1.
Giải văn hóa Phan Châu Trinh lần 7, năm 2014 vừa
được trao tối 24.3.2014 tại Sài Gòn. Hạng mục Giải giáo dục năm nay gây chú ý
đặc biệt khi chủ nhân là một nhà giáo dục người Mỹ có tư tưởng cấp tiến, một
tên tuổi không xa lạ gì với những ai quan tâm đến Chương trình Fulbright, ông
Thomas J. Vallely.
Năm 1994, ông Thomas J. Vallely với sự giúp đỡ của nhiều bạn bè đồng nghiệp Việt Nam, đã tham gia thành lập chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright. Hiệu quả của chương trình giáo dục trên đóng góp vào nguồn nhân sự trí thức trẻ, nhân lực quản trị kinh tế theo xu hướng tiến bộ của Việt Nam có thể dễ dàng nhận thấy. 20 năm sau, ông được mời tham gia trong một nỗ lực chung của Việt Nam và Mỹ ở dự án xây dựng Đại học có tên Fulbright Việt Nam.
Ông Thomas cho biết, dự án thú vị trên được truyền cảm hứng từ chính tư tưởng cải cách giáo dục, canh tân văn hóa của cụ Phan Châu Trinh đầu thế kỷ XX. Qua việc phân tích, cắt nghĩa về tính thời sự của tư tưởng Phan Châu Trinh trong việc chọn cải cách giáo dục làm trọng tâm canh tân, quyết định quỹ đạo phát triển đất nước, ông Thomas J. Vallely chỉ ra rằng, rào cản lớn nhất của giáo dục Việt Nam trong tiến trình hội nhập đó là tự tách mình ra khỏi mối tương quan với giáo dục hiện đại của thế giới phát triển bên ngoài. Ông gọi đó là một “cạm bẫy tinh thần”, một sự tự cô lập trong cái gọi là “ngoại lệ Việt Nam”.
“Sau một thời gian dài theo dõi các cuộc tranh luận về cải cách giáo dục ở Việt Nam, tôi thấy tính ngoại lệ này thể hiện ở ít nhất hai lĩnh vực. Đầu tiên là về cách thức đo lường và đánh giá tiến bộ. Không thể cứ tiếp tục nói rằng Việt Nam ngày nay khá hơn Việt Nam 20 một khi nó vẫn tụt hậu một cách tệ hại so với các nước trong khu vực. Gíao sư Hoàng Tụy là tiếng nói mạnh mẽ nhất phản đối sự nguy hiểm của tính tự mãn trong hệ thống giáo dục Việt Nam.
Lĩnh vực thứ hai mà chúng ta phải cảnh giác với ngoại lệ là quản trị đại học. Bất kỳ một nền giáo dục đại học có chất lượng nào cũng đều có một số đặc điểm có tính phổ quát, vượt ra khỏi bối cảnh địa phương. Những trường đại học xuất sắc nhất trên thế giới có chung một thuộc tính cơ bản, trong đó bao gồm tự do học thuật, trọng dụng nhân tài và minh bạch. Nỗ lực cải thiện giáo dục đại học mà bỏ qua những phẩm chất vô hình này thường không bao giờ đem lại kết quả mong muốn. Các trường đại học nên bắt rễ sâu từ nền văn hóa bản địa, nhưng sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu dùng văn hóa như một cái cớ để hạn chế những nguyên tắc cốt lõi của đại học, như tự do học thuật chẳng hạn”, ông Thomas J. Valley diễn giải.
2.
Luận văn Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa của Đỗ Thị Thoan (bút danh khác: Nhã Thuyên) ở ĐH Sư Phạm Hà Nội đang gây ra sự chú ý trong giới phê bình và sư phạm đại học. Cần lưu ý, đây là một luận văn thạc sĩ đã được hội đồng khoa học của trường Đại học Sư phạm ghi nhận với mức điểm tuyệt đối: 10/10 nhưng bỗng chốc chịu búa rìu nặng nề của những nhà phê bình “cung đình” tên tuổi trên một số tờ báo văn nghệ quốc doanh.
Với nhiều bài viết quy chụp tư tưởng, các nhà phê bình này đã gây áp lực với trường Đại học để đánh rớt hợp đồng lao động đối với tác giả luận văn, bêu riếu tên tuổi và tư cách của người hướng dẫn luận án, đặt dấu hỏi về lập trường quan điểm của hội đồng khoa học ở trường đại học và yêu cầu lập hội đồng xét lại giá trị của công trình (vào ngày 27.7.2013 vừa qua). Thô bạo và phản văn minh nhất, là mới đây chính trường ĐH Sư Phạm Hà Nội tổ chức một cuộc xét lại luận văn của cô Thoan, đi đến quyết định thu hồi, tước bằng thạc sĩ đối với cô Thoan đồng thời buộc người hướng dẫn luận văn về hưu non. Báo chí chính thống tuyệt nhiên không được bàn đến vụ việc này.
Chưa bàn đến chuyện mâu thuẫn thế hệ, xung đột trong phương pháp phê bình, sự cố tình đồng nhất giữa quan điểm của đối tượng nghiên cứu với cá nhân tác giả nghiên cứu, áp đặt ý thức hệ trong đánh giá... mà chỉ quan sát ở góc độ “thực hành phê bình”, đã cho thấy có một thứ quyền lực độc tôn đầy phi lý đang tồn tại, chi phối đời sống học thuật.
Lịch sử nghiên cứu đại học nhân loại đã chứng minh rằng, những mô hình giáo dục đại học đúng nghĩa phải được đảm bảo bằng những giá trị mang tính điều kiện: đại học phải là môi trường tự trị, tự do về tri thức qua việc tạo ra các thiết chế hóa mà những quyền lực thô thiển bên ngoài, kể cả ý hệ chính trị không có quyền gì can thiệp.
Triết gia Karl Jaspers lý giải: “Những thiết chế là những cơ chế có mục đích được tạo ra để làm cho sự giao dịch an toàn hơn và chắc chắn hơn. Chúng thiết lập những dạng thức mà, cho đến khi được cố ý biến đổi, vẫn giữ được tính giá trị hiệu lực không bị chất vấn. Tuân thủ theo những dạng thức và luật lệ này là một trong những điều kiện của công việc trí tuệ. Nó cung ứng nền tảng và trật tự”. Và ông cũng cho rằng: “Bên trong đời sống của đại học, thầy và trò được thúc đẩy bằng một động cơ duy nhất, lòng hiếu tri nguyên thủy của con người” (Karl Jaspers, Ý niệm đại học, Hà Vũ Trọng, Mai Sơn dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, NXB Hồng Đức, 2013)
Không phải ngẫu nhiên, bài phát biểu của giáo sư Ngô Bảo Châu tại lễ chào mừng và vinh danh được tổ chức tại Trung tâm hội thảo quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội tối 29.8.2010 nhân dịp ông nhận được giải thưởng Fields đã nhấn mạnh: “Từ trải nghiệm ở Pháp và Mỹ, tôi đã hiểu ra rằng, môi trường khoa học lành mạnh là điều kiện tiên quyết cho sự trưởng thành của các nhà khoa học trẻ. Môi trường khoa học lành mạnh chính là nơi học thuật và đạo đức trong học thuật luôn được xếp vị trí đầu tiên cùng với sự bình đẳng giữa các nhà khoa học không phân biệt già trẻ, cũng như sự tự do tuyệt đối trong nghiên cứu khoa học”. Khi trích đăng lại trong cuốn kỷ yếu Kinh nghiệm Thế giới & Việt Nam nhân kỷ niệm 200 năm ĐH Humboldt (1810-2010), ban biên soạn đã đặt tựa bài phát biểu này dưới dạng một khẩu hiệu khẩn thiết hướng đến “kinh nghiệm đại học” Việt Nam: “Môi trường đại học cần tự do tuyệt đối”.
Việc vươn cánh tay thép nhân danh văn hóa, tư tưởng đầy thô bạo vào môi trường nghiên cứu của đại học, lùng sục bản luận văn được lưu trong thư viện trường để mang ra mổ xẻ và dùng uy quyền của truyền thông để “đấu tố” trong trường hợp xảy ra tại ĐH Sư phạm Hà Nội cho thấy sự thiếu tôn trọng đối với môi trường tri thức đại học. Nó cũng phơi bày một thực tế đáng sợ: quyền lực ý hệ cũ kỹ đang ôn tồn can thiệp, bóp méo hoạt động nghiên cứu ở đại học.
Đây có lẽ là một trong những lý do lý giải cho sự mất sinh khí dân chủ, ý thức nghiêm túc trong sinh hoạt khoa học ở các đại học, đặc biệt là khu vực đại học công lập. Hệ quả của nó là nạn thỏa hiệp và rập khuôn, sao chép luận văn, luận án, giáo trình, mua bán điểm chác, bằng cấp, tạo ra những học hàm học vị ảo... đang diễn ra phổ biến, giết chết nhận thức sáng tạo và tinh thần theo đuổi tri thức chân chính cần có ở người học và nghiên cứu.
Trong cuốn Luận văn (Phạm Nữ Vân Anh dịch, NXB Lao động, 2010), một cẩm nang dành cho Sinh viên khoa học xã hội, Umberto Eco - nhà tư tưởng, nhà văn, nhà phê bình văn học và đồng thời là giáo sư danh dự của đại học Oxford, Kellogg – đã dành nhiều trang chứng minh rằng: không có sự phân biệt nào giữa tính khoa học và tính chính trị trong một luận văn. Bởi điều mà một luận văn hướng đến là trình bày một quá- trình- tri- thức. Ông viết: “Một mặt, có thể nói rằng, mỗi một công việc nghiên cứu khoa học luôn có giá trị chính trị tích cực, bởi vì nó đóng góp vào sự phát triển tri thức của người khác (có giá trị chính trị tiêu cực khi nó cản trở quá trình nhận thức), nhưng mặt khác nói, một cách chắc chắn mỗi công việc chính trị muốn thành công thì phải có nền tảng của sự nghiêm túc trong khoa học”
3.
Từ câu chuyện xảy ra với luận văn cô Đỗ Thị Thoan, những ai cần phải lên tiếng?
Những tiếng nói phản biện từ báo chí, các nhà phê bình ngoài lề với tư cách “liên lụy” với đời sống văn chương là cần thiết. Nhưng thiển nghĩ, cần thiết hơn, là những phản ứng quyết liệt, mạnh mẽ từ giới nghiên cứu ở các trường đại học trong nước. Đó là trách nhiệm và sứ mạng của họ. Thật không thể lý giải nổi vì sao đến nay, sau cái quyết định đáng hỗ thẹn trong đời sống học thuật đại học đó, là một quãng lặng im không âm không vọng.
Những nhà sư phạm cao quý không thấy có chút liên hệ nào với đời sống nghiên cứu của bản thân, với môi trường học thuật mà mình đang tham gia?
Họ không nhận ra việc tự biến mình thành kẻ vô can sẽ dẫn dắt tình hình đến chỗ một ngày nào đó câu chuyện của cuốn luận văn của cô Đỗ Thị Thoan cũng sẽ là mẫu số chung của bất kỳ một cuốn luận văn nào, thực tế đang diễn ra ở Đại học Sư Phạm Hà Nội cũng sẽ là thực tế của bất kỳ một trường đại học nào trên đất nước này?!
Cũng đã có những nhà giáo nhận được các giải thưởng giáo dục lớn trong và ngoài nước, họ liên tục lên báo chí, xuất hiện các diễn đàn nói rất kêu về tự do và khai phóng đại học. Họ đang ở đâu, làm gì?
Phản ứng trước cách xử lý đối với một luận văn và tác giả luận văn, không có nghĩa là bảo vệ cho sự đúng, sai của luận văn đó hay cho tác giả, mà trong trường hợp này, là tìm lại giá trị cốt lõi để đại học đúng nghĩa sinh tồn; tìm cách chữa trị cho một đời sống nghiên cứu lành mạnh trong một hệ thống giáo dục đang nan y mãn tính; giúp cho nó thoát khỏi tình trạng ốc đảo man rợ của “ngoại lệ Việt Nam”.
Nguyễn Vĩnh Nguyên
----------------------------------
VỤ ÁN NHÃ THUYÊN
KỲ ÁN NHÃ THUYÊN (Thư
Hiên) 31-3-2014
Toàn Văn Luận Văn Nhã
Thuyên: "Vị Trí Của Kẻ Bên Lề: Thực Hành Thơ Của Nhóm Mở Miệng Từ Góc Nhìn
Văn Hóa" (Kệ sách eBook)
BẤT THƯỜNG QUANH MỘT
LUẬN VĂN (BBC) 24-3-2014
21-3-2014
TS. Vũ Thị Phương
Anh: 8 CÂU HỎI VỀ VỤ LUẬN VĂN THẠC SĨ CỦA NHÃ THUYÊN (Nguyễn Xuân Diện-Blog) 20-4-2013
BAN TUYÊN
GIÁO TW BỊT MỒM BÁO CHÍ VỤ NHÃ THUYÊN BỊ TƯỚC BẰNG THẠC SĨ (Nguyễn Xuân
Diện-Blog) 19-3-2014
VỤ ÁN NHÃ THUYÊN (Nguyễn Hưng Quốc) 31-7-2013
PHÊ BÌNH
CHỈ ĐIỂM (Phạm Xuân Nguyên) 31-7-2013
HY VỌNG GÌ
. . . (Nguyên Ngọc) 29-7-2013
CUỘC PHÊ
PHÁN LUẬN VĂN CỦA ĐỖ THỊ THOAN hay là SỰ XUNG ĐỘT VỀ KHUNG TRÍ THỨC & THẾ
HỆ (Trần Đình Sử) 27-7-2013
* Báo Văn Nghệ, Thanh Tra, Quân đội Nhân dân và Nhân dân:
MỘT
“GÓC NHÌN” PHẢN VĂN HÓA VÀ PHI CHÍNH TRỊ
(Tuyên Hóa - báo Quân Đội Nhân Dân)
Một
luận văn kích động sự phản kháng và chống đối (Chu Giang
- báo Văn Nghệ TPHCM)
NHÂN
DANH “NGHIÊN CỨU” ĐỂ CA NGỢI THỨ “THƠ” RÁC RƯỞI (Cẩm Khê
- báo Nhân Dân)
Nổi
loạn là điều kiện để sáng tạo?
(Minh Tâm - báo Thanh Tra)
No comments:
Post a Comment