Ngày: 30 / 04 / 2014
26 April 2014
Tôi về lại Nam Cali tuần rồi. Chạy qua con đường
Bolsa ở Little Saigon để đến tiệm phở với vài người bạn Mỹ, ai cũng trố mắt
nhìn cờ xí bay ngập trời (dĩ nhiên là cờ vàng 3 sọc đỏ) và dọc vỉa hè là những
triển lãm hình ảnh về tội ác của “bên thắng cuộc”. Tôi chắc chắn rằng cách đây
nửa vòng trái đất, tại Saigon và các thành phố lớn của Việt Nam, một hình ảnh
ngược lại đang ngự trị: đại lễ ăn mừng chiến thắng mùa xuân, cờ đỏ sao vàng
ngập phố hẽm và trên TV, những tội ác của Mỹ Ngụy được phát sóng hàng giờ cùng
những bài diễn văn ca ngợi đảng quang vinh.
Hai thái cực này không nói lên điều gì ngoài việc
cuộc chiến Bắc Nam vẫn âm thầm tiếp tục sau 39 năm. Chỉ có một khác biệt là cả
2 phe đều muốn kéo Mỹ về phía mình. Và trong khi miền Bắc học được vài ba bài
học về chuyện anh em với xứ của 16 chữ vàng (xem hồi ký của Krushchev trên
trang này); dân miền Nam cũng biết rõ hơn về “cam kết” của ông đồng minh gọi là
tư bản Mỹ.
Những bài học quá đắt cho hơn 3 triệu sinh mạng và
cả chục triệu mảnh đời tan nát vì chiến tranh “proxy” của các cường quốc. Những
chính trị gia và gia đình thì dĩ nhiên hưởng lợi trong mọi tình thế, dù phục vụ
ông chủ nào, dưới bất cứ hình thức nào. Trong khi đó, xứ sở bị tụt hậu khoảng
80 năm so với các nước láng giềng, và thu nhập của người dân tụt xuống gần cuối
bảng của Á Châu. Niềm hãnh diện duy nhất của Việt Nam hiện nay là thuộc hàng
top ten trên thế giới về lượng tiêu thụ bia rượu và thuốc lá nhiều nhất cho mỗi
đầu người.
Độc lập, tự do, hạnh phúc chỉ hiện hữu trên giấy tờ,
biểu ngữ… và dành cho vài phần trăm dân số. Đại đa số người dân âm thầm chịu
đựng, trong thời chiến cũng như thời bình, an phận làm những con tốt thí trong
một bàn cờ họ không quan tâm và không hiểu nổi. Tệ nhất là một nền văn hóa giáo
dục xuống cấp trầm trọng, ngay cà các lãnh đạo cấp cao của đảng CS cũng phải
thừa nhận.
Và cứ thế 39 năm trôi qua, và có lẽ 39 năm sắp tới
cũng sẽ sao y nếu không có một hay hai “con thiên nga đen” nào. Tháng 4 sẽ vẫn
“đen” dù “đỏ”.
Thực sự cá nhân tôi thì đã quên biến cố dâu biển
ngày 30/4/1975 ngay vài ngày sau đó. Nặng gánh vợ con, tôi phải tíu tít đi kiếm
việc làm để gia đình sinh tồn tại một xứ Mỹ bận rộn vì cạnh tranh. Tôi không có
cái luxury để phân tích chính trị lịch sử hay dự đoán về tình hình kinh tế xã
hội của một quê hương đã bỏ lại ngàn dặm. Nhưng sau vài năm ổn định cuộc sống
vật chất, tôi lại phải đối mặt với bao nhiêu nhắc nhở từ một quá khứ mà mình
nghĩ đã an táng dưới mộ sâu. Nào chuyện bạn bè bà con vượt biển đang nằm ở Mã
Lai, Phi…chờ bảo lãnh; nào chuyện người trong nước viết thơ hàng ngày xin cứu
trợ; nào chuyện các tổ chức thiện nguyện cần người làm trong những ngày nghỉ để
hổ trợ cho người mới đến….
Trên hết, chuyện Việt Nam vẫn chiếm những cột báo
ngay trang đầu: lần này thì chuyện thuyền nhân, chuyện chiến tranh với Trung
Quốc, với Kampuchia, chuyện các tay phản chiến ngày xưa phản tỉnh như Joan
Baez, J.P. Sartre, Trương Như Tảng…Không ai để cho tôi quên “ngày xưa”; nhất là
những cuộc biểu tình rầm rộ khắp thế giới của 2 bên “thua’ và “thắng” vào mỗi
tháng tư.
Sau đó, tôi có dịp quay về Á Châu làm ăn; do đó,
thường xuyên về Việt Nam để “ăn chơi” (xin thú thật) và bù khú với các bạn mới
cũ hiện rất rảnh rang. Không tính làm ăn gì, nhưng tôi vẫn bị quê hương lôi
kéo. Sau khi mất vài ba triệu đô trong lần tháo chạy năm 1975, tôi lại mất thêm
vài triệu đô vào những đầu tư mới từ 2007. Tuy nhiên, tiền là “chuyện nhỏ”; và
tôi không có một mất mát gì về “nợ máu” của cả 2 bên. Cho nên, tôi không có lý
do gì để thù hận hay oán ghét ai, và cũng không có nhu cầu ganh tị vì nghĩ cá
nhân mình đã quá may mắn trong cuộc chơi “đen đỏ” này.
Tôi chỉ biết nhìn với cặp mắt buồn rầu về một quê
hương và dân tộc có đầy đủ điều kiện để “hóa rồng” nhưng chỉ vì vài lựa chọn
sai lầm, biến thành con giun đất. Và nếu thái độ của mọi người vẫn thể hiện như
đang thể hiện ngày 30/4 mỗi năm, thì tương lai con cháu trên quê hương này vẫn
“đen” dù “đỏ”.
Tôi tin là con người sáng tạo ra định mệnh của mình
qua tư duy, lựa chọn, hành động và thói quen. Nhưng mỗi năm vào tháng 4, tôi
vẫn buột miệng theo bạn bè “cái đất nước mình nó thế”.
Tôi có một người anh bà con xa, lớn tuổi hơn làm bác
sĩ tại Saigon trước 1975. Qua đây tị nạn, anh cố gắng đi học lại và sau 5 năm
nghèo khó, thi đậu bằng bác sĩ Mỹ và hành nghề lại ở Cali. Anh thành công và
tạo cho gia đình một cuộc sống khá sung túc. Nhưng chỉ được vài năm, thằng con
trai đầu mới vừa 18 tuổi, nghe lời bạn học khích bác, nổi giận và đâm chết một
tình địch. Nằm tù 16 năm, thằng bé ra tù và suy sụp hoàn toàn với ma túy và bạo
lực.
Trong khi đó, 4 em còn lại, ai cũng thành tài vẻ
vang với cách giáo huấn đầy đạo đức của một gia đình tử tế. Tuy nhiên, anh nói
mỗi ngày hai vợ chồng vẫn lưng tròng nước mắt và tan nát tim đau khi nghĩ đến
đứa con đầu bị “tai nạn”. Mỗi lần anh chị khóc, tôi chỉ biết ngồi im và buồn
rầu nhìn thảm cảnh. Và chợt nhớ lại quê hương ngàn dặm…
Có lẽ vì đại đa số người dân nơi đó vẫn chỉ là những
“kẻ thua cuộc” hay những người gặp “tai nạn”?
Alan
Phan
Xin
đọc thêm suy nghĩ của Alan Phan trong 2 bài này:
Lincoln
và Bên Thắng Cuộc
MacArthur
và Bên Thắng Cuộc
Bài
viết của Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải (Canada):
No comments:
Post a Comment