Tuesday, 11 September 2018

BẢN TIN BIỂN ĐÔNG NGÀY 11/9/2018 (BTV Tiếng Dân)




BTV Tiếng Dân
11/09/2018

Ngoài thực địa
Như tin đã đưa, tàu sân bay trực thăng Kaga của Nhật đang thực hiện chuyến hải hành ở Biển Đông kéo dài hơn hai tháng, ghé thăm các nước Đông Nam Á như Philippines, Indonesia, tập trận chung với hải quân Mỹ ở gần quần đảo Trường Sa, sau đó đến Sri Lanka và Ấn Độ.

Ngày 8/9 vừa rồi, kênh truyền hình Nippon News Network (NNN) đưa tin trong lúc tuần tra ở Biển Đông hồi tuần qua, tàu Kaga đã bị hai tàu hộ vệ tên lửa Type 054A của Trung Quốc áp sát. Phóng viên Nhật Bản có mặt trên tàu đã ghi lại được hình ảnh một tàu di chuyển song song ở khoảng cách vài km, trong khi một tàu khác ở xa hơn đã đổi hướng để tiến về phía tàu Nhật.

Theo trang Oxii là trang tiếng Việt dẫn lại tin trên, bản tin của Nhật cũng cho biết mặc dù các tàu chiến Trung Quốc không có hành vi nguy hiểm chống lại tàu Kaga, nhưng sự việc cho thấy Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát thực tế khu vực này.

Tuy không công khai đi vào vùng 12 hải lý quanh các thực thể ở quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc chiếm đóng, nhưng đợt tuần tra của tàu Kaga mang “cảm giác về sự hiện diện” của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản ở khu vực Đông Nam Á, một quan chức chính phủ Nhật Bản nói với NNN. Tokyo hy vọng thông qua những chuyến tuần tra như thế này để dần dần hình thành nên cơ chế điều phối tàu tuần tra thường xuyên Biển Đông – Ấn Độ Dương.
Cũng trong thời điểm này, Diễn đàn Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc đã công bố một số ảnh vệ tinh cho thấy tàu hộ vệ tên lửa Type 054 của Trung Quốc đã neo đậu ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, theo trang Oxii.

Trung Quốc đang tạo ra thực tế mới ở Biển Đông, với các hoạt động theo dõi, áp sát hay cảnh báo tàu và máy bay các nước khi thực hiện quyền tự do hải hành qua các vùng biển mà Trung Quốc cho là thuộc quyền chủ quyền của mình.

Trước đó, ngày 1/9 trang Oxii dẫn lời hãng Kyodo News, cho biết, một tạp chí lưu hành nội bộ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã xuất bản một bài viết vào tháng 6 năm ngoái của lãnh đạo cấp cao thuộc lực lượng Thủy quân lục chiến Trung Quốc. Nội dung bài viết mô tả, cách tấn công áp chế các đảo ở quần đảo Trường Sa với cả lực lượng trên biển, trên bộ và trên không. Bài viết không nói rõ “kẻ địch” là ai, nhưng khu vực biển mục tiêu của cuộc tấn công bao gồm các đảo Song Tử Tây, đảo Thị Tứ và đảo Ba Bình.

Bài viết có đoạn: “Trong một số rạn san hô, ‘kẻ địch’ đã lắp đặt hệ thống radar và hệ thống pháo phòng thủ, nhưng kết quả phân tích cho thấy khả năng phòng thủ của họ trước các cuộc tấn công cường độ cao là không cao. Chúng ta đã bị tước đi lượng lớn tài nguyên, chúng ta phải nghiên cứu chiến lược bảo vệ tài nguyên biển và chuẩn bị tái chiếm”.


Việt Nam tại diễn đàn đa phương
Trong khi đó, tại hội nghị thứ trưởng Quốc phòng ASEAN – Nhật Bản lần thứ 10 diễn ra ngày 10/9 ở Nagoya, Nhật Bản, đại diện các nước ASEAN cho rằng, việc tôn trọng luật pháp quốc tế mang tính quyết định đối với hòa bình và ổn định ở khu vực và trên thế giới. Và khi nói đến thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, “trước tiên các nước không được quân sự hóa, không đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực. Các tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình và tôn trọng tiến trình ngoại giao, pháp lý,” theo Thông Tấn xã Việt Nam.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đoàn đại biểu quốc phòng Việt Nam tham dự hội nghị ở Nhật Bản.

Ông Vịnh cho rằng, hệ thống luật pháp quốc tế tương đối đầy đủ, cho nên vấn đề đặt ra là các nước cần cùng hiểu đúng, diễn giải chính xác và khách quan, thực hiện đầy đủ và nghiêm chỉnh các công ước, điều ước quốc tế đã tham gia để pháp luật được thượng tôn.
Hội nghị cấp thứ trưởng quốc phòng ASEAN – Nhật Bản gồm 3 phiên chính với các chủ đề: Các thách thức và nỗ lực chia sẻ những giá trị phổ quát trên cơ sở thượng tôn pháp luật; Thách thức và nỗ lực ứng phó với thảm họa thiên tai; Tầm nhìn để làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác quốc phòng ASEAN-Nhật Bản.

Các đại biểu cho rằng các nước cần tiếp tục thực hiện đầy đủ Tuyên bố Về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), một văn bản có tính ràng buộc pháp lý. Đáng chú ý, các đại biểu cho rằng văn bản COC tuy là văn bản ràng buộc pháp lý giữa ASEAN và Trung Quốc nhưng cũng cần tính đến sự quan tâm của các nước khác. Đây là điều trái với mong muốn của Trung Quốc muốn loại trừ sự can dự của các nước ngoài khu vực Đông Nam Á.

Hợp tác quốc phòng
Cũng theo bản tin trên của Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, Việt Nam đã tiếp nhận vai trò điều phối quan hệ hợp tác quốc phòng ASEAN-Nhật Bản từ tháng 8/2018. Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với phía Nhật Bản để triển khai các nội dung hợp tác giữa ASEAN và Nhật Bản trên tinh thần tài liệu “Tầm nhìn Vientiane” giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM).

Ông Nguyễn Chí Vịnh cũng đã có cuộc hội đàm song phương với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Ro Manabe bên lề hội nghị quốc phòng ASEAN – Nhật Bản. Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực: trao đổi tàu hải quân, công nghiệp quốc phòng, an ninh mạng, khắc phục hậu quả chiến tranh, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.







No comments:

Post a Comment

View My Stats