Thursday, 27 July 2017

OBAMACRE ĐI VỀ ĐÂU ? (tin tổng hợp)


Nguyễn Đạt Thịnh
Wednesday, 26/07/2017 - 08:35:30

Hai ngày trước ngày thứ Ba, 25/7, ngày Thượng Viện biểu quyết xem có thảo luận Dự Luật Y Tế để thay thế Luật ObamaCare hay không- Tổng Thống Donald Trump tỏ ra vô cùng lo lắng.

Hôm Chủ, ông viết tweet, “Nếu nghị sĩ Cộng Hòa không hủy bỏ và thay thế được đạo luật tai hại ObamaCare, thì phản ứng của thất bại đó sẽ to lớn, tai hại hơn mức tưởng tượng của họ.”

Hủy bỏ và thay thế là repeal and replace Obamacare -hủy bỏ luật cũ, viết luật mới thay vào. Có thể ông cho là liều thuốc “hăm dọa” đó chưa đủ mạnh, sáng thứ Hai ông tweet tiếp, “Các nghị sĩ Cộng Hòa đang đứng trước cơ may cuối cùng để có thể hủy bỏ và thay thế ObamaCare, sau nhiều năm dài hứa hẹn với cử tri. Nghị sĩ nào bỏ phiếu chống lại cuộc thảo luận để hủy bỏ và thay thế, người đó nói thẳng với đất nước chúng ta là họ chấp nhận cơn ác mộng ObamaCare.”

Mặc dù ông dùng những lập luận “đao to, búa lớn,” nhưng nếu Nghị Sĩ John McCain -đang bị ung thư màng óc- không ráng “lết” về Hoa Thịnh Đốn để bỏ lá phiếu Cộng Hòa thứ 50, giúp cuộc biểu quyết đạt tỉ số 50-50 lửng lơ, không ngã ngũ, tạo cơ hội cho Phó Tổng Thống Mike Pence bỏ thêm lá phiếu thứ 51, nghiêng phần thắng về khối nghị sĩ Cộng Hòa thì cuộc thảo luận về ObamaCare đã chấm dứt.

Lá phiếu của Nghị Sĩ John McCain

Và lá phiếu Phó Tổng Thống Mike Pence đem thắng lợi về cho phe Cộng Hòa

Nghị sĩ McCain được đón chào bằng một tràng pháo tay dài trên một phút, nghị sĩ thuộc cả hai đảng đứng lên trong lúc vỗ tay; ông minh định ông không chấp nhận nội dung dự luật đã bắt đầu bị mệnh danh là TrumpCare, mà chỉ bỏ phiếu thuận để toàn thể nghị sĩ lưỡng đảng đem luật ACA (Affordable Care Act) và dự luật TrumpCare ra thảo luận và thay đổi.

Sau thắng lợi 51-50, Nghị Sĩ Mitch McConnell, trưởng khối đa số Cộng Hòa tại Thượng Viện vui vẻ bước ra khỏi phòng họp...

... trong lúc cảnh sát đẩy người biểu tình ra đường.

Khối nghị sĩ Cộng Hòa gồm 52 vị, thì đã có hai vị chống lại dự luật repeal and replace Obamacare “Hủy bỏ và thay thế Obamacare” (HBTTOBC), nếu cộng thêm Nghị Sĩ John McCain đang trong tình trạng dưỡng bệnh, thì số phiếu “ủng hộ” chỉ còn 49. Nằm nhà tại Arizona, nhưng làm toán nhẩm, ông McCain cũng hiểu trách nhiệm của ông là phải về Hoa Thịnh Đốn để bỏ lá phiếu “Lê Lai cứu Chúa.”

“Chúa” Trump cảm ơn ông McCain, và gọi ông là “một người can đảm”; trước kia Trump chê McCain là không anh hùng, vì nếu anh hùng tại sao lại để Việt Cộng bắt sống.

Trump cũng họp báo và ca tụng khối nghị sĩ Cộng Hòa đã tiến được một bước dài với đa số 51-50, và ra tuyên ngôn, nguyên văn, “Tôi hoan nghênh tiến bộ lớn lao của Thượng Viện để giải quyết cơn ác mộng ObamaCare. Cuộc biểu quyết hôm nay cho chúng ta thấy ngồi nhìn không hề là giải pháp; giờ này Quốc Hội có điều kiện để tiến tới viết ra một đạo luật đã giảm phí tổn y tế mà lại còn giúp công dân Mỹ có nhiều lựa chọn hơn.”

Tổng thống họp báo ca tụng Thượng Viện thành công

Trong lúc Thượng Viện nhóm họp buổi sáng, bên ngoài hành lang hàng trăm người biểu tình hò hét, “Kill the bill, dont kill us!” đòi bãi bỏ đạo luật mới, và đừng giết họ; họ nhục mạ quý vị nghị sĩ bằng những tiếng hò hét “Shame, shame, shame!” (Xấu hổ, xấu hổ, xấu hổ).

Mặc dù bỏ phiếu cho phép cuộc thảo luận tiếp diễn, nhưng McCain nói với các nghị sĩ đồng đảng, “Chúng ta chưa làm được việc gì cả.”

Trước cuộc bỏ phiếu về đạo luật mới repeal and replace Obamacare nghị sĩ trưởng khối thiểu số Dân Chủ Chuck Schumer tiểu bang New York kêu gọi các nghị sĩ Cộng Hòa, “Chúng tôi ý thức luật A.C.A. không toàn hảo, nhưng chúng tôi lại thấy đạo luật quý vị đề nghị còn tệ hơn nữa. Xin quý vị cùng chúng tôi cộng tác để kiện toàn tình trạng y tế của đất nước chúng ta. Xin quý vị đến với chúng tôi trước khi tình hình trở thành quá muộn, để hàng triệu, hàng chục triệu người Mỹ bị thương tổn quá nặng đến mức không hồi phục được nữa.”

“Đa số” 51-5O giúp cuộc thảo luận tiếp tục cho đến 9:30 tối thứ Ba, rồi lại biểu quyết về dự luật thay thế ObamaCare; kết quả lần này thê thảm hơn với tỉ số 43-57, vì có tới 9 vị nghị sĩ Cộng Hòa bỏ phiếu chống dự luật HBTTOBC.

Tuyên đọc kết quả cuộc biểu quyết, Nghị Sĩ Todd Young, Cộng Hòa-Indiana, công bố,“Trong cuộc bỏ phiếu này có 43 phiếu yea (thuận) và 57 phiếu nay (chống), dự luật không được thông qua.”

Quý vị nghị sĩ Cộng Hòa can đảm, không sợ những lời răn đe của tổng thống là các Nghị Sĩ Susan Collins (Maine); Bob Corker (Tennessee); Tom Cotton (Arkansas); Lindsey Graham (South Carolina); Dean Heller (Nevada); Mike Lee (Utah); Jerry Moran (Kansas); Lisa Murkowski (Arkansas); và Rand Paul (Kentucky).

Sau cuộc biểu quyết, Thượng Viện ngưng nhóm, và sẽ tái nhóm vào lúc 9:30 sáng thứ Tư; những cuộc biểu quyết tiếp theo diễn ra sau 11:30.

Một trong những cuộc biểu quyết đó liên quan đến dự luật “repeal and delay” (hủy bỏ và trì hoãn). Sau khi dự luật repeal and replace Obamacare bị bác bỏ, repeal and delay được đem ra cứu xét. Dự luật này na ná giống một dự luật khác đã được thảo luận từ năm 2015: hủy bỏ và trì hoãn cũng bác bỏ ObamaCare, nhưng trì hoãn việc bác bỏ đó hai năm để quý vị nghị sĩ Cộng Hòa có thì giờ viết đạo luật thay thế ObamaCare.

Trở ngại của hủy bỏ và trì hoãn là viễn ảnh NẾU các chính khách Dân Chủ trở lại nắm quyền kiểm soát một trong hai viện quốc hội sau cuộc bầu cử giữa kỳ 2018, vấn đề hủy bỏ hay không sẽ trở lại, vì CBO (The Congressional Budget Office-Phòng Ngân Sách Quốc Hội) dự tính là chính sách Y Tế của đảng Cộng Hòa sẽ tạo ra 32 triệu người không có bảo hiểm y tế.

Không khí chính trị thật u ám cho khối nghị sĩ Cộng Hòa, trong lúc họ chỉ còn 16 tháng nữa là lại phải đối diện với cử tri. Họ nói gì để thuyết phục cử tri bầu họ? Dĩ nhiên họ không thể khoe là họ đang thất bại trong nỗ lực hủy bỏ ObamaCare, và họ cũng không muốn phải xác nhận họ không có khả năng viết lại một đạo luật y tế khác.

Để xem trưa nay họ còn biểu quyết những điều gì nữa, mặc dù bài tính trừ 51-9 không hứa hẹn với tổng thống điều gì vui cả.

Tổng thống không bao giờ thèm đọc bài báo tiếng Việt này, nhưng tôi vẫn thích nhắn ông là người gốc Việt chúng tôi rất hiểu ông, vì 43 năm trước chúng tôi cũng đã khổ sở vì trải qua kinh nghiệm “lãnh tụ tham sinh, quốc dân điêu linh.”

---------------------------

July 26, 2017

WASHINGTON, DC (AP) – Thượng Viện Mỹ hôm Thứ Tư bác bỏ một dự luật theo đó sẽ tháo gỡ hầu hết chương trình Obamacare (ACA) mà không có sẵn một chương trình khác thay thế, với bảy thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa bỏ phiếu chống cùng với toàn thể các thượng nghị sĩ Dân Chủ.
Đây là lần thứ nhì trong vòng 24 tiếng, phía Cộng Hòa tại Thượng Viện có nỗ lực triệt hạ Obamacare nhưng không đủ số phiếu cần thiết để thông qua.
Với kết quả 45 phiếu thuận và 55 phiếu chống, Thượng Viện bác bỏ một dự luật do Thượng Nghị Sĩ Rand Paul (Cộng Hòa, Kentucky) đưa ra và từng được thông qua hồi Tháng Mười Hai năm 2015 nhưng bị Tổng Thống Barack Obama phủ quyết.
Dự luật này sẽ hủy bỏ hầu hết chương trình ACA, được ban hành năm 2010, và sẽ có hai năm chuyển tiếp để các nhà lập pháp có thời giờ soạn thảo và thông qua luật mới.
Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội Mỹ (CBO) ước tính rằng nếu hủy bỏ Obamacare mà không có gì thay thế sẽ khiến hơn 30 triệu người dân Mỹ không có bảo hiểm sức khỏe. Đây là một trong những lý do khiến một số thượng nghị sĩ Cộng Hòa bỏ phiếu chống.
Kết quả này khiến các thượng nghị sĩ Cộng Hòa khác giận dữ, bày tỏ sự ngạc nhiên là tại sao đồng viện của họ lại quay lưng với một dự luật mà họ từng bỏ phiếu thuận chỉ hai năm trước đây và từng hứa hẹn với cử tri sẽ hủy Obamacare.
Trong những thượng nghị sĩ Cộng Hòa bỏ phiếu chống lần này, chỉ duy nhất có nữ thượng nghị sĩ Susan Collins của tiểu bang Maine là chống lại dự luật hủy Obamacare năm 2015.
“Tôi nghĩ mọi người nơi đây, ngoại trừ một người, từng hứa hẹn cử tri là sẽ bỏ phiếu hủy Obamacare, theo lời Thượng Nghị Sĩ Ron Johnson (Cộng Hòa, Wisconsin). “Tôi thấy phải nhắc mọi người về lời hứa đối với cử tri của họ”.
Tuy nhiên, như các thượng nghị sĩ này đã nhìn thấy, ảnh hưởng lớn lao của việc hủy bỏ Obamacare đối với chính đời sống cử tri của họ đã khiến họ không thể bỏ phiếu theo đòi hỏi của giới lãnh đạo tại quốc hội.
Một giải pháp hiện đang được nhiều người phía Cộng Hòa nói tới là thông qua một dự luật theo đó chỉ hủy bỏ vài điểm chính trong Obamacare, gồm cả việc buộc tất cả mọi người phải mua bảo hiểm, là điều mà tất cả các thượng nghị sĩ Cộng Hòa có thể đồng ý chống.(V.Giang)

------------------------------------
July 26, 2017

WASHINGTON DC (NV) – Chiều Thứ Tư, 26 Tháng Bảy, Thượng Viện lại không thông qua được một dự luật xóa bỏ đạo luật y tế ACA của cựu Tổng Thống Obama; quen gọi là Obamacare. Trong những ngày tới, các nghị sĩ Cộng Hòa sẽ làm gì tiếp để đạt mục tiêu “xóa bỏ và thay thế đạo luật ACA đang thi hành?”
Như chúng ta đã biết, sáng ngày Thứ Ba, 25 Tháng Bảy, đảng Cộng Hòa và Tổng Thống Donald Trump đã thành công khi Thượng Viện chấp thuận đem ra bàn vấn đề này, với tỷ số sát nút.
Có 50 nghị sĩ Cộng Hòa bỏ phiếu thuận, và Phó Tổng Thống Pence, ngồi chủ tọa các phiên họp của Thượng Viện theo Hiến Pháp quy định, bỏ lá phiếu quyết định để đạt tỷ số 51/50. Tất cả 48 nghị sĩ Dân Chủ chống và hai nghị sĩ Cộng Hòa cũng chống.
Nhưng ngay chiều Thứ Ba, dự luật xóa và thay Obamacare của ban lãnh đạo Thượng Viện được đưa ra bàn và bị bác bỏ với 57 phiếu, và 43 phiếu thuận. Ðây là dự luật đã được nghị sĩ trưởng khối đa số soạn thảo và thay đổi theo nhiều đề nghị của các nghị sĩ khác, nhưng vẫn có chín nghị sĩ Cộng Hòa không đồng ý. Dự luật này, nếu ban hành, sẽ làm cho khoảng 22 triệu dân Mỹ mất bảo hiểm.
Chiều Thứ Tư, 26 Tháng Bảy, một dự luật khác được đưa ra bỏ phiếu. Ðó là dự luật đã được các dân biểu và nghị sĩ Cộng Hòa thông qua năm 2015, nhưng bị cựu Tổng Thống Obama phủ quyết.
Tổng Thống Trump đã thúc đẩy Thượng Viện hãy đưa ra bỏ phiếu lại, nếu được cả hai viện thông qua thì ông Trump chắc chắn sẽ ký ban hành. Nhưng khi kiểm phiếu, chỉ có 45 nghị sĩ Cộng Hòa ủng hộ. Bảy người đã bác bỏ, mặc dù vào năm 2015, ngoài bà Susan Collins, sáu người kia đã bỏ phiếu chấp thuận. Các nghị sĩ Dân Chủ, 48 người đều chống. Nếu dự luật này trở thành luật, sẽ có 32 triệu người mất bảo hiểm.
Mọi người đang thắc mắc: Giái lãnh đạo Cộng Hòa ở Thượng Viện sẽ làm gì tiếp?
Trong mấy ngày tới, Thượng Viện có thể sẽ thảo luận về một dự luật được thu hồi Obamacare, gọi tên là Thu Hồi Mỏng (skinny repeal), với hy vọng được trên 50 phiếu thông qua. Dự luật Cải Tổ Mỏng này sẽ chỉ xóa bỏ một số điều khoản trong ACA mà tất cả đảng Cộng Hòa muốn xóa; đầu tiên là không bắt buộc mọi công dân Mỹ phải có bảo hiểm y tế, và buộc các xí nghiệp phải tổ chức mua bảo hiểm cho nhân viên, nếu không sẽ bị phạt; và xóa bỏ hẳn những khoản thuế đánh trên các dụng cụ y khoa. Ngoài ra, các điều mà đảng Cộng Hòa muốn thay đổi như xóa món thuế phụ trội đánh trên lợi tức cao hơn 250,000 đô la một năm; cắt bớt chương trình Medicaid (Medical ở California); và cắt bớt trợ cấp cho giới trung lưu không đủ tiền mua lấy bảo hiểm bị nhiều người chống đối, sẽ khó được đa số nghị sĩ chấp nhận sẽ có thể bị bỏ qua.
Nếu Thượng Viện thông qua được một dự luật Cải Tổ Mỏng, sẽ đến lúc phải dung hòa dự luật này với dự luật mà Hạ Viện đã thông qua tại Hạ Viện vào Tháng Năm vừa qua. Việc thỏa hiệp giữa hai dự luật sẽ khó khăn vì dự luật của Hạ Viện rất nặng tay, sẽ khiến cho 23 triệu người mất bảo hiểm, đến nỗi chính Tổng Thống Trump phải chê là “dữ quá” (mean).
Nếu hai viện không thể thỏa hiệp và thông qua được một dự luật nào thì tình trạng sẽ ra sao?
Khi đó, đạo luật ACA, tức Obamacare sẽ tiếp tục có hiệu lực. Những người được hưởng Medicaid (hay Medical) sẽ giữ được bảo hiểm. Những người trung lưu đang được trợ cấp để mua bảo hiểm sẽ tiếp tục được trợ cấp nhưng chính phủ có quyền giảm bớt món tiền này. Những người lợi tức trên 250,000 đô la sẽ tiếp tục đóng thêm thuế để ngân sách có đủ tiền trả các khoản chi phí này.
Nhưng chính phủ và Quốc Hội sẽ phải quyết định bảo đảm cho các hãng bảo hiểm an lòng rằng các khoản trợ cấp được tiếp tục; nếu không thị trường bảo hiểm sẽ xáo động và nhiều người sẽ mất bảo hiểm. Chính phủ cũng có thể làm giảm hiệu lực của Obamacare bằng cách thả lỏng, ngưng truy tố những người không có bảo hiểm và các xí nghiệp không mua bảo hiểm cho nhân viên. Khi đó, sẽ các hãng bảo hiểm sẽ chỉ thu hút được những người bệnh nặng đi mua bảo hiểm lấy, hậu quả là giá mua (premium) sẽ tăng vọt lên, nhiều người sẽ phải bỏ.
Khi đó, các dân biểu và nghị sĩ thuộc hai đảng sẽ phải hợp tác để giữ cho thị trường bảo hiểm y tế không sụp đổ, nếu không họ sẽ bị các cử tri trừng phạt trong cuộc bỏ phiếu năm 2018. (DT)







No comments:

Post a Comment

View My Stats