Vũ
Trọng Khải
17/01/2015
Dân tộc nào cũng có những truyện cổ tích. Truyện cổ
tích được hình thành, biến đổi theo chiều dài lịch sử hàng ngàn năm của mỗi dân
tộc, rồi mới được "định hình". Khi "định hình", truyện cổ
tích đã kết tinh được những giá trị phổ quát mang tính triết học, mỹ học và tâm
linh mà dân tộc đó tôn thờ, trở thành một bộ phận cấu thành nền văn hoá của dân
tộc đó.
Nhớ lại hồi học tiểu học, lớp 3 hay 4, sách giáo
khoa tập đọc cho học sinh có truyện cổ tích "Tấm-Cám". Học sinh phải
tập đọc và còn được thầy, cô giáo đọc hay kể lại nhiều lần với những phân tích
"đắt giá", cố làm cho học sinh "hiểu sâu sắc" hơn những
"giá trị" của truyện Tấm Cám như: phản ánh cuộc đấu tranh giữa cái
"thiện" và cái "ác", giữa "chính" và
"tà"; kết cục luôn có hậu là "cái thiện" thắng "cái
ác", "cái chính" thắng "cái tà" bằng những âm mưu lừa
gạt và hành vi độc ác, giống như cách hành xử của “cái ác”, nhưng
không bị lên án!
Mỗi khi đọc hay kể đến những lần cô Tấm bị
mẹ con cô Cám bày mưu lừa gạt, hãm hại, máu căm thù trong tôi lại sôi
lên sùng sục. Ngược lại, khi đọc, hay nghe đến những đoạn “cô Tấm thảo
hiền” lừa và trả thù được mẹ con cô Cám, cũng bằng những thủ đoạn,
mưu mô và hành vi độc ác tương tự như mẹ con cô Cám, thì lòng tôi lại
hả hê, thích thù vô cùng! Đến đoạn kết, cô Tấm lừa được cô Cám nghe
theo lời mình, tắm gội bằng nước sôi để trắng da nên bị chết; cô Tấm
băm xác cô Cám để làm mắm, gửi về “biếu” mẹ cô Cám, thì sự độc ác
của câu chuyện đạt đến tột đỉnh, nhưng bọn trẻ và có lẽ cả người
lớn, lại vui mừng, sung sướng cũng đến tột đỉnh!??
Bây giờ nghĩ lại
thấy rùng mình, không hiểu nổi tại sao mình lại có tình cảm căm thù
và hả hê đến tột đỉnh như thế khi đọc truyện Tấm Cám? Cả câu truyện
là một chuỗi những âm mưu lừa gạt, những hành vi trả thù độc ác,
“lấy oán trả oán”, không có điểm dừng. Đúng là “thù muôn đời, muôn
kiếp không tan; “căm hờn lại giục căm hờn, máu kêu trả máu, đầu van
trả đầu” (Tố Hữu).
Tuy vậy, trong lịch sử dân tộc ta, đạo Phật
đã tồn tại gần như quốc đạo trong suốt gần 400 năm dưới 2 triều đại
Lý, Trần, với triết lý “lấy ân báo oán”, hòng chặn đứng chuỗi âm
mưu lừa gạt và hành vi độc ác của con người. Muốn lấy ân báo oán,
con người phải biết sống khoan dung. UNESCO (1995) quan niệm “khoan dung
là hài hòa trong khác biệt; khoan dung vừa là bổn phận đạo đức, vừa
là một đòi hỏi pháp lý và chính trị”. Tuy coi đạo Phật gần như là
quốc giáo, nhà Trần vẫn tôn trọng các tôn giáo khác. “Tam giáo đồng
nguyên”, Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo cùng tồn tại bên nhau, không kì
thị, bài xích nhau. Hơn thế nữa, sau khi chiến thắng quân Nguyên-Mông
lần thứ 3, vua Trần Nhân Tông không những không đọc mà còn buộc đốt
bỏ tất cả những đơn thư tố cáo, vật chứng kết tội một số quan chức
đã đầu hàng, thậm chí làm tay sai cho giặc, rồi tha cho viên quan
Hoàng Cự Đà đã trốn chạy quân Nguyên… Sau sự kiện này mấy trăm năm,
tổng thống Hoa Kì Abraham Lincol cũng có hành vi tương tự khi kết thúc
cuộc chiến Nam-Bắc Mỹ mà phần thắng thuộc về các bang miền Bắc do
ông lãnh đạo.
Sự khoan dung, vị tha trong lịch sử Việt Nam
có lẽ đạt đến đỉnh cao dưới thời vua Lê Thánh Tông, thể hiện trong
bộ luật Hồng Đức. Luật Hồng Đức không những miễn tội cho những kẻ
không tố cáo người thân (ông bà, cha mẹ, vợ chồng, anh, chị em ruột)
phạm tội, mà còn cấm con, cháu tố cáo ông bà, cha mẹ khi họ phạm
tội, trừ tội đại nghịch, giết người thân một cách độc ác; con cháu
có nghĩa vụ che giấu tội cho ông bà, cha mẹ.
Đó là những điểm sáng văn hóa trong lịch sử
hình thành và phát triển dân tộc và nhà nước Việt Nam. Nhưng cũng
rất tiếc là phải thừa nhận rằng triết lí sống lấy oán trả oán
vẫn lấn át triết lí sống lấy ân trả oán trong suốt chiều dài lịch
sử Việt Nam. Lừa bịp và dối trá, căm hờn và trả thù một cách độc ác,
nói gọn là “dối trá và độc ác” có thể được định danh là “Văn
hóa Tấm – Cám”.
“Văn hóa Tấm-Cám” có lẽ bắt nguồn sâu xa từ
văn hóa làng Việt. Có thể khi mới ra đời, truyện Tấm-Cám chỉ phản ánh khát vọng
chiến thắng cái ác của những người yếu thế, lương thiện, mà chủ yếu là nông
dân. Nhưng cùng với quá trình lịch sử phát triển của dân tộc Việt, nó đã trở
thành văn hoá lúc nào không hay. Mỗi làng là một “tiểu vương quốc”, “
phép vua, thua lệ làng”. Trai, gái kết hôn theo tập tục bất thành văn
“trong làng, ngoài họ” (tất nhiên vẫn có ngoại lệ). Trai làng này
sang “tán” gái làng kia dễ dẫn đến ẩu đả, đổ máu giữa con trai 2
làng. Trong mỗi làng, không chỉ có những vị thuộc lớp Kì, Hào, Mục
hãnh tiến về mình và tranh giành vị thế, uy danh với nhau, với làng
bên, mà đến tên mõ làng cũng vậy. Thằng mõ là kẻ có chức “tệ”
nhất trong một làng, mà còn có cảnh “thằng mõ làng lớn bắt nạt
thằng mõ làng bé”. Mõ làng lớn phải “oai” hơn, hãnh tiến hơn các mõ
làng bé. Thế thì các vị Kì, Hào, Mục ở làng lớn cũng sẽ ra oai
với các vị Kì, Hào, Mục ở làng bé gấp nhiều lần bọn mõ làng.
Muốn tỏ ra “oai hơn” tất phải âm mưu lừa gạt và hành động độc ác
theo “Văn hóa Tấm – Cám”.
Người Việt từ xa xưa và dường như vẫn tồn
tại đến bây giờ cái “lí tưởng”, cái mục tiêu cao nhất, gần như duy
nhất của sự học là để làm quan, chứ không phải làm doanh nhân hay
khoa học gia. Bởi kẻ làm quan mới có vị thế quyền hành bắt nạt người
khác, ra oai với mọi người, tự hào với dòng tộc, làng nước, để “Một
người làm quan, cả họ được nhờ”. Tất nhiên, để đạt được “khát vọng”
đó, từ thằng mõ đến các quan lớn, nhỏ đều phải thực hiện các hành
vi “lừa bịp và độc ác”.
Dường như, người ta, dù có học vấn, cao hay
thấp, có địa vị hay sang hèn, đều cảm thấy sung sướng, hãnh tiến và
tự hào khi làm người khác đau khổ bằng những âm mưu lừa gạt thấp
hèn và hành vi độc ác của mình. Chả thế mà một anh dân phòng, giữ
trật tự ở chợ, lại dám vặn cổ một người bán hàng rong; Một viên
cảnh sát giao thông dám đánh chết người dân ở đồn công an chỉ vì
người này mắc lỗi vi phạm luật giao thông: đi xe máy không đội mũ bảo
hiểm… Bộ máy cầm quyền cai trị bằng cách làm cho người dân luôn luôn
nơm nớp lo sợ trước những âm mưu lừa gạt và hành vi độc ác của kẻ
có, dù chỉ một chút, quyền lực. Nhà cầm quyền dù là vua, quan dưới
thời phong kiến hay quan lại dưới thời thực dân đều cai trị dân theo
kiểu như vậy: Tạo ra tâm lí sợ hãi trước uy quyền, không cần biết uy
quyền ấy có chính danh hay không.
Nhưng “tức nước vỡ bờ”, “con giun xéo mãi cũng
oằn”, người bị cai trị đến một ngưỡng nào đó sẽ vượt qua sự sợ
hãi, dám đứng lên chống lại kẻ cầm quyền. Đến lượt họ, người dân,
theo “Văn hóa Tấm – Cám”, cũng dùng những âm mưu lừa gạt và hành vi
độc ác để trả thù bọn cầm quyền, nhiều khi còn độc ác hơn bọn quan
lại. Sự hận thù, lấy oán trả oán của người dân đối với bọn quan
lại thực dân còn tệ hại, độc ác hơn đối với bọn quan lại phong
kiến. Lúc đầu sự phản kháng của người dân thường bằng những câu
truyện tiếu lâm, những lời nói châm biếm, chế giễu bọn quan lại, như
“miệng quan, trôn trẻ”, “cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”; “thằng
ấy tuy là đảng viên nhưng mà tốt”; “Nó tuy là giáo sư, nhưng mà
giỏi”… “Nó tuy là giám đốc, nhưng biết thương người lao động”… Nhưng
khi đã vượt qua sự sợ hãi, sự uất ức của người dân biến thành
những hành động độc ác, như “Trí, phú, địa, hào: Đào tận gốc, trốc
tận rễ”, cất lên lời ca đầy hãnh tiến “thề phanh thây, uống máu quân
thù; đường vinh quang xây xác quân thù” (Văn Cao).
Tuy thế, dân tộc Việt Nam cũng đẻ ra những
trí thức tinh hoa, thấy được tai hại của “Văn hóa Tấm - Cám”. Phan Chu
Trinh và nhóm Nguyễn Ái Quốc ở Paris đầu thế kỉ 20 đã kế thừa văn
hóa đạo Phật thời Lý-Trần, kết hợp với văn hóa phương tây “Tự do,
bình đẳng, bác ái”, không muốn dùng bạo lực, đổ máu của người dân
để có độc lập dân tộc, nên đưa ra khẩu hiệu “Pháp-Việt đề huề”,
“khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Điều đáng tiếc là, người
Việt rất kính trọng chí sĩ Phan Chu Trinh, hàng vạn người dân đã dự
lễ tang cụ ở Sài Gòn năm 1926, nhưng lại không chấp nhận tư tưởng của
cụ. Phần lớn người Việt cho tư tưởng của cụ Phan Chu Trinh là cải
lương, là ảo tưởng… Vì thế, Tản Đà đã phải thốt lên “ Dân hai mươi triệu, ai
người lớn/ Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”. Họ đã dùng bạo lực để có độc
lập dân tộc, mặc dù phải hy sinh tính mạng đến mức “núi xương, sông
máu”, “dù có phải đốt cả dãy Trường Sơn” (Hồ Chí Minh). Nhưng khi đã
thoát khỏi ách nô lệ thực dân, người ta lại tự đeo vào cổ gông cùm
mới, đậm “Văn hóa Tấm – Cám”, thằng mõ làng lớn bắt nạt thằng mõ
làng bé. Vì thế , lí thuyết đấu tranh giai cấp, đấu tố địa chủ
diễn ra không chỉ trong mỗi làng mà cả trong mỗi gia tộc, đến mức
“Ông không phải là bố tôi” (Lưu Quang Vũ). Người ta hô hào :
Giết, giết nữa, bàn tay không ngừng nghỉ
Cho đồng ruộng lúa tốt, thuế mau xong
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao chủ tịch, thờ Xít ta lin bất diệt (Tố Hữu)
Trong cải cách ruộng đất 1953-1956, con đấu tố
cha mẹ, vợ đấu tố chồng, kẻ mang ơn bịa đặt tố cáo người gia ơn…
diễn ra phổ biến mà điển hình tột bậc là vụ đấu tố, xử bắn bà
Nguyễn Thị Năm ở Thái Nguyên năm 1953. Theo cuốn sách “Lịch sử kinh tế
Việt Nam 1945-2000” của Viện kinh tế học Việt Nam, trong cải cách
ruộng đất, có tới 586.000 nạn nhân bị xử lí, 172.008 người bị giết,
trong đó oan sai là 123.266 người, chiếm 71,66% số người bị giết. Lưu
ý là người bị giết oan sai là theo tiêu chuẩn của nhà cầm quyền.
Luật hình sự 1985 qui định con cháu phải tố cáo ông, bà, cha, mẹ, vợ
chồng phải tố cáo nhau, khi cho là họ mắc tội. Lòng khoan dung, nhân
bản của bộ luật Hồng Đức thời Lê Thánh Tông bị xóa bỏ.
“Văn hóa Tấm – Cám” vẫn có giá trị phổ
quát, trở thành mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển nhanh chóng của
học thuyết “đấu tranh giai cấp, với tư cách là động lực của sự phát
triển xã hội”. Bởi, theo Các – Mác, trong Tuyên ngôn của Đảng cộng
sản 1848, “suy cho đến cùng, lịch sử loài người là lịch sử đấu tranh
giai cấp”. Và kết quả cuối cùng của đấu tranh giai cấp tất yếu phải
là sự thiết lập nhà nước chuyên chính của giai cấp vô sản, không
phải là nhà nước của toàn dân, do dân, vì dân”. Vì thế, trong những
năm 1952-1954 ở Việt Bắc, giới trí thức đi kháng chiến phải “chỉnh
huận” để giác ngộ lập trường giai cấp công-nông, tự nguyện “đầu hàng
giai cấp công-nông”, tự lên án cha mẹ, bản thân mình là thấm đậm nền
giáo dục thực dân, làm công trong bộ máy cầm quyền thực dân là phản
cách mạng, có xưởng máy, đồn điền là bóc lột, học vấn càng cao,
càng nhiễm độc văn hóa của thực dân, phong kiến, chỉ thích hưởng thụ
cá nhân, không dám dấn thân. Ai không “tự ngộ”, tự “xỉ vả” mình thì
các đồng chí sẽ giúp mình giác ngộ, bằng những ngày dài, đêm thâu
thực hiện phê bình, kiểm điểm theo kiểu đấu tố xỉ vả nhau. Không tự
tìm thấy khuyết điểm của mình là ngoan cố, không thành khẩn, chưa giác
ngộ giai cấp, là tiểu tư sản, phải cố nghĩ ra khuyết điểm để chứng
tỏ mình đã thấm nhuần học thuyết Mác-Lenin, Mao Trạch Đông….
Sau 30/4/1975, “bên thắng cuộc” (Huy Đức), đã
cất những lời ca hào hùng, kiêu hãnh, sảng khoái, hân hoan… “Như có
bác Hồ trong ngày vui đại thắng” (Phạm Tuyên), “Đất nước trọn niềm
vui” (Hoàng Hà), “Tiếng hát từ thành phố mang tên Bác” (Cao Việt
Bách…). Niềm kiêu hãnh ấy và “Văn hóa Tấm-Cám” đã dẫn đến những
chính sách bịp bợm và trả thù độc ác đối với “bên thua cuộc”, như
chính sách cải tạo mà thực chất là tù không án đối với những
người đã tham gia vào bộ máy cầm quyền của “bên thua cuộc”, thực thi
chiến dịch X1, X2 đối với tư sản, tiêu diệt tầng lớp doanh nhân văn
minh vừa mới hình thành trong nền kinh tế thị trường, để sau đó hơn
10 năm (1986) lại bắt đầu mở ra kinh tế thị trường hoang dại, hình
thành một tầng lớp doanh nhân thân hữu, liên kết với những kẻ thoái hóa
trong bộ máy cầm quyền, tạo ra các nhóm lợi ích kiểu mafia, chuyên
“buôn cơ chế, chính sách”, thay vì buôn vua như Lã Bất Vi ngày xưa, dẫn đến
quốc nạn tham nhũng không thể khắc phục được, đến những vụ cướp
đất, làm bần cùng hóa nông dân, gây nên những “núi” oan ức thấu trời
cao, cùng đất kiệt.
Bên cạnh nền “Văn hóa Tấm-Cám”, cũng có điểm
sáng tuy chỉ le lói của văn hóa khoan dung, nhân bản. Văn nghệ sĩ chân
chính và tài ba là những con chim báo bão, dự đoán tương lai phát
triển của mỗi dân tộc. Năm 1976, bài ca “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao
ra đời là một trong những tia sáng le lói ấy. Hình như ông đã sám
hối, khi cất lên lời ca: “Từ đây người biết quê hương, từ đây người
biết thương người; từ đây người biết yêu người” trong giai điệu valse
nhẹ nhàng, du dương, êm đềm, đầm ấm. “Mùa xuân đầu tiên” lại là sự
kết thúc của quá trình tự ngộ của Văn Cao, của dân tộc, đi từ triết
lí lấy oán trả oán, “thề phanh thây uống máu quân thù”, “đường vinh quang
xây xác quân thù” đến triết lí khoan dung “người biết thương người,
biết yêu người”. Chính vì sự “mơ hồ lập trường giai cấp,” nhưng đậm
tính nhân loại, nên “Mùa xuân đầu tiên” chỉ xuất hiện trên báo “Sài
Gòn giải phóng” xuân Bính Thìn 1976, và phải đợi 20 năm sau, khi Văn Cao
chết, nó mới được cất lên trên sàn diễn và các phương tiện thông tin
đại chúng. Một chính trị gia hiếm hoi, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt
cũng đã ngộ ra như Văn Cao khi ông phát biểu, đại ý: “Ngày 30 tháng 4
nên gọi là ngày hòa bình, thống nhất nước nhà, đừng gọi là ngày
giải phóng Miền Nam. Bởi vì ngày đó, có một triệu người vui, thì
cũng có một triệu người buồn”.
Những
hậu quả tiêu cực của xã hội ta hôm nay trên tất cả các lĩnh vực bắt
nguồn từ “Văn hóa Tấm-Cám”. Đừng đổ cái
lỗi ấy cho bất kỳ nhóm người nào, cho ý thức hệ nào. Bởi vì, dù
là ý thức hệ nào, nó cũng chỉ là trào lưu tư tưởng của xã hội
loài người, vốn rất đa nguyên, nhiều nhóm lợi ích… Tiếp thu ý thức
hệ nào tùy thuộc ở văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi gia tộc và mỗi con
người cụ thể. Bản thân ý thức hệ không có lỗi. Nhóm người nào, dù
có ý thức hệ quốc gia hay quốc tế cộng sản đều là một bộ phận
của dân tộc Việt, là kết quả của hàng ngàn năm dựng nước và giữ
nước, của quốc gia Việt Nam, đều là “con Lạc, cháu Hồng”. Tại sao
các nước quanh ta, như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Myanmar, India…, họ
không tiếp thu học thuyết đấu tranh giai cấp? Không dùng bạo lực để
chống bạo lực? Chính quyền của họ không được đẻ ra trên nòng súng
như Mao Trạch Đông nói? Không lấy oán trả oán? Nhưng cuối cùng, hiện
nay, họ không những giành được độc lập dân tộc trọn vẹn, mà còn
phát triển, hơn ta nhiều lần, về mọi mặt. Rất tiếc là đã có một
Mahatma Gandhi, một Nelson Mandela của Việt Nam, là Phan Chu Trinh, nhưng
dân ta lại không chấp nhận tư tưởng của ông, nên đã không đạt được thành
tựu như India và Nam Phi.
Nhưng lịch sử không có “chữ nếu” hay “giá
như”. Sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần duy nhất, tuy rằng người
ta có thể viết nhiều lần về cùng một sự kiện ấy, dưới góc nhìn
khác nhau. Phê phán nhau lúc này là “xa xỉ”. Phải trở lại tư tưởng
Phan Chu Trinh: mọi tầng lớp xã hội sống đề huề trong khoan dung, khai
dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Có dân trí và dân khí cao, con
người sẽ vượt qua nỗi sợ hãi, để xây dựng lại đất nước từ nền
móng, theo xu hướng thời đại, hội nhập với thế giới văn minh. Bởi dân
nào chính phủ ấy, chứ không phải ngược lại. Cho nên tầng lớp trí
thức tinh hoa phải dấn thân trong sự nghiệp khai dân trí, xóa bỏ “Văn
hóa Tấm –Cám”, xây dựng văn hóa khoan dung, nhân bản, mọi người đều
thắng. Hãy khép lại cánh cửa của quá khứ hàm hồ [Dương Thu Hương]
và mở ra cánh cửa của tương lai nhân bản và dân chủ cho Việt Nam.
Nelson Mandela, sau 27 năm bị tù đày, đã rất chí lí và sâu sắc, khi
nói, đại ý: “Bước ra khỏi cánh cửa nhà tù, nếu tôi vẫn mang theo
lòng hận thù, thì tôi vẫn là một tù nhân”. Hòa giải, tha thứ và
khoan dung để cùng nhau xây dựng lại (reengineering hay perestroika, không phải
tái cấu trúc- restructuring) đất nước về mọi mặt kinh tế, xã hội, văn hóa,
môi trường tự nhiên và nhân văn. Đó là con đường duy nhất đưa Việt Nam
đến vị thế sánh vai cùng các nước phát triển trong khu vực và thế
giới./
*
P/S: Không có quốc gia nào chọn được quốc gia láng giềng. Không con người nào
có thể chọn được sắc tộc, dân tộc và cha mẹ. Nhưng con người có thể chọn được
quốc tịch. Mà những con người có khả năng tự chọn quốc tịch cho mình hầu hết là
người thông minh thuộc giới tinh hoa, là nguyên khí của quốc gia. Thế hệ hôm
nay phải làm hết sức mình để con cháu chúng ta không buộc phải chọn cách “bỏ
phiếu bằng chân” để thay đổi quốc tịch của mình.
Tháng 1/2015
V.T.K
Tác giả gửi BVN
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 01:51
No comments:
Post a Comment