Saturday, 8 September 2018

BẢN TIN NGÀY 8/9/2018 (Báo Tiếng Dân)




08/09/2018

Rước giặc vào nhà
Truyền thông trong nước đưa tin: Khách Trung Quốc chính thức được tự lái xe vào Lạng Sơn du lịch. Hôm 6/9, tỉnh Lạng Sơn chính thức cho phép khách du lịch Trung Quốc tự lái xe đi du lịch tại một số tuyến đường trong tỉnh này.

Mặc dù đưa ra một số quy định như: “Thời gian thực hiện một tour tối đa là 3 ngày. Quy mô đối với đoàn xe du lịch tự lái tối thiểu 3 xe/đoàn, tối đa 10 xe/đoàn. Tổng số xe du lịch tự lái nhập cảnh, lưu hành tại Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn không quá 50 xe/ngày“, thế nhưng trường hợp các đoàn xe Trung Quốc vi phạm những quy định nói trên thì sao, không thấy bài báo nào nói tới chế tài xử lý.

Chưa kể trong trường hợp các đoàn xe này chở vũ khí, bom đạn vào Việt Nam, chính quyền Lạng Sơn và chính phủ Việt Nam sẽ xử lý thế nào, cũng không ai rõ. Chính sách Hán hóa của Trung Quốc đang dần được thực hiện, với sự tiếp tay của người Việt. Ngoài việc cho người Tàu tự lái xe vào Lạng Sơn, việc cho phép dùng đồng Nhân Dân tệ để thanh toán ở biên giới VN là hình thức tiến tới ‘sáp nhập lãnh thổ’?

Đoàn xe tự lái của khách du lịch Trung Quốc khởi hành qua biên giới sang tham quan, du lịch Việt Nam Ảnh: TTXVN


Thanh tra Chính phủ công bố vụ Thủ Thiêm
Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết quả kiểm tra liên quan đến việc khiếu nại của người dân ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Sài Gòn. Sự việc liên quan tới nhiều vấn đề nhức nhối, người dân khiếu kiện suốt 20 năm qua, thế nhưng TTCP chỉ cho ra báo cáo đúng 10 trang giấy: Kết quả kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đối với lãnh đạo TPHCM, TTCP yêu cầu thực hiện: “(1) kiểm điểm, chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch; thu hồi đất, đền bù, tái định cư; việc lưu trữ hồ sơ, tài liệu, bản đồ… để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật; (2) công khai, nhận trách nhiệm về những khuyết điểm, vi phạm, dẫn đến khiếu nại kéo dài trong thời gian vừa qua”.

Báo Thanh Niên có bài: Thanh tra Chính phủ chính thức công bố kết luận kiểm tra dự án Thủ Thiêm. Theo đó, hàng loạt sai phạm từ cá nhân tổ chức như điều chỉnh diện tích ranh giới không đúng thẩm quyền, quyết định thu hồi đất của thành phố không đúng với phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ… Qua đó, kiến nghị xử lý trách nhiệm những người lưu giữ bản đồ quy hoạch khu Thủ Thiêm, khẳng định khiếu nại của người dân là có cơ sở.



Xin gần 2 tỷ cho sếp xứ Thanh đi Mỹ
Là một tỉnh nghèo, hàng năm Thanh Hóa phải xin gạo cứu đói, nhưng lãnh đạo tỉnh này không ngừng chi tiêu hoang phí. Tháng 6/2018, Thanh Hóa cũng đã chơi trội khi xin 104 tỷ đồng để tổ chức kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa. Mặc dù hiện tại Thanh Hóa đang bị thiên tai tàn phá nặng nề, kiệt quệ sau lũ lụt, Thanh Hóa kêu gọi ‘nhường cơm sẻ áo’ với người dân khó khăn, nhưng lãnh đạo tỉnh không ngừng chơi ngông.

Trong lúc người dân đang đối phó với thiên tai, cả nước đang chung tay giúp đỡ, thì Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Thanh Hóa có văn bản gửi UBND tỉnh, xin 1,7 tỷ đồng, cho 3 quan chức tỉnh di Mỹ. Đó là bà Lê Thị Thìn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; ông Nguyễn Văn Biện, Giám đốc Sở Ngoại vụ và bà Trần Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm. Cả ba quan chức này tham gia chương trình quảng bá ở Mỹ tại Los Angeles và Hawaii, từ ngày 8/9 đến ngày 19/9.

Bảng kê dự chi kinh phí cho chuyến đi 11 ngày của 3 quan chức Thanh Hóa tại nước Mỹ. Ảnh: Báo NLĐ

Ông Phạm Đức Trí, Phó giám đốc Trung tâm cho biết: “Đây là chương trình do Bộ Ngoại giao tổ chức, Thanh Hóa là 1 trong 5 địa phương cùng với Hà Nội, Cao Bằng, Tuyên Quang và Bạc Liêu đi trong chuyến này“. Mục đích là “quảng bá tiềm tăng, thế mạnh của Thanh Hóa tới nước bạn, qua đó thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Thanh Hóa“.

Hình ảnh tương phản của người dân huyện Mường Lát (Thanh Hóa) chống chọi với lũ. Ảnh: ANTT


Các cựu lãnh đạo tỉnh Bình Dương và Bến Tre bị truy tố
Trang Tầm Nhìn đưa tin: Gây thiệt hại hơn 131 tỷ đồng, nhiều bị can nguyên là cán bộ tỉnh Bình Dương bị truy tố. Ngày 5/9, Viện KSND tối cao truy tố các bị can gồm ông Cao Minh Huệ, cựu Giám đốc Sở Địa chính tỉnh Bình Dương; Đỗ Văn Sâm, cựu quan chức Phòng NN-PTNT, huyện Bến Cát, Bình Dương và Phan Văn Trung, cựu Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bến Cát, tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ”.

Ba quan chức nói trên đã trục lợi bằng cách mua gần 100 ha đất trái quy định, trong số 658ha cao su được bán để giải quyết nợ nần, rồi để cho người thân là mẹ, vợ, con, chị em ruột đứng tên, hưởng lợi nhiều tỷ đồng.

Cựu Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre đối mặt với bản án 20 năm tù. Báo Thanh Niên đưa tin: Truy tố nguyên Giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre. Ông Lê Phong Hải, cựu Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, lúc còn đương chức đã gây thất thoát ngân sách gần 7 tỷ đồng, khi thực hiện một dự án thủy lợi của tỉnh gần 10 năm trước. Ông Hải bị truy tố tội “cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng“, có thể đối mặt với bản án 20 năm tù.


Vỡ đập nước thải phân bón ở Lào Cai
Báo Zing đưa tin: Vỡ đập hồ chứa, 45.000 m3 chất thải phân bón tràn vào nhà dân. Nhà máy DAP số 2, thuộc KCN Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, bị vỡ đập khiến hàng chục ngàn m3 chất thải độc hại tràn vào nhà dân, gây ngập lụt nhiều nơi trong thị trấn, nhiều hecta hoa màu và tài sản bị nước thải vùi lấp, cuốn đi. Người dân ở đây cho biết, trước khi xảy ra sự cố vỡ đập, nước thải của nhà máy DAP số 2 đã nhiều lần rò rỉ, gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.

Facebook Trần Nhài có video clip chia sẻ sự việc này:


Hàng loạt công trình tiền tỷ bỏ hoang
Báo Đại Đoàn Kết có bài: Ì ạch dự án nghìn tỷ, dân khốn khổ. Theo đó, dự án nâng cấp đường Âu Cơ, tỉnh Phú Thọ, với kinh phí 1.634 tỷ đồng, sau 8 năm xây dựng vẫn chưa hoàn thành, thi công chậm tiến độ, nhiều đoạn đường chưa đi vào hoạt động đã chằng chịt ổ voi, ổ gà…

Bà Nguyễn Thị Tình, một người dân, tức giận nói: “Trời nắng thì bụi ngập trời, trời mưa thì đường lầy lội như ruộng mạ. Nhiều năm trời, người dân chúng tôi bị con đường nghìn tỷ hành hạ đến khốn khổ. Đường nghìn tỷ thi công ỳ ạch đi lại khổ hơn đường làng. Đã thế vật liệu bổ tông để ngổn ngang giữa đường, cống rãnh hai bên đường đào lên không được đậy nắp, cỏ mọc um tùm che hết chả khác nào cái bẫy chết người”.

BQL đầu tư thì phân bua: “Đến bây giờ không đủ tiền, chờ Nhà nước bố trí vốn, nguồn vốn trung hạn của Trung ương, Trung ương không bố trí được vốn thì Ban Quản lý cũng không biết làm gì được, tỉnh Phú Thọ cũng khó khăn…”. Trong khi dự án đã đội vốn từ năm 962 tỷ đồng lên 1.634 tỷ đồng.

Cũng liên quan dự án tiền tỉ bỏ hoang, báo Tin Tức có bài: Lãng phí trạm y tế tiền tỷ bỏ không. Được xây dựng với kinh phí 14 tỉ đồng, nhưng sau khi hoàn thành, Trạm y tế Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội, bị bỏ hoang suốt hai năm qua. Trong khi Trạm y tế Cầu Diễn phải mượn một căn phòng của Nhà văn hóa tổ dân phố 15 làm nơi khám chữa bệnh, thì công trình tiền tỉ khang trang khi hoàn thành lại bỏ hoang, không được phép sử dụng.


Tin giáo dục
Bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại được đưa vào giảng dạy đã vấp phải những phản ứng từ cộng đồng mạng. Mấy ngày qua, mạng xã hội còn xuất hiện những đoạn clip ném đá về cách phát âm “lạ” trong bộ sách này. Tuy nhiên, giáo sư Hồ Ngọc Đại nói rằng, “Tôi không buồn bực, tức giận và không chấp những người thiếu hiểu biết”.

Trước đó, nhiều clip được chia sẻ lên mạng xã hội ghi lại cảnh học sinh chỉ vào những ô vuông, hình tam giác… đọc phanh phách cả bài thơ, nhưng khi phụ huynh chỉ tay vào chữ rồi hỏi “chữ này là chữ gì”, thì lại không biết. Hoang mang trước cách dạy trên, hàng chục phụ huynh ở TP Cần Thơ đã tới trường chất vấn về SGK Tiếng Việt mới.


***








No comments:

Post a Comment

View My Stats