biểu
tình ngay trước Trung Nam Hải để phản đối việc bắt giữ một số đồng môn ở Thiên
Tân. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất xảy ra tại thủ đô Trung Quốc, kể từ sau vụ
thảm sát Thiên An Môn 1989. Dù không mang mục đích chính trị, sự kiện này làm đảng
lo sợ bị cạnh tranh về ý thức hệ. Tất cả các nhà ngoại giao Trung Quốc ở nước
ngoài đều được chỉ thị đấu tranh với ảnh hưởng Pháp Luân Công, tuần nào báo chí
Hoa lục cũng đưa tin bắt bớ các học viên của giáo phái này.
Tuy nhiên Pháp Luân Công vẫn được ủng hộ ở ngoại quốc,
các phương tiện truyền thông riêng như Epoch Times (Đại Kỷ Nguyên) đã lớn mạnh
để cạnh tranh với báo chí Nhà nước. Theo David Ownby, đại học Montréal, chiến dịch
chống Pháp Luân Công của Trung Quốc có thể là một chiến tranh hao mòn không có
hồi kết.
*
Rohingya : Facebook hiệu quả hơn Hội đồng
Bảo an !
Về Miến Điện, The Economist cho biết
Liên Hiệp Quốc tố cáo quân đội nước này diệt chủng người Rohingya, trong bài viết
mang tựa đề « Tệ hơn cả những gì người ta có thể hình dung ».
Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tuần này đã công
bố một báo cáo cho thấy quân đội Miến Điện đã phạm những tội ác nặng nề hơn cả
ước đoán, và con số 10.000 người chết còn dưới mức sự thật. « Có những
người bị bắn chết hoặc bị thương dưới lằn đạn, bị nhắm bắn hay hú họa, thường
là lúc đang chạy trốn. Số khác chết cháy vì nhà họ bị đốt, các vụ hãm hiếp hoặc
bạo hành tình dục xảy ra với số lượng lớn, trẻ em bị giết ngay trước mặt cha mẹ…Có
ít nhất 392 ngôi làng bị đốt sạch hoặc phá hủy một phần ».
Trầm trọng hơn nữa, có những bằng chứng cho thấy các
tội phạm này là có dự mưu : các nhóm quân tăng viện được điều tới bang Rakhine
ít lâu trước khi xảy ra bạo động. Bản báo cáo kết luận, cần phải đưa ra tòa tổng
tham mưu trưởng Min Aung Hlang và các tướng lãnh Miến Điện khác về tội diệt chủng.
Nhưng theo The Economist, việc này không
dễ. Quân đội chỉ chịu trừng phạt bảy người lính liên can đến một vụ thảm sát có
bằng chứng rất đầy đủ, còn chính phủ dân sự Miến Điện không có quyền hành gì với
phía quân đội, và còn đứng về phe các quân nhân. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc
có thể đưa Miến Điện ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế, nhưng hai thành viên thường
trực Nga và Trung Quốc có thể phủ quyết. Ngay cả khi đồng thuận, cũng khó đưa
được các tướng lãnh này ra trước vành móng ngựa.
Cho đến nay, lời đáp trả cứng rắn nhất là từ…Facebook.
Mạng xã hội này đã xóa tài khoản của tổng tham mưu trưởng quân đội Miến Điện và
hứa lưu trữ những dữ liệu về ông ta. Christopher Sidoti, một trong các nhà điều
tra Liên Hiệp Quốc nhận xét : « Facebook còn hữu hiệu hơn cả Hội đồng Bảo
an, trong lúc này ».
*
Nhà sử học Úc chứng minh tội diệt chủng
của Khmer Đỏ
Cũng về tội diệt chủng, Le Monde cuối
tuần viết về nhà sử học Úc Ben Kiernan, đã nghiên cứu về tội ác của Khmer Đỏ từ
năm 1994. Nhờ tài trợ của Mỹ, ông đã khai quật được các hồ sơ lưu trữ, để có thể
chứng minh những vụ thảm sát hàng loạt tại Cam Bốt từ năm 1975 đến 1979 có thể
được tư pháp quốc tế công nhận là tội ác diệt chủng.
Sau khi hỏi chuyện người vợ gốc Khmer và hàng trăm
người tị nạn tại Thái Lan, ở châu Âu và ngay tại Cam Bốt, năm 1978 Ben Kiernan
lên tiếng tô cáo « những vụ thanh trừng hàng loạt »của Pôn Pốt. Sau
đó ông mới biết được từ 1975 đến 1979, Khmer Đỏ đã sát hại 1,7 triệu người,
trong đó có cả thân nhân vợ ông. Đó là lúc ông khởi đầu cuộc đấu tranh để những
kẻ cầm đầu chế độ khát máu này phải bị đưa ra trước tòa án quốc tế.
Nhờ số tiền tài trợ 2 triệu đô la của Nhà nước Mỹ,
ông có thể dựa vào một ê-kíp tận tâm làm việc. Năm 1996, họ phát hiện tại Phnom
Penh 100.000 trang tài liệu của Santebal, tức mật vụ Khmer Đỏ. Tuy các vụ thảm
sát của Khmer Đỏ Liên Hiệp Quốc không công nhận có một trong bốn tính chất của
tội diệt chủng (liên quan đến một nhóm người, một chủng tộc, sắc tộc hay tôn
giáo), nhưng theo nhà sử học Kiernan, rõ ràng đây là diệt chủng. Ông nhấn mạnh
việc Khmer Đỏ tàn sát theo nhóm tôn giáo (người Chàm theo đạo Hồi), chủng tộc
(người gốc Việt) và nhóm người (« kẻ thù giai cấp »).
*
Nga không còn mơ về châu Âu
Le Monde Diplomatique nhìn lại lịch sử đương đại với bài viết mang tựa đề « Khi Nga mơ
về châu Âu ». Vừa ra khỏi cuộc chiến tranh lạnh, người Nga thấy tương
lai mình trong một châu Âu hòa giải, với một cơ chế an ninh chung. Nhưng khi mở
rộng NATO đến cửa ngõ nước Nga, phương Tây đã nhận lấy rủi ro kích thích chủ
nghĩa dân tộc.
Trong chuyến công du đầu tiên với tư cách tổng bí
thư đảng Cộng Sản Liên Xô, mùa thu năm 1985 tại Paris, ông Mikhail Gorbatchev
đã đưa ra công thức « ngôi nhà chung châu Âu ». Một trong các
động cơ là nhằm tách rời Washington với các đồng minh châu Âu để dễ thương lượng.
Matxcơva muốn nhanh chóng kết thúc cuộc chạy đua vũ trang quá tốn kém, và với
hiệp ước tháng 12/1987, ông Gorbatchev đã đơn phương nhượng bộ : Liên Xô tiêu hủy
1.846 hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử, gấp đôi so với Hoa Kỳ.
Việc NATO can thiệp của vào Nam Tư cũ năm 1999 mà
không có sự đồng ý của Liên Hiệp Quốc khiến Nga phải cảnh giác, và đến sự kiện
Nga sáp nhập Crimée của Ukraina năm 2014 đã đặt dấu chấm hết cho hy vọng hội nhập
châu Âu. Giờ đây, Matxcơva chấp nhận một sự « cô đơn về địa chính trị
».
*
Obama bỏ rơi Syria khiến bàn cờ thế giới
thay đổi
Nhìn sang Trung Đông, trong bài điều tra «
Ngày mà Obama đã bỏ rơi Syria », L’Obs quay lại với thời điểm cách đây
đúng 5 năm, ngày 31/08/2013, tổng thống Mỹ đổi ý, không muốn cùng với Pháp
không kích Syria sau vụ tấn công hóa học quy mô tại ngoại ô Damas. Một quyết định
đã làm đảo lộn thăng bằng địa chính trị thế giới.
Tờ báo cho biết, lúc 18 giờ ngày hôm đó, định mệnh của
phương Tây đã thay đổi. Tổng thống Pháp François Hollande vừa kết thúc cuộc nói
chuyện với đồng nhiệm Mỹ Barack Obama. Bộ trưởng Quốc Phòng Jean-Yves Le Drian
và ngoại trưởng Laurent Fabius đều ngạc nhiên với vẻ mặt thất vọng của tổng thống.
Hollande cho biết : « Rốt cuộc Obama muốn đưa qua Quốc Hội. Chúng ta
ngưng lại hết ».
Hội đồng Quốc phòng Pháp họp khẩn hôm đó đều sững sờ
và phẫn nộ, trong khi đã sẵn sàng cho cuộc không kích Syria vài tiếng đồng hồ
sau đó. Các chiến đấu cơ đã được gắn bom, những hỏa tiễn đã sẵn sàng, các phi
công đã nhận lệnh, với những mục tiêu cụ thể, chỉ còn đợi đèn xanh cuối cùng được
bật lên.
Từ giây phút Obama bất thần quay ngoắt ấy, thế giới
không còn như xưa nữa. Hậu quả của sự phản bội rất to lớn, cả trước mắt lẫn về
lâu về dài. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo nhờ đó đã trỗi dậy, hoành hành trong khu
vực suốt nhiều năm trời. Putin chộp lấy cơ hội Mỹ đứng ngoài cuộc để chiếm
Crimée, rồi đến lượt Bắc Kinh tranh thủ bành trướng trên Biển Đông, thống trị
châu Á. Đành rằng đến ngày 13/04/2018, sau một vụ tấn công hóa học mới, hai tổng
thống Donald Trump và Emmanuel Macron đã trả đũa, nhưng sự can thiệp muộn màng
này không làm thay đổi được gì, cả trên thực địa lẫn bàn cờ thế giới.
*
Tranh giành ảnh hưởng trên Syria điêu
tàn
Cũng về Syria, xã luận của Courrier
International nói về « Những người gác đền mới trên điêu tàn
Syria ».
Những người bảo hộ Bachar Al Assad đang mơ mở rộng ảnh
hưởng tại Trung Đông. Các nhà lãnh đạo Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ họp lại ngày
07/09/2018 về Syria, đang mơ đến viễn cảnh này, trong lúc vẫn đòi phương Tây
chi tiền. Châu Âu có sẵn sàng tài trợ cho nhà độc tài Damas, nhân danh sự ổn định
khu vực - và cũng cho châu Âu - hay không. Như Vladimir Putin đã cynique nhắc
nhở, việc tái thiết Syria phải đi kèm với hồi hương người tị nạn.
Chẳng có gì chắc chắn cả, khi các đồng minh của
Assad chẳng hề muốn Hoa Kỳ hay Châu Âu có vai trò gì tại đây. Trong khi đó, một
cường quốc khác đang rình rập : hồi tháng Bảy, Trung Quốc hứa hẹn 20 tỉ đô la
cho các nước Ả Rập. Hòa bình chưa đến, mà cuộc chiến nhằm tranh giành ảnh hưởng
đã bắt đầu.
*
Tựa chính các tuần báo Pháp
L’Obs tuần này chú ý đến «
Cú đòn sấm sét của Hulot », bộ trưởng Môi Trường Pháp mới vừa từ chức
mà tờ báo cho là « nhằm thay đổi hệ thống ». Le Point dành nhiều
trang cho chủ đề « Hướng dẫn về các loại thuốc chống trầm cảm », những
loại thuốc nào hiệu quả và loại nào nguy hiểm, còn L’Express ra số chuyên đề về
địa ốc. Riêng Courrier International chạy tựa « Trung
Đông, tình hình lại hỗn loạn », điều tra về một khu vực bị xâu xé bởi những
cuộc xung đột và bất ổn bởi những thế lực muốn gây ảnh hưởng.
No comments:
Post a Comment