Thursday, 13 July 2017

KHÔNG CHỈ NGU MÀ CÒN QUÁ NGU (Nguyễn Gia Kiểng)




12/07/2017

Giá thành của điện nắng đã giảm 90% trong ba thập niên vừa qua, từ 22 USD một kilowatt xuống còn 2 USD. Theo ước lượng của các trung tâm nghiên cứu trong vòng từ 10 đến 20 năm nữa giá thành của điện nắng sẽ chỉ còn bằng một nửa giá thành của điện than và hoàn toàn không gây ô nhiễm. Than chắc chắn sẽ bị loại bỏ rất nhanh chóng như một nguồn năng lượng và như thế các nhà máy dùng than sẽ phải gỡ bỏ.

Tổ quốc lâm nguy ! Không phải chỉ có sự xuống cấp báo động của đạo đức, văn hóa, giáo dục và tình cảm dân tộc. Đất nước, hiểu theo nghĩa đen là đất và nước, đã bị hủy hoại nhiều lắm rồi và sự hủy hoại đang gia tăng vận tốc. Thảm họa môi trường lần này còn đi đôi với thảm bại kinh tế. Nó có một tên gọi : than.

Một kịch bản đã trở thành quen thuộc từ vài năm nay. Một doanh nhân Việt Nam với số vốn khoảng 100 triệu USD được một tổ hợp Trung Quốc tiếp cận. Tổ hợp này đề nghị giúp doanh nhân lập một công ty thép trị giá 2 tỷ USD với những điều kiện cực kỳ thuận lợi. Tổ hợp sẽ cho vay 1,7 tỷ USD trang thiết bị với lãi xuất thấp và sẽ bảo đảm toàn bộ việc xây lắp nhà máy với các chuyên gia đầy kinh nghiệm đã từng xây lắp thành công những nhà máy tương tự tạị Trung Quốc. Sau đó tổ hợp sẽ bảo đảm việc huấn luyện công nhân cũng như cán bộ quản trị, ngoài ra còn có thể giúp công ty xuất khẩu sản phẩm trên thị trường thế giới. Các trang thiết bị còn mới nguyên và được chuyển giao với giá thấp hơn cả giá thành. Điều kiện hoàn trả cũng rất dễ dãi, bao giờ công ty đã có lời và đủ khả năng thì mới bắt đầu trả từ từ. Tất cả cố gắng của doanh nhân chủ tương lai công ty thép chỉ là tìm ra số vốn khiêm tốn khoảng 300 triệu USD để trang trải chi phí xây dựng nhà máy. Điều này cũng dễ thực hiện, công ty có thể vay được từ các ngân hàng Việt Nam vì số tiền vay chỉ là trên dưới 10% trị giá dự án đầu tư. Tóm lại người doanh nhân Việt Nam gần như được biếu không một công ty thép lớn và bỗng nhiên trở thành tỷ phú đô la. Ông Lê Phước Vũ chủ tịch công ty Hoa Sen đã tóm lược cơ hội này trong một câu nói được cả nước biết đến : ngu sao không làm thép ? Ông này cũng nói thêm là bắt buộc phải sử dụng trang thiết bị của Trung Quốc thì mới có lời. (Trong trường công ty Hoa Sen, công ty có vốn khoảng 150 triệu USD và muốn thực hiện dự án Thép Cà Ná với số vốn đầu tư 10,6 tỷ USD).

Kịch bản này cũng diễn ra cho các công ty khác, nhiệt điện, phân đạm, giấy v.v. Phải nói thẳng với Lê Phước Vũ và những người như ông rằng họ không chỉ ngu mà còn quá ngu. Cái bẫy quá lộ liễu, dù chính quyền, nhiều doanh nhân và nhiều ngân hàng không nhìn thấy.
Đặc tính chung của tất cả các dự án này là đều dùng than và than là một nhiên liệu sắp bị loại bỏ dứt khoát trong một ngày rất gần đây, ngay cả nếu ông Donald Trump không đồng ý. Thế giới đang đi vào một thời đại mới, thời đại của năng lượng mặt trời.

Vấn đề không phải mới được đặt ra. Ngay từ thập niên 1960 các chuyên gia đều đã khẳng định rằng thế giới sẽ chỉ có tương lai nếu tìm được một nguồn năng lượng để thay thế cho năng lượng mỏ -nghĩa là than, dầu và khí đốt- vì một lý do hiển nhiên là những nguồn năng lượng này sẽ cạn kiệt trong vài thế hệ. Hơn nữa chúng lại rất ô nhiễm. Nhưng nguồn năng lượng thay thế nào ? Thủy điện chỉ thực hiện được trong những điều kiện đặc biệt và cũng tạo ra những thay đổi môi trường chưa lường hết được. Một thí dụ cụ thể là đập Tam Khẩu của Trung Quốc ngày càng được nhiều người nhìn như một sai lầm. Năng lượng gió cũng không phải là giải pháp bởi vì chỉ thực hiện được ở những nơi có gió mạnh và với giá đắt.

Nguồn năng lượng phong phú vô cùng tận dĩ nhiên là nắng. Một tuần lễ nắng có khả năng cung cấp một khối năng lượng tương đương với tổng số năng lượng chất chứa trong tất cả các mỏ than, dầu và khí đốt trên trái đất. Và mặt trời sẽ còn tiếp tục tỏa nắng thêm vài tỷ năm nữa sau khi mọi sự sống đã biến mất trên trái đất này. Chất silicon (silicium) để tiếp nhận năng lượng nắng và biến thành điện cũng vô tận vì chiếm hơn 25% vỏ trái đất. Nhưng vấn đề là điện nắng quá đắt so với điện sản xuất bằng than hay dầu. Những panô nắng (solar panel) làm ra điện đã được chế tạo ngay từ đầu thập niên 1980 nhưng chỉ được dùng trong một số trường đại học hay trung tâm khảo cứu như để triển lãm một phát minh khoa học. Thế rồi những cải tiến liên tục đã đạt được và trở thành dồn dập từ khoảng mười năm nay. Các panô ngày càng nhỏ hơn, mỏng hơn, nhẹ hơn, mạnh hơn và rẻ hơn. Giá thành của điện nắng giảm một cách nhanh chóng. Kỹ thuật tích lũy điện -để dùng trong đêm hay mùa đông âm u- cũng tiến theo, các battery (ắc quy) ngày càng nhỏ hơn, mạnh hơn và bền hơn.

Hiện nay giá thành của điện nắng đã xuống gần bằng giá điện than. Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ đầu năm nay cho biết giá thành của điện nắng đã giảm 90% trong ba thập niên vừa qua, từ 22 USD một kilowatt xuống còn 2 USD. Theo ước lượng của các trung tâm nghiên cứu trong vòng từ 10 đến 20 năm nữa giá thành của điện nắng sẽ chỉ còn bằng một nửa giá thành của điện than và hoàn toàn không gây ô nhiễm. Than chắc chắn sẽ bị loại bỏ rất nhanh chóng như một nguồn năng lượng và như thế các nhà máy dùng than sẽ phải gỡ bỏ. Sau đó đến lượt dầu lửa và khí đốt. Chúng ta đã có thể thấy những dấu hiệu rất mạnh ngay trong lúc này. Giá dầu đã xuống dưới mức 50 USD một baril sau khi đã đạt tới cao điểm 145 USD một baril năm 2008, các công ty dầu khí khổng lồ đều đã sụt giá trên các thị trường chứng khoán, ngành thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi gần như phá sản. Các công ty chế tạo ôtô đang thi đua sản xuất xe chạy bằng điện. Một số nước Châu Âu dự trù cấm xe xăng dầu bắt đầu từ năm 2040, nghĩa là trong 23 năm nữa. Có khả năng họ sẽ cấm nhập khẩu những kim loại sản xuất bằng than đá. Chúng ta đang sống một cuộc cách mạng lớn. Kỷ nguyên năng lượng nắng đang tới và cũng sẽ thay đổi bộ mặt thế giới tương tự như cuộc cách mạng máy tính và tin học. Đảo lộn kỹ thuật sẽ không mãnh liệt như thế - máy computer lớn nhất thế giới năm 1990 không mạnh bằng một chiếc điện thoại di động hiện nay- nhưng thay đổi chính trị và kinh tế có thể còn lớn hơn. Những nước sống nhờ dầu khí, như Nga, Venezuela và các nước vùng Vịnh sẽ rất khốn đốn. Biển Đông cũng sẽ bớt căng thẳng khi dầu khí không còn là kho vàng phải tranh giành cho bằng được nữa. Khi Donald Trump quyết định rút khỏi Thỏa Ước Paris về khí hậu -với lý do là không để Trung Quốc độc quyền sử dụng than- đa số các bang Mỹ và các công ty lớn đã tuyên bố không đồng ý và không chấp hành. Người ta không chỉ trách Donald Trump thiếu tâm hồn, người ta còn chê ông thiếu kiến thức.

Trung Quốc đã nhìn thấy cuộc chuyển hóa vĩ đại này. Cách đây mười năm, mùa hè 2007, khi tham quan Trung Quốc tôi còn thấy trong nhiều tài liệu là họ đang chuẩn bị xây dựng thêm hàng ngàn nhà máy điện và thép chạy bằng than. Dù có rất nhiều than đá họ vẫn nhập khẩu ồ ạt để đáp ứng nhu cầu dự trù. Tại Bắc Kinh, Tây An, Vân Nam, Quảng Châu, Thẩm Quyến, Thượng Hải đi đâu tôi cũng gặp những đoàn du lịch của công nhân Than Quảng Ninh từ Việt Nam sang. Họ nói công nghiệp than của Việt Nam đang gặp thời cực thịnh vì có bao nhiêu than Trung Quốc cũng sẵn sàng mua hết. Nhưng rồi Trung Quốc bừng tỉnh và chuyển hướng. Họ ngừng xây dựng các nhà máy đó dù đã chế tạo ra những trang thiết bị đủ để thiết lập hàng ngàn nhà máy. Không phải chỉ vì môi trường Trung Quốc đã quá ô nhiễm mà chủ yếu vì họ nhận ra là thời đại của than sắp chấm dứt và thời đại của năng lượng mặt trời đang đến. Hiện nay Trung Quốc đã là nước sản xuất nhiều panô điện nắng nhất và còn dự định đầu tư thêm 360 tỷ USD vào kỹ thuật điện nắng trong ba năm sắp tới.

Làm gì với những trang thiết bị đã chế tạo ra cho hàng ngàn dự án không thực hiện nữa, bây giờ trở thành cồng kềnh vô ích và không đáng giá một đồng xu ? Họ chuyển sang Việt Nam. Chính quyền cộng sản Việt Nam đã không nhìn thấy lý do và đã khờ khạo đến nỗi chấp nhận những nhượng bộ rất quan trọng để được làm bãi rác công nghiệp của Trung Quốc. Thí dụ như cho Formosa hưởng một quy chế giống như một nhượng địa.

Các nhà máy nhiệt điện, thép, phân đạm, giấy v.v. được tập trung trong những khu công nghiệp ven biển hay gần biển bên cạnh một dòng sông. Tại sao ? Chúng đều chạy bằng than và dùng nhiều hóa chất, nghĩa là đều rất ô nhiễm. Chúng được lập tại bờ biển để xả thải thẳng ra biển. Nếu những dự án này "thành công" thì bầu trời Việt Nam sẽ đặc khói, biển Việt Nam sẽ nhiễm độc, các ngành muối và nuôi trồng hải sản sẽ chết dần cùng với ngành du lịch. Hàng chục triệu người sẽ mất nghề sinh sống và hàng chục triệu người sẽ bị nhiễm độc. Phải mừng rằng những dự án này sẽ thất bại và bị đình chỉ, như thảm họa Formosa -dưới một góc nhìn khác- đã chứng tỏ. Một đặc điểm chung khác của các nhà máy này là chúng đều được xây dựng một cách cẩu thả, thí dụ như nhà máy Đạm Ninh Bình chưa thực sự đi vào hoạt động đã lún sâu hơn 2 mét trong lòng đất. Những nhà máy này đều do Trung Quốc xây và Trung Quốc thừa biết chúng sẽ không hoạt động lâu vì thời đại của năng lượng than đang chấm dứt.

Thời đại của than có thể chấm dứt nhanh hơn nhiều dự đoán. Tất cả các nhà máy này đều sẽ không sống lâu, nhiều nhà máy có thể sẽ không bao giờ đi vào hoạt động và các đại gia như Lê Phước Vũ thay vì trở thành tỷ phú đô la sẽ chỉ mất vốn. Chúng ta không chờ đợi ở họ một tinh thần trách nhiệm nào với đất nước, họ hoàn toàn không có và chính vì thế mà họ đã thành đại gia. Nhưng họ đã lầm to ngay cả nếu chỉ muốn làm giầu. Ngu sao không làm thép ? Lê Phước Vũ và những người như ông ta tưởng rằng mình khôn và gặp thời, nhưng họ rất ngu.

Nước ta đã lỡ giai đoạn cất cánh vì không tạo ra được một lớp doanh nhân đúng nghĩa mà chỉ có những doanh nhân kiểu Lê Phước Vũ, những người không chỉ cưa cái cành trên đó mình đang ngồi mà còn cưa luôn chân mình. Nhưng Đảng Cộng Sản cũng đang làm chúng ta lỡ một khúc quanh lớn của thế giới : khúc quanh vào kỷ nguyên năng lượng sạch. Đất nước đã rất tụt hậu lại còn có nguy cơ tụt hậu hơn nữa, như một người chạy đua đã chạy sau lưng người ta lại còn vấp ngã và bị thương.

Nguyễn Gia Kiểng, 12/07/2017





No comments:

Post a Comment

View My Stats