Nguyễn
Trần Sâm
28-4-2014
Ngày 30 tháng 4 năm ấy…
Tin “thắng lợi hoàn toàn” được loan trên đài phát
thanh và báo chí, làm những người dân miền Bắc, sau bao năm oằn mình chịu đựng
hy sinh, thấy lòng ngập tràn niềm vui không tả xiết. Thế là từ đây không còn
cảnh chia ly, đổ máu. Đất nước chắc chắn sẽ “đi lên ấm no hạnh phúc”, sẽ “xây
dựng lại hơn 10 hôm qua”…
Vào lúc đó, người dân Nam thực sự nghĩ gì, người
miền Bắc không biết rõ. Đa số cho rằng dân Nam cũng đón nhận “chiến thắng”
giống như mình, thậm chí vui hơn. Họ đã bao năm sống lầm than dưới ách cai trị
kép của “Mỹ-Ngụy”, ngày đêm trông chờ cái thời khắc này. Trừ một nhúm tay sai
đế quốc, trung thành với chế độ “ngụy quyền”…
Trên các đường phố và trong các xóm làng, những bài
ca chiến thắng liên tục vang lên qua hệ thống loa công cộng và trong các buổi
tụ họp ăn mừng. Không khí thực sự ồn ào náo động.
Nhưng ngay trong những ngày náo nức đó, tôi đã dự
cảm thấy một điều gì đó bất an.
“Hội toàn thắng náo nức đất nước
Ta muốn bay lên say ngắm sông núi hiên ngang
Ta muốn reo vang, hát ca muôn đời Việt Nam…”
Câu ca với những nốt nhạc ồn ào như muốn cố chứng tỏ
sự say sưa và tấm lòng yêu nước. Có cảm giác như nó được lý trí định hướng
nhiều hơn là xuất phát từ một tình cảm thực sự chân thành.
Và đây nữa:
“Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng…”
Dường như người ta đang vui thì bỗng chựng lại. Chợt
nhớ ra: vị lãnh tụ tối cao, linh hồn và biểu tượng của cuộc kháng chiến, không
còn. Vậy thì nên vui hết cỡ hay không? Vui quá thì có vẻ như không thương nhớ
người đã khuất. Không vui hết cỡ thì uổng quá. Bao nhiêu năm chịu đựng, đợi chờ…
Và thế là người nhạc sỹ thông minh liền nghĩ ra một cách để vui thật lực mà vẫn
không mang tiếng là bất hiếu. Ông nói: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại
thắng…” Ồ, hãy hình dung đi, dù không còn Bác mà vẫn như còn. Y như Người vẫn
đang ở ngay đây. Bởi Bác là bất tử. Làm sao Người lại chết được. Vậy còn lo gì
rằng vui quá thì như không nhớ thương Người. Hãy vui trong khi hát: “Như có Bác
Hồ…” Thế là an toàn. Thế là yên tâm tuyệt đối. Láu cá thật!
Tưởng chừng trong những ngày chiến thắng đó, niềm
vui và lòng yêu nước, yêu chế độ sẽ làm người ta say sưa cống hiến nhiều hơn.
Để xây dựng tương lai xán lạn cho dân tộc, trong đó có gia đình mình và bản
thân mình. Nhưng không!
Trong nhà máy, công xưởng, trong các cơ quan nhà
nước, không khí lãn công đậm đặc thêm. Thái độ trí trá, lười nhác trở nên tệ
hại hơn so với những ngày trước chiến thắng. Và kẻ nào thể hiện sự vô tư và
hăng say công việc, kẻ đó sẽ bị cười nhạo. Trước mặt thì: “Ô, ông anh (hay chú
em) tích cực quá đấy. Chắc sắp lên sếp.” Còn sau lưng: “Đồ ngu. Ăn gì mà làm
thật.”
Ở các cơ quan hành chính, nhất là “trên bộ”, sự uể
oải lười nhác (nhưng trịnh trọng!) càng thể hiện rõ hơn. Nhưng chỉ cần “thủ
trưởng” đi đến là lập tức thấy thái độ xun xoe săn đón và dáng vẻ tất bật của
cấp dưới liền.
Có một không khí giả dối bao trùm khắp nơi. Ngay sau
ngày chiến thắng.
Tôi có cảm giác lo lắng khi nghĩ đến cái tương lai
đang chờ phía trước. Và cũng cảm thấy thực sự lạc lõng giữa đám người…
Vài ngày hay vài tuần sau, trong một bài diễn văn,
nhà lãnh đạo tuyên bố: “Từ nay dân ta sẽ vĩnh viễn sống trong hòa bình và độc
lập tự do.” Khoảng một năm sau, Ông nói: “Đến năm 80, dân ta muốn khổ cũng
không được khổ.” “Phải phấn đấu trong vòng từ 10 đến 15 năm đuổi kịp và vượt
Nhật Bản.”
*
Ai có thể ngờ được rằng gần 40 năm sau ngày “thắng
lợi hoàn toàn” lại có hàng ngàn hàng vạn nông dân biến thành “kẻ thù của cách
mạng”, “tay sai các thế lực thù địch”.
Chẳng muốn nhắc lại những Cái Răng, Tiên Lãng, Văn
Giang,… làm gì. Nhưng chỉ mới cách đây ba-bốn ngày thôi, có lẽ để lập thành tích
chào mừng 30 – 4, vào ngày 25 vừa qua, tại Dương Nội, thuộc thủ đô văn hiến,
hàng ngàn chiến sỹ công an nhân dân, quân đội nhân dân đã đuổi bọn tay sai các
thế lực thù địch ra khỏi nhà, dùng máy xúc gạt và xúc chúng như những khối đất
đá, và bắt những kẻ “đầu têu” đem đi…
Phải chăng đây là sự tiếp nối của sự nghiệp cách
mạng mà chiến thắng 30 – 4 – 1975 chưa phải là “thắng lợi cuối cùng”?
NGUYỄN
TRẦN SÂM
No comments:
Post a Comment