Wednesday, 30 April 2014

NHỮNG THÁNG NGÀY NHIỄU NHƯƠNG (Phan Xuân Sanh - Da Màu)




29.04.2014

(Viết nhân tháng 4. Ngày biến đổi cuộc đời của dân tộc)


Phần I

Khi người Bắc di cư vào Miền Nam, tôi còn nhỏ lắm. Ba tôi và tôi đứng trên bơ sông Hàn, Đà Nẵng, nhìn chiếc tàu há mồm cập bến, những người trên tàu lũ lượt bước xuống và leo lên một dãy xe GMC chờ sẵn chở họ đi. Tôi hỏi Ba tôi họ là ai? Ba tôi trả lời một cách xúc động: “Đây là những người miền Bắc di cư vào Nam, vì họ không thể sống với chính quyền ngoài đó. Họ bỏ lại làng mạc quê hương, thật tội nghiệp”. Thú thật, tôi không ý thức được vì sao họ lại bỏ quê hương như vậy? Chính quyền làm gì mà họ phải kinh sợ đến mức phải từ bỏ làng mạc ra đi. Tuổi nhỏ, tôi không hiểu những điều mà Việt Minh gieo rắc cho nhân dân. Trên đường về nhà, tôi hỏi Ba tôi là trong quê mình, ai ai cũng thích Việt Minh mà sao người Bắc lại không thích? Ba tôi trả lời một cách đơn giản và làm những điều thắc mắc của tôi thêm rắc rối: “Khi nào lớn lên con sẽ hiểu”.

Tôi thích về quê làng Kim Bồng bên kia sông Hội An. Những đứa bé chăn trâu tập cho tôi hát: “Dân Liên Xô vui hát cánh đồng hoa…”. Hoặc các câu hát vẫn in sâu trong đầu tôi: “Muốn tăng gia mà không đánh giặc, thì thắng giặc nó cướp của ta. Muốn đánh giặc mà không tăng gia, lấy gì đâu nuôi quân đánh giặc…”. Tối lại, đám chăn trâu và thanh niên tập trung trước sân nhà nội tôi nhảy sol-đố-mì, vui hết biết. Những đêm múa hát thật hồn nhiên đã đậm nét trong tôi thời thơ ấu, đến nỗi khi học lớp mẫu giáo, cô giáo hỏi trong lớp ai biết hát đứng dậy hát cho cả lớp nghe. Tôi giơ tay tình nguyện hát: “Dân Liên Xô vui hát cánh đồng hoa…”. Cô giáo vội vàng bụm miệng tôi lại, các bạn trong lớp sảng hồn, chỉ có tôi là không biết đó là bài hát của Việt Minh. Chiều tan học về, cô giáo đi ngang qua nhà nói chuyện với Ba tôi. Tôi thấy mặt của Ba tôi biến sắc,xin lỗi cô rối rít rồi đưa cô ra ngõ. Khi quay trở vào, Ba gọi tôi tới hỏi bài hát đó ai bày cho con. Tôi trả lời là mấy đứa chăn trâu trong quê. Ba tôi cười nói với tôi, bài hát nầy của Việt Minh, còn bây giờ là Quốc Gia, hát mấy bài đó bị công an bắt. Ba tôi chỉ nói nhỏ nhẹ với tôi như vậy chứ không la rầy. Chính thái độ nầy làm cho tôi nhớ mãi hình ảnh hiền từ bao dung của ông. Sau nầy lớn lên những thằng chăng trâu trong quê chuyển ra thành phố thì có thằng còn sống, còn những thằng bám trụ “Dân Liên Xộ…” đi theo cách mạng, sau nầy chẳng còn thằng nào.

Lên trung học (khoảng đệ tứ, đệ tam) thỉnh thoảng tôi cũng về quê trong những ngày chạp kỵ. Tôi gặp mấy thằng chăn trâu khi xưa, lúc nầy chúng không bày tôi hát mà chúng rủ tôi tham gia cách mạng. Tôi lắc đầu từ chối. Chúng nói thao thao bất tuyệt về con đường cách mạng, sứ mạng phải giải phóng miền Nam để chống Mỹ cứu nước (Lúc đó chưa thấy mặt thằng Mỹ ra sao, mà đã dựng lên chiêu bài Chống Mỹ Cứu Nước thật tài tình). Tôi nghe chúng nó nói một cách hùng hồn, trình độ chưa học hết lớp ba trường làng mà ăn nói cứng cựa như vậy, tôi cũng bái phục. Vào thời đó Mỹ chưa tham chiến ở Việt Nam, hình như họ giăng chiêu bài nầy ra hơi sớm. Biết vậy, nhưng tôi nín khe không dám tranh cải lại, sợ mích lòng chúng nó, gây khó dễ cho tôi khi về quê chơi. Đến tối, Bà tôi căn dặn đừng giao du với mấy thằng đó, đừng nghe theo lời dụ dỗ của chúng. Tại sao Bà tôi biết mà chính quyền địa phương không biết? Sáng dậy tôi đem thắc mắc nầy hỏi ông anh con Bác tôi. Ông trả lời rằng gia đình chúng nó là cán bộ nằm vùng, bị chính quyền theo dỏi, nên muốn an thân, họ ,theo đạo Thiên Chúa. Được Cha (linh mục) che chở, do đó những gia đình nầy rất lộng hành. Tôi không ngờ quyền lực của quý Cha to lớn như vậy. Tôi ở Đà Nẵng học trường Công Giáo, quý Cha, quý Thầy có quyền hành gì đâu, hiền khô. Thế mà các Cha trong quê thì khác.

Sau nầy, khi nghe các người đi theo Cộng Sản, họ có nhiều lý do nhưng tôi biết chắc cái lý do mà họ không nói ra được là từ thuở bé họ đã thích cộng sản, máu cộng sản của họ đã thấm đẩm khắp thân thể, họ thấy gì của cộng sản đều đẹp, đều tốt. Đến khi công sản chiếm được miền Nam, lộ diện chân tướng, lúc đó họ mới bật ngữa. Vì quyền lợi, muốn ăn trên ngồi trước, họ không đủ can đảm từ bỏ những miếng ngon béo bở đã được thưởng công. Những người còn chút liêm sĩ thì âm thầm rút lui về nhà cùng với vợ con buôn bán sống qua ngày. Có người chịu đấm ăn xôi, gầm mặt rút tỉa miễn sao đầy túi, hả hê trên thống khổ của nhân dân. Nhưng đến một lúc họ cảm thấy xốn xang, lương tâm cắn rứt, lời ta thán của nhân dân làm cho họ bừng tỉnh, họ trơ nên chống đối lại chính quyền mà chính họ hết lòng phục vụ. Còn một loại người khác khi tại chức, họ thừa biết những sai trái, những áp bức do chế độ và đôi khi chính họ gây nên. Đến lúc về hưu không còn quyền hành trong tay, lời nói và việc làm của họ không còn giá trị, thì lúc đó họ nêu cao ngọn cờ tranh đấu để dân chúng biết là họ vì dân vì nước (trường hợp của Trần Độ, Lê Hiếu Đằng…) Ta tư hỏi sao còn tại chức họ không làm, để đến khi không có quyền lực, không còn ai nghe thì họ mới làm?

Tôi còn nhớ, mặc dù dưới chế độ Ngô Đình Diệm có những bất công, chèn ép dân chúng ở vùng quê miền Trung. Nhưng đất nước an bình. Về quê Bàn Thạch, quận Duy Xuyên, Quảng Nam, ở nhà người bạn tối đạp xe đi chơi dưới ánh trăng, thăm bạn bè những vùng lân cận, cảm thấy thật bình yên. Ở miềm Nam từ 1954 đến 1962 đất nước sống trong hòa bình thật sự mặc dù Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã thành lập từ năm 1960. Có lẻ những năm đầu họ chưa đủ sức quấy phá, dân chúng lúc đó hưởng được những năm thái bình. Chúng tôi lớn lên, khi hiểu được giá trị an lành trong cuộc sống, thì chiến tranh bắt đầu gây đổ vỡ chia lìa cho từng mạng sống, cho từng gia đình. Chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, quân đội nhúng tay điều khiển chính trị. Nạn bè phái, phe đảng. Để củng cố quyền hành, tham quyền cố vị,, họ thăng quan tiến chức lẫn nhau cho những người cùng phe cánh bất chấp dư luận quần chúng. Chiến tranh mỗi ngày một lan rộng, thanh niên hàng hàng lớp lớp ra chiến trường, nướng vào lò lửa chiến tranh. Họ bất cần mối đe dọa từ Phương Bắc, đảo chính, chỉnh lý thay ngôi đổi vị, làm cho người dân mất tin tưởng vào chế độ. Dân chúng, sinh viên, học sinh biểu tình. Công giáo, Phật giáo đứng lên đòi những yêu sách cho tôn giáo họ. Lúc đó họ đâu biết sau lung những tổ chức nầy cán bộ Cộng Sản đã trà trộn, giựt dây biến cuộc chiến chống xâm lăng của Miền Nam trở nên yếu kém. Sau 1975, những bộ mặt nằm trong các tổ chức tranh đấu, quấy phá đều lộ diện, họ là những cán bộ của Việt Cộng. Quý Cha, Quý Thầy trước đây hăng hái kêu gọi biểu tình bây giờ mới vỡ lẽ thì đã muộn. Tất cả những nguyên nhân lớn nhỏ kéo Miền Nam mau sụp đổ, trước hết là chính quyền Miền Nam. Không dốc toàn lực vào cuộc chiến, mà mãi lo bảo toàn chiếc ghế ngồi vững chắc, thanh toán những đảng phái chống Cộng của toàn dân mà dành quyền đó cho bè nhóm của mình. Phải công tâm mà nói, mặc dù chiến tranh tàn khốc, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã mang lại cho người dân ánh sáng tự do, không sợ sệt công an mật vụ rình rập như thời Ngô Đình Diệm. Sau 30 tháng 4, năm 1975. Những cán bộ nằm vùng lánh nạn, núp bóng dưới dù che của Công Giáo đã phô bày bộ mặt thật. Họ đem tượng Chúa trên bàn thờ vất đi, thay vào đó hình của Hồ Chí Minh.. Dân chúng ngao ngán, khi thấy những người luồn lách, dưới chế độ nào họ cũng ngồi trên đầu trên cổ mình.

Nhìn lại những năm tranh đấu Miền Trung, những người lãnh đạo các phong trào nổi dậy của học sinh, sinh viên, phần đông bây giờ họ là những cán bộ Cộng Sản. Các phong trào nầy nắm dưới sự lãnh đạo của Phật giáo. Nói cho cùng cũng có người klhông phải Cộng Sản. Họ tự nhận mình là thành phần thứ ba (tức thành phần hòa hợp, hòa giải dân tộc). Nhưng ai chấp nhận cho họ đứng giữa? Trong lúc chiến tranh khốc liệt, chính họ là con rối đắc lực giúp cho kẻ thù lớn mạnh, làm chính quyền Miền Nam mau sụp đổ. Khi hòa bình họ riu ríu tuân hành chính quyền cách mạng, ai trong họ đủ can đảm đứng ra hòa giải với Cộng Sản? Gần bốn chục năm sau có người vẫn cỏn tin rằng đường lối đó đúng. Chúng tôi những đứa học sinh hăng hái, tin vào những người cầm đầu các phong trào tranh đấu, lãnh đủ lựu đạn cay, dùi cui của Cảnh Sát. Chúng tôi hoàn toàn không biết đi biểu tình như vậy phục vụ cho ai? Tuổi trẻ của chúng tôi vô tư trước những mưu toan giảo quyệt của kẻ khác. Chúng tôi đâu ngờ chính chúng tôi đã vô tình tiếp tay với Cộng Sản gây xáo trộn, giật sập chế độ Miền Nam sau nầy. Cũng may, để bù lại những việc làm thiếu suy xét thời mới lớn, chúng tôi sau nầy bước vào quân đội, xương máu chúng tôi đổ xuống chiến trường trong những năm khốc liệt nhất.

Trong đời sống nhiễu nhương lúc ấy mà tôi chứng kiến tại Đà Nẵng. Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, người dân oán ghét phong trào “Cần Lao Nhân Vị”.Trong những ngày đó người biểu tình đi đập phá các cửa tiệm mà họ cho là thuộc thành phần “Cần Lao”, đúng hay không ai biết được? Phần đông những nhà bị đập phá thuộc thành phần Công Giáo. Chính quyền bó tay không can thiệp. Chỉ cần nghe người nào đó bảo gia đình nầy là Cần Lao, thì lập tức dân chúng lao vào đập phá. Sản nghiệp của họ buôn bán gầy dựng mấy chục năm, trong phút chốc tiêu tan. Họ say máu kéo nhau đi khắp phố, chủ yếu nhắm vào những nhà giàu là người Công Giáo.

Sau đó thì họ kéo tới làng “Thanh Bồ – Đức Lợi”, nơi nầy phần đông làm nghề đánh cá của người Bắc di cư, họ là những người Công Giáo thuần thành, sống tập trung quanh nhà thơ để sớm hôm đọc kinh cầu nguyện. Đoàn biểu tình tấn công nơi nầy, chuông nhà thờ trong làng hàng loạt rung lên cầu cứu. Đứng bên ngoài nghe chuông nhà thờ hối hả rung lên trong vô vọng, thật đau lòng. Họ bắt được một người đàn ông trong làng đánh đập người nầy đến chết rồi treo cổ lên cây trụ điện. Một hành động dã man mà tôi đã chứng kiến, người biểu tình reo hò. Thật là khủng khiếp. Tội của họ là người Công Giáo, chỉ đi đánh cá kiếm sống và thờ phượng Chúa, vậy mà ghép họ là Cần Lao. Kể lại chuyện nầy người dân Đà Nẵng cảm thấy xấu hổ. Ai đứng ra chịu trách nhiệm một việc làm tồi tệ như vậy? Những người lãnh đạo phong trào Sinh Viên – Học Sinh tranh đấu thuở ấy có biết được sau lưng họ là ai không? Cố tình gây xáo trộn, chia rẻ quần chúng để đạt được mục đích sau nầy.

Từ đó về sau tôi tránh các cuộc biểu tình như chống đối “Hiến Chương Vũng Tàu” của tướng Nguyễn Khánh, Chống đối “Thiệu Kỳ” do Phật Giáo tổ chức xuống đường v.v.. Lúc đó tuy còn rất trẻ nhưng tôi ngao ngán quá và cảm thấy mệt mỏi. Tôi nhận ra rằng thanh toán nhau, giết hại nhau cũng chỉ làm theo “mệnh lệnh” vô hình, núp trong bóng tối. Các đơn vị quân đội Miền Trung của hai thành phố Huế và Đà Nẵng tách ra riêng không chịu sự chỉ huy của Bộ Tổng Tham Mưu của Chính phủ Sài Gòn. Báo chí có tờ “Lập Trường” của Sinh Viên và Giáo Sư Đại Học Huế. Những tờ báo từ Sài Gòn như “Đứng Dậy” và “Đối Diện” của các Linh Mục Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín, đã kể xấu chế độ Sài Gòn, tung hô Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Tình trạng đất nước quá nhiễu nhương, giặc trong giặc ngoài tấn công tới tấp làm sao chế độ Miền Nam không mau sụp đổ. Chính quyền Trung Ương do hai ông Thiệu-Kỳ thì tranh giành quyền lợi đưa tới tình trạng rạn nứt trong quần chúng và Quân Đội.

Bây giờ mỗi lần đến tháng tư, các đài truyền hình Mỹ chiếu lại hình ảnh ông Kỳ và vợ, mặc đồ bay màu đen, trên cổ choàng một cái khăn đỏ, bên hông mang cây súng. Nhìn lại ta cảm thấy thật xấu hổ, đất nước đang lâm nguy, chiến tranh tràn lan, mà có một người lãnh đạo quốc gia như một tên cao bồi, dùng máy bay phục vụ cho chiến trường, chở vợ đi du hí Thái Lan. Tôi không hiểu khi còn sinh thời, ông Kỳ thấy hổ thẹn không? Nhìn những vị lãnh đạo của các nước thấy họ chửng chạc lịch sự, ăn mặc đàng hoàng, đi đứng trang nhã. Còn lãnh đạo của mình như một tên hề trình diễn trên sân khấu, múa may vụng về. Thật bất hạnh cho một đất nước mệnh danh là có truyền thống lễ giáo. Thế mà sau nầy có một số đàn em thuộc Không Quân còn tôn thờ ông như ông Thánh. Nghĩ cũng tức cười. Cho nên đất nước rơi vào tay Cộng Sản cũng bởi vì những con người như thế nầy, thì đừng nên trách Mỹ bỏ rơi. Chính chúng ta là những người lãnh đạo đất nước, mà không giữ được đất nước thì Mỹ có viện trợ thêm vào, cuộc chiến chỉ kéo dài thêm, binh sĩ và dân chúng càng chết nhiều thêm. Cuối cùng vẫn nước mất nhà tan.

Cái bất hạnh của Miền Nam là những người lãnh đạo đều bất tài. Ông Ngô Đình Diệm chỉ huy đất nước, không mang tính đoàn kết dân tộc, ông trừ khử những đảng phái chính trị chống Cộng không theo đường lối của ông. Vế sau Quốc Dân Đảng và Đại Việt không chịu nỗi phải ly khai, lập chiến khu vừa chống ông mà cũng vừa chống Cộng. Ông nặng lòng với gia đình và tôn giáo của ông nên dân chúng bất mãn. Điều khiển một đất nước mà ông lại xử sự như một gia đình, xem thường kẻ dưới quyền, duy trì thói quan liêu của một vị “Thượng Thư” của Triều Đình. Lúc mới lên cầm quyền, nhân dân tin vào ông, một lòng một dạ với ông. Dần dần về sau ông biến chứng, ông để gia đình và tôn giáo của ông lộng hành. Tình trạng “kiêu binh”(chữ của Tạ Chí Đại Trường) của thành phần nầy bức bách dân chúng. Nên cuối cùng ông trả một giá rất đắt cho cuộc đời của ông.

Chế độ của Nguyễn văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ lên nắm quyền thì chiến tranh leo thang, khốc liệt. Mỗi đêm những thành phố lớn nhỏ của Miền Nam lãnh đủ đạn pháo kích của Việt Công, người dân ngao ngán, mệt mỏi. Trên chính trường thì hai ông kèn cựa dành giựt nhau, gây đổ vở. Mới mất Buôn Mê Thuộc, Tổng thống đã hạ lệnh rút quân, làm cho hàng ngũ tan rã. Dân chúng kéo nhau chạy loạn, các cấp chỉ huy lớn dùng phương tiện sẵn có chạy trước, để lại cảnh hổn quân hổn quan. Dần dần Miền Trung cũng ở tình trạng nầy. Chúng ta mới biết cấp lãnh đạo không theo sát tình hình, ra một mệnh lệnh để Miến Nam nhanh chóng sụp đổ. Chúng ta cảm thấy tức tưởi vì Cộng Sản lấy Miền Nam rất dễ dang, không tốn phí nhiều nhân lực.

Ai thắng cũng được, miễn sao ngưng ngay tiến súng, ngưng ngay sự chém giết nhau. Ai ai cũng nghĩ rằng hòa bình rồi, anh em hai bên cùng nhau xây dựng đất nước, vá lại vết thương bao năm tàn phá. Thế nhưng suy nghĩ đơn giản của nhân dân hai miền không thực hành được. Kể chiến thắng phương Bắc đã bắt đầu thực hiện nghị quyết sắt máu trên đầu nhân dân, đày những người thua trận vào tù, đày đọa cả một dân tộc đến khánh kiệt./

(Còn tiếp một kỳ nữa)
Houston, 15 tháng 4 năm 2014
Phan Xuân Sinh

*

30.04.2014

Phần II

Khi Buôn Mê Thuộc mất, tôi đã biết Miền Nam sẽ không giữ được. Báo chí Sài Gòn tường thuật lại những cảnh chạy loạn của Cao Nguyên. Những con đường từ cao nguyên nối liền với đồng bằng, người chạy loạn nhiều vô kể, vợ con của lính, các gia đình lánh nạn cộng sản. Rồi tiếp theo những tỉnh Miền Trung mất. Lính tráng ngoài mặt trận đổ vào các thành phố, cướp bóc hãm hiếp gây cho người dân vô tội biết bao khốn khổ. Những chiếc tàu của Hải Quân chở người chạy loạn từ Miền Trung vào Sài Gòn thật khủng khiếp. Trên tàu những tên lính đầu trâu mặt ngựa hiếp đáp dân chúng, trấn lột dân chúng. Những cảnh như thế nầy bao nhiêu năm qua nhớ lại chúng ta vẫn còn thấy rợn người. Các cấp chỉ huy đành bó tay để cho những tên vô loại lộng hành. Chúng ta phải thành thật thú nhận rằng lý tưởng cao quý của chúng ta bị những phần tử vô loại nầy bôi bẩn. Những người đã từng đi trên các chuyến tàu di tản nầy, thì không bao giờ quên cảnh tượng thảm khốc do những quân nhân vô kỷ luật gây nên, đến nỗi tàu không được vào Vũng Tàu phải chạy ra Phú Quốc. Dĩ nhiên thành phần nầy bị dân chúng tố cáo, bị trừng trị. Tuy nhiên chúng ta phải nghiêm chỉnh xét lại, tại sao những người lính quốc gia trong lúc nguy biến, không giúp nhau mà lợi dụng tình thế rối ren cướp giựt, hãm hiếp người dân vô tôi. Làm sao chúng ta thắng được khi trong hàng ngũ của chúng ta có những thành phần như vậy. Ông anh của tôi, Đại Úy thuộc Tiểu khu Quảng Nam. Ông đi trên chuyến tàu từ Đà Nẵng vào Sài Gòn, ông bị vài người lính mặc đồ hoa trên tàu trấn lột. Họ bắt ông đứng lên cho họ lục xét. Họ lấy hết đồng hồ, nhẫn cưới, tiền bạc, nghĩa là trong người ông không còn một cái gì cả. Cuối cùng họ bắt ông cởi đôi giày đang mang đưa cho họ vì họ thấy đôi “botte de saut” tương đối còn tốt. Ông nói với tôi tất cả những người trên tàu đều bị lục xét như ông, ai không tuân hành bị họ ném xuốn biển. Những ngày đó báo chí Sài Gòn tường thuật lại những cảnh tượng mà đồng bào di tản gánh chịu, người dân Sài Gòn phải rơi nước mắt.

Những ngày trong tháng 4.1975, quân nhân và dân chúng từ các tỉnh Cao Nguyên và Miền Trung đổ vào Sài Gòn. Trên đường phố người đi tìm người, khuôn mặt dáo dát thất thần. Các đơn vị đồn trú trong thành phố được lệnh mở cửa cho đồng bào và quân nhân các tỉnh chạy về được tạm cư ngụ. Khi quân Cộng Sản Bắc Việt tiến sát vào thủ đô, các đơn vị bên ngoài không ngăn được, một phần vì mất tinh thần, một phần vì thấy quân Cộng Sản nhiều vô kể, tấn công tứ bề nên phần đông bỏ hàng ngũ. Mà thật tình nếu chống cự thì Sài Gòn nằm trong tầm pháo của đại bác, dân chúng sẽ tắm máu. Bài học “pháo kích” trước đây dân chúng đã từng hứng chịu, thì ai còn tin được Sài Gòn không bị tắm máu? Vì vậy để tránh cho dân chúng khỏi bị chết oan, ông Dương Văn Minh phải đầu hàng. Tôi nhìn lại sự việc bằng cảm tính của mình, đúng sai lịch sử xét lại. Gần 40 năm mất Sài Gòn, nhìn lại sự việc chúng ta có nhiều sai lầm nên Sài Gòn mới mất vào tay Cộng Sản. Nếu biết được Cộng Sản áp dụng đường lối sắt máu với Quân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa một cách bạo tàn. Thì dù có chết chúng ta cũng không thể buông súng.

Khi đoàn quân Bắc Việt chiếm được Sài Gòn, Lần đầu tiên người dân Sài Gòn mới thấy quân đội Cộng Sản: nón cối, nón tai bèo, dép râu, quần áo thì lếch tha lếch thếch… Thế mà họ lại thắng được quân đội của chúng ta. Những chiếc xe tăng của Bắc Việt ủi sập cổng chính dinh Độc Lập Hình ảnh báo hiệu chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cáo chung, Những ngày đầu chúng ta nghĩ hòa bình sẽ mang lại cho chúng ta một cuộc sống thoải mái, ngăn cách sẽ được nối lại, vết thương sẽ được chữa khỏi. Người dân hai miền Nam Bắc cùng nhau xây dựng đất nước, cuộc sống thiếu thốn đói nghèo sẽ được khắc phục. Thế nhưng, chính quyền Cộng Sản không làm như vậy, họ áp dụng một đường lối vô sản sắt máu. Điều khiển không bằng pháp luật mà bằng nghị quyết của Đảng. Nhân dân tả tơi, tinh thần bị khủng bố. Những món ăn mà dân Miền Nam ói ra máu: Cải tạo Công Thương Nghiệp, đổi tiền, đánh tư sản và sĩ quan công chức chính quyền cũ được gọi là đi học tập cải tạo, mà thực chất là những trại tù trừng giới khắc nghiệt mà ngày về rất mù mịt. Từ khi chia đôi đất nước đến nay, người dân Miền Nam có một số bị nghèo nhưng chua bao giờ bị đói. Chính quyền mới chưa thấy mang lại điều gì tốt, chỉ thấy đói triền miên.

Lê Duẩn trong kỳ đại hội đảng tuyên bố: “Yêu nước l;à yêu chủ nghĩa xã hội”. Trường Chinh trên đài phát thanh Hà Nội:”Ngụy quân, ngụy quyền sẽ bị nhốt lâu dài..” Còn ông Tôn Đức Thắng vào thăm Sài Gòn hô to khẩu hiệu: “Tiến nhanh tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ Nghĩa Xã Hội”. Bất kể sự gào thét của các ông, làn song vượt biên của dân chúng Miền Nam ố ạt tiến ra biển, không sợ hiểm nguy bỏ thân ngoài biển cả, rừng sâu. Miễn sao họ vượt thoát ra khỏi đất nước. Khao khát hòa bình chờ đợi bấy lâu tiêu tan, người dân ai cũng muốn bỏ chạy. Đánh thức cả thế giới về hiểm họa cộng sản, thức tỉnh nhiều người đã từng có cảm tình với đường lối Mac-Le. Các trại tỵ nạn của các nước Á Châu đầy nghẹt thuyền nhân. Đủ biết cho thế giới thấy sự thật của chế độ Cộng Sản.

Trước hết chính quyền quản lý bao tử của nhân dân, gạo và thực phẩm khác được mua bằng tem phiếu. Xe đạp là phương tiện duy nhất của người dân đi lại, quản lý nhân sự bằng hộ khẩu. Chính sách kinh tế mới dành cho “Ngụy Quân, Ngụy Quyền” đuổi họ ra khỏi thành phố. Những gia đình của chế độ cũ được phân biệt như loại công dân hạng hai chỉ có “nghĩa vụ” chứ không có “quyền lợi”.Tham nhũng của cán bộ đã lột sạch tài sản của quần chúng, tệ nạn nầy là vấn nạn trầm kha của chế độ Cộng Sản, từ đám chóp bu đến đám tép riu, đều làm giàu trên xương máu quần chúng bất kể liêm sĩ, nhân cách. Xe đò không có xăng chạy phải cải biến xe chạy bắng than. Tình trạng đất nước lùi lại gần 50 năm, đứng hạn chót trong các nước Châu Á.

Những năm đầu của Giải Phóng, người dân Miền Nam nếm liên tục từ khổ đau nầy sang đau thương khác. Thương nghiệp nhà nước dành quyền buôn bán. Công Nghiệp nhà nước tịch thu các nhà máy tư nhân dành quyền quản lý. Đồng ruộng phải vào Hợp Tác Xã, người nông dân thiếu ăn, sống cơ cực. Nghĩa là người dân sống tận cùng của sự nghèo khổ. Tôi ở gần nhà một cán bộ cao cấp, ông đi tập kết để lại vợ và người con trai. Gia đình ông sum họp, hạnh phúc. Tiêu chuẩn thực phẩm của ông rất cao, ngoài tiền lương và thực phẩm nhà nước cung cấp, ông không còn nguồn lợi nào khác. Ông lại là người trong sạch, nên phải bán bớt nhu yếu phẩm cao cấp của ông để chi tiêu trong gia đình. Mỗi tháng vợ ông đem qua nhà bán cho tôi bơ, sữa, thuốc lá, thịt v.v…vì vậy tôi mới biết cán bộ cao cấp họ có tiêu chuẩn ăn uống riêng. Hồi đó bơ sửa là một thứ xa xí phẩm thời bấy giờ mấy ai có tiền để mua? Người dân ăn cơm độn bo bo, khoai, sắn, trường kỳ. Những gia đình nào có thân nhân ở ngoại quốc, đươc lãnh quà thì cuộc sống của họ thong thả hơn một chút.

Năm 1985, tôi có dịp ra Hà Nội, mười năm thống nhất, hòa binh, cuộc sống người dân Hà Nội vẫn chưa thấy tiến triển. Đường phố chỉ thấy toàn xe đạp, thỉnh thoảng thấy mới có một chiếc gắn máy từ trong Nam đem ra. Nhà cửa chật chội không đủ tiện nghi rất dơ bẩn. Mọi người đều mặc áo quần một màu ô liu giống nhau. Tôi đi qua các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh v.v..nhà cửa phố xá bị bom vẫn chưa xây dựng lại. Có những khu phố toàn nhà tranh vách đất Người dân ngoài đó thấy người trong Nam ra, họ nhìn như trông thấy một người khách ngoại quốc, thật tội nghiệp. Trên những cánh đồng, dưới sức nóng của mùa hè, những người làm ruộng phải mặc áo tơi (một loại lá buông) vì họ không đủ quần áo. Tôi muốn kể về chuyến đi nầy để thấy rằng sau mười năm giải phóng, đời sống người dân Miền Bắc vẫn thua xa Miền Nam. Cho nên không lạ gì cái cảnh “Vào-vơ-vét-về” là như thế. Họ thấy hàng hóa, đồ đạc của Miền Nam mà họ có đi ra các nước Xã Hội Chủ Nghĩa anh em cũng không có được như vậy. Ngườii dân Miền Nam đã định nghĩa danh từ Bộ Đội một cách mỉa mai nhưng rất thực tế như sau. Bộ là đi bộ từ Bắc vào Nam. Đội là đội của cải tứ Nam ra Bắc. Các người bạn văn nghệ Miền Bắc rủ tôi về Hà Nội chơi, để biết rằng Hà Nội bây giờ còn hơn cả Sài Gòn, Tôi cũng biết thế, bộ máy quyền lực nằm tại Hà Nội nên phần đông họ đi ra ngoại quốc, cho con cái du học các nước văn minh nhiều hơn dân Sài Gòn. Có một điều trong thâm tâm họ biết rõ hơn ai hết là phần đông dân ngoài đó keo kiệt, ích kỷ, trong lúc dân Sài Gòn rộng rãi và dễ thương hơn nhiều. Gần 40 năm sau người dân Miền Bắc nói chung vẫn chưa bắt kịp đời sống của dân Miền Nam.

Bao nhiêu năm sống dưới chế độ Cộng Sản, người dân có một lối xử sự cũng khác. Họ nhìn nhau soi mói ganh tị. đi trên đường xe chen lấn xe, người chen lấn người, tạo nên hỗn độn, mất trật tự. Cái cảnh dân chúng đội đơn đi kiện những cán bộ quyền thế, hiếp đáp, lấy đất của dân bồi thường không tương xứng. Chẳng có cơ quan nào tiếp họ, nhưng họ vẫn đứng ngày nầy qua ngày khác. Thật tội nghiệp. Đường phố nhỏ nhưng xe cộ quá nhiều, cướp giật ngoài đường phố lộng hành. Sài Gòn trời nắng thì bụị bặm mù mịt, còn mưa thì lội nước bì bỏm rất trở ngại cho cuộc sống của người dân.

Ông Nguyễn Văn Linh nhận thấy sự bi đát của đất nước, sự bóp nghẹt văn nghệ sĩ. Các lãnh tụ có cơ hội nhìn ra nước ngoài, họ phải thay đổi đường lối, mở cửa thì mới có hy vọng sống còn, văn nghệ sĩ được cởi trói. Họ tuyên bố theo chính sách kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Không biết đó là thứ gì nghe lạ tai quá. Thôi kệ, không cần những mỹ từ vô căn cứ đó. Miễn sao người dân cảm thấy thoải mái, đời sống được nâng cao, quyền tư hữu được bảo đảm là tốt rồi. Về thăm lại đất nước chúng ta có cảm tưởng thoải mái hơn trước nhiều, các tệ nạn “trấn lột” vẫn còn nhưng ít hơn và không trắng trợn công khai như hồi trước. Bộ máy Chính Quyền theo chủ nghĩa Cộng Sản có danh mà không có thực, họ vẫn duy trì để được hưởng quyền lợi béo bở. Nên họ níu lấy nhau để tồn tại, chứ thực chất người dân chẳng quan tâm tới. Tuy nhiên chúng ta chứng kiến trước mắt khi về nước là bộ mặt đất nước đã thay đổi nhiều, người dân dễ thở hơn, cuộc sống được nâng cao. Ngày xưa chỉ có vua mới có cảnh cha truyền con nối, Còn các quan lớn con cái của họ muốn làm quan phải học hành thi cử đàng hoàng, con đường hoạn lộ của họ tùy thuộc vào khả năng chứ không nhờ bóng dáng cha ông họ. Còn bây giờ dưới chế độ Cộng Sản là cán bộ cao cấp sắp sẵn chức vụ cho con cái mình, tiếp tục lãnh đạo quần chúng, người dân dù có bằng cấp cỡ nào cũng đứng xa, đừng hòng bén mãn tới gần các chức vụ lãnh đạo. Nhìn Trung Cộng, Bắc Hàn y hệt như Việt Nam cha truyền con nối vào những chức vụ then chốt của chế độ. Chúng ta mới thấy những người tranh đấu trong nước thật dũng cảm. Họ biết việc làm của họ trăm ngàn phần khó khăn, họ không thể xô nỗi ngọn núi vững chắc của chế độ nhưng họ vẫn kiên trì. Hết lớp nầy tới lớp khác đứng lên. Tù tội khắc nghiệt vẫn không làm cho họ nản chí. Đó là những con người chúng ta phải trân trọng.

Đây là một ký ức của cá nhân tôi, có thể đụng chạm tới nhiều người, mích lòng nhiều người. Sự việc của quá khứ đã xẩy ra trong một thời kỳ nhiễu nhương của đất nước. Tôi viết trung thực của sự việc với cái nhìn khách quan, không có chủ đích bài bác ai hay hạ nhục ai. Tuy nhiên cũng không thể tránh khỏi những sai lầm hay làm khó chịu cho một số người đọc. Kính mong quí vị lượng tình tha thứ.

Những sự việc đã qua gây nên những cơn đau của đất nước, lẽ ra những người cầm quyền sau nên tránh vết xe cũ. Lại tạo thêm những bất công, những chèn ép để đoạt lợi, giữa một đời sống văn minh mà người đứng ngoài đất nước cảm thấy khó chịu, nhưng không giúp gì nhau được. Tôi đã sống qua 15 năm dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa đã thấy những bất công, những bóc lột trắng trợn hiện vẫn còn tiếp diễn, mà kẻ phạm tội chính là những cán bộ từ trên xuống dưới. Người dân là những nạn nhân của cái thể chế áp bức đó. Tôi mong rằng một ngày gần đây người dân sẽ thoát ra khỏi gọng kèm oan nghiệt nầy./

Houston, ngày 23 tháng 4 năm 2014
Phan Xuân Sinh


No comments:

Post a Comment

View My Stats