Sunday, 30 July 2017

NHÌN TỪ BỘ NGOẠI GIAO HOA KỲ (Trần Khải)




30/07/2017

Hà Nội, Hà Nội, Hà Nội... được nhìn từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ra sao? Có phải là nan đề trầm trọng, cần thương lượng như Mỹ nhìn về Bắc Hàn, Iran... hay không? Hiển nhiên là không. Nhà nước Hà Nội đang là một nhà nước thân hữu của nhà nước Washington, ngay cả nếu không thân cũng không bị xem là thù địch. Cũng là một đối tác thương mại lớn, khi Tổng Thống Donald Trump trang trọng tiếp đón lãnh đạo Hà Nội -- ít nhất, cũng hoan hỷ khi biết rằng hàng không Việt Nam chịu mua phi cơ Boeing.

Việt Nam có thể làm cầu nối để Hoa Kỳ móc nối, thương lượng, cò kè và kể cả qua đó sẽ gây áp lực đối với Bắc Hàn được không? Nhiều phân tích gia tin là có thê. Đó là lý do TT Trump khi bổ nhiệm tân Đại sứ Mỹ đã chọn ông Daniel J. Kritenbrink, người dày dạn kinh nghiệm Châu Á, giỏi tiếng Trung Hoa và tiêng Nhật Bản.

Như thế, Hoa Kỳ phải tương nhượng các kiểu bàn tay sắt của Việt Nam, vì các mục tiêu xa hơn?

Có lẽ. Như thế, nếu bạn là công dân Mỹ về thăm VN, cũng cần cảnh giác.

Xin mời đọc lời cảnh báo từ các quan chức ngoaị giao Hoa Kỳ tại VN, trích toàn văn:

“Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam:
Thông điệp An ninh cho Công dân Hoa Kỳ về việc Biểu tình Chống Trung Quốc.

Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh xin báo động đến công dân Hoa Kỳ tại Việt Nam về tình trạng biểu tình đang nhắm vào các công ty và nhà máy liên kết của Trung Quốc diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh và Tỉnh Bình Dương. Chính phủ Việt Nam đang giám sát các cuộc biểu tình này và tăng cường lực lượng Công an bảo vệ khu vực.

Thông điệp này nhằm nhắc nhở tất cả công dân Hoa Kỳ nên tránh tất cả các hành động chống đối, biểu tình, tụ tâp đám đông. Tất cả công dân Hoa Kỳ cũng nên đề phòng việc biểu tình có thể diễn ra trong mục đích hòa bình nhưng cũng có thể trở thành cuộc xung đột và dẫn đến bạo động. Luôn cảnh giác và đề phòng khu vực xung quanh và cập nhật tin tức qua các phương tiện truyền thông địa phương.

Công dân Hoa Kỳ đang du lịch hoặc cư trú tại Việt Nam nên đăng ký chương trình Smart Traveler Enrollment Program (STEP) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại địa chỉ: https://step.state.gov/step/ . Công dân Hoa Kỳ không truy cập được Internet có thể đăng ký trực tiếp tại Lãnh sự quán hoặc Đại sứ quán Hoa Kỳ gần nhất. Bằng việc đăng ký, chúng tôi có thể dễ dàng liên hệ với quý vị hơn trong trường hợp khẩn cấp.

Vui lòng thường xuyên theo dõi trang web của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tại đây có đăng tải các Cảnh báo về du lịch, Khuyến cáo về Du lịch, và Lưu ý An ninh Toàn cầu. Vui lòng đọc Trang thông tin Cụ thể về Việt Nam. Để biết thêm thông tin, vui lòng xem “Danh mục dành cho Người du lịch” đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh luôn mở cửa đáp ứng các dịnh vụ không mang tính khẩn cấp dành cho Công dân Hoa Kỳ có đặt hẹn. Công dân Hoa Kỳ cần hỗ trợ khẩn cấp không cần đặt hẹn. Bộ phận Dịch vụ Công dân Hoa Kỳ của Đại sứ quán Hoa Kỳ đặt tại số 7 Láng Hạ, Hà Nội, Việt Nam với số điện thoại (+84)(24) 3850-5000.

Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh nằm ở số 4 Lê Duẩn, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Trong trường hợp khẩn cấp, quý vị có thể liên hệ Bộ phận Dịch vụ Công dân Hoa Kỳ bằng cách gọi điện đến số (+84)(28) 3520-4200. Luôn có viên chức trực sau giờ làm việc ở cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẵn sàng hỗ trợ công dân Hoa Kỳ trong trường hợp khẩn cấp.

Thông tin hiện tại về an toàn và an ninh được đăng tải trên trang web http://travel.state.gov/content/travel/english.html  hoặc quý vị cũng có thể gọi số điện thoại miễn phí 1-888-407-4747 nếu ở Hoa Kỳ hoặc số điện thoại tính phí thông thường 1-202-501-4444 nếu gọi từ các quốc gia khác. Các số điện thoại này hoạt động từ 8:00 a.m. đến 8:00 p.m. giờ miền Đông, từ thứ Hai đến thứ Sáu (trừ các ngày nghỉ lễ liên bang Hoa Kỳ).

Bài của vnmission | 27 Tháng Bảy, 2017”
(hết trích)

Có nghĩa là, yêu cầu công dân Mỹ “nên tránh tất cả các hành động chống đối, biểu tình, tụ tâp đám đông...”

Như thế, câu hỏi là, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phản ứng thế nào về các hành vi đàn áp nhân quyền của Hà Nội?

Gần nhất là ngày 26/7/2017, có bản tuyên bố, toàn văn như sau, trích:

“Tuyên bố của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius về việc kết án Trần Thị Nga

Hà Nội, ngày 26 tháng 7 năm 2017 – Tôi quan ngại sâu sắc về việc một tòa án của Việt Nam đã kết án nhà hoạt động ôn hòa Trần Thị Nga 9 năm tù giam và 5 năm quản chế với sự buộc tội mơ hồ về “tuyên truyền chống nhà nước”.

Tất cả mọi người có quyền tự do cơ bản về biểu đạt, lập hội và tụ họp ôn hòa. Chúng tôi đã chứng kiến một số bước tích cực về nhân quyền tại Việt Nam trong vài năm qua. Tuy nhiên, xu hướng gia tăng các vụ bắt giữ, kết án và những bản án hà khắc đối với những nhà hoạt động ôn hòa kể từ đầu năm 2016 rất đáng lo ngại.

Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam thả bà Trần Thị Nga và tất cả các tù nhân lương tâm khác, và cho phép tất cả cá nhân tại Việt Nam tự do thể hiện quan điểm của mình và tụ họp ôn hòa mà không lo sợ bị trừng phạt.

Chúng tôi cũng thúc giục chính phủ Việt Nam đảm bảo rằng các hành động và đạo luật của họ, trong đó có Bộ luật Hình sự, nhất quán với các điều khoản về nhân quyền trong Hiến pháp của Việt Nam cũng như các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Việt Nam.”(
hết trích)

Có phải, 9 năm tù giam và 5 năm quản chế của nhà hoạt động Trần Thị Nga tương xứng với bản tuyên bố 4 đoạn văn trên?

Hay phải chăng, Hoa Kỳ đã rút lui ra khỏi mọi cuộc chiến về nhân quyền.


Chỉ là câu hỏi. Không ai đoán nổi câu trả lời. Có lẽ, kê cả Trump.






No comments:

Post a Comment

View My Stats