Hôm 29 tháng 8, 2018, trong buổi phóng vấn dành cho
hệ thống truyền hình FOX, Đại tướng hồi hưu John M. Keane, nguyên Phó Tổng Tham
Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ và hiện là Chủ Tịch Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh, lần
nữa xác định quan điểm chiến lược của Mỹ xem “Trung Cộng là đe dọa an ninh lâu
dài.”
Theo tướng John M. Keane, trong giai đoạn từ khi Tập
Cận Bình nắm quyền tối cao tại Trung Cộng, khả năng quốc phòng của Trung Cộng
đã phát triển nhanh hơn bất cứ quốc gia nào, kể cả Mỹ. Vào năm 2017, Trung Cộng
có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới về số lượng tàu chiến với 317 chiến hạm
so với 283 của Mỹ.
Dĩ nhiên, sự so sánh của tướng John M. Keane chỉ đơn
thuần về con số, các yếu tố khác có thể còn quan trọng hơn chưa được ông phân
tích hay tạm gác qua bên.
Chính sách của Mỹ trong những năm sau biến cố 9/11/2001
tập trung vào chống khủng bố, chiến tranh Iraq, Afghanistan, và khủng hoảng
Trung Đông. Giới cầm quyền Trung Cộng đã lợi dụng sự thờ ơ đó của Mỹ để quân sự
hóa các vùng chiếm được trên Biển Đông và mở rộng ảnh hưởng trên Thái Bình
Dương.
Chính
sách đối ngoại “bẫy nợ” của Trung Cộng
Trung Cộng áp dụng chính sách đối ngoại hai mặt, vừa
lấn áp chủ quyền thô bạo trên Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế và đồng thời
vừa mở rộng quan hệ kinh tế với các quốc gia đang phát triển trong vùng để dụ họ
vào chiếc bẫy nợ.
“Bẫy nợ” kinh tế tài chánh sẽ ảnh hưởng đến chính
sách đối ngoại và quốc phòng. Các nước như Sri Lanka, Pakistan, Cambodia,
Bangladesh, Nepal, Philipppines v.v.. đang sập vào bẫy nợ của Trung Cộng.
Các nhà phân tích ví von một cách mỉa mai rằng giấc
mơ tươi đẹp của chủ nợ Trung Cộng là cơn ác mộng hãi hùng của các nước con nợ.
Mục đích chính của “bẫy nợ” do Trung Cộng tạo ra là
an ninh chiến lược. Nỗi sợ của Trung Cộng là bị bao vây nên mọi chính sách đối
ngoại của Trung Cộng đều nhằm giải tỏa vòng vây.
“Bẫy nợ” tại Sri Lanka như nhiều phân tích đã bàn đến.
Ấn Độ là nước quan tâm nhất vì cảng chiến lược Hambantota chỉ cách Ấn Đô một trăm
dặm . Các điều khoản của hợp ước sang nhượng Hambantota 99 năm có cả việc cho
phép các tàu chiến Trung Cộng thả neo. Báo chí cho rằng Sri Lanka có khả năng
đe dọa Ấn Độ tương tự như vị trí của Cu Ba đối với Mỹ trong Chiến tranh Lạnh.
Một ví dụ khác là Pakistan. Một phần năm tổng số nợ
nước ngoài của Pakistan đến từ Trung Cộng. Không phải tự nhiên mà Trung Cộng
trói Pakistan vào cột nợ. Pakistan giữ vị trí chiến lược cạnh sườn của Ấn Độ, đối
thủ đáng lo của Trung Cộng tại Á Châu. Chính sách bị quốc tế kết án là có ý định
chủ nghĩa đế quốc này của Trung Cộng không chỉ áp dụng với Pakistan mà còn đối
với nhiều nước Á Châu khác. (Is Pakistan falling into China’s debt trap?, Abdul
Khaliq, Committee For The Abolition Of Illegitimate Debt, 16-4-2018)
Nhưng trọng tâm của tất cả là chính sách Một Vòng
Đai Một Con Đường (One Belt, One Road hay thường được gọi tắt là OBOR) của Tập
Cận Bình. Khác với đề án Con Đường Tơ Lụa thời phong kiến Trung Hoa nối kết qua
đường bộ, OBOR sẽ tập trung vào đường biển.
Đề án khổng lồ có ảnh hưởng đến 68 quốc gia, 4.4 tỉ
người và 40 phần tổng sản lượng của nhân loại. Mục đích tối hậu không phải chỉ
đơn thuần kinh tế nhưng nhằm phục hồi vị trí của đế quốc Trung Hoa một thời chế
ngự Á Châu và lần này chế ngự thế giới.
Phản
công của Mỹ
Với sự lắng dịu tình hình Trung Đông và sự đe dọa đến
mức khẩn cấp của Trung Cộng tại Á Châu, bảo vệ vùng Thái Bình Dương Ấn Độ Dương
đã trở thành mục đích tối quan trọng của Mỹ trong thời gian trước mắt cũng như
lâu dài.
Về phía Mỹ, qua đạo luật NDAA 2019 được TT Donald
Trump ký hôm 13 tháng 8, 2018 chuẩn chi 717 tỉ Mỹ kim cho các đề án quốc phòng
tài khóa 2019 nhằm đương đầu với hai đối thủ khả năng là Nga và Trung Cộng. Đạo
luật giải thích một cách chi tiết nhằm “cung cấp các lực lượng cần thiết và các
cơ sở quân sự, khả năng yểm trợ trong khu vực. Đạo luật ủng hộ các thực tập
quân sự với Nhật, Úc, và Ấn Độ và cải thiện sự hợp tác an ninh để đối lực lại ảnh
hưởng đang dâng cao của Trung Quốc tại Á Châu, Đông Nam Á Châu và các khu vực
khác.” (H.R. 5515: John S. McCain National Defense Authorization Act for Fiscal
Year 2019)
Trật tự
mới đang hình thành tại Á Châu
Điểm nổi bật trong chính sách đối ngoại của TT Trump
thể hiện qua chuyến đi năm quốc gia Á Châu là việc giới thiệu chiến lược Ấn-Thái
Bình Dương (Indo-Pacific Strategy). Mục đích của chính sách là tạo một không
gian “tự do” và “mở” (free and open Indo-Pacific) đối xử theo cam kết và luật định
tại khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Rõ ràng chính sách này nhằm tạo một
đối lực thông qua các liên minh giữa Mỹ và các đồng minh Á Châu, cụ thể là Ấn Độ
quốc gia có dân số 1.3 tỉ người, để làm đối lực với chính sách bành trướng vô
luật pháp của Trung Cộng.
Chận đứng tham vọng bành trướng của Trung Cộng là một
thách thức lớn lao, không thể thực hiện bởi riêng một quốc gia nào mà bằng hàng
loạt các liên minh tin cậy về kinh tế, chính trị và quốc phòng.
Một số nhà bình luận gọi chính sách Mỹ đang áp dụng
đối với Trung Cộng là ngăn chận mới (new containment) mang nội dung kinh tế
quân sự để phân biệt với chính sách ngăn chận thời Chiến tranh Lạnh mang nội
dung chống Cộng sản bành trướng.
Một liên minh trục theo dạng NATO tại Á Châu sớm hay
muộn cũng sẽ ra đời. Bên cạnh liên minh trục, các liên minh quốc phòng và hợp
tác song phương, đa phương để dựa lưng nhau cũng sẽ được hình thành.
Còn quá sớm để dự đoán khả năng nào có thể xảy ra và
tầm tác hại đến mức độ nào trong cuộc tranh chấp giữa Trung Cộng và khối tự do.
Trung Cộng sụp đổ do các mâu thuẫn bản chất đối
kháng mang tính triệt tiêu hay chiến tranh có thể bùng nổ trong thời gian ngắn
nữa tùy thuộc vào nhiều yếu tố.
Dù với khả năng nào, vai trò và tư cách lãnh đạo của
các quốc gia nằm trong vòng ảnh hưởng của xung đột Á Châu hiện nay đóng một vai
trò vô cùng quan trọng.
Bài học chủ quan ỷ lại vào phòng tuyến Maginot và
thiếu lãnh đạo xứng đáng của Pháp trong giai đoạn trước thế chiến thứ hai đã
làm Pháp, một trong ba cường quốc kinh tế và quân sự của Châu Âu, rơi vào tay Đức
chỉ trong vòng 46 ngày vẫn còn là một đề tài nóng bỏng.
Ba
thách thức của dân tộc Việt
Việt Nam như một dân tộc đang đứng trước ba thách thức
chính, hai khách quan và một chủ quan: (1) ngoại xâm Trung Cộng, (2) nội thù Cộng
Sản và (3) phân hóa trong nội bộ những người quan tâm đến tiền đồ đất nước. Các
thành phần vô cảm, xu thời, cơ hội không cần thiết phải bàn trong bài này.
Trong ba thách thức, thách thức thứ ba nguy hiểm nhất,
mang đặc tính chủ quan nhưng không khó khăn lắm để nhận diện. Nếu thắng được
thách thức thứ ba, dân tộc Việt sẽ thắng thách thức thứ hai một cách dễ dàng và
có khả năng cao sẽ thắng được thách thức thứ nhất.
Để nhận diện ra thách thức thứ ba, mỗi người chỉ cần
tự trả lời cho mình một câu hỏi “Anh (chị) thật sự muốn gì cho đất nước?”
Câu hỏi thoạt có vẻ rất đơn giản, ngô nghê nhưng ít
ai có thể trả lời cho chính mình một cách thông suốt.
Hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả đều đồng ý,
con đường duy nhất hiện nay là tập trung sức mạnh dân tộc, gạt bỏ mọi bất đồng,
vận dụng các điều kiện quốc tế thuận lợi để đẩy mạnh cuộc vận động dân chủ tại
Việt Nam đến thành công, xóa bỏ chế độ độc tài toàn trị CS, thiết lập một chế độ
dân chủ pháp trị, hiện đại hóa đất nước toàn diện làm nền tảng cho việc phục hồi
chủ quyền đất nước, mở đường cho một Việt Nam thăng tiến lâu dài.
“Đúng thế. Không có con đường nào khác”, nhiều người
có thể thét to lên.
Tuy nhiên, không phải ai cũng sống và hành xử ngoài
cộng đồng, ngoài xã hội đúng với tinh thần của câu trả lời mình đồng ý. Không
ít người vẫn thích nguyền rủa hơn khuyên răn, thích dạy khôn hơn học hỏi lẫn
nhau, thích kết án vội vàng hơn tìm hiểu lý do.
Nhận thức đúng không chỉ dành riêng những người có
kiến thức rộng, đọc nhiều biết nhiều, đi nhiều hay ngay cả ở tù CS nhiều nhưng
từ những người biết vượt qua hay luôn tìm cách vượt qua những tiêu cực, tị hiềm,
hẹp hòi để sống vì cái chung của đất nước.
Cuộc chiến dài và hành trình tỵ nạn đầy hiểm nguy
gian khổ đã để lại những vết thương, những vết hằn cá nhân sâu đậm trên thân thể
và trong nhận thức của nhiều người, nhưng phải cố gắng vượt qua. Sinh mệnh của
dân tộc lớn hơn, quan trọng hơn nỗi đau nhức riêng tư.
Tiền đề
của cách mạng dân chủ
Thách thức thứ ba này cũng chính là tiền đề cách mạng
dân chủ, và do đó, chưa thể có cách mạng dân chủ nếu những người đang tranh đấu
không đồng thuận được ở những bước tiền đề.
Phong trào đối đầu với đảng CS Nga nói riêng và đảng
CS Liên Xô nói chung trước 1991 cũng chứa đựng nhiều phân hóa, hận thù, nghi kỵ
với đủ loại người từ một cựu ủy viên Bộ Chính trị Boris Yelstin cho tới nhà vật
lý nguyên tử Andrei Sakharov. Tuy nhiên, họ đã đoàn kết dựa trên những mục tiêu
cụ thể, giới hạn, rõ ràng và dứt khoát.
Phong trào dân chủ Nga biết muốn thắng đảng CS Liên
Sô họ không thể đấu tranh bí mật, lén lút mà cần phải có cần một “sân chơi dân
chủ” công khai và muốn có “sân chơi dân chủ” công khai họ phải đẩy đảng CS Nga
vào chỗ chấp nhận “trò chơi dân chủ”.
Điểm bắt đầu của mục tiêu tranh đấu của họ, do đó,
là “xóa bỏ điều sáu hiến pháp” trong đó quy định “đảng Cộng sản Liên Xô là lực
lượng lãnh đạo và dẫn dắt xã hội Xô viết, là hạt nhân của hệ thống chính trị, của
nhà nước và các tổ chức xã hội” mở đường cho bầu cử quốc hội tự do. Kết quả,
phong trào dân chủ Nga thắng.
Các tiền đề cách mạng dựa trên các điều kiện tương tự
cũng đã được áp dụng tại ba nước vùng Baltic trong cuộc vận động “thoát Liên
Sô” trước 1990 qua ngã bầu cử quốc hội dân chủ và các quốc gia đó đã “thoát
Liên Sô”.
Điều kiện lịch sử của thế giới tại mỗi thời điểm mỗi
khác nhưng khát vọng tự do như hơi thở của con người, dù Mông Cổ, Latvia, Miến
Điện hay Việt Nam cũng giống nhau.
Đất nước Việt Nam không gì khác hơn là một tập hợp của
những con người có cùng lịch sử, cùng địa lý, cùng văn hóa và hôm nay đang cần
có cùng một ước mơ tự do dân chủ. Nếu mỗi người Việt quan tâm, trả lời đúng và
nỗ lực theo đuổi mơ ước tự do dân chủ của mình một cách chân thành, rồi đất nước
sẽ đổi thay.
No comments:
Post a Comment