Cập nhật lần cuối ngày Thứ tư, 30 Tháng 4 2014 14:48
Nhân
kỷ niệm 39 năm ngày 30 tháng 4
Thảm kịch của Việt Nam có một tên gọi và một
nguyên nhân. Tên gọi đó là chế độ cộng sản, nguyên nhân đó là vì Đảng Cộng sản
Việt Nam đã thắng. Ngày nay không còn một người Việt Nam lương thiện nào có thể
chối cãi rằng nếu không có ĐCSVN thì ngày nay đất nước đã khá hơn nhiều rồi.
Không mất Bản Giốc, Nam Quan, Trường Sa, Hoàng Sa và cũng không làm hơn năm
triệu người thiệt mạng. Đảng cộng sản là một tai họa.
*
Một lần nữa, lần thứ 39, chúng ta kỷ niệm ngày
30/4/1975, ngày đất nước chấm dứt nội chiến và thống nhất.
Rất nhiều điều đã được nói và viết ra về cuộc chiến
này, tuy vậy người ta sẽ không bao giờ nói hết được những điều cần nói. Cuộc
chiến này quá phức tạp. Nó là cuộc chiến tranh lớn nhất và gây nhiều đổ vỡ nhất
trong lịch sử nước ta. Người ta sẽ còn phải nói nhiều về nó. Bài này chỉ có
tham vọng nói lên một vài điều mà theo nhận định chủ quan của tác giả đáng được
lưu ý nhất vào thời điểm này.
1.
Trước hết cần khẳng định rằng đây là một cuộc nội chiến.
Trong suốt cuộc chiến và sau đó Đảng Cộng Sản Việt
Nam vẫn rêu rao rằng đây là cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, hay "chống
Mỹ", và luận điệu này, do được lặp đi lặp lại quá nhiều lần, vẫn còn tiềm
ẩn trong đầu óc nhiều người. Một thí dụ là người ta đôi khi vẫn còn nhắc lại
câu nói được coi "ân tình" và "sáng suốt" của các cấp lãnh
đạo cộng sản tiếp thu miền Nam năm 1975: "Không có người Việt Nam nào
thua trận cả, mọi người Việt Nam đều thắng, chỉ có đế quốc Mỹ thua".
Người ta nhắc lại để tôn vinh những con người như các ông Võ Văn Kiệt, Trần Văn
Trà v.v… Thực ra đây là câu nói đã được học tập và được nói ra bởi mọi cán bộ
cao cấp, đã được nghe nhiều lần từ nhiều người. Một câu nói sai và thóa mạ. Nó
chỉ nhắc lại lập luận ngạo mạn của ĐCSVN rằng họ là toàn dân trong khi trước
mặt họ chỉ có những tay sai của Mỹ. Cần dứt khoát: khi người trong một nước
giết nhau trên một qui mô lớn và trong một thời gian dài thì đó là nội chiến,
dù có hay không có sự can thiệp từ bên ngoài. Vả lại, không phải chỉ có
miền Nam dựa vào Mỹ mà miền Bắc cũng đã nhận một khối lượng viện trợ khổng lồ
từ các nước cộng sản anh em, nhất là Liên Xô và Trung Quốc; viện trợ này còn
đều đặn và bền bỉ hơn hẳn viện trợ của Mỹ cho miền Nam và đó đã là lý do chính
của chiến thắng cộng sản. Sau này người ta cũng được biết là cũng đã có hàng
trăm ngàn quân Trung Quốc và cố vấn Liên Xô tại miền Bắc. Miền Bắc thực ra còn
lệ thuộc nước ngoài hơn hẳn miền Nam; họ phải ca tụng Liên Xô và Trung
Quốc là anh cả, anh hai, là vĩ đại, phải khóc Stalin hơn cả khóc cha. Chính ông
Hồ Chí Minh cũng không ngăn nổi vụ xử bắn bà Nguyễn Thị Năm - một người mẹ
chiến sĩ rất có công - chỉ vì cố vấn Trung Quốc đã lỡ quyết định như thế, v.v…
Và cũng không phải là toàn dân ủng hộ họ bởi vì những người bỏ trốn chế độ cộng
sản bao giờ cũng đông đảo hơn hẳn những người tìm đến với nó. Câu nói: "Nếu
bỏ đi được thì cái cột đèn cũng đi" không phải của các thế lực thù
địch mà là của dân gian. Cần khẳng định mạnh mẽ và dứt khoát bản chất nội chiến
của cuộc chiến này.
Trừ ra trong đầu óc của những người quá tăm tối không
có cuộc nội chiến nào vinh quang cả. Tất cả mọi cuộc nội chiến đều ô nhục và
độc hại. Chúng đều có thể tóm lược như nhau: một dân tộc không đồng ý với nhau
và thay vì cố gắng thỏa hiệp thì đã giết nhau. Chọn nội chiến là thú nhận không
thể thuyết phục, vì thiếu lý luận hoặc vì thiếu lý do chính đáng. Đó là chọn
thái độ thù địch và xóa bỏ tình đồng bào. Trong một bài trước tôi đã trình bày
sức tàn phá ghê gớm của các cuộc nội chiến, nhất là những cuộc nội chiến do các
đảng cộng sản phát động (1). Ở đây chỉ xin nhắc lại rằng ít có quốc gia nào
gượng dậy nổi sau một cuộc nội chiến. Những người chủ trương nội chiến có tội
lớn và phải bị lên án.
2.
Điểm thứ hai là sức mạnh của các đảng cộng sản, kể cả ĐCSVN, không phải là hậu
thuẫn quần chúng mà là vì chúng có tổ chức chặt chẽ và hơn thế nữa chúng là
những tổ chức khủng bố.
Không nên để cho những khẩu hiệu sống sượng kiểu "Đảng
ta là người đại diện trung thành của nhân dân…" làm quên đi một sự
kiện căn bản là trong lịch sử thế giới chưa hề có một đảng cộng sản nào giành
được thắng lợi trong một cuộc bầu cử lương thiện nào. Tất cả mọi đảng cộng
sản đều đã chỉ cướp và giữ chính quyền bằng bạo lực. Tất cả những ai đọc
Lênin đều thấy rằng đối với ông ta bí quyết thành công để cướp chính quyền là
một đội ngũ nhỏ nhưng có kỷ luật và quyết tâm. Phương châm của các đảng cộng
sản là "cứu cánh biện minh cho mọi phương tiện", phương pháp
của chúng là khủng bố. Khủng bố có hiệu lực ghê gớm là nó không từ một thủ đoạn
hay một tội ác nào và vì thế cho phép một lực lượng nhỏ đánh bại hoặc cầm chân
một lực lượng nhiều lần mạnh hơn. Nó cũng gây kinh hoàng tới độ biến mọi người
trở thành những đồng lõa thụ động và sự im lặng này được bộ máy tuyên truyền tô
vẽ như một sự đồng tình. Nhưng những đám đông của những cuộc hành quyết trong
đợt Cải Cách Ruộng Đất 1955 đã đến vì sợ hãi và vì bị bắt buộc phải đến chứ
không phải vì căm thù các nạn nhân. Sau năm 1975 tôi đã gặp nhiều trí thức miền
Bắc trong đó có những người có tên tuổi. Trong câu chuyện riêng họ kể những
chuyện khó tưởng tượng. Tại sao họ không phản đối? Câu trả lời luôn luôn ngắn
gọn: "Phản đối là chết ngay, chỉ tỏ ra không tán thành cũng đủ mắc họa
rồi". Thế nhưng sau đó Đảng cũng đã nhìn nhận sai lầm cơ mà? "Đó là
cái bẫy, ngây thơ tưởng thực là chết, các ông bà Nhân Văn – Giai Phẩm đã là nạn
nhân của cái bẫy này". Chỉ gần đây thôi thế giới mới nhận diện được và lên
án bản chất tội ác của khủng bố; cho tới thập niên 1970 nó còn sức quyến rũ với
rất nhiều trí thức và họ đã tiếp tay cổ võ cho nó. Khủng bố đã là lý do khiến
ĐCSVN dù đã phạm nhiều tội ác và sai lầm vẫn trụ được và sau cùng chiến thắng
khi đối thủ mệt mỏi và bỏ cuộc.
3.
Điểm thứ ba, đặc biệt quan trọng, là đảng cộng sản đã thành công vì Việt Nam
thiếu một lớp trí thức chính trị.
Một nghịch lý lớn vẫn còn cần được nhìn rõ là tại
sao vào thời điểm 1945 và nhiều năm sau đó tổ chức được trí thức ủng hộ nhiều
nhất -nhiều nhất so với các tổ chức khác chứ không phải là đa số trí thức- lại
là đảng cộng sản, một đảng theo đuổi một chủ nghĩa mà mục tiêu sau cùng là xóa
bỏ quốc gia? Giải thích chỉ có thể là vì ý thức quốc gia của chúng ta không
mạnh, và ý thức quốc gia của chúng ta không mạnh vì chúng ta thiếu một lớp trí
thức chính trị.
Một thắc mắc vẫn còn kéo dài cho đến nay là phe quốc
gia -hiểu theo nghĩa rộng là tập thể những người không cộng sản- đáng lẽ không
thể thua vì nhận sự có trình độ văn hóa cao hơn hẳn các cấp lãnh đạo cộng sản.
Thắc mắc này chỉ là một ngộ nhận. Sự thực là các cấp lãnh đạo cộng sản hơn hẳn
những người chống lại họ. Lý do là vì hơn hay kém trong một cuôc đấu tranh
chính trị phải được xét trên khả năng chính trị mà trí thức Việt Nam không có.
Các ông bộ trưởng, giám đốc của các chính quyền quốc gia và các trí thức bị
ngược đãi tại miền Bắc có thể có nhiều bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ nhưng họ
chỉ là những nhà khoa bảng chứ không phải là những trí thức chính trị, cùng lắm
họ có những hiểu biết chuyên môn chứ không có kiến thức chính trị. Họ có thể
biết một chế độ dân chủ phải có ba quyền phân lập, Washington là tổng thống đầu
tiên của nước Mỹ, Galilée đã khám phá ra rằng trái đất xoay quanh mặt trời v.v.
nhưng đó không phải là những kiến thức chính trị. Kiến thức chính trị là thành
quả của một cố gắng nghiên cứu và suy nghĩ nghiêm túc để trả lời những câu hỏi
như bộ máy chính quyền có mục đích gì, có thể và nên được tổ chức như thế nào,
là sự hiểu biết sâu sắc về những giá trị nền tảng của xã hội, về những gì làm
cho một quốc gia phát triển hoặc suy thoái, đoàn kết hay xung đột, về cách tổ
chức các hoạt động quốc gia trong mọi ngành một cách hiệu quả và đồng bộ, về
cách chia sẻ đúng đắn những hy sinh và những thành quả v.v. Quan trọng
hơn nữa, ở mỗi thời điểm nó đòi hỏi sự hiểu biết chính xác hiện tình đất nước
và bối cảnh thế giới, những vấn đề đang hoặc sắp đặt ra và những giải pháp có
thể có. Kiến thức chính trị bao gồm mọi loại kiến thức cộng với những kiến thức
được coi là thuần túy chính trị, hơn nữa nó lại phải luôn luôn được kiểm chứng
bởi thực tế vì thế một cá nhân dù trải qua bao nhiêu năm nghiên cứu, suy tư và
hành động cũng không thể nào có đủ, nó luôn luôn phải là kiến thức của một khối
người: những trí thức chính trị.
Chúng ta đang sống một thảm kịch lớn. Nước ta tut
hậu một cách bi đát về mọi mặt so với thế giới. GDP (sản lượng nội địa) của
chúng ta (1500 USD dù ước lượng rộng rãi) chỉ bằng 15% mức trung bình thế giới.
Nếu giả thử chúng ta tăng trưởng nhanh hơn các nước đang trỗi dậy 2% mỗi năm
-một điều không có gì bảo đảm vì thực tế là các nước này đang tiến lên và chúng
ta đang đi vào khủng hoảng- thì cũng phải một trăm năm nữa chúng ta mới bắt kịp
mức trung bình thế giới. Chúng ta là nước đông dân thứ 13 trên thế giới
nhưng không có bất cứ một thành tích nào đáng kể trên bất cứ địa hạt nào dù là
công nghiệp, khoa học, văn hóa, nghệ thuật hay thể thao. Chúng ta là một
nước không đáng kể. Tủi nhục nhất là chúng ta vẫn chưa có dân chủ, nghĩa là vẫn
chưa có đủ quyền con người. Thảm kịch đó có một tên gọi và một nguyên nhân. Tên
gọi đó là chế độ cộng sản, nguyên nhân đó là vì Đảng Cộng sản Việt Nam đã
thắng. Ngày nay không còn một người Việt Nam lương thiện nào có thể chối cãi
rằng nếu không có ĐCSVN thì ngày nay đất nước đã khá hơn nhiều rồi, tệ lắm cũng
phải bằng năm hay sáu lần hiện nay. Không mất Bản Giốc, Nam Quan, Trường Sa,
Hoàng Sa và cũng không làm hơn năm triệu người thiệt mạng. Đảng cộng sản là một
tai họa.
Nhưng tại sao nó đã thắng? Chiến thắng của đảng cộng
sản rất không bình thường. Nó đã liên tục phạm những tội ác kinh khủng và sai
lầm nghiêm trọng về mọi mặt mà vẫn trụ được và sau cùng toàn thắng. Trong bất
cứ một quốc gia bình thường nào một lực lượng như vậy đã thất bại thê thảm rồi.
Nhưng nó đã thắng chỉ vì trước mặt nó không có một tổ chức chính trị đúng nghĩa
nào mà chỉ có một guồng máy chính quyền được điều khiển bởi những người vừa
không có khả năng vừa không có đội ngũ kế tiếp nhau cầm quyền trong một thời
gian. Đảng cộng sản đã thắng chỉ vì không có ai để đánh bại nó.
Thảm kịch của đất nước thường được giải thích là vì
dân trí ta kém. Đó là một giải thích vừa sai vừa không luơng thiện. Đó là đổ
cho quần chúng một tội lớn của trí thức. Dân tộc nào nói chung cũng vậy thôi,
họ chủ yếu quan tâm tới bản thân, gia đình và cuộc sống hàng ngày. Nghĩ về đất
nước, lo lắng cho đất nước, hiểu và giải quyết những vấn đề của đất nước là
công việc của tầng lớp trí thức chính trị. Người dân Việt Nam cũng thế và trình
độ hiểu biết của dân ta còn hơn hẳn nhiều dân tộc khác vào lúc mà họ xây dựng
thành công dân chủ. Thảm kịch của chúng ta là chúng ta đã thiếu những trí thức
chính trị, những người có kiến thức chính trị, dám suy nghĩ và quyết định, có
quyết tâm và sẵn sàng phấn đấu để đất nước được quản trị một cách hợp lý. Chúng
ta đã không có những trí thức chính trị, những người mà vai trò và trách nhiệm
là hướng dẫn quần chúng và lãnh đạo xã hội.
Trí thức của ta là hậu duệ của giai cấp sĩ, những
người mà mộng đời chỉ là được làm quan, nghĩa là làm công cụ cho các vua chúa
để thống trị dân chúng. Và tâm lý kẻ sĩ vẫn còn rất mạnh, với đa số trí thức
ngày nay làm chính trị vẫn còn đồng nghĩa với cố gắng để được làm quan. Cũng
cần lưu ý rằng ý thức chính trị của kẻ sĩ ngày xưa không cao hơn mà còn thấp
hơn ý thức chính trị của quần chúng. Trong xã hội ta trước đây có hai loại
người có ý thức chính trị, những người lấy những quyết định chính trị –các vua
chúa - và những người chịu đựng những quyết định đó, nghĩa là quần chúng. Kẻ sĩ
chỉ là công cụ, và những công cụ không có ý thức. Giữa Lê Lợi và Nguyễn Trãi có
một khoảng cách lớn. Lê Lợi là một con người tự do và lấy quyết định, Nguyễn
Trãi chỉ là một bầy tôi và một dụng cụ. Di sản kẻ sĩ đã khiến trí thức Việt Nam
cho đến nay dù đã học được nhiều kiến thức mới vẫn chỉ có khả năng làm những
công cụ. Họ cần một minh chủ, nhưng thời đại của các minh chủ đã qua rồi, vì
thế họ bơ vơ và lạc lõng.
Chính sự thiếu vắng một lớp trí thực chính trị đã
cho phép đảng cộng sản thắng và đưa đất nước vào tai họa. Cũng chính sự thiếu
vắng một lớp trí thức chính trị đã khiến chế độ này sau đó vẫn còn tồn tại được
trong 39 năm qua.
4.
Điểm thứ tư là đừng nên tiếc rằng ngày 30/4/1975 đã là một cơ hội lớn bị bỏ lỡ.
Đúng là trong bối cảnh tồi tệ của một cuộc nội chiến
dài và đẫm máu, ngày 30/4/1975 đã là một cơ hội. Nội chiến đã không chấm dứt
trong biển máu. Hai đạo quân trên một triệu người đã không tàn sát nhau lần
cuối, một bên đã buông súng. Đó đã là cơ hội lý tưởng để thực hiện hòa giải dân
tộc để đất nước gượng dậy và vươn tới. Cơ hội này đã lỡ uổng vì những người cầm
đầu phe chiến thắng –cũng là những người chủ trương nội chiến đến cùng- đã coi
nội chiến là vinh quang và thần thánh thay vì ô nhục và độc hại. Họ đã đặt
chủ nghĩa lên trên đất nước và đã đối xử với miền Nam như một lực lượng chiếm
đóng.
Đúng, nhưng không thể khác. Đảng cộng sản là một tổ
chức khủng bố và chỉ có thể hành động theo logic của một tổ chức khủng bố,
nghĩa là làm những gì họ đã làm. Thực hiện hòa giải dân tộc và xây dựng dân chủ
không nằm trong tâm lý của họ. Dĩ nhiên cũng có những người có thiện chí nhưng
họ chỉ là những cấp lãnh đạo cỡ trung bình không có vai trò quyết định. Các
cấp lãnh đạo cộng sản cao nhất đều là những lãnh tụ khủng bố. Một thí dụ là
ông Võ Văn Kiệt mà nhiều người thường nhắc đến như một con người cởi mở và bao
dung. Đừng quên rằng chính ông Kiệt trong thời gian cầm đầu công an miền Nam
–trong chức vụ chính thức là giám đốc sở công an Thành Phố Hồ Chí Minh- đã lập
ra Đảng Việt Nam Phục Quốc để làm bẫy bắt và tiêu diệt những thành phần, đa số
là thanh niên, có ý đồ chống đối. Nhiều người đã bị xử bắn. Cũng chính ông Kiệt
trong thời gian làm bí thư thành ủy đã cho đập phá nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi,
nghĩa trang của gia đình nhiều chức sắc Việt Nam Cộng Hòa.
Những sự kiện sau ngày 30/4/1975 đã xảy ra như chúng
phải xảy ra.
5.
Điểm thứ năm là chiến thắng cộng sản, và ngày 30/4/1975, đã hoàn toàn thuộc vào
lịch sử. Thuộc vào lịch sử không có nghĩa là không còn ảnh
hưởng tới thực tại và không còn đáng quan tâm. Các biến cố lịch sử có ảnh hưởng
lâu dài trên một dân tộc và cần được liên tục nhìn lại và xét lại. Khi tôi còn
là sinh viên trong thập niên 1960 đa số người Pháp còn ngưỡng mộ Napoléon như
một anh hùng làm vẻ vang cho nước Pháp, ngày nay mọi trí thức Pháp đều đồng ý
rằng ông đã là một tai họa. Chúng ta vẫn còn chịu ảnh hưởng của giai đoạn Trịnh
- Nguyễn, Tây Sơn và chính sách của triều Nguyễn. Chúng ta cũng như mọi dân tộc
đều là sản phẩm của lịch sử. Thuộc vào lịch sử chỉ có nghĩa là những tác nhân
của biến cố không còn tác động lên thực tại nữa. Ngày 30-4-1975 đã thuộc hẳn
vào lịch sử vì những người đã tạo ra nó, những người đã đóng góp cho đảng cộng
sản và những người đã không ngăn chặn được nó, đã ra đi. Chỉ còn lại những con
người thừa hưởng di sản bi đát của đảng cộng sản. Quá khứ có thể khác nhau,
cương vị có thể khác nhau nhưng tất cả đều phải đối mặt với cùng một thử thách:
làm thế nào để đưa đất nước và dân tộc ra khỏi bế tắc.
6.
Điểm thứ sáu là đã đến lúc phải thành thực và sòng phẳng với quá khứ. Điều này có vẻ hiển nhiên, có nhìn lịch sử một cách công bình và chính
xác chúng ta chúng ta mới rút ra được những quyết định đúng cho tương lai. Tuy
vậy vẫn còn vài lấn cấn. Một người bạn nói với tôi rằng đừng nên đả kích ông Hồ
Chí Minh và giai đoạn Cách Mạng Tháng 8 để đừng đụng chạm đến những vị lão
thành cách mạng. Anh nói thêm: "Tôi biết là có nhiều phê phán rất đúng,
nhưng các vị lão thành đều rất nhạy cảm với những đề tài này. Họ cũng rất bất
mãn và có thể tiếp tay cho cuộc vận động dân chủ nhưng nếu muốn tranh thủ họ
thì đừng đụng đến những điều mà họ tôn sùng". Bạn tôi không phải là người
duy nhất đưa ra quan điểm này, nhiều người đã nói như thế, nhất là các trí thức
trong nước.
Tôi chưa bao giờ tán thành quan điểm này dù nhìn
nhận nó xuất phát từ thiện chí. Đối với tôi sự kính trọng trước hết đòi hỏi sự
thành thực. Nói dối, hay không dám nói sự thực, để tranh thủ một người là đánh
giá thấp và đánh lừa người đó. Tôi quí trọng các vị lão thành cách mạng dù họ
đã tiếp tay cho những người lãnh đạo cộng sản đưa đất nước vào thảm kịch. Tôi
không trách họ vì những người khác cũng không hơn gì họ. Khi một đất nước không
có một giai cấp trí thức chính trị để hướng dẫn thì mỗi người lầm lẫn một cách
và họ đã lầm theo cách của họ. Tôi kính trọng họ nhưng bổn phận trước hết của
chúng ta là bổn phận đối với sự thực và những nạn nhân của cuộc chiến này và
chế độ mà nó đã để lại.
Đàng nào thì vấn đề cũng không đặt ra nữa. Những vị
lão thành cách mạng phần lớn đã ra đi, phần còn lại sắp ra đi và khả năng đóng
góp đang suy giảm nhanh chóng. Chúng ta vẫn trân trọng những đóng góp sắp tới
của họ nhưng không nên chờ đợi nhiều nữa. Chúng ta cần bộc trực nhận diện mọi
sự kiện để rút ra những bài học đúng.
7.
Điều quan trọng nhất trong lúc này là ý thức rằng chúng ta đang sống một khúc
quanh lịch sử lớn. Đất nước đã thay đổi nhiều, chủ yếu do được lôi kéo
bởi một thế giới thay đổi dồn dập hàng ngày, và đã chín muồi cho một thay đổi
chế độ. Nhân sự chính trị của đất nước đang đổi mới. Một thế hệ mới đang nhập
cuộc. Một lớp trí thức chính trị, mà chúng ta chưa hề có trong suốt dòng lịch
sử, đang hình thành. Các tiến bộ về truyền thông đã mở ra cả một không gian tự
do cho thông tin, ý kiến và thảo luận trên mạng toàn cầu Internet. Không gian
tự do này ngày càng bao trùm và đang tiêu hóa nhanh chóng không gian vật chất
mà những người cầm quyền -vì tăm tối- vẫn còn cố gắng duy trì.
Cố gắng tuyệt vọng vì lầm thời đại. Hơn nữa chế độ
đang trả giá cho sự bất tài và tham những của nó. Bối cảnh kinh tế xã hội đang
rất khó khăn và sẽ còn khó khăn hơn trong những ngày sắp tới, phẫn nộ xã hội sẽ
lên cao nhanh chóng. Nội bộ đảng cộng sản cũng đã tích lũy quá nhiều mâu thuẫn.
Chỗ dựa Trung Quốc của họ đang lung lay. Bối rối đã thấy rõ. Chế độ đã phải
chấp nhận những nhượng bộ chưa từng thấy. Họ đã phải trả tự do cho những người
dân chủ, như Vi Đức Hồi, không những không nhận tội và xin khoan hồng mà còn
dõng dạc tuyên bố tiếp tục đấu tranh. Họ đã phải chấp nhận sự hiện diện ngày càng
đông đảo và sắp thành áp đảo của những người -chủ yếu là những thanh niên nghĩa
là tương lai tức khắc của đất nước- công khai phản bác chế độ và khẳng định lập
trường dân chủ. Dân chủ không chỉ tất yếu mà còn đang đến. Chế độ độc tài toàn
trị đang sống những ngày lúng túng cuối cùng. Tất cả vấn đề chỉ là dân chủ sẽ
đến như thế nào, đến nhanh hay chậm, đến trong sự hỗn loạn của căm thù bùng nổ
hay trong hòa bình và trật tự của tình anh em tìm lại.
Vận hội lịch sử này đòi hỏi quyết tâm, sáng suốt và trách nhiệm. Để hiểu
rằng đấu tranh chính trị không bao giờ là đấu tranh cá nhân cả mà luôn luôn là
đấu tranh có tổ chức. Điều mà chúng ta cũng cần hiểu rất rõ là xây dựng
một tổ chức chính trị đòi hỏi, ngoài một tư tưởng chính trị và một dự án chính
trị đúng đắn, những cố gắng kiên trì trong nhiều năm trong đó mỗi người
phải vừa có quyết tâm và sự khiêm tốn cần thiết để hy sinh cái riêng cho cái
chung. Một tổ chức chính trị không thể thành lập một sớm một chiều và không
phải ai cũng có thể thành lập một tổ chức chính trị. Những manh động chỉ có tác
dụng đánh lạc hướng sự chú ý khỏi những cố gắng nghiêm túc và gây hỗn loạn thay
vì đóng góp cho cuộc vận động dân chủ, chúng không nên được khuyến khích.
Lời
cuối: Từ trước đến nay trong lịch sử nước ta đã chỉ có những
chế độ nô lệ. Những cuộc chiến tranh chống xâm lăng mà chúng ta tự hào trong
chiểu sâu cũng chỉ có mục đích thay thế một chế độ nô lệ ngoại bang bằng một
chế độ nô lệ bản xứ. Chúng ta chưa bao giờ là một dân tộc tự do. Ngày
nay chúng ta đang đứng trước hy vọng bước vào giai đoạn thứ hai của lịch sử,
giai đoạn của một nước Việt Nam dân chủ và của những con người Việt Nam tự do.
Chúng ta vẫn có quyền lạc quan. Đất nước dù rất thua kém nhưng không tuyệt
vọng. Tiềm năng dân tộc, con người cũng như tài nguyên thiên nhiên, còn rất lớn
và chỉ chờ đợi để được vận dụng một cách hợp lý. Chúng ta sẽ vươn lên mạnh mẽ
một khi rũ bỏ được ách độc tài này.
Kỷ niệm ngày 30/4/1975 là dịp để chúng ta nhân diện
cơ hội đang đến và quyết tâm đúng hẹn với lịch sử.
Nguyễn
Gia Kiểng
(30/4/2014)
(30/4/2014)
địt mẹ mày
ReplyDelete