Thursday 13 July 2017

PETER SINGER : CẠM BẪY 'THẤU CẢM' (FB Vũ Lê Hoàng)




13 Tháng Bảy, 2017

Lời giới thiệu: ‘Thấu cảm’ (Empathy) hiện được một vài người du học ở nước ngoài đem du nhập về Việt Nam [Văn Việt: Nhận xét này có lẽ chưa chính xác, một số từ điển Anh-Việt ở Sài Gòn trước 1975 và Hà Nội sau 1975 đã dịch ‘Empathy’là ‘thấu cảm’ thay vì ‘đồng cảm’. Cách dịch này đã được tranh luận sôi nổi trên mạng thời gian gần đây] không chỉ dừng lại ở việc khái niệm này được xuất hiện trong đề thi tốt nghiệp môn ngữ văn PTTH năm 2017 vừa rồi, hiện có không ít trí thức ra sức cổ vũ thúc đẩy phổ biến khái niệm này trong hệ thống giáo dục nói riêng và đời sống xã hội nói chung. Đặc biệt hiện có một số nhà giáo cổ vũ cho việc coi ‘thấu cảm’ là một trong các mục tiêu chính của việc giảng dạy văn học trong nhà trường phổ thông! – Một việc làm hết sức thiếu suy nghĩ…!

Cũng như hầu hết mọi khái niệm phát sinh từ phương Tây và sau đó du nhập vào Việt Nam, bên cạnh mặt hay ho được quảng bá rầm rộ bản thân các khái niệm này luôn hàm chứa trong nó mặt trái. Tại các xã hội phương Tây các mặt trái này luôn được bàn thảo rộng rãi không kém gì các mặt tích cực, từ đó mà có sự cọ xát để mỗi người tiếp nhận hình thành cho mình một cách nhìn cân bằng đúng mức. Tuy nhiên khi du nhập vào Việt Nam, hầu như chỉ có mặt tích cực của các khái niệm này được ra sức quảng bá, thiếu hoàn toàn sự đề phòng và cân nhắc với các mặt tiêu cực. Từ đó tạo ra nhiều hệ quả tai hại đến mức khó lường với người tiếp nhận nói riêng và xã hội nói chung.

Tác giả, GS Peter Singer

Khái niệm ‘thấu cảm’ vốn được một số nhà khoa học (chủ yếu là các nhà tâm lý trị liệu) và các nhóm xã hội phương Tây (mà chủ yếu là các nhóm cánh tả) cổ vũ, nhưng cũng bị nhiều nhà khoa học và nhà tư tưởng cũng như các nhóm xã hội khác chống đối kịch liệt, từ đó mà hình thành ra một thuật ngữ gọi là “Cạm bẫy Thấu cảm” (Empathy Trap) bao hàm rất nhiều khía cạnh tiêu cực khác nhau từ tâm lý nhận thức và thực hành trị liệu cho đến tâm lý học tội phạm, tất cả đều là các mặt tệ hại có thể phát sinh từ việc lạm dụng thái quá hành vi ‘thấu cảm’.

Bài viết được dịch dưới đây của tác giả Peter Singer (giáo sư Đạo đức Sinh học (Bioethics) tại Đại học Princeton, Mỹ đồng thời giữ ghế Giáo sư Vinh danh (Laureate Professor) tại Đại học Melbourne, Úc) nhắc tới một số khía cạnh của “Cạm bẫy Thấu cảm” cùng với việc điểm cuốn sách có tên gọi rất mạnh “Chống lại Thấu cảm” (Against Empathy) của nhà tâm lý học và khoa học tri giác (cognitive science) Paul Bloom thuộc trường ĐH Yale, Mỹ, cả hai ĐH Princeton và Yale đều là các trường ĐH nằm trong nhóm 10 trường ĐH hàng đầu của Mỹ. Peter Singer được coi là một trong các nhà tư tưởng đạo đức hàng đầu thế giới đương đại, thường có trong danh sách 10, thậm chí 5, nhà tư tưởng hàng đầu thế giới hiện nay do một số tổ chức có uy tín trên thế giới bình chọn.

*
*
PRINCETON – Ngay sau khi Barack Obama đắc cử Tổng thống Mỹ, ông đã nói với một cô gái trẻ: “Chúng ta không có đủ sự ‘thấu cảm’ trong thế giới ngày nay, và nó tùy thuộc vào thế hệ các bạn để thay đổi điều đó.” Obama đã thể hiện một cái nhìn trải rộng, vậy nên tiêu đề của một cuốn sách mới ra “Chống lại Thấu cảm” (Against Empathy), của nhà tâm lý học Paul Bloom đến từ trường ĐH Yale, đến như một cú sốc. Làm sao ai đó có thể chống lại một điều cho phép chính ta đặt mình vào thân phận người khác và cảm nhận những gì mà họ cảm nhận?

Để trả lời câu hỏi này, có lẽ ta cần đặt ra một câu hỏi khác: dzậy ta nên có sự ‘thấu cảm’ dzới ai? Khi Donald Trump chuẩn bị kế vị Obama, các nhà phân tích cho rằng Hillary Clinton bị thất bại trong cuộc bầu cử tháng trước vì thiếu sự ‘thấu cảm’ với người Mỹ da trắng, đặc biệt là cử tri các ‘bang Yết Hầu’ hoài mong về những ngày khi nước Mỹ còn là một công xưởng lực lưỡng. Vấn đề là ‘thấu cảm’ dành cho cần lao Mỹ sẽ ở trong thế giằng giật với ‘thấu cảm’ dành cho cần lao tại Mexico hay Trung Quốc, những người sẽ khốn đốn hơn nhiều nếu không có việc làm so với người đồng cảnh tại Mỹ.

Sự ‘thấu cảm’ khiến chúng ta nhân lành hơn với những người mà chúng ta ‘thấu cảm’. Điều đó là tốt, nhưng nó cũng có mặt tối. Trong các bài phát biểu tranh cử của mình, Trump đã sử dụng vụ thảm sát Kate Steinle bởi một người nhập cư không giấy tờ để tạo thêm sự ủng hộ cho các chính sách chống nhập cư của ông ta. Tất nhiên, ông đã không nêu ra hình ảnh sống động tương tự của những người nhập cư không giấy tờ đã xả thân cứu mạng người dưng, dù cho các trường hợp ntn cũng đã được đưa tin.

Các động vật với cặp mắt to tròn, kiểu như hải cẩu sơ sinh, gợi cho ta nhiều ‘thấu cảm’ hơn so với gà vịt, một loài vật mà ta vẫn trút vào chúng ngập nỗi đau. Con người có thể ngần ngại “gây hại” ngay cả với các rô-bốt vốn vô tri vô giác. Nhưng mặt khác, loài cá – vốn lạnh lùng, trơn nhẫy và không thể gào khóc – lại gợi lên cho con người ta rất ít cảm thông, dù cho, như Jonathan Balcombe đã chỉ ra trong cuốn What a Fish Knows (Nhận biết của một con cá), có rất nhiều bằng chứng cho thấy chúng cũng cảm thấy đau như loài chim và các loài động vật có vú.

Cũng thế, ‘thấu cảm’ với vài đứa trẻ, thực sự hay bị cho là, gặp tổn hại do chích ngừa vắcxin sẽ chủ yếu dẫn dắt dân túy chống lại việc chích vắcxin cho trẻ em để ngừa các bệnh hiểm nghèo. Kết quả là hàng triệu cha mẹ không cho con họ chích vắcxin, khiến hàng loạt trẻ em ốm yếu, số nhiều hơn bị nhiễm bệnh, một số tử vong, do dịch bệnh thay vì chịu chút dị ứng phản vệ từ việc chích vắcxin.

‘Thấu cảm’ có thể khiến chúng ta hành xử bất công. Các đối tượng trong một thí nghiệm lắng nghe một cuộc phỏng vấn với một đứa trẻ bị bệnh nan y. Một số được bảo là phải cố gắng hết sức khách quan, trong khi số khác được bảo hãy tưởng tượng đến cảm giác của đứa trẻ. Rồi tất cả được hỏi liệu họ có muốn đưa đứa trẻ này lên trước trong danh sách chờ đợi để được điều trị hay không, đặt trước những đứa trẻ khác vốn đã được đánh giá là cần được ưu tiên hơn. Ba phần tư số người được bảo là hãy tưởng tượng đến cảm giác của đứa trẻ đã thực hiện đề xuất này, so với chỉ một phần ba số người được bảo là phải cố gắng khách quan.

“Một cái chết thì đau đớn; triệu cái chết chỉ còn là một con số.” Nếu ‘thấu cảm’ khiến ta quá nghiêng về các cá nhân, thì các con số lớn sẽ làm tê liệt cảm giác mà lẽ ra ta phải có. Nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận Decision Research (Nghiên cứu Tiến trình ra quyết định) có trụ sở tại Oregon mới đây đã lập một trang mạng, ArithmeticofCompassion.org, có mục tiêu tăng cường năng lực của mọi người trong việc truyền đạt thông tin về các vấn đề quy mô lớn với cảm giác không bị “tê liệt vì con số lớn.” Trong thời đại mà các câu chuyện cá nhân sống động lan truyền chóng mặt và gây ảnh hưởng tới chính sách công, khó mà nghĩ ra cái gì quan trọng hơn là hỗ trợ mọi người biết nhìn ra bức tranh bao quát hơn.

Chống lại ‘thấu cảm’ không phải là chống lại thương cảm (hay trắc ẩn). Ở một trong các phần thú vị nhất của cuốn Chống lại Thấu cảm, Bloom mô tả lại cách mà ông học biết được sự khác biệt giữa ‘thấu cảm’ và thương cảm từ Matthieu Ricard, một nhà sư nổi tiếng người Pháp tu trì tại Nepal mà đôi khi được mô tả là “con người hạnh phúc nhất trên trái đất.” Khi nhà thần kinh học Tania Singer (không anh em gì với tôi.. ^_^) đề nghị Ricard nhập định “quán thương cảm” (hay “quán từ bi”) ngay trong lúc não bộ của ông được máy quét, bà ngạc nhiên nhận thấy không có hoạt động nào ở vùng não vốn thường được kích hoạt khi người ta ‘thấu cảm’cùng nỗi đau của người khác. Ricard, khi được đề nghị, có thể ‘thấu cảm’ cùng nỗi đau của người khác, nhưng ông thấy nó khó chịu khiến ông kiệt sức; ngược lại, ông mô tả quán từ bi như “một trạng thái ấm áp tích cực gắn liền với một động lực thúc đẩy [mối gắn kết] xã hội mạnh mẽ.”

Bà Singer cũng tập luyện cho những người-không-tu-thiền nhập định quán từ bi, bằng cách suy nghĩ nhân lành hướng tới một loạt người, bắt đầu từ người thân thuộc, đến bạn hành thiền và sau đó hướng ra ngoài tới cả những người dưng. Việc tập luyện ntn có thể dẫn tới cách cư xử nhân lành hơn.

Quán từ bi gần với phương pháp đôi khi được gọi “thấu cảm tri giác” (“cognitive empathy”), bởi vì nó bao hàm liên đới suy nghĩ và hiểu biết của ta về người khác, hơn là cảm giác của ta. Điều này đưa chúng ta đến với thông điệp quan trọng cuối cùng trong cuốn sách của Bloom: đó là cách thức mà khoa học tâm lý diễn tiến đã khiến nó coi nhẹ vai trò của lý trí trong cuộc sống.

Khi các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng một số lựa chọn và thái độ mà ta cho là đã được cân nhắc cẩn trọng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố không can hệ như màu tường, mùi phòng, hay như việc có một hộp đựng nước rửa tay sát trùng treo tường, thì các phát hiện này sẽ được công bố trên các tạp chí tâm lý học, thậm chí có thể trở thành tin tức hàng đầu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Còn nghiên cứu mà cho thấy người ta ra quyết định dựa trên chứng cớ thích đáng sẽ khó được công bố hơn, do đó ít được công chúng biết điến đến hơn rất nhiều. Vậy nên tâm lý học có một thành kiến cố hữu chống lại quan điểm cho rằng chúng ta đưa ra các quyết định theo cách thức hợp lý.

Quan điểm tích cực hơn của Bloom về vai trò của lý trí phù hợp với những gì mà tôi lấy làm hiểu biết đúng đắn về đạo đức học. ‘Thấu cảm’ và các cảm xúc khác thường thúc đẩy ta làm những điều đúng đắn, nhưng hẳn là chúng cũng thường bình đẳng trong việc thúc đẩy ta làm những điều sai trái. Để đi đến các quyết định hợp đạo đức, khả năng suy lý của chúng ta giữ vai trò quyết yếu.

Empathy Trap

Leonvu Quant dịch từ nguồn:

Lưu ý: Tất các chữ ‘thấu cảm’ trong bản dịch này đều được dùng theo cách của những người quảng bá khái niệm “Empathy” thời thượng dưới tên gọi ‘Thấu cảm’ ở Việt Nam. Đây là một cách gọi làm dáng chữ nghĩa rất ngớ ngẩn, nhưng hiện đã được nhiều người biết đến sau khi xuất hiện trong đề thi tốt nghiệp PTTH môn ngữ văn vừa rồi. Bản dịch này đành phải tạm dùng chữ ‘thấu cảm’ này và để trong ngoặc ‘…’ còn thực chất thuật ngữ hay khái niệm “empathy” có thể được dịch tương đương thành “đồng cảm” hay “tương cảm” trong tiếng Việt.







No comments:

Post a Comment

View My Stats