Sunday, 16 September 2018

CÁI VẠ TỊ NẠN (Nguyễn Đạt Thịnh)




Nguyễn Đạt Thịnh
September 16, 2018

Cái vạ tị nạn có vẻ không chịu buông tha Tổng Thống Trump, bất chấp sáng kiến của ông tách rời người tị nạn với đứa con ruột họ bồng, hay dắt vào lãnh thổ Mỹ. Lính biên phòng Mỹ đuổi người lớn trở về tay không – không còn bồng, không còn dắt đứa con của họ nữa; theo đúng sách lược Không Nhân Nhượng Tí Nào (Zero Tolerance).

Ngay lúc đó, không ai nghĩ đến cái vạ tị nạn.

Đám trẻ bị giữ lại Mỹ trở thành gánh nặng chính phủ phải gánh vác; chính phủ đã mướn trên 100 trại tạm trú để những đứa bé bị bắt có chỗ giam giữ, ăn, ở.

Ông Honduras Juan và con trai Anthony 6 tuổi ở tại Oakland, California. Họ là một trong gần 2,600 gia đình bị tách ly do chính sách nhập cư 'không khoan nhượng' của chính quyền Trump. (Hình: Mario Tama /Getty Images)

Bà dân biểu Rosa DeLauro, bang Connecticut, cho truyền thông biết tiền giữ trẻ trong trường hợp này lên đến khoảng $750 mỗi ngày, cho mỗi đứa, mắc gấp 3 lần giá thông thường, do tệ trạng nhà thầu trục lợi. Chính phủ có trách nhiệm về mạng sống và sự an toàn của bọn trẻ, nên mọi việc phải thật đầy đủ, thật chu đáo. Điều phi lý là tiền Mỹ tốn kém khá nhiều chỉ để tạo thống khổ cho đám trẻ, và điều nghịch lý là mặc dù tòa án ra lệnh, tổng thống cũng ra lệnh phải hoàn trả những đứa trẻ bị bắt về cho bố mẹ chúng, số trẻ bị giam giữ không những không giảm xuống, mà lại đang gia tăng. Tháng Năm năm ngoái (2017), tổng số trẻ bị giam giữ là 2,400 đứa; con số hiện tại là 12,800 đứa – hiện tượng không chỉ nghịch lý mà còn đi ngược với những điều tổng thống thường nói về tình trạng người tị nạn đến từ Trung và Nam Mỹ.

Theo báo cáo của Bộ Xã Hội, mức gia tăng hiện nay – nếu không ngăn chặn được – sẽ vượt quá khả năng đón nhận của trên một trăm trại tạm trú do chính phủ mướn của tư nhân. Công nhân phục dịch trong những trại tạm trú cho biết không khí sinh hoạt trong trại buồn thảm và nặng nề.

Hai nguyên nhân tạo ra sự gia tăng quá đáng của số trẻ gửi trong các trại tạm trú là, (1) gia đình người tị nạn mất con thường sống trong những vùng đồng quê hoặc rừng núi, không có địa chỉ rõ rệt để liên lạc, và (2) bức trường thành Mỹ-Mễ chưa xây xong đã tỏ ra không kiến hiệu, vì đám trẻ không trèo qua tường, không chui qua địa đạo để vào lãnh thổ Mỹ; chúng đi thẳng đến những tiền đồn biên giới trình diện và xin tị nạn.

Đám trẻ lại đi một mình, không cần ai bồng, ai dắt cả; chính quyền minh định chúng là những thiếu niên, thiếu nữ teenagers đến từ các quốc gia Trung và Nam Mỹ – con đường dài vài ngàn dậm. Hai yếu tố đường dài và tuổi tác của những đứa trẻ vị thành niên, khiến người bàng quang cũng thấy là có bàn tay tổ chức đưa “đoàn quân” trẻ con đó vào tấn công Hoa Kỳ bằng chiến thuật biển người.

Dù con số 12,800 đứa trẻ không gia tăng thêm nữa thì phí tổn giam giữ chúng cũng đã lên đến $3 tỷ rưỡi mỗi năm; những con số này được chính phủ thông báo cho Quốc Hội, và truyền thông tìm biết.

Bế tắc thứ nhì là số trẻ được cư dân Trung và Nam Mỹ đang sống tại Hoa Kỳ sponsor về chung sống với họ cũng giảm xuống rất nhiều, vì chính những người sponsor đó cũng đang sống bất hợp pháp, không dám ra mặt, sợ bị trục xuất.

Tài liệu chính phủ thông báo quốc hội cho thấy nhu cầu phải gia tăng ngân khoản để mướn thêm trại tạm trú cho số thiếu niên nhập cảnh bất hợp pháp, vì khả năng của những trại tạm trú hiện có, đã đầy đến 90%.

Ông Mark Greenberg viên chức phụ trách đám trẻ di dân bất hợp pháp trong chính phủ cũ của Tổng thống Barack Obama, nhận định, “Càng gần mức 100% khả năng tạm giam đám trẻ phạm luật di trú, Bộ Xã Hội càng gặp nhiều khó khăn hơn.” Ông Greenberg chỉ nói một điều quá đương nhiên, mà không đưa ra được một giải pháp nào giúp giảm bớt mức căng thẳng của tình hình. Trong thời gian trách nhiệm của ông, số trẻ bị tạm giam chỉ ở mức 30% khả năng giam giữ.

Bộ Xã Hội đang dự trù một biện pháp tạm là bành trướng “thị trấn lều vải” (tent city) tại Tornillo, Texas lên gấp 3 lần, để có khả năng nhận thêm 3,800 đứa trẻ nhập cảnh bất hợp pháp nữa – nếu chúng cứ đến. Nhiều viên chức quốc hội cho là biện pháp bành trướng thị trấn lều vải Tornillo là quá tốn kém và không kiến hiệu.

Bà Evelyn Stauffer, viên chức đặc trách truyền thông tại bộ Xã hội, tuyên bố qua một bản nhận định, “Con số những đứa trẻ đơn độc – không cùng đi với người lớn – xâm nhập lãnh thổ Mỹ xin tị nạn – gia tăng nhanh chóng là triệu chứng của một vấn đề lớn hơn trong chính sách di dân của Hoa Kỳ. Do đó Bộ Xã Hội tiếp sức với tổng thống kêu gọi quốc hội giải quyết hệ thống di dân trục trặc này, và giải quyết sức hút đang quyến rũ càng ngày càng nhiều người đến biên giới Hoa Kỳ.”

Vấn đề di dân vị thành niên phức tạp không chỉ riêng cho hành pháp, mà cho cả lập pháp nữa, vì đối tượng cần đối phó là những đứa trẻ chưa có khả năng tự lập, tự tồn, và chưa đủ trưởng thành để ý thức được việc chúng làm.

Đó mới chỉ là cái góc khách quan của vấn đề, góc chủ quan là Quốc Hội Mỹ không thể nào ban hành một đạo luật trừng trị những phạm nhân nhỏ bé này bằng một án tù khi chúng chỉ phạm tội “xin tị nạn.”

Ấy là chưa nói đến tính cấp tốc của vấn đề; cấp tốc vì ngay tuần sau có thể có thêm 10,000 đứa trẻ nữa đến đồn biên giới xin tị nạn. Giả thuyết này không phải là không thực hiện được, vì với đối tượng quần chúng chất phác sống trong những thị trấn nhỏ thì dư luận đồn đải, dù vô căn cứ, cũng có thể được đón nhận và tin tưởng.

Thử hình dung cảnh một nông dân Brazil, hay một ngư phủ Chile nhận được thư của đứa con họ đang sống trong các trại tạm giam tại Texas gửi về hỏi bố mẹ xem nó nên chọn tiểu bang nào để ghi tiêu chuẩn lựa chọn trú quán của gia đình sponsor!

Dư luận của cả tỉnh Brazilia, hay tỉnh Santa Cruz, sẽ nhộn lên, và vài trăm ông thầy bàn xuất hiện, bàn ngang, tán dọc, khiến người trong cuộc nhìn thấy tương lai con mình trở thành công dân Mỹ, tốt nghiệp bác sĩ, tiến sĩ…

Một tổ chức ác ý, có thể tung ra cái tin đồn đó, hoặc những tin đồn khác thuận với trình độ và lòng tin của dân địa phương hơn, để tổ chức thêm nhiều đạo chí nguyện quân tiến về biên giới Hoa Kỳ, nhân đôi con số 12,800 trại sinh Trung-Nam Mỹ đang được tạm giam với cái giá đắt hơn khách sạn Hilton của Nữu Ước.

Việc giản dị hơn, và có thể nhanh chóng thực hiện là tái lập vùng trái độn Mễ Tây Cơ – bằng cách cải thiện bang giao Mỹ-Mễ, và thành lập 12 hội thân hữu kiểu hội Việt-Mỹ ở Sài Gòn ngày xưa tại 12 quốc gia Trung Mỹ, Nam Mỹ, như hội Argentina-Mỹ, hội Colombia-Mỹ, hội Peru-Mỹ… để vừa phổ biến chính sách di dân tị nạn của Mỹ, vừa phổ biến danh sách những đứa trẻ đang bị tạm giam tại Mỹ và giúp gia đình chúng hồi hương con họ.

Phí tổn trong nỗ lực bành trướng ảnh hưởng và xác định chính sách di dân tị nạn của Mỹ tại Trung và Nam Mỹ, so với những tỉ đô la Mỹ đang phải tiêu xài để giam giữ những cô, cậu phạm nhân vị thành niên sẽ chỉ là một tỉ lệ nhỏ, và là những triệu bạc được xử dụng đích đáng để giải quyết hữu hiệu cái vạ tị nạn. (Nguyễn Đạt Thịnh)








No comments:

Post a Comment

View My Stats