Sunday, 23 July 2017

BẢN TIN NGÀY 23/7/2017 (Báo Tiếng Dân)





Tin trong nước

Tin Biển Đông
Căng thẳng trên Biển Đông: Hai tàu cá Bình Định bị tàu Trung Quốc lấy ngư cụ. Ông Trần Như Hoàng Dương, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho báo Đất Việt biết, “lúc 9h sáng 21/7, sau đó đã được thả nhưng bị phía Trung Quốc lấy ngư cụ và hải sản, thời gian bị bắt giữ bao lâu thì chưa xác định được. Hiện nay, cả hai chiếc tàu của ngư dân đang trên đường trở về đất liền“.

Tàu cá Trung Quốc cướp tài sản, đâm hư tàu cá Việt Nam trước đây. Ảnh: internet.

Bài viết có nhắc lại vụ tàu BĐ 93241 TS của ông Ngô Trương Trung, bị tàu hàng nước ngoài mang tên Mariana (không rõ quốc tịch) mang số hiệu IMO 86176177 đâm chìm hồi đầu tháng 5, giết chết ngư dân Võ Văn Cảnh và làm bị thương ngư dân Nguyễn Hùng Sang.

Cũng chuyện căng thẳng trên Biển Đông, Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà cho biết, sáng hôm qua, có 14 tàu của Cảnh sát biển Vùng III được lệnh rời Vũng Tàu ra khơi. Được biết, mấy ngày qua, lực lượng kiểm ngư Việt Nam với hơn 30 tàu và tàu chấp pháp có mặt tại bãi Tư Chính (Vanguard Bank) cách Vũng Tàu 229 hải lý về phía Đông Nam, ngăn không cho HYSY-760 của Trung Quốc đang cùng 40 tàu hộ tống tiến vào thềm lục địa phía Nam.
VOA đưa tin: Hải quân Thái Lan bắt 18 ngư dân Việt. “Ba tàu đánh cá của Việt Nam và 18 ngư dân mới bị bắt giữ trên Vịnh Thái Lan, một đô đốc hải quân Thái cho biết… Chính quyền Thái Lan cho biết rằng các tàu trên xuất phát từ Cà Mau ở miền nam Việt Nam“.

Bài điểm tin hôm qua đã được dịch giả Song Phan dịch: Trump chấp thuận kế hoạch cho Hải quân Mỹ kềm chế Bắc Kinh ở biển Đông.

Bê bối không thể bị nhận chìm như chất thải của Vĩnh Tân
Về vụ bê bối của Công ty cổ phần tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam trong sự kiện Vĩnh Tân 1, báo Thanh Niên có bài: Bộ Công thương kỷ luật cán bộ liên quan vụ nhận chìm 1 triệu m3 bùn. Bài báo cho biết, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp của Bộ Công thương “đã ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Hà Quốc Quân để tập trung kiểm điểm, làm rõ các vi phạm và sẽ xem xét xử lý kỷ luật ông Hà Quốc Quân theo đúng quy định“.

Thông tin này đúng như thông tin từ nhà báo Bạch Hoàn đưa ra hôm qua. Việc Bộ Công thương có phản ứng nhanh và quyết định dứt khoát ngay trong ngày nghỉ cuối tuần, khi dư luận về sự kiện này đang nóng, là một dấu hiệu tích cực đáng ghi nhận, khác với lo ngại của ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền về một Bộ khác: Dự án nhận chìm: Nỗi lo xã hội và động thái Bộ TN&MT.

Trong bài viết hôm nay trên Facebook, nhà báo Bạch Hoàn đề nghị: “cơ quan an ninh điều tra cần vào cuộc, nhiều khả năng sẽ truy ra hàng loạt vấn đề“. Cùng quan điểm với báo Tiếng Dân hôm 21/7, Facebooker Thuy Le có bài trên Góc nhìn Báo chí – Công dân: “Yêu cầu rút giấy phép, truy tố hình sự Cty Vĩnh Tân 1 và lãnh đạo Bộ TNMT, truy tố trách nhiệm hội đồng thẩm định”.

Báo Tuổi Trẻ cũng có bài viết về trách nhiệm của Bộ TN-MT trong vụ ngụy tạo hồ sơ dự án nhận chìm chất thải: ‘Ngụy tạo hồ sơ dự án’ nhận chìm bùn và trách nhiệm Bộ TN-MT.

Còn đây là biếm họa của Tuổi Trẻ Cười về vụ bê bối mạo danh các nhà khoa học:

Sự kiện cấp phép cho Vĩnh Tân 1 xả thải, có thể thấy, nó đã gây tổn hại nặng nề đến chút uy tín còn sót lại (nếu có) của chế độ. Hàng loạt sự cố tàn phá môi trường do các công ty Trung Quốc gây ra, như vụ tràn bùn ở Bauxite Tân Rai, vụ xả thải bụi của công ty Lee&Man, hay vụ tàn phá môi trường biển của Vũng Áng Formosa… có vẻ như bộ máy điều hành của chính quyền đã hoàn toàn mất hết khả năng kiểm soát và ngăn ngừa thảm họa môi trường đang liên tục diễn ra trên khắp cả nước.

Qua sự cố Vĩnh Tân 1, liệu có đánh thức lãnh đạo đảng và nhà nước, thực hiện cải tổ bộ máy điều hành, để khôi phục lòng tin trong dân chúng, gần như chẳng còn được bao nhiêu?

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ sắp làm người tử tế
Báo Dân Trí có bài: Phó Tổng Thanh tra Chính phủ: “Tôi nói rất cởi mở, sắp nghỉ hưu rồi”. Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh kể, khi thanh tra việc sử đụng đất đai ở Hà Tĩnh, có đưa ra nhiều kiến nghị xử lý liên quan đến hoạt động của Formosa, nhưng không được giải quyết, cho tới khi sự cố môi trường biển xảy ra năm 2016, hồ sơ về vụ này mới được mở ra.

Ông nói: “Khi đấu tranh để ra được kết luận thanh tra lúc ấy, chúng tôi thậm chí phải mất cả tình, cả quan hệ với địa phương nhưng sau cùng, cách xử lý với kiến nghị thanh tra lại như vậy. Sau này, tôi đã từng nói, nếu năm 2014 chúng ta xử lý nghiêm những vấn đề tồn tại đã phát hiện được thì hậu quả như năm 2016 chắc chắn không xảy ra”.

Nhưng mà ông Hạnh cũng cho biết, sở dĩ ông dám bộc bạch hết với báo chí là “vì 1/8 tới là tôi nghỉ hưu rồi”. Nói câu này, ông Hạnh thừa nhận rằng, chỉ có những người sắp về hưu, hoặc đã về hưu, mới có thể “làm người tử tế” được. còn các quan chức đương nhiệm toàn là những người không ra gì.

Kiểm duyệt văn hóa, văn nghệ
Theo tin từ Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà, vào tối thứ bảy 22/7, ca sỹ Mai Khôi dự định sẽ hát các sáng tác mới tại phòng thu Phù Sa Lab ở Tây Hồ, Hà Nội. Thế nhưng, một ngày trước khi biểu diễn, an ninh văn hoá đã yêu cầu phải tự dẹp bỏ chương trình, nếu không sẽ bị phạt và bị cản trở.

Nhưng ca sĩ Mai Khôi vẫn biểu diễn như kế hoạch. Cô cho biết, khi cô đang biểu diễn thì bị mấy chục an ninh đến kiểm tra, nhưng không có quyết định kiểm tra và cô vẫn tiếp tục hát:
Còn theo nhà báo Phạm Đoan Trang thì trong chương trình, Mai Khôi và ban nhạc dự định sẽ biểu diễn các ca khúc do cô sáng tác, với những bài hát có tính xã hội như “Xin ông”, “Những chuyến xe buýt”, “Trại phục hồi nhân phẩm”, “Tiếng nói của chúng ta”… ngoài ra Mai Khôi cho biết có một số tác phẩm mới, ví dụ như bài “Em thành của anh rồi”.

Được biết, hồi tháng 6/2016 Mai Khôi tổ chức hát ở Cafe Yoko ở Sài Gòn. Khi đang biểu diễn thì bị công an bất ngờ tới kiểm tra hành chính và yêu cầu dừng lại.

Cũng chuyện kiểm duyệt, nhà văn Nguyễn Đình Bổn nói rằng, người ta còn “sợ hãi cả cái bóng”. Ông cho biết, Cục Xuất bản, in và phát hành, vừa có công văn gửi các nhà xuất bản, yêu cầu kiểm tra nội dung cuốn sách ‘Thương Nhớ Mười Hai’ của nhà văn Vũ Bằng. Theo ông Bổn, nguyên nhân có thể vì câu “nanh vuốt Cộng sản” như đã in trong sách.

Còn nhớ, hồi tháng 5/2017 quyển “Món ngon Hà Nội” của Vũ Bằng cũng bị thu hồi vì trong sách có câu: “Tôi ao ước một ngày kia miền Bắc được giải thoát khỏi nanh vuốt cộng sản, quốc gia trở lại thanh bình và thống nhất; toàn dân sát cánh với nhau ăn mừng Đại Nhật bằng một bữa tiệc vĩ đại có đủ những miếng ngon Hà Nội”.

Nhà báo Nguyễn Thông có bài kể về chuyện kiểm duyệt thời xưa. Khi chưa có mạng internet, nguồn thông tin chủ yếu mà người dân có được, đến từ báo Nhân Dân, QĐND, TTXVN và Đài phát thanh của nhà nước. Những cơ quan truyền thông này chỉ đưa tin một chiều và cũng may là có rất ít người được đọc chúng. Tác giả viết: “Mà cũng may cho đám dân đen, đọc lắm thứ báo chí ấy vào lại không mụ mị cả người, biết bao giờ mới tỉnh”.
Báo Người Việt mới đây cũng có bài nói về một clip nhà thơ Nguyễn Duy, theo đó ông cho biết: “Chuyện Võ Thị Sáu toàn bịa đặt”. Mời xem clip: https://www.facebook.com/doandung57/videos_by

“Nhà thơ 5 chữ” Thái Bá Tân có bài thơ châm biếm, kể chuyện tuyên truyền của cộng sản: “Báo thì giật tít lớn:/ Ta bắn rơi máy bay/ Đơn giản bằng cung nỏ./ Thậm chí níu bằng tay“. Rồi ông kết luận: “Đúng, cộng sản tài thật./ Phải nói là bậc thầy/ Ngoa ngôn và bốc phét./ Hãy ghi nhớ điều này”.

Nỗi buồn chiến tranh
Mời các vị lãnh đạo đang nắm quyền hãy bình tĩnh lắng nghe, tâm tư của những người lính từng ở hai miền Nam – Bắc. Họ là những người lính từng đối đầu nhau, từng xem nhau như kẻ thù, nhưng giờ đây họ đã nắm tay nhau trong tình cảm yêu thương gắn bó: https://www.youtube.com/watch?v=rBYYsF5DFOY

Nếu thật tâm muốn hòa giải, các vị lãnh đạo hãy thể hiện những cử chỉ đơn giản nhất, như chăm sóc thương phế binh đã từng ở hai đầu chiến tuyến, hay có những cử chỉ đẹp đối với những người lính VNCH nằm trong nghĩa trang Biên Hòa… thay vì kêu gọi hòa giải, hòa hợp bằng miệng.

Blogger Huỳnh Ngọc Chênh có bài: “Ai hưởng lợi từ chiến tranh Việt Nam”. Theo ông thì tất cả các nước tham chiến đều hưởng lợi, đặc biệt là Trung Quốc: “Họ chỉ tốn kém ít lương khô và vũ khí thừa, nhưng lại hưởng được nhiều nhất: lượm được Hoàng Sa và một phần Trường Sa của VN, buộc VN trên 90 triệu dân lệ thuộc vào Trung cộng mọi mặt, và nhờ đi đêm với Mỹ đã củng cố thế lực vươn lên thành đại cường số 2 thế giới”.

Còn thiệt hại nặng nhất là “đất nước và dân tộc VN gánh chịu tổn thất kinh khủng, kinh khủng đến mức không thể nào liệt kê ra hết, chưa nói để lại di chứng tai hại không biết đến bao giờ mới hết. Tất cả cũng chỉ vì tham vọng bành trướng chủ nghĩa cộng sản xuống phương Nam của những người theo cộng sản“.

Con đường đau khổ
Theo báo Dân Trí, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông lại lỡ hẹn lần thứ… n vì thiếu vốn. Đây chắc chắn không phải là lần cuối cùng nhà thầu Trung Quốc lỡ hẹn hoàn thành công trình này.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông khởi công xây dựng vào ngày 10/10/2011 với số vốn của Chính phủ Việt Nam là 133,86 triệu USD và vốn vay ưu đãi của Trung Quốc 419 triệu USD. Dự định vận hành thử nghiệm từ tháng 10/2017 sau khi đã đội vốn thêm 250 triệu USD.

Còn nhớ hồi tháng 2/2017, sau 3 năm thất hứa, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã tiếp tục khẳng định: Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông sẽ vận hành thử vào tháng 10/2017, đầu quý II/2018 khai thác chính thức.

Dường như Chính phủ Việt Nam đã bất lực với nhà thầu Trung Quốc và có vẻ như buông xuôi dự án này. Hậu quả mà người dân Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung phải chịu đựng bao nhiêu năm qua do tai nạn, ùn tắc giao thông luôn xảy ra, khi một công trình lớn nằm án ngữ ngay tại thủ đô.

Bê bối trong ngành y tế
Báo Lao Động có bài: “Vì sao 1 thiết bị y tế giá nhập 5,3 triệu, bệnh viện mua 114 triệu?” Cơ quan y tế nói rằng “họ không thể nào lấy được giá của nhà sản xuất và họ phải lấy thông qua đơn vị nhập khẩu chứ không dựa vào thông tin lấy được của hải quan như KTNN…”

Tiếng Anh có cụm từ “shop around”, nghĩa là khi mua bất kỳ món đồ gì có giá trị, người ta cũng tham khảo giá từ nhiều nhà sản xuất, phân phối. Trong thời buổi toàn cầu hóa, chỉ cần lên mạng click chuột sẽ tìm ra giá cả thấp nhất cho một sản phẩm có cùng chất lượng. Chuyện monitor 14 inch nêu trong bài, bị đội giá cao hơn 21 lần, không khó để tìm giá của nó trên mạng, hoặc gửi thông tin hỏi trực tiếp nhà sản xuất khắp nơi trên thế giới, để có được giá thấp nhất.

Nhiều năm qua, dư luận râm ran về chuyện Bộ Y tế bật đèn xanh cho các công ty tay chân nhập vật tư thiết bị y tế kém chất lượng, đa số từ Trung Quốc, sau đó đem về thay bằng nhãn mác của các công ty nổi tiếng rồi kê giá trên trời. Còn việc Bộ Y tế nhập nhằng trong việc độc quyền phân phối thuốc cũng gây nhức nhối trong dân, đến nay vẫn chưa thấy ai chịu trách nhiệm. Dĩ nhiên để có được chứng cứ là một việc vô cùng khó khăn, nếu các cơ quan chức năng không thực sự ra tay.

Thủ tướng vs ĐBQH Dương Trung Quốc
Tin từ báo Dân Trí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời ĐBQH Dương Trung Quốc, về loại hình dịch vụ taxi Grab và Uber, rằng “đây là quy luật tất yếu, mang tính tích cực theo hướng đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân với chi phí phù hợp hơn, đảm bảo thuận tiện, an toàn, chất lượng dịch vụ của cả xe taxi và xe hợp đồng được nâng cao, thay đổi để ứng dụng quản lý và điều hành hoạt động vận tải đã được chú trọng hơn, công tác quản lý trong lĩnh vực vận tải, thuế được quan tâm và thực hiện sát sao hơn… ”.

Như đã biết, trước đó ĐBQH Dương Trung Quốc chất vấn Chính phủ: “Chính phủ cho phép thử nghiệm Grab, Uber đến bao giờ, còn hệ lụy thì ai cũng có thể nhìn thấy trước?”.
Trước hết, xin hoan hô Thủ tướng, nhưng mà cũng cần chờ đợi ý kiến của thủ tướng được thực hiện thế nào khi “Hà Nội cấm dịch vụ đi chung xe của Uber, Grab”.

Nhà hoạt động Trần Thị Nga sắp ra tòa
Phiên tòa xử nhà hoạt động Trần Thị Nga dự định sẽ diẽn ra vào ngày 25-26/7 sắp tới. Hôm qua, nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy có bài viết: Bông hồng cho Trần Thị Nga.

Theo ông Thụy, bà Trần Thị Nga là một phụ nữ kiên cường, sống chân thành với mọi người và đặc biệt là người “đấu tranh dũng cảm” qua hoạt động biểu tình chống Trung Quốc, bảo vệ môi trường, bảo vệ dân oan hay phổ biến quyền con người…

VOA có bài: Các tổ chức nhần quyền thúc giục phóng thích Trần Thị Nga. Ông Gerald Staberock, Tổng thư ký Tổ chức Thế giới chống tra tấn, nói: “Chúng tôi mạnh mẽ lên án việc truy tố Trần Thị Nga, một minh chứng nữa cho nỗ lực không ngừng của Chính phủ Việt Nam nhằm đe dọa và làm im tiếng những người bảo vệ nhân quyền vì các hoạt động nhân quyền hợp pháp của họ. Việt Nam phải phóng thích Trần Thị Nga ngay lập tức và vô điều kiện, cũng như tất cả những người bảo vệ nhân quyền đang khác đang bị giam giữ“.

Một người Mỹ gốc Việt lừa đảo
Bài trên VOA: Người Mỹ gốc Việt lừa đảo ‘thẻ xanh’ lãnh án tù. Ông Hai Van Nguyen, 44 tuổi, người Mỹ gốc Việt, đã bị kết án hơn 3 năm tù giam vì tội lừa đảo nhiều người ở Mỹ muốn đưa nhân thân sang Hoa Kỳ. “Ông Hai đã lừa đảo các khách hàng tổng cộng khoảng 550 nghìn đôla, và trong phiên xử hôm 17/7 tại tòa liên bang, thẩm phán đã yêu cầu bị cáo phải hoàn trả khoản tiền trên“.

Tin quốc tế

Vụ bê bối của TT Mỹ: không ai có quyền đứng trên pháp luật, kể cả tổng thống!
Báo Washington Post có bài viết, nói về chuyện các luật sư của Trump tìm cách kiểm soát, ngăn chặn cuộc điều tra của Công Tố viên Độc lập Robert Mueller. Ông Mueller đã được chỉ định để điều tra mối liên hệ giữa Trump với Nga và những vụ bê bối khác của Trump. Bài viết cũng đã đưa một chi tiết quan trọng, đó là Trump thảo luận với các cố vấn của mình về quyền hành của ông ta, để ân xá cho các phụ tá, các thành viên trong gia đình và cả chính ông ta.

Bài viết cho biết, Trump nói với các phụ tá rằng, ông thật sự bị lúng túng khi Công Tố viên Mueller có thể truy cập vào hồ sơ thuế nhiều năm của Trump. Trong suốt thời gian tranh cử tổng thống cho tới nay, viện nhiều lý do, Trump đã từ chối tiết lộ hồ sơ thuế. Bây giờ ông đang đối mặt với cuộc điều tra về chuyện gian lận thuế, nói dối các viên chức liên bang và cản trở cuộc điều tra, ngoài nghi vấn thông đồng với người Nga trong cuộc bầu cử tổng thống.

Sáng nay, Trump đã tweet về chuyện ân xá như sau: “Trong khi tất cả mọi người đều đồng ý, Tổng thống Hoa Kỳ có toàn quyền ân xá, tại sao lại nghĩ đến điều đó khi chỉ có tội ác là tiết lộ tin chống lại chúng tôi. Tin giả“.

Vì sao Trump bàn về chuyện ân xá trong lúc này? Có phải ông ta lo ngại về những khuất tất mà ông ta làm, sẽ bị tìm thấy trong cuộc điều tra của Công Tố viên Mueller? Không chắc là tổng thống có quyền ân xá cho chính mình. Bà Elizabeth Holtzman, cựu dân biểu đã từng phục vụ tại Ủy ban Tư pháp Hạ viện trong thời gian vụ bê bối Watergate xảy ra, dẫn đến sự mất chức của TT Nixon, có nói trong một bài viết ngày 7/7rằng, nếu Tổng thống ân xá cho chính mình mình, điều này sẽ làm suy yếu toàn bộ hiến pháp.

Bà Holtzman nói: “Quyền tự ân xá của tổng thống có thể làm suy yếu luật pháp một cách nghiêm trọng. Nếu các vị tổng thống có thể tự ân xá, họ có thể thực hiện hành vi phạm pháp một cách tàn bạo mà không bị trừng phạt. Điều đó hoàn toàn trái ngược với niềm tin của các nhà lập pháp trong một nhiệm kỳ giới hạn của tổng thống và với ý tưởng rằng không có tổng thống nào đứng trên luật pháp“.

Số phận của Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions
Liên quan tới vụ bê bối Mỹ – Nga, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions đang gặp rắc rối lớn và dĩ nhiên đó cũng là rắc rối của Trump. Báo Washington Post đưa tin, cựu đại sứ Nga, ông Sergey Kislyak tiết lộ với tờ báo này rằng, khi còn là đại sứ Nga ở Mỹ, ông Kislyak và ông Sessions đã từng có hai cuộc gặp gỡ hồi năm ngoái, để thảo luận về chiến dịch tranh cử của Trump.

Điều này trái ngược với các tuyên bố của ông Sessions hồi tháng 3, rằng ông chưa từng gặp các viên chức Nga để thảo luận về chiến dịch tranh cử. Dĩ nhiên rắc rối của Sessions cũng là rắc rối của Trump, cho nên Trump chỉ trích ‘rò rỉ’ chống Bộ trưởng Tư pháp (BBC). Bài tóm lược trên VOA: Tình báo cho thấy Sessions có bàn về chính sách với Đại sứ Nga.

Như đã nói trong bản tin ngày 21/7, Trump đã tấn công Bộ trưởng Tư pháp của mình khi nói rằng, nếu biết Jeff Sessions rút lui khỏi cuộc điều tra về mối quan hệ Trump – Nga, thì Trump đã không bổ nhiệm ông Sessions làm Bộ trưởng Tư pháp.

Bây giờ với lý do liên quan tới Nga, Trump có thể sa thải Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, nhưng làm như vậy, Trump sẽ mâu thuẫn với chính mình khi lâu nay ông ta vẫn cho rằng, cuộc điều tra về chuyện Nga can thiệp vào bầu cử ở Mỹ chỉ là trò lừa bịp (hoax), và là cuộc săn tìm người để đổ tội lớn nhất trong lịch sử chính trị nước Mỹ.

Nga nhúng tay vào cuộc bầu cử ở Mỹ
Cũng vụ bê bối Trump – Nga, các quan chức tình báo hàng đầu và quan chức Bộ Nội an của Mỹ khẳng định, Nga đã nhúng tay vào chuyện bầu cử ở Mỹ. Báo USA Today đưa tin, trong khi các quan chức trong chính quyền TT Trump như ông Mike Pompeo, Giám đốc CIA, ông John Kelly, Bộ Trưởng Bộ Nội an, ông Thomas Bossert Cố vấn Nội an và Chống Khủng Bố tòa Bạch Ốc, tất cả đều tin rằng Nga thực hiện chiến dịch tấn công mạng, phổ biến tin giả để giúp Trump thắng cử, nhưng Trump thì không tin.

Trump không tin cũng phải, bởi vì nếu ông ta tin, chẳng khác nào Trump thừa nhận chuyện Nga giúp ông trở thành tổng thống Mỹ! Bài tóm lược trên báo Người Việt: Chỉ Huy Tình Báo, Nội An khẳng định Nga can dự bầu cử Mỹ.

Ông James Clapper, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia, là người đã từ chức giám đốc cơ quan này, ngay khi Trump nhậm chức. Sử dụng câu nói của Trump, ông Clapper nói rằng, những hành động của Trump đang làm cho Nga vĩ đại trở lại, báo USA Today đưa tin.

Về sự ra đi của Sean Spicer, Thư ký Báo chí tòa Bạch Ốc
Hôm qua, sau khi từ chức để phản đối Trump bổ nhiệm ông Scaramucci làm Giám đốc Truyền thông, và nhường chức phát ngôn viên tòa Bạch Ốc lại cho bà phó là Sarah Huckabee Sanders, cựu phát ngôn nhân Nhà Trắng nói: ‘tôi không hối hận’.

Đài CNN đưa tin, việc chọn Scaramucci, có thể thấy, quyết định của Trump chọn những người xung quanh ông ta phải là người hoàn toàn trung thành với ông ta trước hết, để chống lại Đảng Cộng hòa hay nền tảng của Washington.

Ba Lan tiến tới nền cai trị độc tài
VOA đưa tin: Thượng viện Ba Lan thông qua luật cải tổ Tòa án Tối cao gây tranh cãi. “Các nhà lãnh đạo EU và những người chỉ trích ở Ba Lan nói rằng luật này sẽ làm suy yếu những kiểm soát và cân bằng của nền dân chủ, giết chế sự độc lập tư pháp và đe dọa nền pháp trị ở nước thành viên Đông Âu lớn nhất của EU. Các nhà phân tích chính trị nói rằng luật này là một bước mới của chính phủ Ba Lan tiến tới nền cai trị độc tài“.

Chống ma túy ở Indonesia
VOA đưa tin: Tổng thống Indonesia lệnh bắn hạ kẻ buôn ma túy. Tổng thống Joko Widodo đã ra lệnh cho các nhân viên công lực bắn hạ những kẻ buôn lậu ma túy. Ông nói: “Hãy cứng rắn, nhất là đối với những kẻ buôn lậu ma túy nước ngoài xâm nhập vào nước ta và kháng cự lệnh bắt giữ. Hãy bắn chúng vì chúng ta hiện trong tình thế nguy cấp về ma túy”.

-----------------------

Bài Mới Nhất








No comments:

Post a Comment

View My Stats