Thursday 27 July 2017

FREEDOM HOUSE ĐO CHỈ SỐ TỰ DO CỦA VIỆT NAM TỪ NĂM 1972. ĐÂY LÀ KẾT QUẢ (Tô Di - Luật Khoa Tạp Chí)




Posted on 27/07/2017

Báo cáo Tự do Thế giới (Freedom in the World) năm 2017 của Freedom House đã xếp Việt Nam vào nhóm các nước không tự do (not free), đạt 20/100 điểm và xếp thứ 181 trên 209 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Báo cáo này được công bố lần đầu vào năm 1972. Lúc đó, Việt Nam được phân định thành hai miền. Miền Nam được đánh giá là tự do hơn miền Bắc và hầu hết các nước Đông Nam Á, chỉ kém Malaysia.

Từ năm 1972 – 1974, Freedom House đánh giá mức độ tự do ở miền Nam Việt Nam là 4.5/7 điểm (điểm càng cao mức độ tự do càng thấp), cao hơn hầu hết các nước ở Đông Nam Á, chỉ kém Malaysia và được xếp vào nhóm các nước tự do một phần (partly free).

Từ sau năm 1975 đến nay, tình hình đột ngột thay đổi. Mức độ tự do của nước Việt Nam thống nhất rơi xuống mức ngang bằng miền Bắc trước đó và vẫn “kiên trì” ở vị trí thấp nhất ở Đông Nam Á cùng với Laos, luôn thuộc nhóm các nước không tự do (not free).

Trong giai đoạn 2008 – 2016, ngay cả khi đã cải thiện điểm số lên 6/7 điểm,  Việt Nam vẫn ở mức thấp nhất ở Đông Nam Á, chỉ hơn Laos.

Mức độ tự do ở một số nước Đông Nam Á từ năm 1972 - 2016
Biểu đồ do Luật Khoa tạp chí thực hiện, dựa trên số liệu của Freedom House.

Báo cáo năm 2017 được Freedom House công bố vào tháng 1. Báo cáo riêng về tình hình Việt Nam được cập nhật vào tuần trước.

Các yếu tố đánh giá các quyền tự do về chính trị, bao gồm: quy trình bầu cử (electoral process), đa nguyên và sự tham gia chính trị (political pluralism and participation) và chức năng của nhà nước (functioning of government).

Các yếu tố đánh giá các quyền tự do về dân sự, bao gồm: tự do biểu đạt và tôn giáo/tín ngưỡng (freedom of expression and belief), các quyền tự do hiệp hội (associational and organizational rights), pháp quyền (rule of law), và tính tự trị & các quyền cá nhân (personal autonomy and individual rights).

Theo báo cáo này, Việt Nam đạt 20/100 điểm, có mức độ tự do thuộc loại thấp nhất ở Đông Nam Á, chỉ hơn Laos (12/100 điểm). Indonesia, Philippines và Singapore lần lượt là những nước có mức độ tự do cao nhất trong khối ASEAN.

So sánh mức độ tự do ở các nước ASEAN 2017
Biểu đồ do Luật Khoa tạp chí thực hiện, dựa trên số liệu của Freedom House.

Đánh giá về quy trình bầu cử, Việt Nam đạt 00/12 điểm. Điều này có nghĩa là người đứng đầu nhà nước, đại biểu Quốc hội ở Việt Nam hoàn toàn không được bầu chọn một cách tự do và công bằng; các quy định về bầu cử không đảm bảo công bằng.

Về đa nguyên và sự tham gia chính trị, Việt Nam chỉ đạt 01/16 điểm. Báo cáo nói đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền hoạt động, thành viên các nhóm đối lập bất hợp pháp với đảng này đều bị bắt giữ và tống giam.

Mặt trận Tổ quốc làm nhiệm vụ kiểm tra tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu quốc hội, liên minh với các tổ chức quần chúng nhân dân. Nhưng thực tế, Mặt trận Tổ quốc hoạt động như một cánh tay nối dài của đảng.

Freedome House đánh giá chức năng của nhà nước Việt Nam đạt 02/12 điểm. Yếu tố này xem xét xem người đứng đầu nhà nước và các đại biểu Quốc hội có thực sự quyết định các chính sách của nhà nước; mức độ trong sạch của chính phủ và chính phủ có giải trình cởi mở và minh bạch với cử tri hay không.

Đối với các quyền tự do dân sự, Việt Nam đạt 17/60 điểm. Trong đó, tự do biểu đạt và tôn giáo/tín ngưỡng đạt 04/16 điểm; các quyền về tự do hiệp hội chỉ đạt 01/12 điểm; pháp quyền được đánh giá 04/16 điểm; tính tự trị và các quyền về tự do cá nhân đạt 08/16 điểm.

Theo Freedom House, chính quyền Việt Nam vẫn duy trì kiểm soát báo chí; đàn áp các nhà báo độc lập, bloggers, luật sư nhân quyền và những người biểu tình ôn hòa; hạn chế tác nghiệp đối với phóng viên quốc tế; kiểm duyệt Internet và dùng dư luận viên (progovernment social media users) để định hướng công chúng.

Quyền tự do hiệp hội của công dân vẫn bị hạn chế; các tổ chức xã hội dân sự nằm ngoài “ô dù” của Mặt trận Tổ quốc gặp khó khăn trong hoạt động; công đoàn độc lập không được công nhận.

Hoạt động tư pháp bị đảng Cộng sản Việt Nam kiểm soát ở mọi cấp; nhiều luật sư ngại bào chữa các vụ việc liên quan đến vấn đề nhân quyền, họ sợ bị chính quyền sách nhiễu; những bị can liên quan đến an ninh quốc gia có thể bị tạm giam lên đến 20 tháng mà không được gặp luật sư.

Những điểm tích cực trong năm qua là sau kỳ tổng tuyển cử 2016 có 17% đại biểu Quốc hội là người sắc tộc thiểu số; Luật Tiếp cận Thông tin 2016 được thông qua; ngày càng có nhiều người sử dụng mạng xã hội để tranh luận về chính trị; xuất hiện nhiều nhóm xã hội dân sự nhỏ nhưng năng động; các hoạt động thúc đẩy quyền của nhóm LGBT ít bị cản trở.

*
Theo dữ liệu của Freedom House, mức độ tự do của Cambodia bắt đầu “vượt mặt” Việt Nam từ năm 1989. Đó là năm quân đội Việt Nam rút khỏi chiến trường Cambodia và Liên Hiệp Quốc bắt đầu giám sát và tái thiết đất nước này. Từ đó đến nay, mức độ tự do ở Cambodia tăng nhanh và luôn giữ khoảng cách với Việt Nam từ 0.5 đến 1 điểm.
Từ năm 1996 đến 2010, mức độ tự do ở Myanmar thấp hơn so với Việt Nam. Tự do ở Myanmar bắt đầu được “cởi chói” khi chính quyền quân sự tuyên bố giải thể và thiết lập chính quyền dân sự sau cuộc bầu cử năm 2010. Chính quyền mới đã tiến hành cải cách nhằm thúc đẩy các quyền tự do dân sự và chính trị. Năm 2017, Freedom House xếp Myanmar vào nhóm các nước tự do một phần.
Trong giai đoạn 1996 – 2000, mức độ tự do ở Indonesia ngang bằng với Cambodia. Tự do ở Indonesia bắt đầu tăng sau cuộc nổi dậy năm 1998 buộc Suharto phải từ chức tổng thống. Người kế nhiệm Suharto, B.J Habibie, đã tiến hành nhiều cải cách về chính trị và tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ.
Tài liệu tham khảo:





No comments:

Post a Comment

View My Stats