Sunday, 28 February 2016

"CẦN PHẢI CHẶN ÔNG TA LẠI (Lê Phan)





Saturday, February 27, 2016 2:44:47 PM

“You are fired.” Đó là câu mà ông Donald Trump đã thường dùng trong cái show của ông trên truyền hình. Nhưng nay đây là câu mà tờ The Economist, tờ báo nổi tiếng về kinh tế tài chánh của Anh Quốc, nói là đã đến lúc cần phải áp dụng cho chính ông Trump.

Không phải là đảng Cộng Hòa không thể chặn ông Trump được, nếu họ đoàn kết. (Hình: Getty Images)

Sau Thứ Ba tới đây, sau ngày Super Tuesday, cuộc chạy đua bên trong nội bộ đảng Cộng Hòa có thể được coi như là kết thúc. Ông Donald Trump đã thắng ba trong bốn cuộc bầu sơ bộ đầu tiên.

Vào ngày 1 tháng 3, tổng cộng 12 tiểu bang sẽ bầu chọn ứng cử viên cho đảng mình. Trừ ba tiểu bang, ông Trump đã dẫn trước trong các cuộc thăm dò dư luận cho đến nay. Nếu những cuộc thăm dò này đúng, mà cho đến nay họ đã đúng, ông Trump tuy vậy cũng chưa hẳn là không đánh bại được. Vẫn còn có thể cho một ứng cử viên khác thắng đủ số cử tri đoàn để vượt ông. Nhưng điều đó đòi hỏi là người đang dẫn trước cho đến nay, mất toàn thể sự ủng hộ vì một lý do nào đó mà cho đến nay không ai có thể dự đoán được. Cho đến nay, ông Trump có vẻ khó thua.

Điều đáng sợ hơn nữa là mọi sự sẽ không ngừng ở đó. Các cuộc thăm dò cho thấy 46% dân chúng Hoa Kỳ trong tuổi bỏ phiếu có ý kiến “rất tốt” về ông Trump, một việc mà có thể có nghĩa là ông không có bao nhiêu triển vọng thắng cử. Nhưng cá tính chính trị của ông Trump linh động hơn bất cứ một chính trị gia nhà nghề nào, một điều có nghĩa là ông có thể đột ngột chuyển hướng nếu điều đó là điều cử tri trông đợi. Và ứng cử viên nào được một trong hai đảng chính chọn, đều có một triển vọng có thể trở thành vị tổng thống sắp tới của Hoa Kỳ. Những cuộc bầu cử gần đây người đã đắc cử thường thắng với một tỉ lệ rất nhỏ nhờ một số khoảng một chục tiểu bang mà thôi.

Điều còn đáng lo hơn nữa là khi những nhà thăm dò dư luận hỏi cử tri là chọn giữa ông Trump và bà Hillary Clinton, người đang dẫn trước bên phía Dân Chủ, chỉ thắng với ít hơn là ba phần trăm. Ông Trump sẽ có đủ thời gian để thay đổi điều đó. Nếu nền kinh tế gặp khó khăn rơi vào suy thoái hay bà Clinton bị thêm khó khăn vì vụ email.

Thế giới đã sợ hãi về một triển vọng như vậy. Những điều ông Trump đã tuyên bố cho đến nay trong chiến dịch vận động tranh cử của ông đã làm cho dư luận Âu Châu như tờ The Economist nghĩ là ông không đáng lãnh đạo một trong những chính đảng vĩ đại của thế giới, chứ đừng nói đến lãnh đạo cường quốc duy nhất trên thế giới hiện nay.

Ông Trump đã thành công bằng cách khuyến khích hận thù và bạo động. Ông cũng khó đoán quá đến nỗi ý tưởng ông sẽ là một trong những người quyền năng nhất thế giới thật đáng sợ. Tờ The Economist nói “Cần phải chặn ông ta lại.”

Bởi cứ mỗi lời nói mới của ông có vẻ ít tạo cú shock hơn trước đó, có nguy cơ là chúng ta trở thành quá quen thuộc với những cơn giận dữ và những lời nói văng mạng của ông. Cho đến nay, ông đã gọi những người vượt biên giới từ Mexico sang là những kẻ hiếp dâm. Ông cũng kêu gọi một cách hăng say cho việc sử dụng tra tấn. Ông còn ngầm ý nói là cố Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Antonin Scalia bị ám sát chết. Ông đề nghị cấm tất cả người Hồi Giáo viếng thăm Hoa Kỳ trong một thời gian. Ông ủng hộ việc hạ sát gia đình của những kẻ khủng bố. Và rất nhiều lần, ông kể lại một huyền thoại rất đáng quên là cách đây một thế kỷ binh sĩ Hoa Kỳ ở Philippines đã nhúng đạn vào máu heo trước khi xử tử những phiến quân Hồi Giáo. Mới đây, trong một cuộc vận động tranh cử, ông nói ông sẽ đấm vào mặt một người phản đối. Và còn nhiều điều khác nữa mà ông đã nói tới không đáng để chúng ta lập lại ở đây.

Hầu như chính sách duy nhất mà ông Trump rõ ràng tuyên bố là chính sách không tưởng: Xây dựng một bức tường dọc theo biên giới phía Nam, mà Mexico phải bị buộc trả tiền xây dựng.

Chúng ta cần tự hỏi ông ta sẽ làm gì nếu ông phải đối diện với một cuộc khủng hoảng ở Biển Đông, một cuộc tấn công khủng bố vào Hoa Kỳ hay là một cuộc khủng hoảng tài chánh nữa? Không ai có thể tiên đoán ông sẽ làm gì. Ông Trump có thể rất thành công trong các cuộc vận động ở các cuộc bầu sơ bộ, nơi các cử tri không giống số cử tri thật trên toàn quốc, nhưng thật khó có thể tưởng tượng một ứng cử viên như ông lại có thể đối phó với hậu quả của cuộc tổng tuyển cử, đó là ông sẽ phải cai trị Hoa Kỳ và lãnh đạo thế giới sau khi thắng cử.

Với mỗi chiến thắng, những tiếng nói tìm cách giải hòa với sự việc ông Trump đang tìm cách chiếm đoạt đảng Cộng Hòa ngày càng ồn hơn. Ông đã nhận được sự ủng hộ của một số vị dân cử trong Quốc Hội. Ông đã nhận được sự ủng hộ của Thống Đốc Chris Christie. Một số bên cánh tả chỉ ra là ông ta không bảo thủ bằng những đối thủ của ông về những vấn đề xã hội và kinh tế (trong khi có lẽ ngấm ngầm hy vọng là bên Cộng Hòa đề cử ông để bà Clinton có thể đánh bại ông). Một số bên cánh hữu thì lý luận là ông Trump chỉ làm trò thôi, chọc quê những người bình thường, nhưng căn bản ông là một nhà thầu địa ốc thực tế sẵn sàng thỏa thuận làm ăn. Nếu ông được Đại Hội Đảng Cộng Hòa chọn, họ lý luận, ông sẽ cảm thấy sự thiếu sót cá nhân và chỉ định những cố vấn thực sự và ông sẽ tôn trọng họ.

Điều đó theo tờ Economist là một ảo tưởng của những người muốn đảng của họ chiến thắng bằng bất cứ giá nào. Không có gì trong cuộc đời và sự nghiệp của ông Trump, trong suốt thời gian mà ông nắm chặt quyền kiểm soát công ty gia đình và bình thường hành động theo cảm tính, lại có thể khiến cho ông đột ngột biến dạng thành một vị chủ tịch khôn ngoan, sẵn sàng nhận lời cố vấn của những chuyên gia giàu kinh nghiệm. Vả lại ông Trump là một người tự phụ và nếu ông thành công lần này thì ông sẽ không nghe lời cố vấn của ai cả.

Không phải là đảng Cộng Hòa không thể chặn ông Trump được, nếu họ đoàn kết. Nếu chúng ta nhìn vào số phiếu ở Nevada chẳng hạn, hai ông Marco Rubio và Ted Cruz có số phiếu cộng lại chỉ cách số phiếu của ông Trump một hai điểm.

Trong một thời gian dài, bản năng của ông Cruz và Rubio, vốn là hai người đang dẫn đầu cho một lựa chọn khác cho đảng Cộng Hòa, đã tránh không muốn chỉ trích người đang dẫn đầu vì họ hy vọng là sẽ dành được phiếu của những cử trị đã bỏ phiếu cho ông Trump. Các cuộc bầu sơ bộ nhiều lúc như là một gánh xiếc, nhưng nó cũng là một nơi mà các ứng cử viên có thể bị thử thách cho sự lãnh đạo và sự can đảm. Cho đến nay, cả hai ông Cruz và Rubio đều đã thất bại trong thử thách đó.

Đảng Cộng hòa cần phải đối diện với vấn đề ông Trump và chính ông Trump nữa. Họ phải đừng bị thôi miên bởi những chuyện gì đang xảy ra cho đảng của họ. Tờ Economist chỉ ra là hơn 60 triệu người bỏ phiếu cho ông Mitt Romney năm 2012. Một đại đa số cử tri Cộng Hòa là những người tử tế, có lòng vị tha, bao dung với người khác, và kinh tởm chính trị của bạo động, gian dối và kỳ thị. Những người thực sự là bảo thủ, tức là những người muốn bảo tồn những gì của quá khứ, sẽ đau lòng khi phải lựa chọn vào tháng 11 này giữa ông Trump và một ứng viên Dân Chủ.

Nếu chính trị nội bộ của Đảng Cộng Hòa tiếp tục như hiện nay, có thể ông Trump sẽ chiếm được đa số cử tri. Để ngăn cản điều đó, đa số ứng cử viên phải rút lui. Cho đến nay, nếu đảng thấy ông Rubio là người có triển vọng nhất trong việc lãnh đạo đảng trong kỳ bầu cử thì các ứng cử viên khác phải rút lui kể cả ông Ted Cruz, người vốn kiêu căng nghĩ là mình có thể thay thế một khi ông Trump bị hạ. Nếu họ từ chối rút lui, sẽ sắp đến lúc quá trễ để chặn đảng của những vị tổng thống vĩ đại như Abraham Lincoln trở thành một đảng bị đại diện trong kỳ tổng tuyển cử bởi ông Donald Trump.

Bài liên quan





No comments:

Post a Comment

View My Stats