Friday, 11 May 2018

DÂN CHỦ LÀ GÌ? (Nguyễn Hưng Quốc)





Trong ba thập niên vừa qua, trên thế giới, có lẽ ít có chữ nào, về phương diện tần số xuất hiện, được phổ cập; về phương diện từ nguyên, đơn giản và dễ hiểu; về phương diện lý tưởng, được nhiều người đồng thuận; nhưng về phương diện ngữ nghĩa, lại mơ hồ; và về phương diện chính trị, lại bị lợi dụng nhiều như chữ dân chủ.

Ở đâu cũng nghe chữ dân chủ. Chữ dân chủ xuất hiện ngay trong tên chính thức của nhiều nước (chẳng hạn, ở Việt Nam trước đây, “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa”) hoặc trong hàng tiêu ngữ thường được viết dưới quốc hiệu. Chữ dân chủ cũng được đặt làm tên các đảng phái chính trị. Phần lớn các cuộc cách mạng nổi lên từ đầu thế kỷ 20 đều nhắm đến lý tưởng dân chủ.

Các cuộc cách mạng bùng nổ ào ạt từ cuối thế kỷ 20 lại càng giương cao ngọn cờ dân chủ. Nhân danh dân chủ, người ta phá sập bức tường Bá Linh. Nhân danh dân chủ, người ta tuyên bố khai tử chủ nghĩa cộng sản từng có thời thống trị cả một nửa nhân loại. Gần đây, cũng nhân danh dân chủ, người dân ở một số nước Trung Đông và Bắc Phi xuống đường thách thức lại các chế độ chuyên chế từng bóp nghẹt tự do của họ trong cả mấy chục năm ròng rã.

Mà không phải chỉ mới phổ biến gần đây. Khái niệm dân chủ, vốn gắn liền với nền văn minh La Hy, đã xuất hiện từ lâu. Chữ “democracy” (dân chủ) trong tiếng Anh và một số ngôn ngữ Tây phương khác hiện nay có gốc gác từ tiếng Hy Lạp cả hơn hai ngàn năm trăm năm trước, trong đó, “demos” là dân, nhân dân; và “kratos” là trị, cai trị. Có lẽ nó hoàn toàn tương đương với chữ “dân chủ” mà chúng ta đang sử dụng: dân làm chủ. Không có người nào tóm tắt khái niệm dân chủ ấy hay bằng Abraham Lincoln trong câu nói nổi tiếng: “chính quyền của dân, do dân và vì dân”.

Đơn giản như thế, nhưng đi vào thực tế, khái niệm dân chủ bỗng trở thành phức tạp lạ lùng.
Thứ nhất, dân hay nhân dân là ai? Nhân dân, như một toàn khối, là một khái niệm mơ hồ, hàm hồ và phi thực. Ở đâu người ta cũng phải lựa chọn, và lựa chọn cũng có nghĩa là loại trừ. Ngày xưa, trong các nền dân chủ sơ khai thời cổ đại Hy Lạp, có ba thành phần bị loại trừ: những người ngụ cư, nô lệ và phụ nữ. Sau, dưới thời trung cổ, một thành phần khác bị loại trừ: những kẻ ngoại đạo. Ngay dưới những chế độ dân chủ thực sự thời hiện đại, thoạt đầu, cũng có nhiều thành phần bị loại trừ, chủ yếu vì lý do chủng tộc: người da đen ở Mỹ và người thổ dân ở Úc.

Thứ hai, bằng cách nào nhân dân làm chủ đất nước, qua đó, làm chủ số phận của mình? Trên lý thuyết, có hai cách chính: một là trực tiếp; hai là gián tiếp, qua các đại biểu. Cách trên, về giá trị, được coi là tối ưu, nhưng trên thực tế, ở tầm quốc gia, hầu như bất khả thực hiện. Cách dưới, từ Cách mạng Pháp về sau, được xem như là hình thức khả thi duy nhất của dân chủ, từ đó, thuật ngữ “dân chủ đại biểu” (representative democracy) được ra đời. Nhưng ở đây lại nổi lên một số vấn đề. Chẳng hạn, thế nào là “đại biểu”? Trong lịch sử, có nhiều hình thức chọn lựa khác nhau, và không phải hình thức nào cũng thực sự dân chủ, nhất là khi những người được xem là đại biểu ấy không phải lúc nào cũng tôn trọng nguyện vọng của những người đã bầu cho mình.

Tuy nhiên, những sự khác biệt ấy cũng không ngăn cản giới trí thức và chính trị gia thành tâm và có thiện ý đạt đến một số đồng thuận nhất định để có thể phân biệt được dân chủ thực sự với những hình thức phi dân chủ hay dân chủ giả hiệu.

Nói một cách tóm tắt, dân chủ phải bao gồm ít nhất một số yếu tố:

Một, nói đến dân chủ, trước hết, là nói đến cơ chế, đến cách thức tổ chức chính quyền. Một chế độ dân chủ phải được dân bầu một cách tự do và bình đẳng. Tính chất tự do và bình đẳng ấy chỉ có thể thực hiện được với một số điều kiện nhất định: thứ nhất, quyền phổ thông đầu phiếu cho mọi người thành niên; thứ hai, mọi người đều có quyền tham gia vào các hoạt động chính trị và xã hội, đặc biệt, được quyền đối lập và phản biện, quyền tuyên truyền và vận động cho lập trường và quan điểm của mình; điều đó có nghĩa là, thứ ba, sinh hoạt chính trị phải dựa trên nền tảng đa nguyên và đa đảng.

Tuy nhiên, bầu cử và đa đảng không bảo đảm được dân chủ nếu chính quyền không tổ chức bầu cử một cách nghiêm minh hoặc sau đó, không tôn trọng kết quả bầu cử (như trường hợp Miến Điện hay Zimbabwe trước đây). Do đó, cần thêm hai điều kiện này nữa: tính chất khả kiểm (accountability) và tinh thần thượng tôn pháp luật. Tính chất khả kiểm lại dựa trên sự minh bạch của chính phủ và quyền tự do thông tin và ngôn luận của mọi người. Trong khi đó tinh thần thượng tôn pháp luật chỉ có ý nghĩa khi tư pháp được độc lập với hành pháp.

Hai, tất cả các cơ chế ấy phải được vận hành trên một nguyên tắc: pháp trị. Dân chủ chỉ thực sự là dân chủ khi nó được đặt trên nền tảng pháp luật. Pháp luật ấy, một mặt, gắn liền với những giá trị phổ quát của nhân loại; mặt khác, chi phối mọi thành viên trong xã hội, hoàn toàn không có ngoại lệ, nghĩa là không có ai, tuyệt đối không có ai, dù là vua hay tổng thống hay tổng bí thư đảng, có thể đứng trên pháp luật được.

Hai yếu tố trên rất được nhiều người nhắc đến. Nhưng dân chủ không phải chỉ là cơ chế hay nguyên tắc. Dân chủ còn là một hệ thống niềm tin và giá trị. Bởi vậy đằng sau các cơ chế hay nguyên tắc ấy bao giờ cũng có một thứ văn hóa chính trị đặc biệt được xây dựng trên ba nền tảng chính:

Thứ nhất, sự tôn trọng nhân quyền, trong đó có hai quyền cơ bản nhất: tự do và bình đẳng của mọi công dân. Không được quyền nhân danh bất cứ thứ gì, kể cả đa số, để áp chế, tước đoạt quyền lợi hay chà đạp lên nhân phẩm của người khác thuộc phe thiểu số. Một xã hội dân chủ thực sự, một mặt, thực hiện ước muốn của đa số, nhưng mặt khác, phải bảo đảm quyền lợi của thiểu số. Điều quan trọng là việc bảo vệ quyền tự do và bình đẳng của con người phải được thiết chế hóa chứ không phải chỉ dựa vào thiện chí của các nhà lãnh đạo.

Thứ hai, một văn hóa dân sự (civic culture) với hai trọng tâm là ý thức trách nhiệm và sự tin cậy đối với cộng đồng và đất nước. Thứ ba, tôn trọng sự đa dạng. Đây là sự khác biệt chính giữa dân chủ cổ điển (ở Hy Lạp) và dân chủ hiện đại: trong khi dân chủ cổ điển dựa trên sự thống nhất và đồng nhất, dân chủ hiện đại dựa chủ yếu trên sự đa dạng và sự khác biệt.
Không phải cái gọi là dân chủ nào cũng hội đủ các đặc điểm nêu trên. Bởi vậy, trên thế giới mới có dân chủ thật và dân chủ giả (pseudodemocracy). Dưới các nền dân chủ giả, dân chúng cũng được phát phiếu đi bầu. Nhưng họ chỉ được bầu những người đã được ai đó lựa chọn sẵn. Và họ hoàn toàn không kiểm soát được hai điều mà, trên nguyên tắc, họ cần và có quyền kiểm soát: thứ nhất, quá trình đếm phiếu (không phải ngẫu nhiên mà ở các nền dân chủ giả, những người thắng cử bao giờ cũng thắng một cách hết sức vẻ vang, toàn 100% hoặc gần gần 100%!), và thứ hai, quá trình hoạt động của các đại biểu sau khi thắng cử.

Bạn thử nghĩ xem nền dân chủ ở Việt Nam hiện nay là thật hay là giả?










No comments:

Post a Comment

View My Stats