Thursday, 25 February 2016

ĐIỀU NGƯỜI ÂU THÈM MUỐN TRONG TIẾN TRÌNH CHÍNH TRỊ MỸ (Lê Mạnh Hùng)





Lê Mạnh Hùng
Wednesday, February 24, 2016 4:53:53 PM 

Người Âu thường thường nhìn vào chính trị Mỹ một cách khinh thị, đặc biệt là tiến trình bầu cử tổng thống tại Mỹ mà họ coi như là một tấn tuồng. Nhưng lần này, trong cái khinh thị đó lại có một tình cảm khác, một cái hiếm khi xảy ra: ganh ghét và thèm muốn.

Bất chấp mọi cái quái đản được đưa ra trong các cuộc bầu cử sơ bộ; những lời nói láo trân tráo nhưng được nói ra một cách hết sức chân thành của các ứng cử viên (như một nhà bình luận Anh viết “có kiểm tra những sự kiện ông Trump nói ra đều vô ích và vô vị” cũng như những tình cảm giả tạo (“We love you New Hampshire” của bà Hillary Clinton), nhưng cái sự sống động thể hiện ra trong tiến trình này, cái năng lượng dào dạt thúc đẩy các ứng cử viên cũng như các cổ động viên của họ không thể không làm cho người ta bị chấn động.

Cố nhiên là giải thưởng cuối cùng - Tòa Bạch Ốc - thì khổng lồ. Nhưng để đạt nó đòi hỏi một niềm tin, không những chỉ vào chính mình rất cần thiết để có thể chịu đựng được nhiều tháng lặn lội cực khổ mà còn vào đất nước Hoa Kỳ, vào cái sứ mạng tiền định (manifest destiny) của nước Mỹ. Cái niềm tin đó là động lực thúc đẩy một ông bác sĩ giải phẫu về hưu, một nhà thầu khoán tỷ phú tại New York rồi cựu tổng giám đốc công ty, thống đốc tiểu bang, thượng hạ nghị sĩ, tất cả với nhiều năm kinh nghiệm, thành tích đầy mình nhẩy ra chấp nhận nguy cơ thất bại và chấp nhận cho đời tư mình bị soi mói. Đất nước Mỹ phải đáng giá như thế nào người ta mới chấp nhận như vậy.

Số tiền không lồ mà các ứng cử viên bỏ ra để tranh cử làm cho người Âu ngạc nhiên và sự hăng say của người Mỹ trong quá trình tranh cử này làm cho người Âu thèm muốn. Vì trong lúc người Mỹ tỏ cho thấy một sự hăng say cuồng nhiệt thì châu Âu có vẻ như một con thuyền không lái trôi dạt theo ngọn sóng giữa những tảng đá ngầm vây quanh.

Một tấm băng mỏng đã được dán trên vết thương sâu đậm của Hy Lạp tuy rằng nó cũng chẳng giữ cho nước này ổn định được thêm bao lâu. Mức nợ quốc gia đã lên đến 190% sản lượng kinh tế khiến cho cơ quan IMF nay đã ngưng mọi tín dụng mới cho nước này biết là không thể trả được. Ý thì hầu như dậm chân tại chỗ với dự phóng là tăng trưởng chỉ đạt được 1% trong ba năm tới. Pháp thì tuy rằng có hy vọng đạt được mức tăng trưởng 0.4% cho quý đầu năm nay vượt xa con số 0.2% của quý bốn năm ngoái, nhưng Ủy Hội Châu Âu không tin tưởng là chính phủ Pháp có thể kéo mức thiếu hụt ngân sách xuống dưới 3% (như quy định của khu vực Euro) và tỉ lệ thất nghiệp vẫn còn rất cao. Ba Lan và Hungary thì mới bầu lên những chính phủ cánh hữu vốn thù nghịch hơn là yêu thương cái Liên Hiệp Châu Âu mà trước đó họ năn nỉ xin gia nhập. Nhà báo Natalie Nougayrède, cựu chủ bút nhật báo Le Monde giải thích: “Đoàn kết bởi một tinh thần dân tộc chuyên chế, Ba Lan và Hungary nay đang phối hợp để mở rộng liên minh chính trị của mình sang các quốc gia láng giềng nơi mà chủ nghĩa dân túy cũng đang gia tăng.”

Trong khi đó tại Trung Đông, quân đội của Tổng Thống Bashar al-Assad được Nga ủng hộ đang đẩy thêm hàng ngàn người Syria chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ mà nay đang đe dọa sẽ chuyển họ sang Hy Lạp. Nhưng mọi kế hoạch định cư những người này của Châu Âu đều bị thất bại bởi sự từ chối của các quốc gia hội viên chống lại những định mức đề ra cho họ.

Mỗi một vấn đề này đều phức tạp đòi hỏi nhiều cố gắng của các giới lãnh đạo cao nhất. Nhưng nếu Liên Hiệp Châu Âu như trước kia có một niềm tin và một chủ đích, một máy phát điện tạo ra năng lượng cần thiết để biến nó thành một Hợp Chủng Quốc Châu Âu, một quốc gia giầu có 500 triệu dân như viễn tượng mà những người tạo ra nó mong muốn, thì những vần đề này sẽ giảm thiểu mức độ và trở thành tương đối dễ dàng hơn. Nhưng nay thì điều đó không xảy ra vì rất nhiều lý do thành ra thay vì là một nguồn cung cấp sức mạnh chính trị, Liên Hiệp Châu Âu đã trở thành một nguồn tiêu phí sức mạnh chính trị

Vào lúc này những người bạn của Châu Âu nhìn vào nó một cách lo sợ trong lúc các kẻ thù thì vui mừng. Nếu nước Anh bỏ phiếu rút ra khỏi Châu Âu trong cuộc trưng cầu dân ý có triển vọng tổ chức vào tháng sáu này, vết thương tạo ra có thể chí mạng. Như một nhà bình luận Anh viết: “Chúng ta đang chứng kiến một ước mơ lớn biến thành một cơn ác mộng mà có khi ta không còn có thể tình dậy nổi.” Và nhà báo Dirk Schuemer trong nhiều năm là bình luận gia của nhật báo Frankfurter Algemeine Zeitung và nay viết cho Die Welt viết lên cái sự thất vọng của mình như sau: “Sự sống chính trị của một tổ chức vốn dựa trên sự đoàn kết và hội nhập nay đã suy thoái thành một cuộc tranh giành lấy phần và làm blackmail. Mỗi quốc gia như là cái vườn trước của một người già về hưu hăm hở bảo vệ mẫu vườn của mình, bằng võ lực nếu cần thiết...”

Khi người ta mất đi lý tưởng của mình thì mọi vấn đề đều trở thành khó khăn hầu như không thể vượt nổi. Đó là vị thế mà Châu Âu hiện nay thấy mình rơi vào. Thành ra khi nhìn sang bên kia bờ Đại Tây Dương, cái sự khinh thị thường có của người Âu với tấn tuồng bầu cử của Mỹ nay bị nhuốm thêm một sự ganh tỵ và thèm muốn vô vọng.





No comments:

Post a Comment

View My Stats