Saturday, 19 May 2018

BOLERO VIỆT & NHÓM GÂY HẤN (Nguyễn Tuấn Khoa)




Nguyễn Tuấn Khoa
19/05/2018

Vài năm qua, trong lĩnh vực âm nhạc, một số nghệ sĩ ở khu vực phía Bắc hay lên tiếng chê bai, thậm chí miệt thị giới nghệ sĩ và gu thưởng thức của khán giả miền Nam. Vài tháng trước, Tung Duong Singer đã làm cho “đất bằng lại dậy sóng” khi lập lại sự chê bai nhắm vào khán giả miền Nam, mà trước đó “nhóm gây hấn” (NGH) của Dương cũng đã từng dè bỉu.

“Gạch đá” vừa ngưng, thì trong cuộc họp báo đầu tháng 5, Dương Thụ lại làm nóng với những phát ngôn tượng tự, như: “Tôi rất buồn khi các ca sĩ ngày nay cứ chạy theo nhạc xưa, giờ là chạy theo Bolero. Tôi không chê, nhưng những người đó không phải ca sĩ hát Bolero. Họ có đủ tâm thế, trình độ, văn hóa để hát nhạc khác, nhưng lại cứ chạy theo Bolero để kiếm tiền”.

Tùng Dương và Bộ tứ sông Hồng. Ảnh: Soha

Hành xử của Dương & Thụ và NGH rất xa lạ với giới nghệ thuật ở phía Nam, nhất là giới nghệ sĩ Sài Gòn cũ. Thời trước 1975, bên cạnh dòng nhạc “nốp” của Phạm Duy, Cung Tiến, Văn Phụng, Ngô Thuỵ Miên, Từ Công Phụng… còn có cả dòng nhạc của giới bình dân mà tiêu biểu là Bolero Việt. Hai dòng nhạc này không thấy đứng chung sân khấu vì họ có khán giả riêng. Tuy nhiên, các nhạc sĩ dòng nhạc “nốp” chưa bao giờ lên tiếng trên truyền thông bằng những từ miệt thị như Dương & Thụ và NGH đã làm.

Tại sao Dương & Thụ và nhóm này lại làm như vậy?

Có lẽ họ mang sẵn trong mình tư thế của “bên thắng cuộc”, cùng bản chất hiếu chiến, họ luôn chủ động chê bai đồng nghiệp để tạo đẳng cấp. Họ tự lấy gu thưởng thức của mình làm chuẩn mực. Họ lập dị, đơn độc trên một con đường mà rất ít fan ủng hộ, thậm chí không được đón nhận ngay trên quê hương sông Hồng của họ.

Nhạc của họ không có xúc cảm, không mang dấu ấn thời đại như họ ngộ nhận và quan trọng hơn người ta không biết xếp nó vào loại “nốp”, hàn lâm hay giải trí? Khi buồn, khi vui hay khi không buồn, không vui, giới nào sẽ huýt sáo hay hát khẽ một đoạn giai điệu của họ? Bây giờ đã không, nhiều chục năm nữa ai sẽ còn hát nhạc của họ? Nhìn sang Bolero, đã non một thế kỷ mà thấy “già trẻ lớn bé vẫn đắm đuối”, họ cay đắng và cay cú khi thấy đời quá bất công với họ. Không biết cách thay đổi cục diện, họ chỉ còn biết cách chửi đổng, chửi hết cả làng… Vũ Đại!

Dương & Thụ và NGH chỉ là con tép so với người trong Ban Tuyên giáo Trung ương (BTG), luôn muốn làm những chuyện động trời, muốn “một tay che cả bầu trời”. Hồi ký Phạm Duy có thuật lại, trong đại hội Văn Nghệ Nhân Dân tại Việt Bắc 1950, Tố Hữu đã tuyên bố cấm cải lương và kịch thơ trên toàn cõi Việt Nam vì sự bi luỵ và là nguyên nhân mất nước (SIC).
Giống bolero, sức sống cải lương quá mạnh nên vẫn chưa thành “hoài niệm” như Dương & Thụ, đồng bọn và BTG khấn vái. Không may mắn, kịch thơ đã chết tức tưởi sau đó, nếu không bây giờ nó sẽ thở thành “Opera của Việt Nam”, Phạm Duy khẳng định như vậy. Còn Đỗ Trung Quân nói rằng, mấy năm trước một nhóm nhạc sĩ Hà Nội mưu tính làm một “cuộc cách mạng”, lật đổ nhạc Sài Gòn, mà Bolero là một điển hình nhưng kết quả lại trái ngược. Nhà báo Trần Nhật Vy nói: Cái đã chôn (nhạc Bolero) nhưng không chết, trong khi cái đã chết rồi (nhạc của NGH) thì không ai đem chôn. Thật là “Thiên bất dung gian”!

Tại sao BTG và các nhạc sĩ trên chẳng những không ngăn được nhạc xưa và bolero, mà trái lại để cho dân ngày càng “đắm đuối” với băng đĩa nhạc xưa do hải ngoại sản xuất, nhất là khi kinh tế mở cửa?

Ông Adam Smith với khái niệm bàn tay vô hình trong học thuyết kinh tế của mình đã nói, đại ý như: Mỗi cá nhân đều có mối quan tâm và lợi ích riêng (nhạc bolero), hành động của tất cả cá nhân này (dân và đài truyền hình) hướng tới tối đa hoá lợi nhuận sẽ tạo nên lợi ích của toàn cộng đồng, như thể đang được thúc đẩy bởi một bàn tay vô hình; chính quyền (BTG) đừng nhúng tay sâu, họ sẽ không bao giờ làm được!

Tất cả nhà đài có vẻ thông hiểu thuyết của Adam nên trong thời gian ngắn họ dồn khá nhiều cho bolero, khiến Dương & Thụ sốt ruột. Để tối đa hoá lợi nhuận, thời gian tới nhà đài sẽ thôi Bolero và đổi mới theo cái mà người dân thích (chứ không phải theo ý Dương & Thụ). Chắc chắn rằng cái thay thế bolero không phải là Tùng Dương, Dương Thụ, Thanh Lam, Huy Tuấn, Quốc Trung, hay Lê Minh Sơn, vì nhà đài không muốn bị tẩy chay. Dưới sức ép của thế lực sao bolero (mà đứng đầu là Đàm Vĩnh Hưng), Dương & Thụ và NGH sẽ còn rất lâu mới xuất hiện ở các sân khấu phía Nam.

Xét về kinh tế, NGH này đã phạm nhiều sai lầm, nhưng xét về ý tưởng, xây dựng nên ngôi nhà âm nhạc Việt họ còn gây ra những sai lầm lớn hơn nữa. Một vườn hoa nghệ thuật thật đẹp khi có đủ cả kỳ hoa dị thảo và cả hoa dại. Đời sống âm nhạc Việt, vì vậy không những cần dòng nhạc “nốp”, nhạc bolero, nhạc tuyên truyền và kể cả nhạc khó nghe của NGH nói trên. Nhưng điều quan trọng hơn hết là người ta cần loại bỏ tư tưởng đố kỵ và cái gốc của “bên thắng cuộc” trong vườn hoa nhạc Việt này.

Sinh thời cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có nói: “Khi đến với nghệ thuật người ta phải có trái tim hồn nhiên của trẻ thơ”. Câu nói này giống như lời dạy đắt giá cho Dương & Thụ và NGH.







No comments:

Post a Comment

View My Stats